Nhạc sĩ Lê Dinh: “Nghe loại nhạc chói tai này, đang vui mình cũng bỗng thấy bực tức…”

Bài phỏng vấn nhạc sĩ sĩ Lê Dinh lúc sinh thời do ký giả Bích Xuân ở hải ngoại thực hiện. Ông nhận xét thẳng thắng về dòng nhạc Việt đương đại. Trong đó có một số người ông cho rằng không phải ca sĩ, mà ông gọi là… “hét sĩ”.

Khi chủ trương một tờ báo, Lê Dinh không có tham vọng to lớn, chỉ muốn là ngoài việc loan tin tức về âm nhạc, thời sự, kiến thức phổ thông… chính yếu là muốn nhắc lại cho các thế hệ sau biết những người đi trước trong lãnh vực văn học, âm nhạc, nghệ thuật,.. Ngoài ra còn để giới thiệu, nâng đỡ những mầm non văn nghệ trên con đường họ đã chọn.

Vẫn có sáng tác, nhưng so với trrước 1975 thì rất ít vì ở hải ngoại còn nhiều thứ cần nhiều thì giờ để giải quyết và cơm áo ràng buộc không cho mình còn nhiều thì giờ để sáng tác.

Công việc làm báo, làm đài phát thanh ở đâu thì không biết, chứ ở thành phố Montréal này thì không giúp đỡ gì về mặt tài chính cho người chủ trương. Đó chỉ là sở thích thôi. Ai không thích, không thể nào làm nổi với trăm ngàn chuyện bực mình vụn vặt, không thể nói ra hết ở đây.

Về những bản nhạc quê hương, không hiểu tại sao khi còn ở trong nước thì không viết, nhưng giờ đây ở hải ngoại mới thấy thấm thía 2 chữ “quê hương” và viết rất dễ, rất suôn sẻ, chẳng hạn như bài “Thương về Gò Công”:

Nắng trưa lên rất cao
Ngoài xóm đi vào, đi ngang bờ ao
Gặp em đang hái cau, để má ăn trầu.

Ai qua Gò Công
Mà không ghé thăm chợ Dinh
Để nghe tiếng hò cô gái ngoài kinh

Hò ơi, em là con gái xứ Gò
Quanh năm sông vắng đưa đò nuôi me
Nhà em ở xóm Giồng Tre
Anh về nhớ ghé thăm mẹ, thăm em.

Nhạc trước 1975 kỹ thuật không rắc rối, lời ca ít cầu kỳ và bình dị hơn nhạc sau 1975. Nhạc sau này kỹ thuật vững chãi hơn, hơi khó khăn hơn, có lẽ do sống gần với nền âm nhạc của ngoại quốc. Lời ca cùng đề tài cũng thay đổi nhiều, do hoàn cảnh đang ở tạm nơi xứ người, thân phận ly hương.

Nói về kinh nghiệm trong việc viết nhạc, nếu viết nhạc nhiều thì từ từ kỹ thuật sẽ vững chắc hơn, không còn để những lỗi lầm ấu trĩ và những khiếm khuyết buồn cười. Những người viết nhạc từ 10 năm trở lên sẽ không còn vấp phải những lỗi lầm này. Còn về phần hồn nhạc, thì không ai giống ai, cũng không phải do kinh nghiệm mà có, bởi đó là thiên phú.

Về nhạc hải ngoại hiện nay, với các ca sĩ trưởng thành trước năm 75 vẫn còn phong độ và họ hát bằng tâm hồn, còn một số ca sĩ trẻ mới lớn lên và nổi tiếng ở hải ngoại thì có một số hát bằng ngoại hình hơn là hát bằng xúc cảm. Những người này cần phải có vũ công múa may xung quanh mới hát được. Và khán giả thì “coi” họ hát hơn là “nghe” họ hát.

Âm nhạc những năm sau này, nhất là âm nhạc trong nước, không phải là âm nhạc nữa mà không biết nên gọi đó là gì. Nghe loại nhạc chói tai này, đang vui mình cũng bỗng thấy bực tức ngang xương. Ca sĩ thì không gào thét không phải là ca sĩ, có thể gọi là “hét sĩ” thì đúng hơn. Tuy nhiên ở trong nước cũng có một số ít bài rất dễ thương như Sông quê, Tiếng hát chim đa đa…

Bích Xuân
Nguồn: Honque.com

Nhạc sĩ Lê Dinh tự giới thiệu:

Lúc còn học ở Trung học Le Myre de Vilers (Mỹ Tho) có theo học hàm thụ lớp hòa âm và sáng tác của Ecole Universelle de Paris.

Sáng tác đầu tiên: Bài hát Làng Anh Làng Em, viết năm 1956, nhà xuất bản Tinh Hoa miền Nam ấn hành năm 1956.

Cuộc đời sáng tác của Lê Dinh có thể được chia ra làm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: 1956-1966

Trong thời gian này, Lê Dinh  có những sáng tác như:

Trong giai đoạn này, còn có những sáng tác chung với nhạc sĩ Minh Kỳ:

Giai đoạn 2: 1966-1975:

Thành lập nhóm Lê Minh Bằng (Lê Dinh – Minh Kỳ – Anh Bằng). Sáng tác đầu tiên của nhóm là Đêm Nguyện Cầu (1966).

