Nguồn gốc tên gọi địa danh ở Sài Gòn: Thị Nghè năm xưa

Ai đã từng sống ở Sài Gòn dù ngắn dù dài, hẳn đã từng một lần nghe đến hai chữ Thị Nghè. Tính đến nay, địa danh này đã có hơn 200 năm lịch sử tại vùng đất Sài Gòn – Gia Định.

Ngày nay, cái tên Thị Nghè chỉ chính thức tồn tại với những cái tên vị trí như cầu Thị Nghè, chợ Thị Nghè, nhà thờ Thị Nghè, và kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Thực ra năm xưa, Thị Nghè không phải là dùng để gọi tên địa điểm như vậy, mà còn dùng để gọi một khu vực khá rộng bao gồm một phần của quận Bình Thạnh hiện nay.

Bắc ngang qua rạch Thị Nghè, Nhiêu Lộc là hàng loạt cây cầu quen thuộc: Cầu Thị Nghè, cầu Phan Thanh Giản (nay là cầu Điện Biên Phủ), cầu sắt Dakao (nay là cầu Bùi Hữu Nghĩa), cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Công Lý, cầu Trương Minh Giảng (nay là cầu Lê Văn Sĩ)…

Rạch Thị Nghè với các cây cầu, từ trên xuống: cầu Thị Nghè, cầu Phan Thanh Giản, cầu Sắt đường Bùi Hữu Nghĩa, cầu Bông. Tòa nhà cao nhất gần giữa ảnh là chung cư Bưu Điện, góc Phan Thanh Giản – Phạm Đăng Hưng. (Nay là Điện Biên Phủ – Mai Thị Lựu. Con đường nghiêng xuống góc dưới bên phải là Trần Quang Khải. Đám cây xanh bìa phải ảnh là Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (nay là công viên Lê Văn Tám)

Theo người Sài Gòn xưa kể lại, khác với con kênh Tàu Hủ vốn không được sạch sẽ cho lắm, thì rạch Thị Nghè, rạch Nhiêu Lộc có nước rất trong, đi qua những cây cầu nhìn xuống có thế thấy từng đàn cá bơi lội tung tăng, nhiều nhất là cá kèo. Nhà báo Phạm Công Luận kể lại:

“Khi ấy, nước rạch Thị Nghè trong veo, quăng đồng xu chìm dưới đáy còn thấy, còn có nhiều những con nhuyễn thể dài giống con giun bơi lăng quăng mà đám con nít gọi là con hà”.

Rạch Thị Nghè, đầu nguồn của hệ thống kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè ngày nay

Trước năm 1975, khu vực quận Bình Thạnh, Phú Nhuận ngày nay không thuộc Sài Gòn, mà thuộc tỉnh Gia Định, tương ứng với xã Bình Hòa và xã Phú Nhuận, và con rạch Thị Nghè chính là ranh giới ngăn cách đô thành Sài Gòn và tỉnh Gia Định, đồng thời những cây cầu đã nhắc đến bên trên cũng là cầu nối giữa 2 nơi.

Về nguồn gốc tên gọi Thị Nghè, cũng cần phải nói thêm rằng tên gọi chính xác ban đầu không phải là Thị Nghè mà là Bà Nghè. Nhưng qua nhiều năm tháng, không rõ vì lý do nào đó, người dân gọi chệch đi thành Thị Nghè cho tới nay. Giống như nhiều địa danh khác của vùng đất Nam Bộ, tên đất thường gắn liền với tên của người có công khai hoang hoặc có ân nghĩa với người dân trong vùng. Bà Nghè cũng là một trường hợp như vậy. Trong cuốn Gia Định Thành Thông Chí, mục Trấn Phiên An, sử gia Trịnh Hoài Đức từng viết về bà Nghè như sau:

“… chồng là thư ký mỗ nên người đương thời gọi là bà Nghè mà không xưng tên. Sở dĩ có tên ấy là do khi đầu bà khai hoang đất ở, cho bắc cầu ngang qua rạch để tiện việc đi lại nên gọi là cầu Bà Nghè, cũng gọi sông ấy là sông Bà Nghè…”.

Sở dĩ có tên bà Nghè là vì bà là vợ ông Nghè (tương đương chức danh tiến sĩ ngày nay), chứ tên thật của bà là Nguyễn Thị Khánh, con gái lớn của quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân. Một vị tướng triều Nguyễn, từng được chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào Nam lo việc an dân, mở mang vùng đất mới.

Trong Quốc Sử Quán triều Nguyễn, công lao của Nguyễn Cửu Vân được ghi lại như sau: “Về việc mở mang bờ cõi Nam, công (Nguyễn Cửu) Vân rất nhiều, ông tuyên thị đức ý triều đình, người Chân Lạp mến phục”. Với những công trạng đó, Nguyễn Cửu Vân từng được nhà Nguyễn phong tới chức Chính thống Vân Trường hầu. Ngày nay, tên Nguyễn Cửu Vân được đặt cho một con đường ở quận Bình Thạnh ở ngay khu vực Thị Nghè .

