Trong cuộc đời và sự nghiệp ngắn ngủi 45 năm, nhạc sĩ Minh Kỳ đã để lại cho đời hàng trăm bài hát nổi tiếng và luôn được xem là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc vàng trước năm 1975.
Nhạc sĩ Minh Kỳ sinh năm 1930, tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, là cháu đời thứ năm của vua Minh Mạng, có vai vế ngang với vua Bảo Đại, và là người con duy nhất của một gia đình khá giả thuộc hoàng tộc nhà Nguyễn ở Nha Trang.
Nhạc sĩ Minh Kỳ trải qua thời thơ ấu và thời thanh niên tại Qui Nhơn và Nha Trang. Năm 14 tuổi, ông đã được học nhạc ở trường dòng Gagelin (Qui Nhơn), sau đó được gửi đi du học ở Trường Bách khoa Paris. Tại Pháp, ông tiếp tục làm quen với âm nhạc qua sách, rồi được học hàm thụ với trường Ecole Universelle. Ca khúc đầu tay của ông là Chị Hằng, sáng tác năm 1949.
Năm 1952, nhạc sĩ Minh Kỳ lập gia đình ở Nha Trang rồi chuyển vào Sài Gòn năm 1957 làm công chức và hoạt động văn nghệ, sáng tác nhiều nhạc phẩm phù hợp với thị hiếu của đại chúng. Mời bạn nghe lại những sáng tác tiêu biểu nhất của Minh Kỳ trong video bên dưới:
Click để nghe những ca khúc của Minh Kỳ sáng tác được thu âm trước 1975
Năm 1959, Minh Kỳ cùng Lê Dinh thành lập ban tân nhạc Sóng Mới để trình diễn hàng tuần trên đài phát thanh Sài Gòn, giới thiệu những giọng ca nhiều triển vọng chưa được nhiều người biết tới.
Từ giữa thập niên 1960, nhạc sĩ Minh Kỳ kết hợp với nhạc sĩ Lê Dinh và nhạc sĩ Anh Bằng để thành nhóm sáng tác huyền thoại thường được gọi là nhóm Lê-Minh-Bằng để cho ra mắt rất nhiều nhạc phẩm nổi tiếng đã trở thành bất tử, và ca khúc đầu tiên mà 3 người cùng hợp tác chính là Đêm Nguyện Cầu phát hành năm 1966.
Khi sáng tác, ngoài nghệ danh Lê Minh Bằng, nhóm nhạc sĩ còn dùng các tên khác như Vũ Chương, Mạc Phong Linh, Mai Thiết Lĩnh, Mai Bích Dung, Dạ Ly Vũ, Dạ Cầm, Giang Minh Sơn, Hoàng Minh, Trần An Thanh, Tây Phố, Trúc Ly, Tôn Nữ Thụy Khương, Phương Trà, Huy Cường, Mặc Vũ…
Nhóm Lê Minh Bằng còn mở lớp dạy nhạc để đào tạo ra nhiều ca sĩ nổi tiếng như Trang Mỹ Dung, Giáng Thu, Kim Loan, hợp tác chặt chẽ với hãng dĩa Sóng Nhạc của ông Nguyễn Tất Oanh để giới thiệu nhiều sáng tác mới, ca sĩ mới. Nhóm Lê Minh Bằng còn chủ trương nhà xuất bản Sóng Nhạc để phát hành tờ nhạc.
Tại Sài Gòn, Minh Kỳ gia nhập lực lượng cảnh sát, trở thành Trưởng ban Văn nghệ Nha Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia. Tại Nha Cảnh Sát Đô Thành, ông thường xuyên gặp gỡ một sĩ quan cảnh sát khác là nhạc sĩ Hoài Linh và cùng nhau sáng tác ra những ca khúc nhạc vàng đã trở thành bất tử, như Chuyến Tàu Hoàng Hôn, Biệt Kinh Kỳ, Cánh Buồm Chuyển Bến, Sầu Tím Thiệp Hồng…
Cấp bậc cuối cùng của nhạc sĩ Minh Kỳ là đại úy cảnh sát, nên sau 1975 ông phải đi tù cải tạo ở Trại An Dưỡng, Biên Hòa. Khuya ngày 31 tháng 8 năm 1975, một vụ nổ không rõ lý do trong trại cướp đi sinh mạng của 3 người, trong đó có Minh Kỳ. Ông qua đời để lại vợ và 9 người con, ban đầu được chôn cất sơ sài với một tấm bia viết bằng sơn đỏ dòng chữ “Vĩnh My”, tức Vĩnh Mỹ, tên thật của ông.
