Nhà văn Nhật Tiến và tuần báo Thiếu Nhi – Món ăn tinh thần không thể thiếu của các thế hệ học sinh xưa

“Tương lại nước Việt Nam sau này hay hay dở đều do sự giáo dục hiện tại của lứa tuổi thiếu nhu, mầm non của đất nước” – Đó là câu nói của ông Nguyễn Hùng Trương – Chủ nhiệm tuần báo Thiếu Nhi – vẫn thường nhắc đi nhắc lại mỗi khi có dịp, đặc biệt ông đã dùng làm câu mở đầu cho các loại sách dành cho Tuổi Thơ mà ông sáng lập, trong đó nổi bật là Tuần Báo Thiếu Nhi.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Cho đến nay, có thể là vẫn có nhiều “nhi đồng” miền Nam trước năm 1975 vẫn nhớ lại một trời tuổi thơ gắn bó với tuần báo này với bao nhiêu kiến thức mới mẻ được các nhà văn, nhà báo tâm huyết biên soạn dành cho tuổi nhỏ. Cứ mỗi chủ nhật hàng tuần lại nôn nao chờ được cha mẹ mua cho tờ báo dành riêng cho lứa tuổi của mình.

Báo Thiếu Nhi do ông Hùng Trương (chủ nhà sách Khai Trí) sáng lập năm 1971, và có một người đồng hành không thể thiếu, là linh hồn của tuần báo này, chính là nhà văn Nhật Tiến, người vừa qua đời vào ngày hôm qua (14/9/2020).

Vợ chồng nhà văn Nhật Tiến – Đỗ Phương Khanh

Với tuần báo Thiếu Nhi thì ông Nguyễn Hùng Trương là chủ nhiệm, còn nhà văn Nhật Tiến là chủ biên. Ngày trước, các trang báo thường có 2 vai trò: Chủ nhiệm là người sáng lập ra tờ báo, tổng phụ trách chung. Còn Chủ biên là vai trò chuyên môn, phụ trách tuyển chọn bài vở. Cũng có trường hợp 1 người kiêm luôn 2 vai trò này trong một vài tờ báo.

Để tưởng nhớ những người đã góp phần tạo nên một phần ký ức của các thế hệ tuổi thơ xưa, xin nhắc lại đôi nét về tuần báo Tuổi Thơ sau đây.

Số báo đầu tiên năm 1971

Số đầu tiên của báo Thiếu Nhi ra mắt vào ngày 15/8/1971, và được tiếp nối phát hành liên tục vào mỗi tuần trong gần 5 năm sau đó, đã được sự ủng hộ nhiệt tình từ các “thiếu nhi” cũng như phụ huynh thời đó, một thời đã là món ăn tinh thần không thể thiếu của Thiếu Nhi Miền Nam nửa đầu thập niên 1970.

Về hình thức, trang bìa trước thường là tranh vẽ màu nước của họa sĩ ViVi về các đề tài khác nhau, trang cuối thường là các câu chuyện bằng tranh màu nổi tiếng dịch lại từ tiếng nước ngoài, như truyện Tin-Tin, truyện Asterix Obelix, truyện của Walt Disney… Đó là những câu chuyện lạ lẫm xen lẫn thú vị đối với độc giả nhỏ tuổi, được trình bày rất công phu với kỹ thuật in offset – kỹ thuật tân tiến nhất thời bấy giờ.

Truyện tranh ở trang cuối

Thơi gian đầu, bên dưới hình bìa của Vivi ở trang đầu thường để dòng chữ là “Tràn ngập bài vở bổ ích với sự cộng tác của các nhà văn nhà giáo thủ đô”, sau đó sửa lại một chút, thành “Tràn ngập bài vở bổ ích với sự cộng tác của các nhà văn nhà giáo toàn quốc”.

Tròn 1 năm sau, khi báo Thiếu Nhi đã có nhiều độc giả thì dòng chữ này không còn nữa, thay vào đó là những câu danh ngôn, ngạn ngữ nổi tiếng, bắt đầu từ số báo 40 phát hành ngày 25/8/1972 là câu danh ngôn: “Chẳng có tình bạn, cũng chẳng có tình yêu nào giống như tình yêu cha mẹ đối với con cái”.

Bài vở trong tờ báo này được phụ trách bởi vợ chồng nhà văn Nhật Tiến – Đỗ Phương Khanh, vốn là những cây bút kỳ cựu của các tạp chí Tân Phong, Văn Hóa Ngày Nay từ thập niên 1950.

Nội dung báo bao gồm nhiều bài viết đủ các thể loại như truyện ngắn, truyện dài nhiều kỳ, truyện tranh, thơ, đố vui, tìm hiểu kiến thức khoa học, đời sống…

Xin chép lại trang Thư Chủ Nhiệm của ông Nguyễn Hùng Trương ghi trong trang đầu của số báo dầu tiên năm 1971, có nói chi tiết về nội dung ban đầu của tuần báo Thiếu Nhi:

Các em,

Tập báo THIẾU NHI hôm nay đã đến tay các em.

Chúng tôi, toàn thể bộ biên tập hết sức sung sướng đã đem lại cho các em một tờ báo bổ ích.

Mục đích của chúng tôi là vừa giải trí, vừa giáo dục, chúng tôi cố gắng để bài vở đều lành mạnh, viết đúng chính tả, chữ to dễ đọc, đầy hình ảnh vui tươi, ấn loát rõ ràng.

Trong mỗi số báo THIẾU NHI, hàng tuần các em sẽ tìm thấy

– Một GƯƠNG DANH NHÂN, như trong kỳ này, truyện một nhà thông thái không bằng cấp, nhà nghèo, con một người thợ hồ, 17 tuổi còn đi lau nhà cho một y viện, tự học để trở thành nhà Bác học dạy ở các Đại học đường và có chân trong Viện Hàn Lâm.

