Nhạc sĩ Trọng Khương là nhạc sĩ có nhiều sáng tác từ thời tiền chiến, trong đó nổi tiếng nhất là 3 ca khúc Bánh Xe Lãng Tử và Ghen (phổ thơ Nguyễn Bính) và Về Miền Nam, được công chúng yêu thích cho đến ngày nay.
Sau năm 1975, cuộc sống của ông trở nên bi đát. Theo bài viết của nhà báo Trần Quốc Bảo, dựa trên lời kể của nhạc sĩ Châu Kỳ, thì Trọng Khương qua đời năm 1977. Khi đó Châu Kỳ gặp nhạc sĩ Trọng Khương “đang đi lang thang buồn bã trên đường với quần áo nhàu nát, tóc tai bù rối”.
Sau những giây phút đứng tâm sự về cảnh đời hai bên giai đoạn này, Châu Kỳ khuyên Trọng Khương về nhà Châu Kỳ nghỉ ngơi chứ đừng đi lang thang nữa nhưng Trọng Khương nằng nặc chối từ. Trọng Khương cầm cây đàn guitar chào tạm biệt Châu Kỳ rồi đi, sau khi kể cho Châu Kỳ nghe về nỗi buồn cay đắng khi hôm đó ông Trọng Khương ghé qua nhà của một danh ca Sài Gòn thập niên 1960 – người từng được nổi tiếng với những ca khúc của ông. Khi đến nhà danh ca này để cầu cạnh sự giúp đỡ, ông đã bị thẳng thắn chối từ và nói nhiều lời đau lòng xúc phạm.
Qua ngày hôm sau thì dân ở ga xe lửa Hòa Hưng đều biết tin Trọng Khương nằm chết co ro hoang lạnh trên hè ga, tay còn cần cây đàn guitar của mình và mặt ông lúc chết như còn vương bao điều xót xa chưa nói hết.
Nhạc sĩ Trọng Khương
Thời kỳ đầu của tân nhạc, bên cạnh những ca khúc lãng mạn thì còn xuất hiện nhiều bài hát có giai điệu nhanh và vui tươi, có thể kể đến như Ô Mê Ly, Bức Họa Đồng Quê của Văn Phụng, Ngựa Phi Đường Xa của Lê Yên… và đặc biệt là Bánh Xe Lãng Tử – một tuyệt tác của nhạc sĩ Trọng Khương. Ca khúc này cũng gây ấn tượng và đặc biệt khi xuất hiện một kiểu cười trong bài.
Trong bài hát, có lẽ người nghệ sĩ bị thất tình thành bỏ đi giang hồ. Anh chàng lãng tử giận người mắt… xanh, đã cười “a ha ha!”. Tuy cũng chỉ là cười, nhưng thật ra kiểu cười này vừa có vẻ ngạo nghễ, vừa có vẻ cay đắng. Chưa thấy ai và chắc chảẳng bao giờ có người nào đem được cái nét cười này vào âm nhạc Việt Nam như ông Trọng Khương. Chàng nghệ sĩ đã cười ra nước mắt và khi cười chán chê, đâm ra đau đớn, giận đập vỡ cây đàn kỷ niệm ở bên bờ suối trong một đêm vắng. Rồi chàng uống rượu, ngà ngà say và lại lên xe ngựa già để… “lắc lư con tầu đi” dưới ánh trăng vàng, tiếp tục vừa đi vừa hát, sống cuộc đời lang bạt:
Bánh xe quay nhanh nhanh
Chiếc thân xe rung rinh
Chìm trong làn cát trắng
Xe nhịp nhàng quay bánh lướt
Hình xe mờ khuất trong mênh mông
Ta luyến lưu một kiếp giang hồ
Dù rằng cuộc sống vô bờ
Tim nồng tràn máu vô tư
A ha ha!
Suối in hình chiếc xe tàng
Đêm nao đập vỡ cây đàn
Giận đời nào ai mắt xanh
Vó câu bấp bênh
Trên đường gian nan
Chiếc xe lắc lư ru hồn nghệ sĩ tới nơi xa ngàn
Xe lăn êm êm dưới ánh trăng vàng
Môi ai say sưa hé mấy cung đàn
Ca lên cho tan nỗi niềm cay đắng
Vui ca lên đi trong chiếc xe già
Sau khi men say lắng mấy tơ đàn
Hồn ta vụt lướt lên trời xanh lam…
Nghe Thanh Lan hát Bánh Xe Lãng Tử trước 75
“Ghen” là một nhạc phẩm nổi tiếng khác của nhạc sĩ Trọng Khương. Bài hát viết nguyên thủy theo điệu Fox, thật vui và dễ… yêu. Đây là bài tình ca do Trọng Khương phổ nhạc vào thơ Nguyễn Bính. Nhạc của Trọng Khương đã diễn tả được đúng ý vui nhộn của thi sĩ Nguyễn Bính, diễn tả một chàng si tình và… ghen.
