Nhạc sĩ Anh Việt Thu – 20 năm sự nghiệp và những ngày tháng cuối đời

Nhạc sĩ Anh Việt Thu bắt đầu có những sáng tác đầu tiên vào năm 17 tuổi. Tròn 20 năm sau đó, ông vĩnh viễn an nghỉ giấc ngàn thu sau một cơn bạo bệnh.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Ông đã có 20 năm để viết nhạc, có tròn 20 năm sự nghiệp để tạo nên những tác phẩm để đời mà đến nay không người yêu nhạc vàng nào mà không biết tới: Hai Vì Sao Lạc, Đa Tạ, Người Ngoài Phố, Nhớ Nhau Hoài, Cuốn Theo Chiều Gió, Gió Về Miền Xuôi, Giòng An Giang, Mùa Xuân Đó Có Em… và đặc biệt là Tám Điệp Khúc, là bài hát có nhắc đến cái mốc 20 năm định mệnh của nhạc sĩ:

“Mẹ Việt Nam ơi, hai mươi năm ngăn lối rẽ đường về”.


Click để nghe Lệ Thu hát Tám Điệp Khúc trước 1975

Trong 10 năm đầu của sự nghiệp sáng tác, nhạc sĩ Anh Việt Thu chưa thật sự tham gia sâu rộng trong làng nhạc Sài Gòn, bởi vì lúc đó ông vẫn còn đi học, sau khi học xong thì đi lại dạy học ở các tỉnh lẻ là Biên Hòa, Bình Dương và Tây Ninh.

Năm 1964-1965, khi đang đi dạy ở Tây Ninh, nhạc sĩ Anh Việt Thu sáng tác Tám Điệp Khúc, và bài hát nổi tiếng với giọng hát Hoàng Oanh này liên tục được phát trên các đài phát thanh, đưa tên tuổi của nhạc sĩ đến gần hơn với công chúng, Ngoài ra, có thể nói ca khúc này cũng là mốc đánh dấu 10 năm đầu của sự nghiệp Anh Việt Thu.


Click để nghe Hoàng Oanh hát Tám Điệp Khúc trước 1975

Năm 1965, nhạc sĩ Anh Việt Thu trở lại Sài Gòn, lập gia đình và tham gia nhiều hơn các hoạt động văn nghệ. Đó cũng là năm ông thành lập đoàn du ca Phù Sa, quy tụ nhiều nhạc sĩ cùng quê là Anh Việt Thanh, Hà Phương, Phạm Minh Cảnh… để đi hát ở khắp nơi từ Cần Thơ đến Huế. Cùng lúc đó ông cũng thành lập chương trình Phù Sa (ca-ngâm-diễn-đọc) và Tuần báo Văn nghệ truyền thanh trên làn sóng phát thanh.

Từ năm 1971, ông còn có riêng một chương trình mang tên Giờ Âm Nhạc Anh Việt Thu trên đài vô tuyến truyền hình Việt Nam, đồng thời hợp tác với hãng dĩa Việt Nam để thực hiện một số băng nhạc.

Song song với hoạt động âm nhạc, nhạc sĩ Anh Việt Thu vẫn tiếp tục dạy học ở trường Chu Văn An Sài Gòn.

Những năm cuối đời, Anh Việt Thu làm việc tại Phòng Văn nghệ Đài phát thanh quân đội chung với nhạc sĩ Trần Thiện Thanh và nhạc sĩ Phạm Minh Cảnh.

Khi tuổi đời và tuổi sáng tác đáng lẽ đang ở thời kỳ sung sức nhất, thì nhạc sĩ Anh Việt Thu bất ngờ đổ bệnh, đó là một căn bệnh nan y không thể chữa trị.

Bạn bè nhận xét rằng Anh Việt Thu là một người ít nói, hiền lành, sống nhiệt tình. Trong thời gian đi dạy nhạc ở Tây Ninh, tuy lương bổng rất khá, nhưng do tính tình nghệ sĩ nên ông vẫn cứ túng thiếu, thậm chí phải bán cả radio để trả tiền thuê nhà (thời đó chiếc radio rất quý, mà nhạc sĩ thì càng quý radio hơn vì đó là phương tiện để nghe nhạc trên đài). Có lẽ cũng vì vậy mà dù làm việc rất nhiều nhưng đến khi vĩnh viên ra đi, nhạc sĩ Anh Việt Thu không dành dụm được gì nhiều để lại cho vợ con.

