Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước: Gửi hồn dân tộc trên âm điệu phương Tây

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước – tác giả của những ca khúc nổi tiếng của thời kỳ đầu tân nhạc Việt Nam: “Tiếng Xưa”, “Ngọc Lan”, “Bóng Chiều Xưa”, “Đêm Tàn Bến Ngự”, “Ơn Nghĩa Sinh Thành”… đã viết ra những cảm xúc Việt bằng âm điệu phương Tây để có được những bài ca bất tử đi cùng năm tháng

Có lẽ, Dương Thiệu Tước là một trong những nhạc sĩ thuở bình minh tân nhạc có cuộc đời và sự nghiệp sáng tạo khá khác biệt.

Xuất thân dòng dõi quý tộc

Dương Thiệu Tước sinh ngày 15-5-1915 ở làng Vân Đình, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) trong một gia đình nho học truyền thống. Ông nội ông là nhà nho Dương Khuê, tự Vân Trì, đỗ tiến sĩ năm 1868, làm quan đến Định Ninh Tổng Đốc, Thượng thư tham tán Nha Kinh Lược Bắc Kỳ, là bạn đồng khoa thân thiết với Yên Đỗ Nguyễn Khuyến.

Cha thân sinh Dương Thiệu Tước là ông Dương Tự Nhu làm bố chính tỉnh Hưng Yên. Dương Thiệu Tước lại mê đàn từ bé. Bảy tuổi đã học đàn nguyệt rồi đàn tranh và cổ nhạc. Mười bốn tuổi đã học piano của giáo sư người Pháp tại Viễn Đông Âm nhạc Viện và học guitar cổ điển cùng các tiết tấu dancing. Và nghiệp cầm ca đã đưa ông đến việc cùng các bạn như Thẩm Oánh, Vũ Khánh, Nguyễn Thiện Tơ, Nguyễn Trần Dzư, Phạm Văn Nhường… lập ra nhóm âm nhạc Myosotis (Hoa lưu ly).

Ông cùng nhóm đã cho xuất bản những nhạc phẩm đầu tiên của nhóm như “Đồi Oanh vàng”, “Hoa tàn”, “Phút vui xưa”… cùng những bản soạn cho guitar Hawaienne như “Joie d’aimer”, “Son ven-ance”, “Tondouxsourise” vào cuối năm 1938. Cũng trong năm ấy, vào tháng 9, “Myosotis” đã có buổi trình diễn trước đông đảo công chúng tại rạp Olenpia (nay là rạp Hồng Hà đối diện chợ Hàng Da – số 51 Đường Thành, Hà Nội) những nhạc phẩm của Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước được thanh niên mến mộ, náo nức xin văn bản để tập đàn ca. Nhóm thường xuyên được Hội Ánh Sáng của Tự Lực Văn Đoàn mời biểu diễn.

Chiến tranh bùng nổ, Dương Thiệu Tước vẫn ở Hà Nội theo đuổi sự nghiệp sáng tác của mình. Ông từng khẳng định “Âm nhạc cải cách đã trỗi dậy và đã gieo vào tâm hồn ta những ý niệm tươi đẹp của một nền âm nhạc Việt Nam tương lai, cái ảnh hưởng mãnh liệt sâu xa của nó đan xen với mạch sống hằng ngày của mỗi người”.

Tính đến năm 1953, Nhà Xuất bản Tinh Hoa đã thống kê ra đến 41 ca khúc ông viết từ thuở bình minh tân nhạc Việt Nam đến thời điểm đó.

Sau Hiệp định Genève, ông vào Sài Gòn. Ở đây, những ca khúc của ông vẫn tiếp tục được tái ấn hành và được Thái Thanh, người vợ Minh Trang, cô con gái Quỳnh Giao và nhiều ca sĩ nổi tiếng nhất của miền Nam trình diễn trong nhiều năm tháng. Tại Sài Gòn ông làm chủ sự phòng văn nghệ tại Đài phát thanh Sài Gòn đồng thời được mời làm giáo sư dạy lục huyền cầm/Tây Ban cầm tại trường Quốc gia Âm nhạc.

Trong một dịp bình nghị về nhạc, nhạc sĩ Phạm Duy đã phát biểu rằng vào đầu thập niên 40, khi Văn Cao và Phạm Duy còn viết nhạc với âm thanh chuỗi như trong Cung Đàn Xưa hay Khối Tình Trương Chi, thì có một người đã tài tình hòa cả thất cung lẫn ngũ cung trong một khúc tình ca diễm tuyệt. Đó chính là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.

Khúc hát làm Phạm Duy cảm phục là Trời Xanh Thẳm được Dương Thiệu Tước viết từ năm 1939. Phạm Duy hẳn không bao giờ quên được ca khúc này, vì xưa kia nghe Thái Hằng ngây ngất với Trời Xanh Thẳm mà ông đã bị cú sét ái tình… và Thái Hằng trở thành bà Phạm Duy từ đó.

