Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và câu chuyện tình đẹp đầy trắc trở

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tên thật là Ngô Quang Bình, sinh 26/9/1948 tại Hải Phòng, là con thứ nhì trong một gia đình có bảy người con. Ông lớn lên với sách vở, thơ văn, vì gia đình có mở một nhà sách tên Thanh Bình ở thành phố Cảng, và sau này trên đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), Sài Gòn, trước trường tiểu học Pháp Aurore. Tại Sài Gòn, ông học trường Trung học Nguyễn Trãi. và sau đó là Trường Đại học Khoa học Sài Gòn (Nay là Đại học KHTN).

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Trong thập niên 1960, Ngô Thụy Miên có theo học vĩ cầm với Giáo sư Đỗ Thế Phiệt, và nhạc pháp với Giáo sư Hùng Lân tại Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn.

Tình khúc đầu tiên của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên là “Chiều Nay Không Có Em” được viết từ năm 1963 và ra mắt công chúng năm 1965, được giới sinh viên học sinh thời gian đó hưởng ứng rất nồng nhiệt. Vài năm sau, ông cho xuất bản một tập nhạc đầu tay lấy tựa “Tình Khúc Đông Quân” in ronéo phát hành tại Sài Gòn (1969). Đông Quân chính là bút hiệu đầu đời của ông trước khi đổi qua bút hiệu Ngô Thụy Miên bây giờ.


Nghe bài hát Chiều Nay Không Có Em – Duy Quang

Trong tuyển tập “Tình Khúc Đông Quân”, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã ghi lời tâm bút thay cho lời ngỏ trên trang đầu, là những tình khúc viết cho bạn bè và tình yêu, trong đó gồm 12 bản tình ca gồm Giáng Ngọc, Mùa Thu Này Cho Em (sau đổi là Mùa Thu Cho Em), Gọi Nắng (sau đổi là Giọt Nắng Hồng), Dấu Vết Tình Yêu (sau đổi là Dấu Tình Sầu), Cho Những Mùa Thu (sau đổi là Thu Trong Mắt Em), Tình Khúc Tháng 6 (thơ Nguyên Sa), Nhạt Tình (sau đổi là Dấu Vết Tình Yêu), Mây Hồng (sau đổi là Tuổi Mây Hồng), Gọi Tên Em, Ái Xuân, Mùa Thu Về Trong Mắt Em (sau đổi là Mắt Thu) và Ngày Mai Em Đi. 

Sau ca khúc đầu tay Chiều Nay Không Có Em, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên có một loạt nhạc phẩm nổi tiếng được phổ từ thơ của thi sĩ Nguyên Sa như Áo Lụa Hà Đông, Paris Có Gì Lạ Không Em, Tuổi 13…

Trong thời gian theo học đại học, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã nhiều lần trình diễn và phổ biến những sáng tác của mình tại các hội quán văn nghệ, các trung tâm văn hóa và giảng đường đại học. Năm 1974, Ngô Thụy Miên thực hiện băng nhạc đầu tay “Tình Ca Ngô Thụy Miên” gồm 17 tình khúc đã được viết trong khoảng thời gian 1965 – 1972. Với sự góp mặt của các ca sĩ và nhạc sĩ như Khánh Ly, Duy Trác, Thái Thanh, Lệ Thu, Thanh Lan, Duy Quang…


Nghe băng nhạc Ngô Thụy Miên 1974 – được nhiều người nhận xét là băng nhạc tình ca hay nhất

Ngô Thụy Miên có một chuyện tình ly kỳ, gặp nhiều trắc trở vì hoàn cảnh đất nước. Trong thời gian học tại Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Ngô Thụy Miên quen biết với Đoàn Thanh Vân (con gái của diễn viên Đoàn Châu Mậu), và hai người đã có một mối tình. Những tình khúc bất hủ của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phần nhiều là được viết cho cuộc tình này.