Ngoài con gái lớn Nguyễn Thị Khánh (tức Bà Nghè) theo chân cha lo việc mở mang, khai khẩn đất hoang, hai người con trai kế của Nguyễn Cửu Vân là Nguyễn Cửu Chiêm và Nguyễn Cửu Đàm đều cùng có công rất lớn trong việc khai khẩn vùng đất Sài Gòn – Gia Định và cả đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, Nguyễn Cửu Đàm chính là người cho xây dựng Luỹ Bán Bích và đào kênh Ruột Ngựa (Mã Trường Giang) vào năm 1772, nối rạch Bến Nghé với rạch Thị Nghè nhằm biến Gia Định thành một hòn đảo lớn để chống quân Xiêm.

Về rạch Thị Nghè, sử gia Trịnh Hoài Đức từng viết trong Gia Định Thành Thông Chí như sau: “Sông Bình Trị, tục gọi là sông Bà Nghè ở địa phận tổng Bình Trị, về phía Bắc Trấn, từ sông Tân Bình quanh sau trấn lỵ đến cầu Ngang, ngược dòng lên tây độ bốn dặm rưỡi đến cầu Cao Miên (tức cầu Bông hiện nay), chảy về tây bắc độ hai dặm đến chợ Bà Chiểu, chảy về nam độ bốn dặm đến Phú Nhuận, sáu dặm rưỡi nữa đến cầu Huệ là cùng nguyên. Nơi đây có nhiều ao vũng…”.

Sông Bà Nghè mà Trịnh Hoài Đức đề cập ở trên chính là con rạch Thị Nghè dài chừng 4,5km kéo dài từ cầu Công Lý đến sông Sài Gòn ngày nay. Trước khi có tên Thị Nghè, con rạch này được người Khmer gọi là Prêk Kompon Lu, khi người Việt đến thì đổi tên thành rạch Nghi Giang, rạch Bình Trị.

Đầu thế kỷ 18, bà Nguyễn Thị Khánh cho người khai khẩn đất hoang, dựng cầu gỗ bắc ngang rạch để thuận tiện cho việc đi lại.

Cây cầu được dựng lên khiến việc qua lại giữa hai bờ rạch Thị Nghè của dân chúng trở nên thuận tiện và nhộn nhịp. Người trong vùng kéo về khu vực gần chân cầu buôn bán, trao đổi ngày một đông hơn và dần hình thành nên khu chợ. Nhờ thuận tiện giao thông thuỷ lộ, mặt chợ hướng ra con rạch tạo nên một khu giao thương nhộn nhịp trên bến dưới thuyền, chợ Thị Nghè nhanh chóng trở thành khu chợ đầu mối trung tâm của cả vùng.

Chợ Thị Nghè và rạch Thị Nghè năm 1967

Ngay từ năm 1837, Sở thuế Thị Nghè đã thu được số tiền thuế cao chót vót lên đến hơn 13.000 quan tiền, cao nhất Nam Kỳ thời đó. Chợ Thị Nghè được xây dựng kiên cố thành khu nhà lồng dài lần đầu tiên vào khoảng cuối thập niên 1920. Sau nhiều lần tu sửa, xây dựng thêm tường bao, vách ngăn, sạp chợ, chợ Thị Nghè có diện mạo như ngày nay.

Chợ Thị Nghè

Cầu gỗ Thị Nghè từng được sửa chữa, tu bổ một lần vào năm 1838. Năm 1968, cầu gỗ xuống cấp, để đáp ứng nhu cầu đi lại, chính quyền bèn cho phá bỏ cầu cũ và xây lại cầu mới kiên cố bằng xi măng cốt thép.

Tháng 12 năm 1968, trong hình là cầu tạm khi cầu Thị Nghè đang được xây dựng

Năm 2009, một chiếc sà lan đứt neo va vào dầm cầu khiến cầu bị hư hỏng phải duy tu, sửa chữa trong suốt 2 tháng. Cầu Thị Nghè ngày nay vẫn nằm ở vị trí cầu gỗ năm xưa, bắc ngang rạch Thị Nghè, nối đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1 với đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q. Bình Thành. Cầu rộng 17,6m, chia 4 làn xe và dài 105,2m.

Trở lại thời kỳ thế kỷ 18-19, cùng với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của cả vùng, cái tên Thị Nghè không chỉ được dùng để đặt cho rạch, cho cầu, cho chợ mà còn được đặt cho cả vùng rộng lớn. Đó là vùng đất cao nằm giữa sông Sài Gòn và rất nhiều con rạch nhỏ được lập nên từ năm 1748. Địa giới khu vực Thị Nghè ngày nay bao gồm: phường 17, 19 và 21, quận Bình Thạnh.

Thị Nghè xưa kia không chỉ là một vùng đất mới khai khẩn trù phú, nhộn nhịp giao thương mà còn được ghi dấu bằng rất nhiều công trình văn hoá như: Đàn xã tắc, Đàn Tiên Nông, Miếu thờ Thần Nông, Văn Thánh Miếu, ruộng tịch điền (hoa màu trồng trọt được chỉ dùng cho việc cúng bái hoặc phát chẩn cho dân nghèo), trường tỉnh Gia Định,… và các hoạt động hội hè, cúng bái.

