Trở về Việt Nam sau nhiều năm định cư và hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Hồng Nhung không ngại nói về người tình trong âm nhạc thực thụ của mình cùng những định hướng âm nhạc tại quê nhà.
- Chào Nguyễn Hồng Nhung, khoảng thời gian đầu khi sang Mỹ phải tập quen mọi sinh hoạt cũng như lịch chạy show không nhiều như Việt Nam… có khiến chị rơi vào khủng hoảng?
Bất kỳ điều gì cũng thế, phải có lúc ban đầu. Đã gọi là ban đầu, không thể nào mình có thể đòi hỏi mọi thứ như mong muốn của mình. Tôi luôn trong tâm thế để mọi chuyện tự nhiên. Vì tôi không thể biết ngày mai sẽ xảy ra điều gì. Tốt hơn hết, tôi đón nhận mọi điều đến với mình một cách bình thản, dù tốt hay xấu.
Âm nhạc là hơi thở của tôi. Khán giả cũng nhận xét, mỗi lần tôi bước lên sân khấu dường như trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi vẫn luôn hát bằng tất cả tâm hồn và trái tim của mình. Có lẽ, vì khán giả cảm nhận được sự hết mình ấy nên thương tôi, quý tôi. Mỗi người ca sĩ sẽ có những chất nhạc riêng, giống như một vườn hoa đầy hương sắc. Với chất giọng của tôi, khán giả cảm nhận được chất tình, cảm xúc được truyền tải qua lời hát. Khán giả cũng cảm thấy tôi là một người nghệ sĩ thân thiện, không màu mè nên luôn muốn gặp lại tôi.
Tôi sẵn sàng hát mấy chục bài cho dù chỉ có một bàn còn lại ở trong tụ điểm hát đó. Tôi còn nhớ lần đầu tôi qua Mỹ, bên cạnh những show lớn, tôi vẫn phải đi diễn ở những tiểu bang xa. Tôi nhớ có lần tôi gặp trời mưa bão. Lúc đến nơi chỉ còn đúng một bàn khách đến khoảng 12 người. Thế nhưng, tôi vẫn hát đến mấy chục bài. Những vị khách ấy rất xúc động vì tôi quá nhiệt tình. Chắc chắn bầu show hôm đó lỗ vốn. Tôi cũng không nhận tiền cát sê. Tôi nghĩ, mình phải thông cảm trong nhiều hoàn cảnh, trong những chuyện ngoài ý muốn. 12 vị khách ấy là những người yêu quý mình, muốn nghe mình hát, muốn chụp hình với mình nên tôi quyết định hát. Chính những người khách ấy sau này trở thành những người anh chị thân thiết giống như một gia đình của tôi. Tôi không bao giờ quên ơn của họ. Dù sao đi nữa, tôi là ca sĩ, mục tiêu của tôi là khán giả. Mình không chỉ hát cho mình, mình phải hát cho khán giả. Mình phải mang ơn khán giả vì đã cho mình đời sống tinh thần để tiếp tục làm nghề, vượt qua những khó khăn trong nghề nghiệp.
- Khoảng thời gian ở Việt Nam, chị theo đuổi dòng nhạc trẻ, dù có hát nhạc trữ tình nhưng khá ít. Từ khi sang Mỹ, khán giả thấy rằng chị hát nhạc trữ tình hay hơn, da diết hơn. Có phải khi phụ nữ ở vai trò làm vợ, làm mẹ khiến chị cảm nhạc và thể hiện nhạc sâu lắng hơn?
Ở mỗi thời điểm, khi tuổi tăng lên, con người cũng tự trưởng thành hơn. Về chất liệu âm nhạc, từ xưa đến giờ, tôi vẫn thích ballad. Đó cũng là sở trường của tôi. Nếu tôi có hát những bài sôi động cũng là một cách tự thử sức với môi trường mới. Đến một tuổi nào đó như làm vợ, làm mẹ, tôi nhảy hay hát, hoặc làm những điều thu hút khán giả trẻ, tôi không nghĩ con đường đó phù hợp với mình. Tôi lên sân khấu cũng phải mặc những bộ trang phục đúng với lứa tuổi.
