Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, nhạc sĩ Hoàng Nguyên và Đà Lạt những ngày tháng cũ

Trong những tháng ngày ngắn ngủi cuối cùng, trước khi căn bệnh viêm phổi và suy tim quật ngã, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã làm một chuyến trở về Đà Lạt, nơi ông đã có thời gian sống tuyệt vời thuở trung học và bước đầu làm quen với âm nhạc. Ông bất ngờ xuất hiện và chơi đàn trong một quán cà phê nhỏ trên ngọn đồi ở cửa ngõ thành phố…

Cuộc trở về đó có ý nghĩa đặc biệt vào cuối cuộc đời dành cho âm nhạc của Nguyễn Ánh 9 (1940-2016).

Đó gần như là một cuộc hành hương tìm ký ức. Nó gợi lại chặng đầu tiên, từ một cậu bé đất nắng gió Phan Rang lên học trường Yersin, Đà Lạt; tại đây, cậu thanh niên tên thật là Nguyễn Đình Ánh được gặp nhạc sĩ Hoàng Nguyên (tên thật, Cao Cự Phúc, 1930 – 1973, tác giả của Bài Thơ Hoa Đào, Ai Lên Xứ Hoa Đào, Cho Người Tình Lỡ,…) và được người nhạc sĩ của “cung đàn tài hoa bạc mệnh” dạy cho những khuông, nốt đầu tiên.

Trong bài viết “Hoàng Nguyên, cung đàn tài hoa bạc mệnh” đăng trên tờ Tuổi Trẻ chủ nhật vào quãng năm 1995, Nguyễn Ánh 9 nhớ lại giai đoạn này:

“Tôi gặp anh lần đầu tiên cách nay hơn 40 năm, khi đang học trường Yersin ở Đà Lạt, thành phố thơ mộng sau này đã đi vào các tác phẩm vượt thời gian của anh. Dạo đó, biết tôi là một chú học trò mê âm nhạc có chút năng khiếu, Hoàng Nguyên đã để tâm chăm sóc. Chủ Nhật hàng tuần, anh vào trường nội trú đón tôi ra ”nhà” anh chơi và ân cần truyền đạt cho tôi những kiến thức ban đầu về âm nhạc. “Nhà” anh ở thật ra chỉ là một căn phòng đơn sơ, trong khuôn viên trường Bồ Đề Đà Lạt, nơi anh đang dạy Anh văn cho các lớp trung học. Một chiếc giường đơn, một bàn viết bằng gỗ thông và một cây đàn guitar treo trên vách. Thời gian đó, Hoàng Nguyên còn phụ trách các buổi phát thanh của Hội Phật giáo trên làn sóng Đà Lạt. Một hôm, tôi rất bất ngờ và hạnh phúc được anh “mời” tham gia ban nhạc phát thanh của anh. Đó là lần đầu tiên tôi bước vào “nghề ca nhạc”, năm 1956”

Chỉ 15 năm sau đó, vào khoảng 1970, đĩa 45 vòng do hàng đĩa Tình Ca Quê Hương ở Sài Gòn ấn hành lại là một cuộc gặp gỡ đầy thú vị: trong đĩa nhạc này có bản Không của Nguyễn Ánh 9 do Khánh Ly hát và bản Cho Người Tình Lỡ của Hoàng Nguyên, do Thanh Lan trình bày. Tên tuổi của cậu học trò ngày nào làm quen với những kiến thức nhập môn âm nhạc nơi phố núi mù sương và tên của người đàn anh trong đầy cởi mở, thân tình năm xưa, sau một chặng đường lưu đày bởi số phận, đã đứng cạnh nhau như đồng nghiệp. Tác phẩm của họ cùng được giới mê nhạc Sài Gòn thời đó và đến tận ngày nay đón nhận nồng nhiệt.

Hình bìa dĩa nhựa 45 vòng có xuất hiện cùng lúc 2 ca khúc của Hoàng Nguyên và Nguyễn Ánh 9

Nguyễn Ánh 9 trở lại Đà Lạt và ngồi trước cây đàn piano, vẫn thế, gầy gò, lặng lẽ trước khi để cho âm nhạc phủ lấy mình, cuốn mình vào thế giới mênh mông kỳ diệu và đầy quyến rũ của nó. Ông chơi những bản tình ca do mình viết, thật buồn, thật chậm rãi nhưng thật ấm áp tin yêu và chơi cả những bản nhạc của các nhạc sĩ cùng thời.

Khi ông ngồi trước cây piano, có vẻ như mọi ranh giới không gian, với ông, đã bị xóa nhòa. Ở đó chỉ có một không gian duy nhất: của Âm Nhạc và chỉ thuộc về Âm Nhạc. Tiếng đàn của ông không phô trương, kiêu bạc, phức tạp như nhiều nghệ sĩ piano tài hoa khác, mà luôn tiết chế, bài bản, tinh tế, vừa đủ để sẻ chia. Tiếng đàn của sự gần gũi và xoa dịu, của trái tim khoan dung và ôn hòa, khước từ mọi cuộc chinh phục lên gân, cường điệu. Trong thế giới đó, người chơi đàn cũng là một nhà tu hành, để chất giọng của người hát, thính giác, cảm thụ của người nghe được tôn vinh.