Mối tình của họ bắt đầu khi quen biết nhau tại trường, sau đó bị ngắt quãng một thời gian, rồi lại tái hợp vào năm 1973 và đi đến quyết định kết hôn. Nhưng do sự kiện tháng 4 năm 1975, khiến dự định kết hôn của hai người đã không thành, vì Đoàn Thanh Vân theo gia đình di tản trong những ngày đầu tiên, trong khi Ngô Thụy Miên ở lại Sài Gòn. Chính niềm thương nhớ đó đã tạo thành cảm xúc cho ông sáng tác thành ca khúc “Em Còn Nhớ Mùa Xuân”, nhắc nhớ đến những kỷ niệm đẹp của hai người trong khung cảnh của Sài Gòn một thời thơ mộng, đồng thời khẳng định với người yêu rằng: Anh ở nơi này vẫn luôn chờ mong…

Em có bao giờ còn nhớ mùa xuân
Nhớ tháng năm xưa của tuổi dại khờ
Nhớ tiếng dương cầm giọng hát trẻ thơ
Có thấy bơ vơ ngày tháng đợi chờ

Nơi ấy bây giờ còn có mùa xuân
Có dáng nghiêng nghiêng nụ cười thật gần
Có mắt nai vàng ngời sáng tình xanh
Em có bao giờ thấu cho lòng anh

Trời Sài Gòn chiều hôm nay còn nhiều mây bay
Nhiều niềm đau thương bi hận tràn đầy
Gượng nụ cười giọt lệ trên môi
Nhìn đất nước tơi bời một thời em có hay

Những thành phố em sẽ đi qua
Đây Ba-Lê, đây Luân Đôn, đây Vienne
Nhưng có đâu bằng Sài Gòn hôm qua
Nhưng có đâu bằng Sài Gòn mai sau
Em có mơ ngày hát câu hồi hương

Em nhé khi nào chợt nhớ mùa xuân
Nhớ lá thư xanh và chuyện tình hồng
Nhớ nắng hanh vàng nhuộm áo Hà Đông
Anh ở nơi này vẫn luôn chờ mong…


Nghe bài hát Em Còn Nhớ Mùa Xuân – Sĩ Phú

Dưới đây là những lời của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên khi tình tự gửi cho người yêu Đoàn Thanh Vân, đó là ký ức một thời Sài Gòn của ông:

“Rồi đến là những mùa Xuân của tuổi trẻ, của những háo hức, đợi chờ, của những môi hôn vội vã, vòng tay quấn quít trao nhau trên đường phố thân thương, quán hàng quen thuộc. Em nhớ không, La Pagode, Givral của những sáng hẹn hò, Hoàng Gia, Pôle Nord của những chiều đưa đón, dạo phố tết Nguyễn Huệ, Lê Lợi tấp nập người qua, và những tối ghé quán Bà Cả Đọi, rồi Đêm Mầu Hồng. Cái không khí ấm áp tràn đầy tình thương của quê hương đó, làm sao có thể ngờ được chỉ trong vài tháng đã chỉ còn để lại một mùa Xuân, một mùa Xuân cuối cùng của những đổi thay…”

Năm 1978, Ngô Thụy Miên sang được đến Pulau Bidong – Mã Lai, ở đây 6 tháng trước khi được nước thứ ba bảo lãnh cho sang Montréal (Canada) vào tháng 4 năm 1979. Khi đó, Đoàn Thanh Vân từ San Diego – Mỹ, được tin người yêu đã đến được Canada, đã bay sang gặp người yêu. Họ nối lại cuộc tình dang dở hơn 10 năm vì thời cuộc và kết hôn với nhau. Cùng năm 1979, cả hai qua sống tại San Diego rồi dời lên Orange County. Qua năm 1980, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên bắt đầu đi làm về ngành điện toán cho trường UCLA (Los Angeles) và định cư tại Seattle (Washington). Tại đây ông cho ra đời sáng tác đầu tiên tại hải ngoại của mình là “Bản Tình Ca Cho Em”, được thính giả đón nhận ngay sau chuỗi ngày dài thiếu những giai điệu tình ca vì phải lo ổn định cuộc sống trên xứ người. Những ca khúc quen thuộc khác cũng được Ngô Thụy Miên sáng tác là: Nắng Paris Nắng Sàigòn, Giấc Mơ, Mùa Thu Xa Em, Tháng Giêng và Anh, Dốc Mơ…