Trước khi sang Mỹ trình diễn, tôi đã ra một album “Niềm đau đã qua” của nhạc sĩ Nguyễn Quang hoà âm phối khí. Và chính nhạc sĩ Nguyễn Quang đã là người hướng tôi theo dòng nhạc sang, nhạc xưa, nhạc trữ tình. Khoảng thời gian Sài Gòn và Hà Nội chưa thịnh hát nhạc xưa nhiều như bây giờ, cách đây 14 năm, chính tôi và anh Quang Dũng là hai ca sĩ ra hai album về dòng nhạc xưa. Trong album của tôi đã có những bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang, nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên… Tất cả những người nhạc sĩ đó đã tạo cho nền âm nhạc Việt có những bài hát để đời.
Vì thế, khi tôi quyết định đi vào con đường âm nhạc đó, tôi mang cả album đó sang Mỹ trình diễn. Tôi đã may mắn thành công vì nó phù hợp với những chất liệu âm nhạc tại Mỹ, nơi toàn những cây đa cây đề, toàn những danh ca sinh sống. Khi đến môi trường đó, tôi phải mang đến những sản phẩm âm nhạc của mình để khán giả ở đó đã quen nghe, quen ăn những món ăn như vậy vô tình trở nên hợp kí. Tiếp theo đó, tôi chỉ đi vào dòng nhạc xưa.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang là người thầy và là người ơn của tôi. Chính ca khúc “Sắc màu” do anh hoà âm, đến tận bây giờ vẫn không có bản phối nào thay thế được. Khán giả ở hải ngoại cũng chỉ nhớ đến tôi và “Sắc màu”, hay “Niệm khúc cuối”. Còn tất cả những ca khúc khác khi tôi lên sân khấu hát là khán giả thương nên nhớ như: “Mai tôi đi”, “Mình ơi em chẳng cho về”… Hát nhạc xưa là một thử thách vì có quá nhiều thế hệ đàn anh đàn chị, các cô các bác hát trước. Đến khi tôi hát, tôi phải làm sao biến nó thành hơi thở của mình nhưng vẫn không mất đi cái hồn của bản nhạc. Tôi nghĩ người nghệ sĩ nên nghiên cứu và đầu tư vào chiều đó hơn là chạy theo thị hiếu. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn song song dòng nhạc xưa, dòng nhạc trữ tình, tôi vẫn muốn có những bản ballad mới, những bản hit để đến gần với thế hệ 9x hơn. Tôi đã đi quá lâu và khi trở về, tôi sẽ có những sản phẩm kéo khán giả thế hệ 9x đến gần với tôi hơn.
- Sự cạnh tranh giữa những ca sĩ ở hải ngoại khi đất chật người đông có quyết liệt, sôi động như ở Việt Nam không?
Ở bên đó, ai có vị trí của người nấy. Mình có muốn lấn cũng không lấn được. Họ không thích mình cũng không làm gì được. Khi họ thấy mình đến thị trường hải ngoại, họ sẽ xem mình như thế nào, là ai, xem cách cư xử của mình ra sao, có biết kính trên nhường dưới hay không.
Cá nhân tôi cảm thấy tự hào và may mắn vì được tất cả các cô các chú, tất cả cây đa cây đề rất yêu thương. Không phải họ thương vì thấy mình tội nghiệp, không phải họ thương vì thấy cuộc sống mình vất vả khổ sở, họ thương vì thấy mình sống thật, không màu mè. Ngược lại, tôi rất trân trọng họ, thậm chí đó là những ca sĩ chưa được nổi tiếng, những ca sĩ địa phương hát trong đêm nhạc của mình. Họ cùng là đồng nghiệp của tôi nên không có sự phân biệt nổi tiếng hay không nổi tiếng. Tôi không thể biết trước ngày mai họ sẽ như thế nào và mình sẽ như thế nào? Tôi nghĩ những danh dưng bên đó dành cho tôi như: diva, ngôi sao bán vé… cũng là may mắn, khán giả cho mình chứ không do mình tự quyết. Mình không thể tự cho mình là ngôi sao. Với tôi, cụm từ “ngôi sao” hay “diva” nên dành cho khán giả quyết định người ca sĩ đó có xứng đáng hay không.