Chính trong cái tâm thế của người tu hành đó, mà đôi khi tôi bắt gặp ở hình dáng nhỏ nhoi, khuôn mặt cúi xuống dòng phím đen trắng nhấp nhô kia vẻ an nhiên sau nhiều biến cố cuộc đời, như đã gặp đâu đó trong cái cúi đầu tóc trắng bơ phờ mà lặng lẽ của Văn Cao trước đây trong những bức ảnh tư liệu. Vẫn thần thái đó, ánh mắt xa xăm đó nhìn vào âm nhạc bằng thứ mỹ cảm hư vô của những người bước qua những khúc khuỷu nhất của cuộc đời. Vẫn thế ngồi như ngày càng muốn thu nhỏ cốt nhục mình lại để chậm tan, dần tan vào thế giới âm nhạc mênh mông như nhúm tro tan tự nguyện tan trong lòng biển cả.

Vì thế tôi nhìn thấy, nghe thấy ông nhiều lần ở những phòng trà, quán cà phê Sài Gòn, thậm chí, ở sảnh những khách sạn nhiều hơn là nhìn thấy trên các sân khấu lớn với công nghệ hiện đại bủa vây. Nhiều đến nỗi, cứ mỗi lần đi dự một bữa tiệc tối hay đến một phòng trà cũ nào đó, thoáng nghe tiếng piano chậm rãi cất lên, là mắt tôi bắt đầu tìm kiếm, tim tôi hồi hộp với câu hỏi: có phải tiếng đàn của ông Nguyễn Ánh 9 không? Và với tôi, lối chơi đàn của ông đủ tạo ra một trường phái, một kiểu hành trì trong âm nhạc. Cho dù nơi sân khấu lớn thì ông cũng thế, ngồi trước cây đàn vẫn với tâm thức hành trì, tiếng đàn của ông chưa bao giờ làm cái công việc áp đảo, mà luôn nhỏ nhẹ thuyết phục, thổn thức quyến rũ trong những cuộc hòa âm, thậm chí giản đơn hóa hay chịu chìm đi để chỉ có những thính giác nhạy cảm mới tới chạm được.

Và nói đến ông, dĩ nhiên, sẽ nói đến những tình khúc buồn. Là Mùa Thu Cánh Nâu mà giới chơi nhạc gọi là bản “Jazz Việt” thứ thiệt, còn giới “nghe nhạc qua lời” thì bảo rằng hiếm có nhà thơ nào viết được những ca từ siêu thực như những ca từ siêu thực như lời thơ Hoàng Nhu mà ông chọn phổ nhạc:

“Em về, nghe đời nhớ
Trên từng ngón tay cô đơn
Nhịp chân gầy xanh
buồn như lá thu ngày tháng hao mòn…”

Ông cũng viết những bản slow buồn nhẹ nhàng, đằm sâu và day dứt nhưng không làm thối rữa những trái tim lận đận, như: Tình Khúc Chiều Mưa, Đêm Nay Ai Đưa Em Về… Nghe nhạc của ông, là nghe nỗi buồn đẹp, sự mất mát đẹp không phải để chống lại chúng, mà để sống chung, vị tha với cuộc đời, đúng như tâm thức thập giá nằm sâu xa trong niềm tin tôn giáo của ông:

“Buồn ơi hãy đến với ta
Để quên chuyện tình xót xa” (Buồn Ơi, Chào Mi)

Vì là người chơi nhạc, một nghệ sĩ dương cầm giàu kinh nghiệm, nên lối viết nhạc của ông uyển chuyển trong điệu thức và đi đến sự tinh giản trong hình thái để tạo ra những vân sóng tự nhiên của mỹ cảm ngay cả khi tách những ca từ đẹp ra khỏi bản nhạc. Nhạc của ông không chỉ để hát, mà còn để những ai mê dương cầm có thể một mình miết phím giữa đêm để sống chung, nhẹ lòng hơn trước những khắc khoải đời sống vô thường mang lại.

Khi căn bệnh viêm phổi và suy tim trở nặng, ông vẫn đi chơi đàn khi đâu đó có lời mời. Ông lang thang như thế, trong sự lo ngại của người nhà và những khán giả trìu mến. Nhưng rồi cũng chính người nhà, cụ thể là con trai ông – nhạc sĩ Nguyễn Quang – cũng có chia sẻ trên báo rằng, không ai cản được việc ông đến với cây đàn dương cầm. Nếu không có cây đàn, không được đi chơi đàn, có khi bệnh của ông càng nghiêm trọng hơn.

Nguyễn Ánh 9 – “chiếc bóng đơn côi” ấy vẫn như một Hoàng Tử Bé, lặng lẽ, đôn hậu, lang thang tự do trong tinh cầu âm nhạc của riêng mình, dù vẫn biết, khi nốt nhạc cuối trong bản tình ca vừa dứt, quay mặt về phía đời sống, nở nụ cười với tha nhân, là biết đâu lại ngơ ngác tự vấn “Vì sao cừu lại ăn hoa hồng?”.

Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên (thesaigontimes.vn)

Exit mobile version