Nhạc sĩ Bảo Chấn kể về sinh hoạt âm nhạc sôi động của miền Nam trước 1975

Theo lời kể của Bảo Chấn, đời sống âm nhạc Sài Gòn trước năm 1975 rất sôi động. Bảo Chấn “bén duyên” với âm nhạc từ lúc còn rất trẻ.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

17 tuổi, đang học trong trường nhạc, Bảo Chấn và nhạc sĩ Quốc Dũng đã trốn đi làm ngoài và thu nhập rất khá. Bởi thời đó, trường nhạc rất khó, phát hiện sinh viên đi làm là đuổi học ngay.

Cũng bởi đời sống âm nhạc sôi động nên thanh niên Sài Gòn ngày ấy… dư tiền. Ca sĩ nào cũng đi xe hơi.

Thái Thanh chạy chiếc Mercedes 230, Ngọc Minh đi chiếc Toyota 800, Lệ Thu đi chiếc Forcorola. Dân sang nếu không đi xe hơi thì chỉ có thể là vespa. Bảo Chấn là “dân sang” thời đó, xăng 14 đồng 1 lít.

Ông bảo: “Ban đêm ra đường, thấy ai chạy vespa, áo vest dài là biết dân nhạc công, nhạc sĩ. Chạy xe vespa đi cua gái dễ lắm”.

Dân chơi nhạc ngày đó có quy tắc ngầm. Người mới vào nghề chơi ở vùng ven, nổi tiếng thì được cất nhắc vào các nhà hàng, bar lớn ở trung tâm Sài Gòn như đường Lê Lợi, đường Tự Do tức Đồng Khởi bây giờ…

Hồi mới đi làm, Bảo Chấn thường chơi ở phòng trà của nghệ sĩ Thuý An, Nhật Trường trên đường Pasteur, sau tiến dần vào trung tâm, chơi ở phòng trà Khánh Ly ngay góc ngã tư Đồng Khởi và Mạc Thị Bưởi.

Tại đây, Bảo Chấn đàn cho Khánh Ly và Thái Thanh hát. Theo lời kể của vị nhạc sĩ già, danh ca Thái Thanh rất khó tính.

“Đệ nhất guitar Trung Nghĩa bị danh ca Thái Thanh đuổi một lần vì chơi ồ quá, còn chuyện cô Thái Thanh chửi tôi là chuyện bình thường”, Bảo Chấn nói.

“Hồi đó tôi đánh cho nhiều danh ca lắm, Ý Lan là sau này. Trong những người đó, khó nhất là cô Thái Thanh. Trước năm 1975, tôi chơi đàn ở phòng trà của cô Khánh Ly, cô Thái Thanh hay hát ở đó. Lúc ấy tôi mới 18 tuổi, còn cô Thái Thanh hơn 30, mỗi lần thấy cô Thái Thanh vô là mặt tôi xanh lè.

Đánh sai mà bị la là một lẽ, đánh đúng mà đánh ồ, cô Thái Thanh cũng mắng nữa. Tôi có kỷ niệm với cô Thái Thanh vui lắm.

Hồi ấy tôi mới ra trường, trẻ nên còn háo thắng, thích thể hiện. Hôm đó, cô Thái Thanh hát bài “Bà mẹ Gio linh”, tới đoạn bi thảm, tôi đàn bi thảm; tới đoạn có tiếng chuông, tôi chơi tiếng chuông luôn.

Tôi đệm thế, cô Thái Thanh không hát được. Đang ở trên sân khấu nhưng cô Thái Thanh nói ngay: “Cháu đánh hay lắm, hay là cháu đánh luôn đi để cô đi xuống”. Tôi mắc cỡ thiếu điều tìm lỗ chui xuống đất.

Mình bị chửi nhiều thì phải ngộ ra. Đệm cho người ta hát thì không được phô diễn kỹ năng ngón đàn của mình mà là làm nền, làm sao để ca sĩ phô diễn được chất giọng của họ.

Người đệm hay là người biết tới chỗ nào thì phải nhường lại cho ca sĩ. Thế mà mãi tới lúc hơn 30 tuổi, tôi mới hiểu ra được điều đó.

Cùng nhạc sĩ Quốc Dũng nuôn lậu thuốc lá… bị lỗ nặng

Sau 75, Bảo Chấn ra phường làm. Ông là một trong những người đầu tiên ở Sài Gòn đi làm cho cơ quan nhà nước với mức lương 36 đồng, hàng tháng nhận 14 kg gạo.

Nhạc sĩ Bảo Chấn hồi tưởng: “Thời đó, ai cũng ăn loại gạo trộn bo bo, khoai sắn, mì gián – loại mì có rất nhiều phân gián nên hôi khủng khiếp. Mỗi người được một phần thịt, miếng thịt mỏng như lưỡi dao lam, luồn qua sợi dây cước xe đạp.

Hồi làm ở đoàn Bông Sen, còn gọi là Đoàn Văn công miền Nam, chúng tôi hay đi tỉnh diễn. Tranh thủ những chuyến đi diễn như thế, anh em thường mua gạo, mắm muối đem về.

Để cải thiện đời sống, chị Hoa – một người làm công việc giống như bảo vệ trong đoàn, mua nguyên con heo sống về mổ rồi chia ra cho mọi người. Tôi chuyên đăng ký lấy mỡ về rán.

Có lần tôi với Quốc Dũng đi buôn lậu thuốc lá. Đoàn diễn ở Tây Ninh sát biên giới Campuchia, vậy là tôi với Quốc Dũng rủ nhau mua thuốc lá Samit – loại thuốc lá đắt đỏ của Thái đem về bán kiếm thêm.

Hai thằng làm gan, bọc hai cây thuốc lá vào giấy báo, treo tòng teng trên nóc xe. Lúc công an lên kiểm tra, tưởng đường thốt nốt nên không giở ra xem, thế là bọn tôi qua cửa.

Vừa về xuống, hai thằng sung sướng vô cùng, lấy xe đạp mang thuốc lá đi bán. Lúc mua, 1 cây thuốc lá 70 đồng, tức 7 đồng 1 bao, hy vọng về bán lẻ sẽ được 10 đồng. Không ngờ lúc đem bán, người ta bảo 60 đồng 1 cây. Hai thằng ngậm đắng nuốt cay lỗ mất 10 đồng. Từ sau chừa không buôn thuốc lá lậu nữa”.

Theo Tri Thức Trẻ

Exit mobile version