Từ cầu Phan Thanh Giản (nay là cầu Điện Biên Phủ) nhìn về cầu Thị Nghè.

Năm 1859, khi Pháp chiếm Sài Gòn, Thị Nghè đã là một vùng đất sầm uất với các xưởng chuyên đóng tàu cho quân binh nhà Nguyễn, nằm bên rạch Thị Nghè. Sau khi chiếm đóng, con rạch Thị Nghè bị người Pháp đổi tên lại thành Avalanche trên bản đồ hành chánh, đặt theo tên con tàu của Pháp đi vào sông Sài Gòn và rạch Thị Nghè ngay trước khi thành Gia Định thất thủ. Tuy nhiên, mặc kệ cái tên ngoại lai xa lạ, dân chúng trong vùng vẫn gọi con rạch, vùng đất của mình bằng cái tên thân thuộc Thị Nghè.

Có thể thấy rằng thuở xưa, tên thường gọi là rạch Thị Nghè, rạch Nhiêu Lộc, chứ không phải tên là Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè như hiện nay. Chữ rạch dùng cho những con rạch tự nhiên, còn kênh thì dùng cho những con kênh đào nhân tạo. Ngày xưa Thị Nghè có thể là một con rạch tự nhiên, tuy nhiên theo thời gian, con người có thêm nhiều tác động với con rạch này, như là khơi thông, mở rộng, nên nó trở thành một con kênh mang yếu tố nhân tạo.

Ở khu vực Thị Nghè còn có một địa điểm nổi tiếng là là Vườn Bách Thảo, sau này mang tên là Thảo Cầm Viên, thường được người dân gọi là Sở Thú, được bắt đầu xây dựng năm 1865, là vườn thú lâu đời, có tuổi thọ đứng hàng thứ 8 trên thế giới.

Rạch Thị Nghè thập niên 1920, một bên là Vườn Bách Thảo, một bên là khu vực Thị Nghè

Năm 1924, khuôn viên của Vườn Bách Thảo sáp nhập thêm bên bờ bắc của rạch Thị Nghè diện tích là 13 ha, đồng thời chính quyền cho xây một cây cầu đúc được bắc qua rạch Thị Nghè để nối liền hai khu vực, hoàn thành năm 1927. Đây chỉ là cầu bộ hành nội bộ để người tham quan Vườn Bách Thảo. Tuy nhiên cây cầu này gắn liền với một sự cố kinh hoàng năm 1957, khiến cho nó vĩnh viễn bị khóa lại, rồi sau đó bị tháo dỡ.

Cầu bộ hành băng ngang rạch Thị Nghè, nối 2 bờ Vườn Bách Thảo

Đó là dịp quốc khánh năm 1957, khuôn viên Vườn Bách Thảo bên phía Thị Nghè tổ chức hội chợ hoa, muốn vào xem hoa thì phải mua vé vào cổng phía Vườn Bách Thảo rồi đi qua cầu bộ hành. Khi dòng người đông đúc, chen lấn đang đi qua cầu thì có một người ngứa miệng la lên: “cọp xổng chuồng”, có lẽ chủ yếu là chỉ muốn giỡn chơi, không ngờ gây hậu quả rất nghiêm trọng, dòng người chạy tán loạn dẫm đạp lên nhau gây ra thương vong lớn.

Cầu bộ hành từ Thị Nghè đi qua Sở Thú, khi này đã bị khóa nhưng chưa tháo dỡ

Sau đó cơ quan hữu trách cho khóa cầu lại, rồi tháo bỏ cầu. Ngày nay ở gần đó vẫn còn 3 cái miếu nhỏ để tưởng niệm.

Mời các bạn xem một số hình ảnh khác của khu vực Thị Nghè xưa:

Đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) ở khi Thị Nghè hướng đi về Ngã 4 Hàng Xanh. Bên tay trái là tháp điều áp đang xây dựng
Cầu sắt Dakao năm 1965. Đây là cây cầu đã có từ cuối thế kỷ 19, nối con đường Nguyễn Văn Giai phía quận 1 – Sài Gòn qua đường Bùi Hữu Nghĩa ở Gia Định, băng qua rạch Thị Nghè. Giữa thập niên 1990, cầu này được thay thế bằng cầu Bùi Hữu Nghĩa hiện nay.
Rạch Thị Nghè phía sau Vườn bách thảo năm 1970
Ngã tư Hồng Thập Tự – Nguyễn Bỉnh Khiêm nhìn về phía Thị Nghè, năm 1970
Rạch Thị Nghè với các cây cầu, từ trái qua: cầu Phan Thanh Giản, cầu sắt Dakao, cầu Bông. Tòa nhà cao giữa ảnh là REGENT Hotel BOQ (sau 1975 là chung cư Bưu Điện), góc Phan Thanh Giản-Phạm Đăng Hưng (nay là Điện Biên Phủ – Mai Thị Lựu)

nhacxua.vn biên soạn

Exit mobile version