Ở hải ngoại, cạnh tranh là không có chỉ ăn thua ở thực lực của bạn bước ra sân khấu, có bao nhiêu người khán giả thương bạn và bao nhiêu người khán giả đến vì mình chứ không phải mình là ai và tên mình là gì. Tất nhiên hai điều đó có liên quan đến nhau. Khi khán giả thương và cần mình thì mình mới được đứng ở vị trí đó. Cho dù người ca sĩ có thế nào đi chăng nữa thì nghề và nghiệp của họ vẫn là cống hiến. Tất cả họ đều xứng đáng được cống hiến và được công nhận. Chính vì thế, tôi chưa từng nghĩ mình là ngôi sao nên cuộc sống của tôi rất thoải mái.
Nếu muốn so sánh hãy so sánh với các ngôi sao Hollywood. Quá xa cách. Tôi ở gần đó, các ngôi sao Hollywood ở ngay đại lộ danh vọng đó. Mỗi ngày tôi đi trên con đường đó, được gặp tên tuổi mà mình thần tượng. Cuộc sống của họ như thế nào? Họ vẫn mặc H&M, đi máy bay hạng bình dân… Họ sống một cuộc sống thoải mái nhất. Tôi cảm thấy cuộc sống ở hải ngoại bình đẳng vì dù là ngồi sao nổi tiếng nhưng bạn vẫn phải xếp hàng như chúng tôi. Nhìn họ và nhìn lại mình, tôi xác định mình chỉ là một nghệ sĩ được khán giả yêu thương và trong cuộc đời này của tôi, như vậy là đủ. Khi về đất nước mình, tôi thấy sự đón nhận của khán giả đông. Tôi thấy những người bạn của mình rất thành công, có rất nhiều fan. Tôi trở về với tâm thế hát bằng trái tim và một người con đi xa về với quê hương, không phải mang danh vọng hay ngôi sao ở trên đầu về gặp khán giả. Những ngày qua là những ngày rất tuyệt vời với tôi, khán giả vẫn yêu thương, khi tôi cất giọng hát lại được khen hát hay hơn và có sự trải nghiệm hơn.
- Nhiều nghệ sĩ hải ngoại về Việt Nam không chỉ biểu diễn mà còn được mời ngồi ghế nóng nhiều chương trình truyền hình. Tuy nhiên, cuộc sống của họ vốn thoải mái êm đềm lại hoạt động trong môi trường không cạnh tranh khốc liệt nên đôi phần khiến họ ngại vì tính chiến đấu không cao và khó đẩy chương trình lên kịch tính. Riêng chị thì sao?
Tất cả những chương trình ở Việt Nam đều phần lớn có bản quyền ở Mỹ. Tôi thấy các nghệ sĩ, ngôi sao tên tuổi ở Hollywood vẫn đùa giỡn với nhau, vẫn chặt chém nhau nhưng với tinh thần nào? Cuộc sống của tôi ở hải ngoại rất tôn trọng nhau và không cần thiết phải bon chen vì ai cũng có những người khán giả riêng của mình.
Khi về đến Việt Nam, đã ngồi vào một chương trình mang tính giải trí, tôi cũng làm những điều vui vẻ có tính giải trí cao. Tính tôi cũng cởi mở và hài hước. Trong cuộc thi bao giờ cũng có giây phút căng thẳng hay kịch tính để thu hút. Bản thân thí sinh đã rất căng thẳng, nếu lên sóng mình giỡn hay đùa là không tôn trọng họ. Tuy nhiên, giữa những vị giám khảo với nhau mà tôi đã xem qua nhiều chương trình truyền hình của nước mình, tôi cảm thấy rất hay. Tôi có thể học hỏi được điều gì ở họ, tôi sẽ sàng lọc để có cái riêng của mình. Tôi luôn trong tâm thế muốn tạo niềm vui.