Gửi hồn dân tộc trên âm điệu phương Tây

Khi bắt đầu sáng tác, Dương Thiệu Tước có chủ trương soạn nhạc theo âm điệu Tây phương. Ông nghĩ nếu đã có nhà văn, nhà nghiên cứu Việt Nam viết tác phẩm bằng tiếng Pháp thì nhà soạn nhạc Việt Nam cũng rất có thể viết được những bản nhạc có âm điệu phương Tây. Và cứ thế, từ ông đã tuôn trào ra những Tâm Hồn Anh Tìm Em, Một Ngày Mà Thôi, Ngọc Lan, Bóng Chiều Xưa, Ôi Quê Xưa… chịu ảnh hưởng nhạc nhẹ cổ điển phương Tây.

Nhưng dù có quan niệm như thế, Dương Thiệu Tước vẫn cho rằng khi ông đã là người Việt Nam thì những gì ông viết ra là đã mang hồn vía dân tộc Việt Nam rồi. Điều ấy cũng thể hiện rõ khi ông viết Tiếng Xưa, Chiều (phổ thơ Hồ Dzếnh) và vượt lên hơn cả là đã sử dụng rất tinh tường ca Huế vào Đêm Tàn Bến Ngự.

Từ cảm xúc với nữ ca sĩ Minh Trang đẹp đến nao lòng, Dương Thiệu Tước đã thả hồn vào những luyến láy “rất Huế”, những biến phách, những đảo phách dìu dặt của nhạc cung đình và lời ca như nhập với giai điệu: “Nam Bình sầu than, như nức nở khóc duyên bẽ bàng…” hay “Thuyền mơ trong khúc Nam ai – Đàn khuya trên sóng ngân dài…” man mác đượm buồn.

Giống như Phạm Văn Ký, Phạm Duy Khiêm trong văn chương hay Nguyễn Văn Huyên trong nghiên cứu, Dương Thiệu Tước là nhạc sĩ viết ra những cảm xúc Việt bằng “ngữ pháp Tây” nhưng lòng trắc ẩn về một bản sắc dân tộc vẫn giúp cho ông biến những giáo huấn khô khan Ơn Nghĩa Sinh Thành thành một bài ca được yêu thích.

Một bài hát khác mang âm hưởng dân nhạc là Tiếng Xưa, với hình tượng của Đường thi trong làn điệu của dân ca miền Nam. Phải yêu và hiểu nhạc Việt tới chỗ sâu sắc mới viết nên ca khúc như vậy, mà nếu chỉ căn cứ vào lời từ cổ kính với “cung đàn nhỏ lệ Tầm Dương, phím loan vương tình…”

Tuy vậy, cũng Dương Thiệu Tước, khi sử dụng tiết điệu Tây phương thì đã ra đời nhiều nhạc khúc có âm hưởng Âu Châu cổ điển và cả hiện đại, như bài Bến Xuân Xanh lôi cuốn với nhịp 3/4 của một bài luân vũ bên thành Vienne, hoặc rộn ràng nhịp Tango habanera với Bóng Chiều Xưa, và rực rỡ âm sắc Latin với Khúc Nhạc Dưới Trăng hay Hội Hoa Đăng.

Trừ mấy bài như Chiều phổ thơ Hồ Dzếnh, hay Bóng Chiều Xưa có lời từ của Minh Trang, các ca khúc Dương Thiệu Tước dù viết trên cung bậc Tây phương cổ điển hay hiện đại đều có lời từ thuần nhã của một người thấm đậm văn hóa Việt. Chúng ta thấy rõ điều đó ở các tuyệt tác như Áng Mây Chiều, Phút Say Hương, Sóng Lòng, Mơ Tiên, Đêm Ngắn Tình Dài, Kiếp Hoa hay Thuyền Mơ… với lời ca cổ kính, cứ tưởng như ước lệ mà lại gợi ra hình ảnh mới, chan hòa màu sắc và ánh sáng mới.

Ở Dương Thiệu Tước, nhạc là màu sắc và vũ điệu, và thanh âm là thơ, là tình.

Điều đáng tiếc cho ông, và cho cả chúng ta, các ca khúc Dương Thiệu Tước mang nhiều tính nhạc thuật và đòi hỏi một trình độ nào đó về hòa âm và nghệ thuật biểu diễn, và ông lại không quá chú tâm tới quảng bá thương mại cho tác phẩm của mình. Vì vậy các ca khúc của ông vốn đã kén người nghe lại ít được biểu diễn và phổ biến cho xứng đáng với giá trị của chúng.

Thuở sinh tiền, ông có nhận thấy điều đó và thường mỉm cười trong sự tĩnh lặng. Lòng ông như một phím tơ chỉ chờ rung lên dưới bàn tay nghệ thuật, mà ông lại lạnh tanh với tiếng vỗ tay, như danh ca Duy Trác đã nói: “Giữa sân khấu cuộc đời, Dương Thiệu Tước hoàn toàn đóng vai của người vắng mặt”.

nhacxua.vn biên soạn, tổng hợp theo các nguồn:
Nhà báo Nguyễn Thụy Kha (nld.com.vn)
Ca sĩ – ký giả Quỳnh Giao (báo Nguoi-Viet)

Exit mobile version