Nhạc sĩ Anh Bằng và ca khúc “Mai Tôi Đi” (thơ Nguyên Sa) – Paris lộng lẫy và u sầu trong thơ và nhạc Việt

Đã từ lâu rồi, cái tên Paris như hiện thân của một thiên đường với tất cả những gì lộng lẫy và kiêu sa nhất. Paris với dòng sông Seine thơ mộng, hiền hoà, ngay bên cạnh là kỳ quan Eiffel, công trình kiến trúc bằng thép nằm trên công viên Cham-de-Mar, niềm kiêu hãnh của người dân Pháp và ước mơ một lần đặt chân đến của triệu triệu người trên thế giới. Paris với vườn Lục Xâm Bảo có lá vàng thơ mộng mà bất kỳ đôi tình nhân nào ở nước Việt xa xôi cũng mơ ước được một lần bước chân qua…

Trước 1975, hình ảnh thơ mộng về một Paris như vậy đã đến với giới sinh viên học sinh miền Nam qua thơ Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, qua nhạc của Phạm Duy và Ngô Thụy Miên. Đó là những ca khúc Tiễn Em, Paris Có Gì Lạ Không Em, Mùa Thu Paris…

Paris, với công viên ghế đá, với quán nhỏ âm thầm, với rượu đỏ tràn ly, đó là mùa thu của thi sĩ Cung Trầm Tưởng, là người chọn Paris cho cuộc hẹn hò.

“Mùa thu Paris
Trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ
Hẹn em quán nhỏ
Rượu rưng rưng ly đỏ tràn trề…” (bài Mùa Thu Paris – Phạm Duy & Cung Trầm Tưởng)

Cũng như Cung Trầm Tưởng, thi sĩ Nguyên Sa đã có thời gian du học tại Paris và có tình cảm rất gắn bó với nơi này, nên khi tốt nghiệp và chuẩn bị về lại quê hương, phải rời xa Paris, ông đã viết 3 bài thơ mà ông gọi là những bài thơ chia ly, viết để từ biệt nước Pháp.

Năm 1953, ông sáng tác Tiễn Biệt (sau này được nhạc sĩ Song Ngọc phổ thành bài Tiễn Đưa), năm 1954, bài thơ mang tên Paris ra đời, và năm 1955, khi đã về lại Sài Gòn, ông hỏi thăm Paris bằng bài thơ mang tên Paris Có Gì Lạ Không Em. Trong đó, bài thơ mang tên Paris được viết năm 1954, ngay trước thời điểm nhà thơ rời nước Pháp, đã từng được nhạc sĩ Song Ngọc phổ thành 1 bài hát hồi năm 1980 nhưng ít người biết đến.

Đến năm 1988, nhạc sĩ Anh Bằng phổ thành bài nhạc Mai Tôi Đi, và phải đến năm 2004, tức là tròn 50 năm sau khi bài thơ của Nguyên Sa ra đời thì bài hát phổ thơ Mai Tôi Đi mới được ra mắt khác giả và ngay lập tức được yêu thích qua tiếng hát đôi song ca Nguyên Khang và Diễm Liên:

Mai tôi đi, chắc trời giăng mưa lũ
Mưa thì mưa, chắc tôi không bước vội
Nhưng chẳng thế nào, thì cũng sẽ xa nhau, mình cũng sẽ xa nhau

Mai tôi đi, chắc rằng Paris khóc,
nhưng lệ rơi sẽ khô theo tháng ngày
Cho dù cách nào, thì cũng sẽ xa nhau, mình cũng sẽ xa nhau…


Nghe ca sĩ Nguyên Khang và Diễm Liên hát Mai Tôi Đi

Nguyên tác bài thơ của Nguyên Sa rất dài, nhạc sĩ Anh Bằng chỉ lấy ý thơ và những câu thơ đầu tiên để viết thành ca khúc đầy cảm xúc, nói về sự lưu luyến trước buổi chia xa Paris. Cảm xúc chia ly đó dâng trào nên trời cũng dâng mưa lũ, Paris cũng than khóc, con đường và góc phố sẽ lặng lẽ nhìn theo, và sông Seine muôn đời lặng thầm thương nhớ.

Không như những lần trước đó, thi sĩ Nguyên Sa rời Paris nhưng vẫn còn ở lại Pháp, còn lần này là biệt ly ngàn dặm, cho nên dù có lưu luyến, dù cố tình bước đi thật chậm, dù lệ có rơi, dù có cố níu kéo bằng một cơn sụt sùi mưa lũ, dù bằng cách nào đi nữa, thì cũng xa nhau mà thôi…

Mai tôi đi xin đừng nhìn theo, xin đừng đợi chờ
Đời trăm muôn góc phố, con đường dài thật dài
Thẳng mãi có bao nhiêu, thẳng mãi có bao nhiêu

Vì người bước đi mà vẫn còn vô vàn niềm lưu luyến, nên người ở lại – chính là Paris – đã được nhân cách hóa như là một người tình chỉ biết lặng đứng nhìn theo. Mà đời thì có trăm nghìn nẻo phố, bóng người rồi sẽ nhanh chóng khuất xa, con đường dài thẳng này có là bao so với đường đời còn muôn trùng. Vì vậy mai tôi đi, lời nhắn gửi lại là dù bằng cách nào đi nữa thì cũng sẽ đành lòng xa, hãy đừng nặng lòng nhớ thương:

Mai tôi đi, xin đừng gọi tên, thêm nhiều muộn phiền
Dù môi kêu đắm đuối, hay mặn nồng một trời
Cùng đành lòng xa thôi, cũng đành lòng xa thôi