Cuộc thi nào cũng có hơn thua, ganh đua không chỉ trong thí sinh mà cả các huấn luận viên, tôi vẫn sẽ bảo vệ những quan điểm riêng của mình. Đó cũng chính là yếu tố giải trí khi khán giả cảm thấy quan điểm của tôi khác và quan điểm của họ cũng khác. Mọi thứ nên có chừng mực. Không nên làm điều gì lố bịch và quá đáng. Dù sao các cụ vẫn có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua”. Mình thể hiện cá tính của mình nhưng không có nghĩa phải dìm một ai đó xuống.
- Văn hoá thưởng thức âm nhạc của khán giả hải ngoại của Việt Nam có nhiều điểm khác nhau. Chị có lo lắng, có lường trước những tình huống xấu và ứng biến không?
Không có gì bằng tâm thế đến với khán giả bằng trái tim. Làm điều gì cũng nên đặt vị trí của mình vào người khác để hiểu, kể cả khi người khác làm tổn thương mình. Tôi nghĩ bản thân có thể tránh những điều đó xảy ra. Có thể tôi đi lâu quá nên chưa thể cập nhật hết nền giải trí của đất nước mình phải có điều này điều kia về vấn đề hậu trường, sân khấu. Tôi chưa thử nên chưa biết. Tôi nghĩ mình nên mang tấm lòng đến với khán giả, còn mọi chuyện diễn ra thế nào phải do tính khách quan quyết định. Tôi sẽ nương theo đó để xử lí tình huống.
- Đối tượng của khán giả của dòng “nhạc sang” đang dần già đi và khựng lại. Chị có sợ không?
Không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới đều thế. Một bài nhạc bất hủ ngày xưa khi đi học vẫn nghe nhưng khi mình già đi, thế hệ mới xuất hiện lại thích những dòng nhạc mới, những ca khúc mới, những ngôi sao tên tuổi hiện tại. Tôi không sợ người nghệ sĩ lỗi thời, chỉ sợ người nghệ sĩ không cố gắng tìm tòi phấn đấu và cống hiến bằng chất liệu âm nhạc của mình, đưa gần đến khán giả.
- Hát một mình tạo tên tuổi đã khó, kết hợp với nam ca sĩ khác để cùng thăng hoa trong nghệ thuật càng nhiều thách thức hơn. Thế nhưng, chị lại làm được. Đó có phải là cơ duyên?
Do tính chất âm nhạc và con người của tôi dễ hoà đồng giúp nâng bạn diễn lên. Không bao giờ tôi nghĩ, người này hát không hợp với tôi nên chắc không hát cùng đâu. Tôi sẽ vì người đó. Khi song ca với ai, tôi sẽ đo lường, cố gắng cùng toả sáng với người đó. Người đó hơn mình, bằng mình hay chưa hợp với mình cũng nên cố làm hết mình, cân đối cho thăng bằng nhất. Nếu chỉ biết có bản thân sẽ mang đến kết quả không tốt. Khán giả xứng đáng nhận một bài hát hay chứ không thể để họ thấy người này cố làm thế này nhưng người kia không tới, không có sự hoà quyện. May mắn tôi song ca với người nào cũng đều có bài hit. Đó là một cái duyên khi sân nào cũng đánh được.
- Khi chị song ca với ca sĩ Đan Nguyên rất nồng nàn, da diết nên thường được ghép cặp với nhau. Tuy nhiên, chị có gặp những vấn đề khó xử nào khi bị khán giả gán ghép như thế?
Khi hát cặp với Đan Nguyên, điều tôi khó chịu nhất không phải là chồng tôi mà là các fan cuồng của Đan Nguyên cứ tưởng tôi yêu Đan Nguyên lắm. Điều đó rất nực cười vì Đan Nguyên với tôi như hai chị em. Tôi cũng có chồng con và cuộc sống riêng. Đôi khi họ nói những lời nói khiến tôi cảm thấy đau lòng và bị xúc phạm.
