Ngô Thuỵ Miên là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của dòng nhạc trữ tình Việt Nam từ thập niên 1960. Ông cùng với nhạc sĩ Từ Công Phụng là 2 trong số những nhạc sĩ đã dành trọn cả sự nghiệp chỉ để viết tình ca.
Dưới đây là những lời tâm sự của chính nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, kể về hoàn cảnh sáng tác, hoặc cảm hứng sáng tác những bài tình ca bất tử như Giáng Ngọc, Từ Giọng Hát Em, Em Còn Nhớ Mùa Xuân…
Tôi sáng tác nhạc từ khi còn rất trẻ, những ngày tôi còn theo học trường Quốc Gia Âm Nhạc, có lẽ vì thế, những nhạc phẩm đầu tay của tôi đã chịu ảnh hưởng nhạc cổ điển tây phương rất nhiều. Cho đến năm 1965, tôi bắt đầu chuyển hướng, và từ đó những tình khúc Ngô Thụy Miên được ra đời.
Bài Mùa Thu Cho Em không phải là nhạc phẩm đầu tay của tôi, nhưng đó là bài tình ca đầu tiên được thu dĩa, là bài hát đầu tiên đã mang tên tuổi Ngô Thụy Miên đến với khán giả.
Click để nghe Thanh Lan hát Mùa Thu Cho Em trước 1975
Tất cả những bản nhạc trong cuốn Tình Ca Ngô Thụy Miên phát hành năm 1974 tại Saigon đã được tôi viết từ năm 1965 đến năm 1972. Bài hát đầu tiên được hoàn tất trong năm 1965 là Chiều Nay Không Có Em và bài cuối cùng được viết trong năm 1972 là Mắt Biếc.
Cllick để nghe Băng nhạc Tình Ca Ngô Thụy Miên 1974
Với bài hát Giáng Ngọc, đó chỉ là cái tên tôi đặt cho một người con gái có thực. Cô có một vẻ đẹp lãng mạn, kiêu sa. Ngày đó cô là một nữ sinh của trường trung học nổi tiếng ở Sài Gòn là Trưng Vương, còn tôi là một anh sinh viên lang thang ở trường đại học. Cô là nguồn cảm hứng cho tôi viết bài Dấu Tình Sầu và dĩ nhiên là cả bài Giáng Ngọc. Đã nhiều năm trôi qua, tất cả đã đi vào quên lãng, nhưng bàn tay, mái tóc và dáng người đó đã cho tôi niềm cảm hứng để viết bài hát với những câu “bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa, vẫn tóc mây bay má môi hồng thắm…”
Click để nghe Lệ Thu hát Giáng Ngọc
Bài hát Từ Giọng Hát Em là một trong những bản nhạc mà tôi thích nhất, là bài tôi đã bỏ ra rất nhiều công phu, nhiều thì giờ để viết, rồi trau chuốt từ lời ca đến ý nhạc. Bài nhac có mang một chút âm hưởng nhạc cổ điển tây phương, là do tôi sử dụng vài hợp âm giống như những bài aria, tức là những bài nhạc đạo của Bach.
Click để nghe Châu Hà hát Từ Giọng Hát Em
Mỗi một nhạc sĩ có một phương cách riêng biệt để viết về tình yêu. Trong bài hát của tôi cũng có những chia lìa, tan vỡ, nhưng với tôi tình yêu luôn luôn trong sáng và nhẹ nhàng. Tuy nhiên không phải vì thế mà cuộc sống tình cảm của tôi bằng phẳng mà cũng rất gập ghềnh và vất vả.
Có một sáng tác đặc biệt được tôi viết ngay sau năm 1975 là Em Còn Nhớ Mùa Xuân, có mang một chút hình ảnh thời sự. Đó là tình khúc duy nhất tôi đã viết khi còn lại ở Sài gòn sau năm 1975 trong nỗi nhớ người bạn gái đã ra đi, giữa những đổi thay, mất mát xảy ra quanh mình trong những ngày tháng đó. Bài hát đã nhắc đến những kỷ niệm đẹp của chúng tôi trong bối cảnh của Sài Gòn – Đà Lạt một thời thơ mộng:
Trời Sài Gòn chiều hôm nay còn nhiều mây bay
nhiều niềm đau thương bi hận tràn đầy
Gượng nụ cười giọt lệ trên môi
Nhìn đất nước tơi bời một thời em có hay
Những thành phố em sẽ đi qua
Đây Ba-Lê, đây Luân Đôn, đây Vienne
Nhưng có đâu bằng Sàigòn hôm qua
Nhưng có đâu bằng Sàigòn mai sau
Em có mơ ngày hát câu hồi hương…
Click để nghe Sĩ Phú hát Em Còn Nhớ Mùa Xuân
Cuối năm 1978 tôi hoàn tất bản nhạc và hát lần đầu tiên trong một đêm văn nghệ tổ chức trên đảo Bidong trước khi lên đường đi Canada. Cuối năm 1979, tôi đã gặp lại và thành hôn với người bạn gái năm đó.
Với nhiều khán giả, nhạc của tôi đã gắn liền với thơ Nguyên Sa. Giữa thi sĩ Nguyên Sa và nhạc sĩ Ngô Thụy Miên không hề có liên hệ nào ngoài sự cảm thông giữa hai con người cùng yêu nghệ thuật. Nhà thơ Nguyên Sa là một trong những nhà thơ có những bài thơ tình mà tôi ưa thích nhất. Kể từ ngày tôi quen biết anh ở Sàigòn cho đến bây giờ thì trong nhạc của tôi, thơ của anh luôn luôn có chỗ đứng rất đặc biệt.
Sài Gòn của chúng ta không phải chỉ có một Nguyên Sa. Chúng ta còn rất nhiều những nhà thơ nổi tiếng khác đã viết những bài thơ tình rất tuyệt vời. Nhưng cho đến bây giờ, hình như nhạc Ngô Thụy Miên chỉ có duyên với thơ Nguyên Sa thôi. Nhờ cái duyên này mà tôi có được Áo Lụa Hà đông, Paris Có Gì Lạ Không Em, Tuổi 13…. Trong thời gian đi học, tôi đọc thơ của Nguyên Sa nhiều nhất, ngâm nhiều nhất nên đã thấm vào trong tâm hồn. Trong tất cả 4 thập niên viết nhạc của tôi thì thơ của ông ấy lúc nào cũng bàng bạc ở trong dòng nhạc Ngô Thụy Miên.
Với tôi, chiên tranh chỉ là giai đoạn. Tình yêu mới là vĩnh cửu. Từ khi bắt đầu viết nhạc, tôi đã chọn cho mình một hướng đi, đó là tình ca. Và trước tôi cũng như sau tôi đã có nhiều nhạc sĩ viết về chiến tranh, về quê hương, về thân phận… Tất cả chúng tôi đều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam, mỗi người một khuynh hướng khác nhau. Tôi chỉ xin được nhớ đến như một người viết Tình Ca không hơn không kém.
Tôi không viết nhạc để sống, mà tôi sống để viết nhạc… Nếu đời (hay người đời) chia sẻ được với tôi thì đó là một niềm vui.
Ngô Thụy Miên