Mai tôi đi, chắc dòng sông Seine nhớ
nhưng dù sao, nhớ nhung rồi sẽ mờ
Muôn vạn u sầu, rồi cũng sẽ xa nhau, mình cũng sẽ xa nhau…

Bài hát của nhạc sĩ Anh Bằng là rất ngắn so với bài thơ gốc, vì ông chỉ lấy ý thơ và một vài câu đầu để viết thành nhạc. Hãy đọc lại trọn vẹn vài thơ này của Nguyên Sa để thấy được hết nỗi niềm của người xưa:

Mai tôi ra đi chắc trời mưa
Tôi chắc trời mưa mau
Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội
Nhưng chậm thế nào cũng phải xa nhau…

Mai tôi đi chắc Paris sẽ buồn
Paris sẽ nhìn theo
Nhưng nhìn thì nhìn, đời trăm nghìn góc phố
Con đường dài thẳng mãi có bao nhiêu

Mai tôi đi dù hôm nay đang vào thu
Giòng sông Seine đang mặc áo sương mù
Đang nhìn tôi mà khoe nước biếc
Khoe lá vàng lộng lẫy lối đi xưa

Dù hôm nay giữa một ngày tháng bảy
Chiếc tháp ngà đang ướt rũ mưa ngâu
Sông Seine về chân đang bước xô nhau
Sẽ vịn ai cho đều giòng nước chảy

Dù mai kia
trong một đêm quá khuya hay một ngày sớm dậy
trên một con đò, bên một góc phố, dưới một luỹ tre
tôi sẽ ngồi kể chuyện nắng chuyện mưa
và có lẽ tôi sẽ kể chuyện Paris

để khói thuốc xám trên môi dăm người bạn, và trên môi tôi
điếu thuốc sẽ run trên những đường cong lận đận
điếu thuốc sẽ run như chân người vũ nữ vừa quen
đôi chân người mà tôi không dám nhớ cũng không dám quên
còn quay đảo giữa điệu nhạc mềm như khói thuốc…

Tôi sẽ hỏi trong những chiều giá buốt
những chiều mưa mây xám nặng trên vai
người con gái mắt xanh màu da trời
trên áng mi dài có quanh co tuyết phủ?

Rồi cả người
cả Paris nhìn tôi qua một nụ cười nhắn nhủ
nụ cười mềm như ánh nắng của cuộc chia ly
của một buổi sáng mai khi những người phu đổ rác bắt đầu đi

những thùng rác bắt đầu cọ vào nhau
với những tiếng kêu của một loài sắt lạnh
như những tiếng kêu của những chiếc đinh khô, những mình búa rắn
của những đôi mắt nhìn theo

và tôi cũng nhìn theo
không biết người ta vừa khâm liệm mình hay khâm liệm một người yêu

Dù người yêu không phải là người con gái có mớ tóc vàng
Nhưng cũng sợ phải viết những lá thư xanh về xứ Đũa son
nên tôi không dám hỏi:

tại sao mắt em buồn
tại sao má em đỏ
tại sao môi em ngoan
vì những ngón tay tô đỏ màu đũa son
đang muốn gắp cả đời người hạnh phúc

Và cả tôi cũng vẫn nghẹn ngào trong mỗi lần nói thật
mỗi lần nghe Paris hỏi tôi:
tại sao anh về
tại sao anh không ở?…

Nhưng dòng máu không thể chảy ngoài huyết quản
dù tôi yêu Paris hơn một người bạn yêu một người bạn
hơn một người yêu yêu một người yêu

Dù đêm nay tôi vẫn làm thơ
dặn những người con gái nhỏ đi về
trên hè phố Saint Michel

gò má đỏ phồng bánh graffen
để những hạt đường rơi trên má
lau vội làm gì cho có duyên

Dù đêm nay những người yêu nhỏ vẫn đi về
vẫn đôi mắt nhìn lơi lả hở khuy
cặp môi nghiêng trong một cánh tay ghì
mỗi chuyến métro qua vồi vội
giòng Seine cười ngoảnh mặt quay đi

Dù đêm nay tháp Eiffel
Vẫn kiễng mình trong sương khuya
nhìn bốn phía chân trời

Và đôi mắt tôi
Vẫn tìm đến trong một giờ hò hẹn

Và từ mai trên những lá thư xanh
tôi không được bắt đầu
bằng một chữ P hoa
như tên một người con gái…

Bài hát Mai Tôi Đi của nhạc sĩ Anh Bằng:

Mai tôi đi, chắc trời giăng mưa lũ
Mưa thì mưa, chắc tôi không bước vội
Nhưng chẳng thế nào, thì cũng sẽ xa nhau, mình cũng sẽ xa nhau

Mai tôi đi, chắc rằng Paris khóc,
nhưng lệ rơi sẽ khô theo tháng ngày
Cho dù cách nào, thì cũng sẽ xa nhau, mình cũng sẽ xa nhau

Mai tôi đi xin đừng nhìn theo, xin đừng đợi chờ
Đời trăm muôn góc phố, con đường dài thật dài
Thẳng mãi có bao nhiêu, thẳng mãi có bao nhiêu

Mai tôi đi, xin đừng gọi tên, thêm nhiều muộn phiền
Dù môi kêu đắm đuối, hay mặn nồng một trời
Cùng đành lòng xa thôi, cũng đành lòng xa thôi

Mai tôi đi, chắc dòng sông Seine nhớ
nhưng dù sao, nhớ nhung rồi sẽ mờ
Muôn vạn u sầu, rồi cũng sẽ xa nhau, mình cũng sẽ xa nhau

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version