Lúc sinh thời, nhạc sĩ Lam Phương từng nói thoáng qua về Hạnh Phúc Mang Theo – Tên của ca khúc cuối cùng của sự nghiệp sáng tác của mình như sau:
“Tự không cho mình được phép buồn, phải cười để tụi nhỏ cười lây. Mà đa số nỗi buồn bỏ hết vô sáng tác rồi, buồn chi nữa. Bản nhạc cuối cùng đã chọn tên Hạnh phúc mang theo, có nghĩa là khi sống khúc đời còn lại một mình này, quyết không nghĩ tới nỗi buồn, khi chết càng không vác theo”.
Như vậy, nếu phải ra đi, nhạc sĩ Lam Phương quyết không chọn nỗi buồn để mang theo, mà chỉ chọn những phút giây hạnh phúc để đi cùng mình về chốn miên viễn.
Có thể thấy trong những hình ảnh của nhạc sĩ Lam Phương khoảng 20 năm cuối đời, hiếm thấy có hình ảnh nào mà ông… không cười. Dù đó là thời gian phải chịu đựng nhiều biến động cuộc đời, nhưng ít nhất là khi thể hiện ra bề ngoài, nhạc sĩ Lam Phương luôn lạc quan, vui vẻ với nụ cười thường trực. Bởi vì như ông đã nói, nỗi buồn đã được đưa hết vào nhạc, tự không cho phép mình buồn nữa.
Dù cho những bài hát buồn đó, qua thời gian, đã vận chính vào cuộc đời của người sáng tác, nhưng ông vẫn chấp nhận điều đó, và bình thản đi qua những năm cuối cùng của một đời thăng trầm.
Ca khúc Hạnh Phúc Mang Theo được ca sĩ Ý Lan hát lần đầu trên Paris By Night 71 năm 2003. Đây là ca khúc cuối cùng của nhạc sĩ Lam Phương, sau khi ông bị đột quỵ năm 1999, và được viết trong những giây phút và niềm cảm xúc chợt ùa tới. Tuy nhiên đó là cũng lần cuối cùng, bởi vì sau này nghe lời khuyên của bác sĩ, ông dừng hẳn không sáng tác nữa, chính thức khép lại cuộc đời nhạc sĩ đầy vinh quang nhưng cũng lắm thăng trầm.
Ai đã đem hoang tàn đổ nát
Đem ái ân xa mãi tình em
Còn mong chi khi mộng dở dang
Tình chưa vui lệ đã ngập tràn
Anh đã cho em vạn niềm tin
Như đã cho em bao hạnh phúc
Đớn đau này biết ngỏ cùng ai?
Anh ơi…
Xưa có nhau duyên không trọn lối
Nay lẻ loi duyên mãi xa vời
Biết bao giờ kỷ niệm cho nguôi?
Anh nhớ chăng quen nhau ngày ấy
Nghe ngất ngây len lén vào tim
Lần xuôi tay cho mộng trào dâng
Là lần em thay cả cuộc đời
Từng đêm dài ai hay
Lời mặn nồng bên tai
Giờ tìm đâu thấy anh trên thế gian này
Ước mơ thầm xa xưa
tàn dần theo khói mờ
Nỗi lòng chua cay
Âm thầm xé nát tim em
Biết không anh bàn chân cô đơn
Leo từng con dốc nhỏ
Phố sương mù chôn chặt cả đời em
Làm sao em lau khô dòng nước mắt
mới hay rằng lòng mãi mãi yêu anh
Click để nghe Ý Lan hát Hạnh Phúc Mang Theo
Bài hát này được sáng tác sau khi nhạc sĩ Lam Phương chia tay với cuộc hôn nhân thứ 2 đã gần 10 năm, nhưng những dư âm của chuyện tình đó vẫn còn hoài trong niềm tiếc nuối và ray rứt khôn nguôi.
Hạnh Phúc Mang Theo cùng với bài hát Như Giấc Chiêm Bao là 2 đại diện tiêu biểu cho dòng nhạc sáng tác sau 1975 của nhạc sĩ Lam Phương. Hai bài hát không chỉ tương đồng về về nội dung, về đối tượng sáng tác (chuyện tình với người đẹp Cẩm Hường), và còn giống nhau ở giai điệu, chất nhạc. Không còn là những ca khúc dễ nghe, dễ hát như trước 1975, mà giai đoạn này, bài hát của Lam Phương trở nên da diết hơn, đặc biệt là nói lên đúng nỗi lòng, tâm sự của nhạc sĩ, sau khi ông đã trải qua nhiều mất mát, đau thương của đời riêng.
Hạnh Phúc Mang Theo được sáng tác vào khoảng năm 2001, sau khi nhạc sĩ Lam Phương bị đột quỵ để rồi phải ngồi xe lăn suốt quãng đời còn lại. Chịu đau đớn cả về tinh thần lẫn thể xác như vậy, ông vẫn cho ra đời được một tuyệt tác. Vì vậy có thể nói rằng nếu không bị bệnh nặng, nhạc sĩ Lam Phương sẽ còn có thể cho ra đời nhiều sáng tác bất hủ khác nữa, chứ không chỉ dừng ở Hạnh Phúc Mang Theo.
Trước khi bị đột quỵ không lâu, từ nửa sau thập niên 1990, nhạc sĩ Lam Phương vẫn sáng tác rất đều đặn ở tuổi 60, hầu hết trong số đó là dành tặng cho Cẩm Hường:
Bây giờ mình đã xa nhau
Thương em nước mắt tuôn trào
Mười năm yêu đó
Như cơn mưa rào,
Như giấc chiêm bao… (bài Như Giấc Chiêm Bao)
Hoặc là các bài buồn khác thể hiện nỗi nhớ người tình xa, như bài Tim Vỡ, Cám Ơn Người Tình…
Cuộc tình Lam Phương – Cẩm Hường đã có hơn 10 năm hạnh phúc, nhưng cuối cùng lại chia ly bởi những hờn giận, hiểu lầm nhau, nhưng cuối cùng giữa họ vẫn có sự tôn trọng và luôn suy nghĩ tốt đẹp về nhau, không có sự bạc bẽo nào như người đời đồn đại.
Bài: Đông Kha (nhacxua.vn)