Sau đó, vợ chồng Ngô Thụy Miên – Đoàn Thanh Vân chuyển đến định cư ở Olympia, tiểu bang Washington, là một thành phố hiền hòa, bình yên. Họ đã đi du lịch rất nhiều nơi trên thế giới. Có một lần Ngô Thụy Miên dừng chân đến một nước Đông Nam Á, chỉ còn một bước nữa thôi là về đến quê nhà, nhưng bước chân phiêu linh sao vẫn nặng nề và quê xưa vẫn xa vời vợi.

Vợ chồng nhạc sĩ Ngô Thụy Miên – Đoàn Thanh Vân

Trong thập niên 1990, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tiếp tục sáng tác với những ca khúc mới như Cần Thiết, Em Về Mùa Thu, Trong Nỗi Nhớ Muộn Màng… và đặc biệt là Riêng Một Góc Trời (1997). Năm 2000, nhạc phẩm “Mưa Trên Cuộc Tình Tôi” của ông được khán thính giả đón nhận một cách đặc biệt.

Tổng cộng đến nay, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã sáng tác được trên 70 ca khúc, với khoảng 20 bài được sáng tác khi còn ở trong nước.

Có những nhận xét từ mọi người khi nói rằng nhạc Ngô Thụy Miên chứa đựng đầy chất lãng mạn, chịu nhiều ảnh hưởng từ thơ Nguyên Sa. Có người biện giải, những suy nghĩ đó chỉ đúng phần nào đó khi ông phổ thơ Nguyên Sa. Còn những nhạc phẩm khác, nhạc của Ngô Thụy Miên vẫn mang đậm chất tình ca riêng biệt như những nhạc phẩm đầu tay trong tập nhạc “Tình Khúc Đông Quân”. Vì nhạc của Ngô Thụy Miên nếu đứng riêng biệt cũng không kém chất lãng mạn, trữ tình, vẫn có sắc thái độc đáo.

Tuy nhiên không ai có thể phủ nhận, khi Ngô Thụy Miên phổ thơ Nguyên Sa thì sự giao duyên này là một cuộc giao hưởng trường cửu, như “Paris Có Gì Lạ Không Em”, “Tuổi 13”, “Áo Lụa Hà Đông”, “Nắng Paris Nắng Sài Gòn”, “Tình Khúc Tháng 6”… Sự giao hưởng này làm thăng hoa sự tuyệt tác từ thơ qua nhạc và ngược lại.

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên từng tâm sự về mối giao cảm giữa nhạc của ông với thơ Nguyên Sa: “…Trong thời gian đi học, mình đọc thơ của Nguyên Sa nhiều nhất, ngâm nhiều nhất thành ra nó đã thấm vào hồn mình… Trong bốn thập niên viết nhạc của tôi thì thơ của ông ấy lúc nào cũng bàng bạc ở trong dòng nhạc của tôi. Ngay cả như bên này như tôi viết “Nắng Paris, Nắng Sài Gòn” cũng mang một âm hưởng của Áo Lụa Hà Đông hay Paris Có Gì Lạ Không Em?”.