Tên tuổi của nhạc sĩ Minh Kỳ gắn liền với những ca khúc nổi tiếng như Anh Tiền Tuyến Em Hậu Phương, Biệt Kinh Kỳ, Tình Hậu Phương, Tình Đời, Xuân Đã Về, Đường Về Khuya, Sầu Tím Thiệp Hồng, Chuyến Tàu Hoàng Hôn, 5 Cụm Núi Quê Hương… Ngoài ra phải kể đến những ca khúc đặc sắc nhất viết về các thành phố nổi tiếng là Nha Trang, nơi ông sinh ra và lớn lên (với các ca khúc Nha Trang, Nhớ Nha Trang, Người Em Miền Cát Trắng); thành phố Huế, quê nội của ông (các ca khúc nổi tiếng như Mưa Trên Phố Huế, Người Em Vỹ Dạ, Thương Về Xứ Huế) và thành phố Đà Lạt. Những ca khúc bất hủ ca ngợi nhan sắc của Đà Lạt là Má Hồng Đà Lạt, Thương Về Miền Đất Lạnh, Đà Lạt Hoàng Hôn viết chung với Dạ Cầm, tức nhạc sĩ Anh Bằng trong nhóm Lê Minh Bằng.
Nhận xét về nhạc sĩ Minh Kỳ, người bạn thân Lê Dinh kể lại: “Minh Kỳ làm nhạc xuất sắc, nhanh mà hay. Nhưng anh không văn chương, bóng bẩy trong lời ca, không phải anh không làm được mà là sẽ hay hơn nếu nhờ một người khác làm lời…”
Ca sĩ Hoàng Oanh nhận xét: “Nhạc của Minh Kỳ tha thiết, trìu mến. Giai điệu đơn giản, uyển chuyển, dễ đàn và dễ hát. Nét nhạc của ông trong sáng, bình dị.”
Một người học trò trong lớp nhạc Lê Minh Bằng thập niên 1960 kể lại: “Thầy Minh Kỳ cao lớn to con, tính tình thì nóng nảy, thầy có cái oai nên học trò rất sợ và khớp, Nhất là trong phòng thâu thanh, thầy vừa đàn vừa phải quay mặt chỗ khác để học trò đỡ bị khớp.”
Trong cuộc đời và sự nghiệp ngắn ngủi của mình, nhạc sĩ Minh Kỳ đã để lại cho đời hàng trăm bài hát nổi tiếng và luôn được xem là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc vàng trước năm 1975.
Do nhạc sĩ Minh Kỳ qua đời từ sớm, vào đúng thời điểm giao thời của lịch sử, nên đã có một số nhầm lẫn liên quan đến sáng tác của ông. Hồi đầu thập niên 1990, khi dòng nhạc vàng bắt đầu được cấp phép trong nước một cách hạn chế, có 2 ca khúc của nhạc sĩ Duy Khánh là Thương Về Miền Trung và Ai Ra Xứ Huế bị gắn nhầm là của nhạc sĩ Minh Kỳ sáng tác. Có lẽ thời điểm đó nhạc sĩ Duy Khánh bị cấm về nhân thân, nên các hãng băng đĩa trong nước đã sử dụng tên nhạc sĩ Minh Kỳ cho 2 bài hát nói trên để dễ qua cửa kiểm duyệt.
Nhạc sĩ Minh Kỳ là người gốc Huế, ông cũng có những sáng tác về Huế rất hay và nổi tiếng là Mưa Trên Phố Huế, Người Em Vỹ Dạ và Thương Về Xứ Huế, có lẽ vì vậy mà người ta đã ghi tên sáng tác của 2 bài Thương Về Miền Trung và Ai Ra Xứ Huế là nhạc sĩ Minh Kỳ để dễ hợp thức hóa.
Độc giả có thể đọc thêm phần tiểu sử của nhạc sĩ Minh Kỳ được viết từ thập niên 1960 trong tờ nhạc sau:
Bài: Đông Kha – nhacxua.vn