Nhóm Lê Minh Bằng còn có nhiều bút danh khác như: Mạc Phong Linh, Mai Thiết Linh (Truyện tình Lan và Điệp 1, 2 & 3) Mai Bích Dung (Linh hồn tượng đá, Cho người tình nhỏ), Dạ Ly Vũ (Hồi tưởng), Dạ Cầm (Tình đời, Trở về cát bụi, Đêm vũ trường, Kiếp cầm ca) và rất nhiều tên khác nữa như: Vũ Chương, Phương Trà, Tây Phố, Tôn Nữ Thụy Khương, Trúc Ly, Huy Cường, Mặc Vũ…

Giai đoạn 1975 – 1978: Ngưng sáng tác

Giai đoạn 3: Từ năm 1979

Các sáng tác ở hải ngoại:

Phần 2: Phỏng vấn vợ nhạc sĩ Lê Dinh – bà Trần Thị Kim Quyên.

Vào cuối những năm thập niên 50, tên tuổi Lê Dinh nổi tiếng trên nhiều diễn đàn văn nghệ. Phía sau hào quang sự thành công của nhạc sĩ Lê Dinh không thể không nhắc đến sự hy sinh của vợ ông – bà Kim Quyên (hay được gọi với cái tên cô Tám). Danh ca Phương Dung bật mí: “Cô Tám rất đẹp, ở Gò Công ai cũng biết. Từ khi lên Sài Gòn cùng chồng, cô chấp nhận làm người nội trợ chăm lo cho cuộc sống gia đình. Cô chưa bao giờ tham gia tiệc tùng hay sánh bước bên chồng ở bất kỳ cuộc vui nào để thầy Lê Dinh có sự tự do và thoải mái”. Vì có một người vợ vẹn toàn như thế nên người nhạc sĩ tài hoa ấy lúc nào cũng chuyên tâm vào công việc, sáng tác để ra đời những tác phẩm hay.

Dưới đây là bài phỏng vấn người vợ hiền của nhạc sĩ Lê Dinh, do ký giả Sóng Văn thực hiện:

Năm 1955, tôi bắt đầu dạy học ở Gò Công. Năm 1956 chồng tôi (nhạc sĩ Lê Dinh) cũng về dạy học cùng trường và chúng tôi biết nhau từ đó. Đến năm 1957, chúng tôi làm đám cưới. Trong cuộc sống vợ chồng, nhớ lại thời còn son trẻ của vợ chồng tôi, khoảng những năm 1960-1965, cũng có những chuyện buồn về tình cảm, nhưng tôi nghĩ, làm vợ một nghệ sĩ là phải chịu đựng, đợi khi trời quang mây tạnh gia đình sẽ yên vui.

Điều này không đúng lắm, vì không phải nghệ sĩ thì hay lơ là công việc gia đình. Theo tôi, việc này tùy thuộc cá tánh của mỗi người. Có những đức phu quân không phải là nghệ sĩ nhưng cũng không phụ giúp được gì cho vợ. Trái lại có những người chồng là nghệ sĩ nổi tiếng mà phụ lo công việc gia đình một cách đắc lực. Nhận xét này chỉ đúng 50% thôi.

Ngoài việc sáng tác nhạc, chồng tôi cũng làm thơ và giải trí bằng cách xem xi nê, video.

Chồng tôi có thói quen sáng tác lúc đêm khuya, khi mọi người trong nhà đều yên giấc ngủ, và lúc sáng sớm vừa thức dậy. Khi sáng tác, bên mình thường hay có tách cà phê sữa nóng.

Khi hoàn thành xong một nhạc phẩm, chồng tôi thường hỏi tôi cái tựa như vậy có được không, hoặc hát cho tôi nghe thử và tôi luôn luôn là vị thính giả đầu tiên của những nhạc phẩm nhà tôi viết. Tôi thường hay góp ý về cái tựa bài hát, và chỉ cái tựa mà thôi. Lâu lâu cũng có gặp vài bài mà tôi không thích, tôi nêu lên ý kiến khách quan và chồng tôi khai tử bài đó luôn, không sửa chữa gì cả. Vì theo chồng tôi nói, sửa một bài hát khó hơn sáng tác một bài hát.

Về toàn bộ tác phẩm của chồng tôi cho đến ngày hôm nay tôi rất thích vì nó hợp với sở thích của tôi, và theo tôi, chúng cũng thích hợp với sở thích của đa số quần chúng. Nhưng tôi không biết quần chúng cho điểm thế nào, chớ riêng tôi thì tôi phê 18/20 tất cả những nhạc phẩm mà chồng tôi sáng tác, khoảng hai trăm bài. Không biết có phải mèo khen mèo dài đuôi không?

Sau 1975, việc phổ biến ấn hành và phát hành những tác phẩm nghệ thuật không còn giống như lúc còn ở trong nước nữa. Việc phổ biến cũng khó khăn không thua gì việc phát hành vì đa số người Việt lưu vong không có tập trung ở một chỗ. Ngày trước, phương tiện phổ biến trong nước là đài phát thanh và đài truyền hình. Ngày nay, phương tiện phổ biến là băng nhạc và video – nhất là video, một phương tiện phổ biến hữu hiệu nhất – thì quá ít cho nên sự phổ biến một sáng tác mới thật là hạn hẹp. Sau đó, sự sinh hoạt văn nghệ kém phần hứng thú vì thiếu phương tiện phổ biến.

Tôi chỉ la một nội trợ sau 1975 cho nên không có gì trở ngại cho chồng tôi trong việc sáng tác, vì tôi đảm đương một phần lớn những công việc trong gia đình để chồng rảnh rang mà đi làm việc để nuôi gia đình, và sáng tác theo sở thích của chồng tôi.

Nguồn: Sóng Văn

Exit mobile version