Nhạc sĩ Hoàng Dương và hoàn cảnh sáng tác Hướng Về Hà Nội – “Hà Nội ơi, những ngày vui đã ra đi…”

Khi nói đến những ca khúc viết về Hà Nội, chắc chắn không thể không nhắc đến bài “Hướng Về Hà Nội” – Một ca khúc trữ tình với những hình ảnh lãng mạn và giai điệu thật đẹp, được cố nhạc sĩ Hoàng Dương sáng tác từ gần 70 năm trước. Khi đó nhạc sĩ mới chỉ là một chàng trai trẻ với những cảm xúc nhớ nhung da diết khi phải rời xa Hà Nội, xa người yêu. Nhạc sĩ Hoàng Dương từng chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của ca khúc tuyệt đẹp này như sau:

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

“Tôi viết ca khúc vào giai đoạn cuối 1953 đầu 1954 lúc đấy Hà Nội chưa giải phóng và đó là cái tích lũy kết tủa của hai lần xa Hà Nội. Lần đầu tiên là khi tôi mới 14-15 tuổi, tham gia đoàn Tuyên truyền văn nghệ Thiếu sinh quân Hà Nội lúc bấy giờ đoàn cùng nhân dân Thủ đô đã tản cư về vùng nông thôn. Đoàn của chúng tôi cũng vậy, đoàn có nhiệm vụ là sau mỗi lần bộ đội đánh ở trong nội thành rút ra thì chúng tôi sẽ đến phục vụ. Lúc bấy giờ cứ đi từ mạn đồi núi ra đi về hướng Hà Nội thì mới tới chỗ đơn vị các anh đóng quân. Từ Vân Đình nhìn về Hà Nội thì gần lắm, quầng sáng ở Hà Nội gây một cái nỗi nhớ ghê gớm. Phục vụ xong lại quay trở vào về miền đồi núi. Trong đoàn toàn người Hà Nội cả ai cũng có cái nỗi nhớ ghê gớm.

Lần sau, lúc bấy giờ tôi hoạt động trong đoàn Thanh niên cứu quốc nội thành đi vận động văn nghệ sĩ trí thức chống di cư về Nam. Không biết ai nói ra nên mình bị phát hiện, bị nó sục đến nhà tìm bắt thế là phải trốn về ngoại thành. Đúng thời điểm đấy lại đang có một quan hệ với bạn gái rất thân. Cứ đến buổi chiều dẫn nhau lên hồ Tây, hồ Trúc Bạch ngồi ngắm cảnh. Quen sinh hoạt như thế tự nhiên lại trốn biệt thế cho nên cảm giác như bị tù giam lỏng. Ở ngoại thành vẫn nhìn thấy hàng đèn giăng mắc lại nhớ về nội thành. Thành ra bài hát mới có câu mở đầu: Hà Nội ơi hướng về thành phố xa xôi, ánh đèn giăng mắc muôn nơi là vì thế”.


Click để nghe Duy Trác hát Hướng Về Hà Nội trước 1975

Nhạc sĩ Hoàng Dương tên thật là Ngô Hoàng Dương, sinh năm 1933 tại Từ Liêm – Hà Nội và mất năm 2017 ở tuổi 84. Cha ông là danh nhân văn hoá Hà Nội, nhà văn – nhà báo Trúc Khê Ngô Văn Triện, vì vậy mà ngay từ khi còn rất nhỏ, nhạc sĩ đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều sách báo văn nghệ và những bậc cha chú trong làng thơ ca như Tản Đà, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân,… thường đến vườn nhà cùng Trúc Khê ngâm ngợi thơ phú, ngắm trăng và thưởng rượu. Thừa hưởng tính cách lãng mạng của cha, Hoàng Dương sớm đi vào con đường âm nhạc từ khi hãy còn là một cậu thanh niên. Ban đầu, ông theo học guitar nhưng niềm đam mê cello cũng đến với ông lúc nào không hay. Đến năm 1954, ông chính thức bắt đầu học đàn cello, sau đó không chỉ trở thành một nghệ sĩ cello tài giỏi, Hoàng Dương còn là người có công rất lớn trong việc xây dựng bộ môn cello và khoa đàn dây tại nhạc viện Hà Nội. Nhạc sĩ Hoàng Dương sáng tác không nhiều, trong số đó có “Hướng Về Hà Nội” là ca khúc được nhiều người biết tới và yêu thích nhất.