Thi sĩ Thiên Hà – người bạn thân, cũng là một trong những người chăm sóc nhạc sĩ trong hơn 100 ngày nằm viện trước khi qua đời, đã thuật lại lời của Anh Việt Thu thời gian nằm bệnh như sau:

“Sau này nếu khỏi bệnh, chắc tao không làm được gì ra tiền như trước đây. Tao chỉ mong có một mái nhà lá đơn sơ bên kia sông Tân Thuận, đường Trần Xuân Soạn hay Tân Quy Đông gì đó để tao được thảnh thơi. Con tao mỗi đứa trong bạn bè lo một thằng cho tao rảnh tay. Rồi tao đạp xe đạp đi làm cho hoạt động. chiều về có gì ăn nấy, với một khung trời xanh, một dòng sông nhỏ cho tâm hồn thảnh thơi với những thanh âm!”.

Trong những ngày đau yếu như vậy, là một người khát sống, Anh Việt Thu vẫn còn mang chút hy vọng được khỏi bệnh, và ông cũng biết rằng dù có khỏi thì cũng không trở lại được như xưa, không thể lo lắng được cho vợ con, nên chỉ mong có được một chiếc xe đạp, chiều về có gì ăn nấy. Một nhạc sĩ lớn với những tác phẩm lớn, nhưng đến những ngày cuối cùng của cuộc đời thì ông chỉ dám mơ ước những điều vô cùng nhỏ nhoi như vậy, làm cho bạn bè không tránh khỏi cảm thấy đau lòng và thương xót.

Rồi không có sự nhiệm màu nào xảy đến. Theo Thiên Hà kể lại, những ngày nằm viện của Anh Việt Thu là những cực hình vì đau đớn. Dù có gia đình và bạn bè luôn túc trực bên cạnh, nhưng nỗi đau về thể xác vì căn bệnh hoại thận thì chỉ có một mình nhạc sĩ gánh chịu, không ai có thể san sẻ. Ban đầu ông nằm bệnh viện Đồn Đất (là bệnh viện Nhi Đồng 2 hiện nay), nhưng sau đó chuyển qua Tổng Y Viện Cộng Hòa (nay là bệnh viện 175) để tìm thêm chút hy vọng. Tuy nhiên lúc này nhạc sĩ không còn đi được nữa, vào một buổi chiều Thiên Hà đẩy ông trên chiếc xe lăn trong khuôn viên bệnh viện. Ông nói:

“Mày thấy tao có sao không? Bác sĩ ở đây chê tao rồi”

Thiên Hà cố gượng an ủi bạn:

“Có đôi khi Tây y chào thua mà Đông y làm được, và ngược lại cũng nhiều lúc Đông y chạy mà Tây y cứu chữa như chơi”.

Và khi Tây y đã lắc đầu chịu thua, Thiên Hà bàn với gia đình nhạc sĩ để chuyển ông sang Y Viện Quảng Đông để thử vận may với Đông y, với hy vọng mong manh là còn nước còn tát. Tuy nhiên chuyển qua không được bao lâu thì nhạc sĩ Anh Việt Thu trút hơi thở cuối cùng vào 2h 40 phút sáng ngày 15/3/1975.

Sau đó, nhạc sĩ được đưa về an nghỉ ở quê hương An Hữu. Một buổi sáng hôm ấy, bên chiếc xe tang có một người vợ trẻ là cựu nữ sinh Gia Long, cùng 2 người con thơ, một em trai tật nguyền, người cha già rưng rưng râu trắng cùng người mẹ hiền tóc điểm màu sương.

Sáu dây còn nuối, nguyệt chưa rơi
Một thoáng sao băng lạnh bốn trời!
ĐIỆP-KHÚC mây hờn âm phách lặng,
AN-GIANG sóng tủi nhịp chèo lơi,

Sài-Đô rượu khó khuây lòng bạn
Giáo-Đức hoa đâu ấm mộ người!
Thơ mãi nghẹn ngào câu vĩnh biệt
Hồn đàn hóa nhập bóng trăng chơi…

Với công chúng, nhạc sĩ Anh Việt Thu là một tên tuổi lớn. Còn với gia đình, ông là trụ cột trong gia đình, cả về kinh tế lẫn tinh thần, nên sự ra đi bất ngờ đó là nỗi đau quá lớn đối với cha mẹ ông, vợ con ông, không có câu chữ nào diễn tả được. Từ đó về sau, họ sẽ vẫn phải sống tiếp, nhưng thật lặng lẽ suốt nhiều năm qua…

Đông Kha (nhacxua.vn)

Exit mobile version