Ngô Thụy Miên từng nói rằng: “Tôi không viết nhạc để sống, nhưng sống để viết nhạc”, cho thấy ông là người sống vì nghệ thuật hơn là nô lệ cho đồng tiền bằng những sáng tác tác phẩm của mình, do ông còn có một nghề khác là chuyên viên của ngành điện toán. Vì thế cho đến nay Ngô Thụy Miên chỉ đến với âm nhạc bằng những cảm xúc riêng tư, không hề có mục đích thương mại, như ông đã tuyên bố, do đó những tình khúc của ông đã thoát ra sự gò bó khi dùng âm nhạc và lời ca làm sinh kế như nhiều nhạc sĩ cùng thời.

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên muốn viết cho chính ông, bằng những cảm xúc thật của mình, “tôi không viết cho mọi người”. Tuy chủ trương không viết cho mọi người, nhưng dòng nhạc của ông đã nói lên được tâm sự của những ai từng có những rung động trong tình yêu.

Trả lời câu hỏi tại sao nhạc sĩ Ngô Thụy Miên không viết về những đề tài khác ngoài tình ca, ông thú nhận là có nhiều khi cũng muốn viết đề tài khác, nhưng không viết được. “Hơn nữa tôi không cảm thấy mình muốn viết về những đề tài đó, cho nên tôi chỉ viết về tình ca không mà thôi”. Nhưng có lẽ lý do đúng hơn hết là do bản tính lãng mạn của một nghệ sĩ vì “nếu bây giờ tôi khô khan, mực thước, đâu vào đó cả thì tôi đâu có làm văn nghệ được”.

Ngô Thụy Miên cũng tự bạch về một quãng đời xa xưa của mình:

“Tôi sinh ra tại Hải Phòng, một thành phố ở miền Bắc, cũng là nơi sinh trưởng của 2 người nhạc sĩ tôi yêu quí nhất, Văn Cao và Đoàn Chuẩn.

Nếu Văn Cao là người nhạc sĩ tôi quí trọng nhất, không phải chỉ về những đóng góp của ông vào vườn hoa âm nhạc, mà còn về tác phong, đời sống cá nhân ông, còn với Đoàn Chuẩn là người tôi yêu thích nhất với những tình khúc bất hủ, và những đóng góp lớn lao của ông vào việc tạo dựng một dòng nhạc tình tự, lãng mạn nhất của nền tân nhạc Việt Nam.

Qua Đoàn Chuẩn, tôi đã yêu mùa Thu, đã sáng tác nhiều nhạc phẩm về mùa Thu, và vẫn mơ một ngày nào đó sẽ có dịp trở về thăm mùa Thu của ông…

Rời Hải Phòng vào miền Nam, bố mẹ tôi đã chọn thành phố Sài Gòn, đường Phan Đình Phùng để xây dựng lại tiệm sách Thanh Bình làm nơi sinh sống. Tại đây tôi lại có dịp nhìn thấy những chiếc tầu sắt khổng lồ với những ống khói cao ngất, phun ra những tàn khí bụi than mù mịt bầu trời (đoạn đường sắt này chạy trên đường Phạm Viết Chánh về đến Mỹ Tho thời Pháp, qua đến thời Tổng thống Ngô Đình Diệm vẫn còn hoạt động).

Nhà tôi ở gần góc đường Cao Thắng (nay là Cao Thắng – Nguyễn Đình Chiều), trước cửa trường mẫu giáo Aurore. Tôi còn nhớ trên đường Cao Thắng, thật là một sự tình cờ trùng hợp, cũng có một lò bánh mì, là nơi cuối tuần tôi hay ra mua bánh về cho cả nhà ăn sáng với thịt nguội. Ngoài ra còn có 2 rạp chớp bóng Việt Long (sau là Văn Hoa Sài Gòn) và Đại Đồng. Ngôi chợ rất gần nhà là chợ Vườn Chuối mà thỉnh thoảng mẹ tôi cho đi theo để xách giỏ thức ăn về hộ mẹ…”

nhacxua.vn biên soạn và tổng hợp
Nguồn: Trường Kỳ, Nguyễn Việt, wiki, thoibao

Exit mobile version