Vì “yêu quá mất rồi”, thành ghen. “Người ghen” không muốn cô em nghĩ đến bất cứ ai cả, không muốn cô tắm biển để người khác ngắm, không muốn thấy cô xức nước hoa làm người khác ngây ngất…
Ghen tuy không đến nỗi “ghen lồng ghen lộn” nhưng cũng khá “vô lý” khi muốn người yêu bé nhỏ chỉ làm những chuyện cho mình thôi, dù là những chuyện bình thường khó tránh được như nhìn, mỉm cười.
Và cũng chỉ vì “ghen đấy quá mà thôi”, không những anh ta chỉ ghen với người mà chàng còn ghen với cả cây cỏ, đồ vật. Phải nói là anh chàng ghen một cách “kỳ lạ” nữa, khi không muốn người đẹp hôn một đóa hoa xinh tươi, hay căn dặn người tình lúc nằm ngủ không được ôm… gối:
Hỡi cô nhân tình bé của tôi ơi
Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười
Những lúc có tôi và mắt chỉ
nhìn tôi trong lúc tôi xa xôi
Tôi muốn cô đừng nghĩ tới ai
Đừng hôn dù thấy đóa hoa tươi
Đừng ôm gối chiếc đêm nằm ngủ
Đừng tắm chiều nay bể lắm người
Tôi muốn mùi thơm của nước hoa
mà cô thường xức bay xa
Chẳng làm ngây ngất người qua lại
dầu chỉ qua rồi khách lại qua
Nghĩa là ghen quá đấy mà thôi
Thế nghĩa là yêu quá mất rồi
Và nghĩa là cô là tất cả
Cô là tất cả của đời tôi.
Ngoài Bánh Xe Lãng Tử và Ghen, một tác phẩm hay khác của nhạc sĩ Trọng Khương, rất đáng nhắc đến, là nhạc phẩm Về Miền Nam. Bài hát này có một thời được hát rất nhiều trên các đài phát thanh. Lúc đó vào thời điểm ngay sau Hiệp Định Genève 1954, đất nước thân yêu Việt Nam bị chia đôi ở dòng sông Bến Hải và kết quả làn sóng hàng triệu người đã di cư từ Bắc vào Nam.
Trọng Khương dẫn dắt thính giả, từ tang thương chia cắt đất nước và đau đớn của hận ly hương, đến sự hy vọng trong đời sống mới với đầy hy vọng, trong nắng ấm yêu thương của miền Nam Việt Nam.
Sau đây là lời bản nhạc Về Miền Nam, bản nhạc ngày đó thực sự đã làm xúc động người nghe và cả người hát:
Đứng vùng lên nào bao thanh niên yêu nước
Hướng về đây miền Nam thân yêu nắng ấm
Theo bước chân người xưa, ta tiến lên đường đi
Bao nắng mưa sương gió nào ngại chi
Sông nào cắt đứt đôi nơi
Sông nào xé nát tim tôi
Sông nào bóp chết thương yêu
Việt Nam ơi!
Sông buồn khóc nước tang thương
Sông gầm thét khúc bi thương
Sông sầu nước mắt ly hương
Việt Nam ơi!
Đi về miền Nam
Miền thân yêu hương lúa tràn ngập đầy đồng
Đi về miền Nam
Miền thân yêu đất rộng cùng chung đời sống
Vang lừng khúc hát hoan ca
Say đời sống ngát hương hoa
Ta cười đón gió phương Nam
Miền Nam ơi!
Đây miền đất nước xinh tươi
Đây miền nắng ấm reo vui
Đây miền sống phắp muôn phương
Việt Nam ơi!
Ngoài ra Trọng Khương còn sáng tác những bản tân nhạc nữa như Đường Về Nhà Tôi, Nhớ Rừng Hoang, Men Rượu Lên Hương, Duyên Thắm, Hai Kẻ Giang Hồ, Đôi Guốc Mới,… và những tác phẩm này không mấy người biết đến.
Nhưng phải nói, chỉ cần ba bản nhạc tuyệt tác như Bánh Xe Lãng Tử, Ghen và Về Miền Nam, Trọng Khương cũng đã thành danh mãi mãi.
Phạm Anh Dũng (Santa Maria, California, USA)