Nhạc sĩ Hoàng Dương kể lại rằng “Hướng Về Hà Nội” được ông viết và hoàn thành rất nhanh chỉ trong một đêm khi cảm xúc hoài nhớ trào cuộn trong lòng. Ngay mở đầu ca khúc và xuyên suốt trong bài hát, tiếng gọi “Hà Nội ơi” cất lên trìu mến, thân thương nhưng cũng đầy tâm sự của người lữ khách “bơ vơ” lưu lạc xa xứ nhớ về đất mẹ. Những lời ca lồng lộng, xao xuyến, xót xa thấu tận tâm can có lẽ đã chạm vào tâm tư của hàng hàng lớp lớp người con xa Hà Nội:

Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi,
ánh đèn giăng mắc muôn nơi áo màu tung gió chơi vơi

Hà Nội ơi, phố phường dãi ánh trăng mơ,
liễu mềm nhủ gió gây thơ, thấu chăng lòng khách bơ vơ

Chỉ bằng 4 câu hát đầy chất thơ, nhạc sĩ đã phác hoạ được cái hồn cốt vừa đô hội vừa cổ kính của Hà Nội ngàn năm, nơi chốn đã gây thương nhớ, ngẩn ngơ cho bao lớp người từng đi qua. Đó là một Hà Nội vừa nhộn nhịp, đầy màu sắc vừa trầm tư, thi vị; một thứ không khí và hồn cốt rất riêng, không thể lẫn với nơi nào khác.

Hà Nội thời thập niên 1950

Chàng trai trẻ Hoàng Dương trong nỗi nhớ Hà Nội xa xôi ấy, còn lồng ghép bao tâm tư thương nhớ, hoài mong về “bóng hồng” trong lòng:

Hà Nội ơi, những ngày vui đã ra đi,
biết người có nhớ nhung chi, hết rồi giây phút phân ly
Hà Nội ơi, giáng huyền tha thướt đê mê,
tóc thề thả gió lê thê, biết đâu ngày ấy anh về

Có thể nói, không chỉ có phần nhạc lãng mạn, du dương, truyền cảm, mà lời ca của ca khúc “Hướng Về Hà Nội” cũng rất xuất sắc. Câu hát “Giáng huyền tha thướt đê mê, tóc thề thả gió lê thê” ngắn gọn nhưng gợi cảm, khắc hoạ rõ nét hình ảnh một cô gái Hà Nội với mái tóc dài đen nhánh, vóc dáng tha thướt, dịu dàng khiến chàng trai “đê mê” say đắm.

Tuy nhiên, điểm sáng nhất trong ca khúc “Hướng Về Hà Nội” chính là dù được ra đời trong hoàn cảnh khắc nghiệt, nhạc sĩ Hoàng Dương đang bị truy đuổi, phải trốn tránh như “tù giam lỏng” nhưng ca khúc lại không hề bi luỵ mà đầy tin tưởng và hy họng: “biết đâu ngày ấy anh về!”, biết đâu chàng trai sẽ sớm gặp lại cô gái vào một ngày không xa. Và biết đâu những ngày “thanh bình” sẽ lại về thật nhanh:

Một ngày mùa chinh chiến ấy,
Chim đã xa bầy, mịt mờ bên trời bay.
Một ngày tả tơi hoa lá.
Ngóng trông về xa luyến thương hình bóng qua.

Hà Nội ơi, nước hồ là ánh gương soi,
nắng hè tô thắm lên môi, thanh bình tiếng guốc reo vui.

Hà Nội ơi, kiếp đời muôn hướng buông trôi,
nhớ về người những đêm rơi nhắn theo ngàn cánh chim trời

Những ai đã từng đi qua những “mùa chinh chiến”, “mùa chia ly” hay từng lỡ phải lòng với Hà Nội hẳn sẽ vô cùng xúc động khi nghe “Hướng Về Hà Nội” bởi chất nhạc dịu êm, xao xuyến, da diết đến nao lòng.

Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xưa,
mắt buồn dâng những đêm mưa, não nùng mây gió đong đưa
Hà Nội ơi, nỗi lòng gởi gấm cho nhau,
Nhớ hoài chỉ biết thương đau, đắng cay chờ những kiếp sau.

Hà Nội ơi, những ngày thơ ấu trôi đi,
mái trường phượng vĩ dâng hoa, dáng chiều ủ bóng tiên nga.
Hà Nội ơi, mắt huyền ngây ngất đê mê, tóc thề thả gió lê thê.
Hãy tin ngày ấy anh về!

Một ngày tàn hương chinh chiến
Lửa khói lắng chìm, tìm về nơi bờ bến
Một ngày hồng tươi hoa lá
Hát câu tình ca nói lên lời thiết tha

Hà Nội ơi, biết người còn có trông mong,
Hướng về ai nữa hay không, những ngày xa vắng bên sông.
Hà Nội ơi, những chiều sương gió dâng trôi,
có người lặng ngắm mây trôi, biết bao là nhớ tơi bời…

Ở phần lời thứ 2 của ca khúc, vẫn là giai điệu du dương, lãng mạn đó, nhưng dòng cảm xúc đã trở nên nghẹn ngào hơn, đồng thời niềm tin vào ngày trở về, vào “một ngày hồng tươi hoa lá” cũng trở nên mạnh mẽ hơn.

Về “bóng hồng” xuất hiện trong ca khúc, nhạc sĩ Hoàng Dương từng kể lại rằng trong thời gian quen biết, cứ đến buổi chiều hai người lại dẫn nhau lên hồ Tây, hồ Trúc Bạch ngồi ngắm cảnh. Tuy nhiên, về sau hai người bị mất liên lạc vì thời cuộc, chàng nhạc sĩ nhiều lần cất công đi tìm cô gái, ông vào tận cả miền Nam để hỏi thăm tin tức nhưng đều không thành. Sau này, khi đã có một gia đình yên ấm, ông vẫn giữ ảnh của người bạn gái cũ, treo trong nhà để làm kỷ niệm. Vợ ông có lẽ cũng hiểu rằng đó là một phần quá khứ không thể thiếu và không thể quên của chồng nên cũng không phản đối.

Nhạc sĩ Hoàng Dương những năm cuối đời

Có thể nói rằng ca khúc “Hướng Về Hà Nội” đã vượt qua khỏi ranh giới của những ca khúc tình yêu đơn thuần, đó là cảm xúc chung, nỗi niềm chung của rất nhiều người khác khi nghĩ về Hà Nội.


Click để nghe Thái Thanh hát Hướng Về Hà Nội trước 1975

Dù là một ca khúc hay và được nhiều thế hệ yêu thích, nhưng “Hướng Về Hà Nội” cũng gặp không ít thăng trầm vì thời cuộc. Ngay từ khi mới ra đời, ca khúc này đã không được phổ biến rộng rãi bởi “nỗi buồn” và “nỗi nhớ” mà nó chứa đựng đi ngược lại với những chính sách văn hoá của chính quyền ở Hà Nội thời đó.

Hà Nội thập niên 1950

Năm 1954, nhà xuất bản Tinh Hoa – Huế cho ấn hành ca khúc “Hướng Về Hà Nội” với hình bìa là một cô gái chít khăn mỏ quạ (hoạ sĩ Duy Liêm thực hiện) và lời đề tặng phía trên bài hát: “Riêng tặng Hoàng Trọng, bạn thân yêu, gửi đây niềm thương nhớ một mùa chia phôi…”. Giải thích về lời đề tặng này, nhạc sĩ Hoàng Dương tâm sự: “Hoàng Trọng là người bạn vong niên đáng kính của tôi. Tôi đã cộng tác với anh trong nhiều bài hát với phần ca từ được anh rất thích”. Một trong số những ca khúc đó có ca khúc nổi tiếng “Nhạc Sầu Tương Tư” do Hoàng Dương viết lời, Hoàng Trọng viết nhạc. Hoàng Trọng cũng chính là người giới thiệu những ca khúc của Hoàng Dương cho nữ danh ca Kim Tước thể hiện và góp phần đưa những ca khúc này đến đông đảo công chúng yêu nhạc. Ngoài “Hướng Về Hà Nội”, ca sĩ Kim Tước còn thể hiện ca khúc “Tiếc Thu” của Hoàng Dương cũng rất thành công.

Sau khi Kim Tước trình làng ca khúc “Hướng Về Hà Nội” trên làn sóng radio Hà Nội, nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế cũng phải nhiều lần tái bản ca khúc để đáp ứng nhu cầu của độc giả. Rất nhiều ca sĩ nổi tiếng khác trong và ngoài nước cũng lần lượt thể hiện ca khúc như Mai Hương, Duy Trác, Thái Thanh, Kim Tuyết, Lệ Thu, Khánh Ly, Tuấn Ngọc,… và nhiều ca sĩ nổi tiếng thế hệ sau như Hồng Nhung, Ánh Tuyết,…

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version