Nếu các khán giả, nhất là các bạn nữ có thương Đan Nguyên nói riêng hay các nam ca sĩ nói chung xin đừng nghĩ những nữ ca sĩ chúng tôi là dễ dãi hay phải có điều gì đấy khuất tất mới “tình” như thế. Không lẽ các nữ diễn viên sau khi đóng phim xong cũng yêu nam nhân vật chính. Tất nhiên cũng có những chuyện phim giả tình thật sau đó vì va chạm xác thịt nhiều quá, nhưng bài hát chỉ có 5 phút thôi, không phải một phân đoạn dài hay những ngày phải sinh hoạt cùng nhau trong đoàn phim.
Tôi và Đan Nguyên ngoài đời vẫn thân với nhau. Thế nhưng, Lâm Nhật Tiến mới là người tình trong âm nhạc của tôi. Người tôi thương nhất là Lâm Nhật Tiến. Ngược lại, người Lâm Nhật Tiến thương nhất cũng là tôi. Chúng tôi lại không có duyên nợ để đến với nhau. Chúng tôi đã đến với nhau từ trước khi tôi lấy chồng. Đến giờ, khi tôi và Lâm Nhật Tiến hát với nhau vẫn như hoà cùng một hơi thở, không cần phải nói nhiều, chỉ cần nhìn vào mắt nhau đã hiểu đối phương muốn gì.
- Có phải vì duyên nợ không thành nên cả hai không bắt cặp hát cùng nữa?
Không phải. Chúng tôi vẫn bắt cặp hát với nhau ở show hải ngoại. Chúng tôi vẫn là cặp bài trùng. Nhưng không phải show nào cũng hát chung nên bị tách ra. Còn chung show là vẫn kết hợp hát cùng nhau. Sắp tới, tôi muốn cùng Lâm Nhật Tiến về gặp khán giả Việt Nam.
- Gần đây, nhiều ca sĩ hải ngoại về Việt Nam biểu diễn. Điều này vô tình dẫn đến thông tin các trung tâm âm nhạc ở hải ngoại đang khó trụ vững trong thời gian tới buộc ca sĩ thay đổi hướng phát triển?
Mọi người không biết đó thôi. Một trung tâm lớn, sở hữu tất cả ca sĩ thành danh sẽ có những bước đi rất chắc. Nếu ở hải ngoại không có những trung tâm lớn mạnh như vậy, chắc chắn ca sĩ sẽ không có chỗ đứng. Ca sĩ ở Việt Nam sẽ may mắn hơn vì có hơn 90 triệu dân, dù tầng lớp nào, ngành nghề nào, người nghệ sĩ cũng có đối tượng khán giả riêng của mình.
Tôi là một minh chứng. Ngày xưa, tôi hát ở phòng trà trong Sài Gòn, tôi vẫn có khán giả. Khi lớn hơn, tôi bước ra từ “Sao mai điểm hẹn” với tâm thế là người thành công, tôi vẫn có khán giả riêng của mình. Khán giả ở mọi nơi đều như nhau, không có bất kì sự phân biệt nào hay sợ thị trường nào bão hoà. Các ca sĩ Việt Nam vẫn sang nước ngoài biểu diễn đó thôi. Nếu bão hoà thì diễn cho ai xem. Đó là sự trao đổi từ người nghệ sĩ hải ngoại muốn về gần gũi với khán giả quê nhà, còn người nghệ sĩ quê nhà lại muốn ra nước ngoài gặp gỡ khán giả. Tại sao chúng ta không dành cho nhau những điều tốt đẹp? Thị trường nào cũng có khán giả, thị trường nào cũng có ca sĩ, thị trường nào cũng xứng đáng đón nhận những món ăn tinh thần tốt.
Theo Lam Khánh (nld.com.vn)