– Một bài học KHÉO TAY LÀM LẤY, như làm một cái lồng chim bằng giấy treo ở trong nhà cho vui.

– Một chuyện KHOA HỌC THƯỜNG THỨC, như nói về máy chiếu phim và kỹ thuật ngành điện ảnh.

– Một trang TÒ MÒ để các em hiểu tại sao có mống trời (cầu vồng), tại sao chó thè lưỡi ra, tại sao cá không bị lạnh dưới nước, cá ngủ như thế nào, tại sao chim cú kêu về ban đêm.

– Hai trang GIẢI TRÍ trong đó các em sẽ làm quen với những câu hỏi NÁT ÓC, chuyện ĐỐ VUI, màn ẢO THUẬT, nhiều TRÒ CHƠI.

– Một trang KỸ THUẬT để hướng dẫn các em hiểu các thắc mắc về các loại máy thu thanh, truyền hình, thâu băng v.v… như cách chế tạo một máy thu thanh chỉ làm bàng một củ khoai tây mà thôi.

– Một trang EM HỌC VẼ rất giản dị, cam đoan bất cứ em nào bắt chước cũng có thể vẽ được.

– Những câu TRUYỆN CỔ chọn lọc

– Một TRUYỆN BẰNG TRANH phiêu lưu đầy hứng thú.

– Một TRUYỆN PHIÊU LƯU MẠO HIỂM, ĐƯỜNG RỪNG xây dựng trên một tinh thần khoa học.

– Một TRUYỆN NGẮN hay TRUYỆN DÀI sáng tác của một nhà văn danh tiếng.

– Một DANH VĂN NGOẠI QUỐC như truyện Bác sĩ Kim, thiên thần hay ác quỉ.

– Các em xem chiếu bóng hay truyền hình có khi nhìn thấy những bộ mặt dễ sợ, nhưng các em có biết đâu các chuyên viên hóa trang đã biến các tài tử đẹp trai thành nhân vật quái đản khủng khiếp, việc này cũng có trình bày rõ trong tập báo THIẾU NHI của các em.

Các em gái THIẾU NHI cũng không bị bỏ quên. Hàng tuần, chị Đỗ Phương Khanh sẽ gặp các em trong hai trang VƯỜN HỒNG. Mặc sức, các em tâm sự với chị. Các em xem chị Đỗ Phương Khanh như một người chị, hay hơn nữa là một người bạn lớn tuổi hơn mình. Chị Đỗ Phương Khanh sẽ tìm mọi cách giúp các em đời sống được vui tươi, hạnh phúc hơn. Chắc các em cũng biết Yaourt rất bổ dưỡng, chị Đỗ Phương Khanh chỉ cách các em làm xong trong 10 phút.

Sau cùng, một cuộc thi SÁNG TÁC VĂN CHƯƠNG THIẾU NHI tổ chức 6 tháng một lần sẽ đem lại cho các em cơ hội tập luyện ngòi bút để có thể dễ dàng diễn tả những tình cảm và ý nghĩ của mình.

Tất cả tâm trí của tôi cũng như bạn NHẬT TIẾN cùng các cộng sự viên khác là làm sao cho tờ báo THIẾU NHI xứng đáng là món ăn tinh thần cần thiết cho các em, giúp ích cho các em, mầm non của đất nước, để các em trở thành người hữu dụng cần thiết cho quê hương xứ sở.

CHỦ NHIỆM
Nguyễn Hùng Trương

Tuần báo Thiếu Nhi phát hành được trong gần 5 năm thì bị chung số phận với những sách báo khác tại miền Nam thời điểm 1975, phải ngừng phát hành với số cuối cùng là 136 ngày 15-3-1975.

Số báo cuối cùng năm 1975

Đôi nét về nhà văn Nhật Tiến, chủ biên của tuần báo Thiếu Nhi:

Ông sinh năm 1936 tại Hà Nội, là tên tuổi lớn trên Văn Đàn Việt Nam, cũng là tác giả tiếp nối của dòng văn học Tự Lực Văn Đoàn.

Ông bắt đầu sáng tác cả thơ lẫn truyện từ những năm đầu thập niên 1950, sau này được ghép chung vào một tập mang tên là Những Bước Tiên Của Tôi.
Năm 1952, truyện ngắn “Chiến nhẫn mặt ngọc” của ông được đăng trên tờ Giang sơn. Đây là tác phẩm đầu tiên của ông được đăng trên báo.

Năm 1954, di cư vào Nam, đầu tiên sống tại Đà Lạt, chuyên viết kịch cho Đài phát thanh Ngự lâm quân, rồi về Sài Gòn dạy lý hóa cho các trường tư.

Từ năm 1958 ông về sống ở Sài Gòn, tham gia Giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay do nhà văn Nhất Linh chủ biên.

Năm 1959 – 1975, làm Chủ biên nhà xuất bản Huyền Trân.

Từ 1971 – 1975, là Chủ biên tuần báo Thiếu nhi của nhà sách Khai Trí xuất bản. Cùng tham gia với ông còn có người vợ Đỗ Phương Khanh giữ vai trò quản trị sự cho tuần báo.

Vợ chồng nhà văn Nhật Tiến – Đỗ Phương Khanh

Ngày 26/8/2020, nhà văn Đỗ Phương Khanh qua đời, và chỉ hơn 2 tuần sau đó, nhà văn Nhật Tiến cũng ra đi theo vợ.

Đông Kha – nhacxua.vn biên soạn

Exit mobile version