Nhạc sĩ Nguyễn Đức và những nàng ca sĩ “tên Phương”: Phương Hồng Quế, Phương Hoài Tâm…

Trong làng văn nghệ Sài Gòn trước 1975, đi cùng với sự phát triển ồ ạt của tân nhạc, nhu cầu thưởng thức âm nhạc rất lớn, từ đó có nhiều lớp đào tạo ra sĩ ra đời, như lớp nhạc Lê Minh Bằng, Tùng Lâm, Bảo Thu, Ban Tuổi Xanh, lớp Nắng Hồng… và “lò” đào tạo Nguyễn Đức, nơi xuất thân của những ca sĩ nổi tiếng là Thanh Lan, Hoàng Oanh, Kim Loan và những nàng ca sĩ tên Phương: Phương Hồng Quế, Phương Hồng Ngọc, Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Hạnh…

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click
Nhạc sĩ Nguyễn Đức và học trò Phương Hồng Quế

Nhạc sĩ Nguyễn Đức nổi tiếng với “lò” đào tạo ca sĩ thật trẻ (thường dưới 13 tuổi), cho thực tập qua các ban Rạng Đông, Việt Nhi ở đài phát thanh.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức sinh năm 1930 quê ở Bạc Liêu. Năm lên 8 ông đã biết sử dụng mandoline, năm 15 tuổi có thể biểu diễn sử dụng 2 nhạc khí mandoline và harmonica cùng một lúc trong chương trình tuyển lựa tài tử trên đài phát thanh của Pháp.

Năm 1953, khi mới 23 tuổi, nhạc sĩ Nguyễn Đức đã bắt đầu dạy hát cho các em nhỏ, ông chọn ra những học trò ưu tú để lập ban nhạc thiếu nhi là Rạng Đông, đa số là các bé gái độ tuổi 12-13, ban Rạng Đông thường xuyên được đến đài phát thanh Pháp Á thu âm và phát thanh. Ngoài ra ông còn chọn 3 học viên xuất sắc nhất để thành lập ban Tam Vân (Bích Vân, Phước Vân và Ngọc Vân). Ban Tam Vân có lối trình diễn rất đặc biệt, vừa nhảy thiết hài (Claquette), vừa sử dụng maraccao, Guiero, Tambourin và hát ba bè.

Ban Tam Vân chính là thành công bước đầu trong sự nghiệp đào tạo ca sĩ của nhạc sĩ Nguyễn Đức. Tam ca này đã trình diễn trong các chương trình Đại Nhạc Hội và khiêu vũ trường tại Sài Gòn.

Song song với việc thành lập ban Tam Vân, nhạc sĩ Nguyễn Đức còn đào tạo thần đồng Phương Lan và ca sĩ Thanh Phong lúc ấy mới 12 tuổi. Sau này, chính nhạc sĩ Nguyễn Đức đã đưa Thanh Phong về hợp tác với Phương Đại và Duy Mỹ để thành lập Ban Sao Băng đã một thời vang tiếng trên Đài Phát Thanh và Đài Truyền hình Việt Nam trước 1975.

Năm 1960, nhạc sĩ Nguyễn Đức cùng với đài phát thanh quốc gia thành lập ban nhạc Việt Nhi, với thành phần từ ban Rạng Đông cũ và một nhóm các học viên mới. Thời điểm này ông đã có tiếng tăm nên các phụ huynh gửi con đến học nhạc ngày càng đông, cứ phát hiện ra em nhỏ nào có tiềm năng là ông đưa vào trong ban Việt Nhi để hát trên đài phát thanh.

Nhắc đến lớp nhạc Nguyễn Đức, ngoài những cô ca sĩ lừng danh là Hoàng Oanh, Thanh Lan, Kim Loan xuất thân từ lớp nhạc này, người ta còn nhớ đến những cô ca sĩ có nghệ danh bắt đầu bằng chữ Phương, như Phương Hồng Quế, Phương Hồng Hạnh, Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Ngọc. Có rất nhiều người đã thắc mắc về cách đặt tên này. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Nguyễn Đức đã đích thân kể một câu chuyện này trên đài RFA.

Đó là khoảng đầu thập niên 1960, ông có học trò tên là Phương, 12 tuổi, xinh đẹp và hát rất hay, là học trò mà ông vô cùng yêu mến. Một hôm Phương xin phép thầy về nhà ở Đà Lạt thăm cha mẹ, 2 tuần sau sẽ trở lại. Tuy nhiên chỉ 1 tuần sau đó thì ông được cha mẹ của Phương gọi báo tin rằng Phương đã mất đột ngột vì bịnh thương hàn. Nhạc sĩ Nguyễn Đức vô cùng đau xót, nên đã đặt tên Phương cho các học viên nữ ưu tú xuất hiện vào giai đoạn đó.

Lò nhạc Nguyễn Đức là một trong những lớp nhạc nổi tiếng và đào tạo ra nhiều ca sĩ nổi tiếng nhất. Ông cho biết là thích nhận dạy người nào chưa từng biết đến ca hát. Phương pháp dạy nhạc của ông là dạy cách phát âm thật chuẩn trước, vì theo ông hát rõ chữ thì mới thu hút được cảm quan người nghe. Sau đó ông hướng dẫn về ký âm pháp, tối thiểu phải biết nốt nhạc, nhịp phách, trường canh để giữ nhịp cho thật đúng, dạy cách đi đứng trên sân khấu, điệu bộ, cách nói, chào hỏi và cám ơn khi giao lưu với khán giả. Ngoài ra nhạc sĩ Nguyễn Đức cũng nói rằng ông dạy hát ở tất cả các thể loại nhạc, từ nhạc vàng, nhạc trẻ, nhạc quê hương, nhạc kích động…, và dạy cho học trò hát được giọng của cả 3 miền. Có thể thấy 2 ca sĩ Thanh Lan và Hoàng Oanh, dù tham gia ban Việt Nhi trong thời gian không lâu nhưng là những học trò xuất sắc nhất của Nguyễn Đức. Nếu như Thanh Lan thành công ở hầu hết các thể loại nhạc khác nhau, thì Hoàng Oanh là nữ ca sĩ có giọng hát đa dạng, được yêu thích khi hát bằng giọng của cả 3 miền Bắc Trung Nam.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức và 2 học trò, người bên trái là danh ca Hoàng Oanh

Sau khi lập ban Việt Nhi, nhạc sĩ Nguyễn Đức cũng lập thêm ban Giờ Nhi Đồng, cả 2 qui tụ khoảng 40 ca sĩ “nhí”. Về sau, vì số lượng quá đông, ông có lập thêm “Ban Gia Đình Văn Nghệ Nguyễn Đức” trên làn sóng của Đài Quân Đội. Ban này gồm có 4 ban hợp ca nữ, mỗi ban có 14 ca sĩ và mỗi năm đều có mặt trên màn ảnh thời sự chiếu ở các rạp chiếu bóng để mừng xuân.

Ngoài việc đào tạo ca sĩ và hướng dẫn tài năng trẻ, nhạc sĩ Nguyễn Đức còn đào tạo xướng ngôn viên cho các đài truyền thanh và truyền hình, đó là các nữ xướng ngôn viên Bạch Yến, Xuân Kiều, Phương Hồng Trinh. Ngoài ra, ông cũng từng là cố vấn văn nghệ cho các đài truyền thanh và truyền hình như Tiếng Nói Thủ Đô, Chương trình Nha Động Viên, Chương trình Người cày có ruộng của Phòng Nông Nghiệp.

Tháng 10 năm 1991, nhạc sĩ Nguyễn Đức được con bảo lãnh sang Toronto, Canada. Lúc này ông đã ngoài 60 và muốn nghỉ ngơi không muốn làm việc nữa, nhưng có quá nhiều bạn bè yêu cầu nên đến năm 1993 ông lại mở lớp đào tạo ca sĩ cho cộng đồng người Việt. Một trong những học trò nổi tiếng nhất của ông tại hải ngoại là Phương Diễm Hạnh, chính ông là người giới thiệu nữ học trò này với trung tâm Thúy Nga. Dù có thời gian ngắn ngủi 4 năm tham gia Paris By Night rồi sau đó giải nghệ để toàn tâm toàn ý chăm sóc gia đình, nhưng Phương Diễm Hạnh gây được ấn tượng đặc biệt với khán giả và hiện nay các bản thu âm của cô vẫn được nhiều người yêu thích tìm nghe lại.

Sau thời gian định cư ở hải ngoại, những năm cuối đời nhạc sĩ Nguyễn Đức đưa vợ về Việt Nam sống, ông qua đời ngày 25/5/2015, thọ 85 tuổi.

Đông Kha biên soạn

Exit mobile version