Ngày ấy tuổi học trò
sân trường đầy phượng đỏ…
Câu thơ này của thi sĩ Nhất Tuấn và màu phượng thắm sân trường luôn gợi lại trong mỗi chúng ta nỗi tiếc nhớ xa xôi về những tháng năm tươi đẹp nhất của một đời người.
Màu hoa phượng trong thơ Nhất Tuấn còn gọi là màu “hoa học trò”, màu hoa thắm tươi và đẹp như mối tình đầu vụng dại của những cô cậu học trò. Tình đầu là những xao xuyến, những rung động của trái tim vừa chớm biết yêu. Tình đầu là mộng ước, là giấc mơ tươi đẹp nhất của một thời tuổi trẻ.
Click để nghe Nhật Trường & Hoàng Oanh hát Hoa Học Trò trước 1975
Bài thơ Hoa Học Trò của thi sĩ Nhất Tuấn được nhạc sĩ Anh Bằng phổ thành ca khúc cùng tên nổi tiếng vào thập niên 1960. Bài hát còn mang tên khác là Bây Giờ Còn Nhớ Hay Không. Có lẽ rằng ít người có dịp được thưởng thức nguyên tác của bài thơ Hoa Học Trò ở dưới đây:
Bây giờ còn nhớ hay không
Ngày xưa hè đến phượng hồng nở hoa
Ngây thơ em rủ anh ra
Bảo mình nhặt phượng về nhà chơi chung
Bây giờ còn nhớ hay không
Anh đem cánh phượng bôi hồng má em
– “Để cho em đẹp như Tiên!”
Em không chịu, sợ phải lên trên trời.
– “Lên trời hai đứa đôi nơi
Thôi em chỉ muốn làm người trần gian”
Hôm nay phượng nở huy hoàng
Nhưng từ hai đứa lỡ làng duyên nhau
Rưng rưng phượng đỏ trên đầu
Tìm em, anh biết tìm đâu bây giờ
Bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa
Gửi vào đây một bài thơ cuối cùng
Bây giờ còn nhớ hay không
Đến người em nhận làm chồng? Mà thôi.
Ngoài bài thơ trên, thi sĩ Nhất Tuấn còn có nhiều bài thơ khác được phổ nhạc, tiêu biểu là Chủ Nhật Này Trẫm Nhớ Ái Khanh Không (Trần Thiện Thanh) và Con Quỳ Lạy Chúa Trên Trời (Phạm Duy).
Trong một dịp nói chuyện về bài thơ “Hoa Học Trò”, Nhất Tuấn kể lại như sau:
“Tôi làm bài thơ Hoa Học Trò vào thập niên 1960. Thành thật mà nói, tôi bị ảnh huởng bởi mấy câu thơ của nhà thơ đàn anh, thi sĩ Nguyễn Tố, đại khái là tôi thích mấy câu lục bát này của Nguyễn Tố như sau:
Nàng rằng hoa rụng mình ơi
Nhặt cho đầy giỏ rồi chơi vợ chồng
Thế mà khi tới loan phòng
Thì ai? tôi có là chồng nàng đâu…
Và tôi làm bài thơ của tôi khi nhớ lại là cái thuở ngày xưa còn bé cũng chơi với mấy đấng bạn nhi đồng nam nữ xoa hoa dâm bụt, hoa phượng vào má nhau cho đỏ cho đẹp như cô dâu ngày đám cưới. Chỉ có vậy thôi. Rồi cái số của tôi là ngay từ những bài thơ đầu, tự dưng ưa làm thơ mà nhiều xui xẻo khi vào đoạn kết những bài thơ, để cho có vẻ lâm li bi đát buồn vơi trong các tập “Truyện Chúng Mình” của những ngày xa xưa đó lại có bài thơ “Hoa Học Trò”.
Ca khúc Hoa Học Trò – Bây Giờ Còn Nhớ Hay Không trở thành 1 trong những ca khúc học trò được yêu thích nhất thập niên 1960. Những tình khúc viết về thời gian đẹp nhất của đời người này luôn được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt:
Bây giờ còn nhớ hay không?
Anh đem cánh phượng tô hồng má em
Để cho em đẹp như tiên
Nhưng em không chịu
Sợ phải lên trên trời…
Câu hát, câu thơ “bây giờ còn nhớ hay không” được lặp lại nhiều lần để diễn tả tâm trạng nuối tiếc, hỏi rằng người có còn nhớ những kỷ niệm của tuổi hoa niên thuở còn chung trường lớp.
Ngày xưa có anh học trò thường lóng ngóng cài nên tóc nàng nhành hoa phượng hồng thắm, làm thêm hồng đôi má của nàng nữ sinh thẹn thùng. Trước dung nhan ấy, cậu học trò ngơ ngẩn, ngỡ như là tiên vừa giáng trần, còn nàng không phụng chịu không chịu nhận là tiên, vì tiên thì phải bay lại về trời, nên chỉ muốn làm người trần gian:
Lên trời hai đứa hai nơi
Thôi em chỉ muốn làm người trần gian
Hôm nay phượng nở huy hoàng
Nhưng từ hai đứa lỡ làng duyên nhau
Rồi mùa hoa học trò đến, lúc “phượng nở huy hoàng” cũng là lúc mà cánh cổng trường khép lại, bạn bè chia ly mỗi người mỗi hướng. Học trò ngày nay thì mùa hè chia tay 3 tháng thì rồi cũng sẽ gặp lại nhau (ngoại trừ năm cuối cấp), nhưng ở thời điểm khói binh ly loạn năm xưa, ở bất cứ khối lớp nào thì mùa hè cũng đều là mùa ly biệt, chia tay rồi không thể biết sang năm có còn chung trường lớp nữa hay không…
Sau nhiều năm lưu lạc, hôm nay cậu học trò năm xưa nhìn thấy cánh phượng hồng thì bao nhiêu kỷ niệm của một thủa dấu yêu lại tràn về:
Rưng rưng phượng đỏ trên đầu
Tìm em, anh biết tìm đâu bây giờ
Bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa
Gửi vào đây một bài thơ cuối cùng…
Hình ảnh rưng rưng là sự xúc động mãnh liệt mà nhân vật trong bài thơ – bài hát này cảm nhận được khi nhớ về người xưa đã xa biền biệt. Trong lời than tuyệt vọng đó, người chỉ còn biết gửi niềm tâm sự vào bài thơ cuối cùng này mà thôi…
Khi viết thành ca khúc, đoạn thơ này được nhạc sĩ Anh Bằng sửa lại 2 câu kết:
Rưng rưng phượng đỏ trên đầu
Tìm em anh biết tìm đâu bây giờ
Bây giờ tìm kiếm em đâu
Bây giờ thì mãi xa nhau…
Tự hỏi và cũng là tự trả lời. Một nỗi sầu dâng lên chất ngất, bởi vì tình học sinh vốn trong sáng, thơ ngây, khó quên nhưng rất khó thành. Từ đó trở về sau, trên bước đường đời dài thăm thẳm, mấy ai đoán biết trước sẽ có điều gì đang đón đợi mình. Cuộc đời đã mong manh như vậy, nên mối tình học trò cũng thật bé nhỏ và dễ đi vào hư vô.
Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn