Nguồn gốc tên gọi Đà Lạt (Đạ Lạc) – Xuất phát từ tên gọi của một bộ tộc người bản xứ

Địa danh Đà Lạt được bắt nguồn từ chữ Đạ Lạch (hoặc Đạ Lạc, Đạ Lạt). Thực ra, Lạch, Lạc, hay Lạt, Lát… đều mang chung một nghĩa, là tên của một nhóm cư dân nhỏ người dân tộc K’ho, sống lâu đời trên cao nguyên Lang Biang. “Lạch” theo tiếng địa phương có nghĩa là “rừng thưa” dùng để chỉ vùng rừng thông, đồi trọc từ dãy Lang Biang trải dài xuống Tây Nam, bao gồm cả thành phố Đà Lạt ngày nay.

Theo ngôn ngữ người Thượng, chữ Đạ (hoặc Dak) trong Đạ Lạch có nghĩa là suối, nước. Ở cao nguyên Lang Biang có 2 con sông lớn nhất cùng chảy ra sông Đồng Nai là Đa Nhim (Đạ Nhim) và Đa Dung, với chữ Đa mang nghĩa liên quan tới nước. Ngoài ra, các tên gọi Daklak hay Dak Nông và rất nhiều địa danh bắt đầu bằng chữ Dak ở Tây Nguyên đều mang nghĩa là hồ nước (Daklak là Hồ Lak).

Như vậy, Đạ Lạch, hay Đạ Lạc, đều mang nghĩa là một con suối của người Lạch, đó chính là con sông Cam Ly (suối Cam Ly) uốn lượn quanh Đà Lạt, là nguồn nước chính cho sinh hoạt của người bản địa thời xa xưa.

Sông Cam Ly khởi nguồn từ huyện Lạc Dương, thác Cam Ly chảy qua Đà Lạt theo hướng Bắc – Nam, trong đó đoạn từ khoảng Hồ Than Thở tới thác Cam Ly ngày nay, được gọi là Đạ Lạch.

Trong một bài phỏng vấn đăng trên tạp chí Revue Indochine tháng 4 năm 1944, công sứ Cunhac, một trong những người tham gia xây dựng thành phố từ ngày đầu, đã nói: “Cho mãi tới những năm sau này, khung cảnh ban sơ vẫn không có gì thay đổi. Ở tại chỗ của cái hồ nước trước đó, con suối nhỏ của bộ lạc người Lát đã chảy qua và người ta đã gọi suối này là Đà Lạt”. Vào thời kỳ đầu, các bản đồ cũng như sách báo thường chỉ nhắc đến địa danh Dankia hay Lang Biang. Nhưng sau khi Đà Lạt được chọn làm nơi nghỉ dưỡng thay vì Dankia, và đặc biệt từ khi nơi đây trở thành một thành phố, địa danh Đà Lạt mới xuất hiện thường xuyên.

Trong các bản đồ được vẽ khi khảo sát địa hình, vùng đất này chỉ được ghi chung chung là Lang Bian, như trong bản vẽ năm 1898 sau đây.

Chỉ vài năm sau đó, như công sứ Cunhac nói bên trên, sau khi toàn quyền Doumer quyết định chọn Đà Lạt làm nơi nghỉ dương thay vì chọn Dankia, thì cái tên “dòng nước của người Lat” (Đà Lạt) mới được sử dụng thường xuyên.

Vào năm 1901, Prosper Odend’hal (thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ) đã gọi Đà Lạt là “thành phố triển vọng”, nhưng nó mang tính tinh thần hơn là trở thành thực tế. Nói như vậy là vì vào năm 1901 Đà Lạt mới chỉ có một nhúm nhà văn phòng, công sở. Nhắc lại để thấy rằng dường như tên gọi Đà Lạt đã bắt đầu được gọi vào thời điểm này, khi nó chỉ mới là triển vọng ban đầu.

Năm 1906, trong bản đồ án quy hoạch đầu tiên Đà Lạt của thị trưởng Champoury, có ghi rõ tên gọi Dalat, như trong hình bên trên. Nhưng tới năm 1918, trong bài Lâm Viên Hành Trình Nhật Ký của ông Đại thần triều đình Huế là Đoàn Đình Duyệt, nhân chuyến thay mặt vua Khải Định đi công cán lên Lâm Viên năm 1917, ông đã gọi Đà Lạt bằng cái tên Đa lạc. Điều đó cho thấy thời điểm đó người ta vẫn chưa thống nhất về tên gọi, ít nhất là có sự khác biệt giữa người Pháp và người An Nam.

Từ chữ Đạ và Lát trong tiếng Thượng, người Pháp ghi không dấu thành Da Lat trong các văn bản hành chánh hoặc báo chí, và được người Việt đọc ngược trở lại thành Đà Lạt. Đó chính là nguồn gốc của tên gọi này.

Những người Pháp làm nhiệm vụ kiến thiết Đà Lạt còn sáng tạo một câu cách ngôn khéo léo bằng tiếng La Tinh với các chữ cái đầu tạo thành chữ DALAT, đó là: Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem, có nghĩa Cho người này nguồn vui, cho người khác sự mát mẻ. Tác giả André Morval đã viết câu cách ngôn chiết tự này ở đầu một bài báo nhan đề Dalat: Cité de la Jeunesse với nội dung: “Những người khai sinh ra nơi nghỉ mát trên miền núi danh tiếng của chúng ta đã xác định một cách rất hợp lý những nét hấp dẫn và những đặc tính tốt bằng một câu cách ngôn ghép chữ đầu rất khéo léo để liền theo huy hiệu thành phố”.

Biểu tượng của Đà Lạt (thị huy) được gắn trên chợ Đà Lạt năm 1937 (nay là Hội trường Hòa Bình)

Năm 1937, khi xây dựng chợ Đà Lạt mới thay cho ngôi chợ cũ bằng gỗ bị cháy, người ta đã đề dòng chữ Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem trên tường đầu hồi của công trình, phía trên là huy hiệu thành phố hình tròn, tạc hình một đôi thanh niên nam nữ người dân tộc cùng với hình núi đồi nhấp nhô và hình hiệu một con cọp.

Với khí hậu ôn hòa, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và những di sản kiến trúc Pháp phong phú, Đà Lạt còn được gọi bằng nhiều cái tên khác như “Thành phố mù sương”, “Thành phố ngàn thông”, “Thành phố ngàn hoa”, “Xứ hoa Anh Đào” hay “Tiểu Paris”…

Như vậy, tên gọi Đà Lạt có xuất xứ từ tên gọi người bản địa đầu tiên là người Lạt/Lạch. Vậy số phận của họ ra sao sau khi người Pháp khai phá vùng đất của họ trở thành một trạm nghỉ dưỡng vào những năm cuối thế kỷ 19?

Trước thời điểm đó, xung quanh con suối Cam Ly (Đạ Lạch) không chỉ có người Lạch (người Pháp ghi là Lát) sinh sống, mà có thêm tộc người Chil và Srê đều là dân tộc K’Ho. (Chuyện tình làm nên truyền thuyết núi Lang Biang thuộc 2 tộc người này, chàng Lang người Lạch, còn nàng Biang người Srê).

Hai bộ tộc Lạch, Chil có quan hệ gần gũi về chủng tộc và văn hóa nên họ có những tập tục giống nhau. Về lịch sử, họ có một vị anh hùng là tù trưởng Yagut đã từng lãnh đạo các bộ tộc chống ngoại xâm.

Trước người Pháp vài chục năm, danh sĩ Nguyễn Thông đã thám hiểm cao nguyên Lâm Viên (Lang Biang) và đã gặp bộ tộc Lạch mà ông gọi là người Lạc. Tới năm 1893, Yersin mới tới Lang Biang và tiếp xúc với bộ tộc Lạch, ông đã phiên âm tên bộ tộc này thành M’lates. Thực ra tộc người này tự xưng là Lat hoặc Lạch, theo ngôn ngữ của dân bản địa có nghĩa là rừng thưa, người Lat thường chọn lập thành những “bon” (buôn làng).

Sau khi người Pháp chiếm Lang Biang và vùng đất họ định cư từ lâu đời là xung quanh suối Cam Ly, thung lũng ngày nay là hồ Xuân Hương, người Lạch phải dời đến buôn Rơhàng Kròc (người Pháp phiên âm là Ankroet). Sau đó, khi người Pháp xây dựng đập Ankroet để làm thủy điện năm 1942, người Lạch lại phải dời đến buôn Đờng Tiang Đe ở trung tâm huyện Lạc Dương hiện nay.

Đập tràn Ankroet năm 1953

Theo truyền thuyết và trong ký ức của một số người Lat, người Champa có một thời lên Lang Biang và mở những cuộc tấn công lấn chiếm đất đai ở đây. Dưới chân đèo Prenn từng là chiến trường khốc liệt Chăm và người Lat, người Chil. Người Chăm phá hủy nhiều công trình của người Lat, Chil nhưng chưa bao giờ đến được trung tâm Đà Lạt ngày nay. Đèo Prenn là ranh giới Chăm, Lat, Chil. Nhưng người Chăm bằng một con đường khác đã đến được Pak-Krông-Knô, vượt địa phận Lâm Đồng lên đến Daklak. Người Lat đã giữ được quê hương của họ (vùng quanh hồ Xuân Hương). Cho đến sau khi Toàn quyền Doumer đi thị sát Đà Lạt (1899), Đà Lạt được dần dần xây dựng thành thành phố nghỉ dưỡng cho người Pháp, người Lat mới bỏ quê hương yêu dấu nhất đi xa dần “cố quốc”.

Xã hội Lat thời điểm đó gần với xã hội nguyên thủy, thành phần xã hội chưa hình thành rõ nét. Người Lat sống với nhau trong quan hệ bình đẳng, chưa có ý thức rõ ràng về giai cấp, về giàu nghèo, không có giai cấp thông trị, bị trị. Các Knan bơn (chủ làng) có quyền lợi về tình thần hơn là vật chất. Họ có trách nhiệm theo như trong truyền thống tín ngưỡng được Yàng (Thần) đồng ý quản lý dòng họ, buôn bản, sau khi đã được toàn dân trong buôn bản lựa chọn. Kuan bon thực chất là những người có kinh nghiệm lao động giỏi, có trình độ văn hóa cao hơn những người khác được các già làng phục, kính mến, vì đức cũng như tài. Kuan bon cũng lao động để sinh sống, chứ không phải kẻ “ngồi mát ăn bát vàng” hoặc những tay “lý luận, ba hoa”.

Vì vậy Kuan bon thực sự có uy tín, ít có trường hợp bị chê khinh và bị lật đổ. Các Pôdâu, Pôkrù (thầy phù thủy, thầy cúng) là những thầy thuốc chữa bệnh cho dân làng, thầy giáo của buôn bản có trách nhiệm về văn hóa của bộ tộc. Cũng như các thành viên khác, Pôdâu, Pôkrù đều phải lao động để sinh sống. Việc chữa bệnh, “lên lớp giảng đạo lý” chỉ là những trường hợp quan yếu, đặc biệt, Pôdâu, Pôkrù thường hiểu nhiều các phong tục tập quán truyền thống của dân làng. Họ là những người có kinh nghiệm nương rẫy và thời tiết. Do đó họ được mời phân xử các vụ tranh chấp, kiện cáo, được cùng Kuan bon quyết định việc dời chỗ ở, di dân, việc cử hành hội hè cúng tế của toàn “bon”.

Kuan bon, Pôdâu, Pokrù, Pôluu (chủ nhà) hợp thành một bộ máy quản lý buôn làng, đơn giản nhưng bền chặt xã hội Lat qua bao đời trước khi người Pháp xâm chiếm vùng Tây Nguyên.

Trong xã hội Lat chỉ có một ít người bị coi thường. Đó là những “để” (đầy tớ). Các “đe” xuất thân từ các tù binh sau các cuộc chiến tranh giành đất của các dòng họ, hoặc con cháu của những người bị nghi là “Ma-lai”. Tuy nhiên các “để” vẫn được sống trong các nhà dài, được chia phần ăn giống như bất cử thành viên nào, “đe” cũng có thể kiếm một mảnh đất nào đó để canh tác trồng trọt kiếm thêm “cái ăn”.

Trong cộng đồng người Lat, mọi người bình đẳng, dân chủ từ việc chia đất, lao động cho đến việc quyết định phân ly hay quần tụ của bộ tộc, thương lượng hay chiến tranh với dòng họ, bộ tộc khác. Nói chung trong xã hội ấy con người sống thoải mái, dễ dãi tự do nếu chinh phục được thiên nhiên. Cuộc sống trong buôn bản ấy dễ chịu vì tình thương yêu giúp đỡ lẫn nhau.
Người Lat hiện còn theo chế độ mẫu hệ. Người con gái đến tuổi lập gia đình thì “bắt chồng”, con trai được bắt về cư trú nhà vợ. Cuộc sống, sinh hoạt của người chồng tùy thuộc vào vợ. Vì vậy có câu tục ngữ :

Um mơ h’ru chil cau
Um mơ vau chil n’dĩ

Dịch là:

Ở với chị thì làm người
Ở với vợ thì làm tớ

Câu tục ngữ trên cho thấy vai trò quan trọng của phụ nữ Lat: Người mẹ, người chị trong gia đình là người tổ chức sắp xếp việc ăn ở, nuôi dạy con cái trong khi người đàn ông, người chồng chủ yếu lao động kiếm cái ăn, cái mặc. Vì thế người đàn ông là người ở ngoài xã hội, buôn làng. Người phụ nữ là nội tướng, đàn ông là những Kuan bon, Pôdâu, Pôkrù…

Tiêu chuẩn chọn vợ, chọn chồng trong xã hội người Lat là lao động và nết na. Yêu đương tự do không phân biệt tầng lớp giàu nghèo. Sự thành vợ, thành chồng phần nhiều do kết quả của tình yêu nam nữ. Có một vài cấm ky về kết hôn như sau: các dòng họ Buôntô-Dayu, Lienyang-Lienghot, K’Sar-Cil… không được cưới nhau. Theo các già làng Lat giải thích, các dòng họ ấy xưa vốn cùng một gốc. Việc kết hôn hai họ cùng một huyết tộc sẽ sinh ra quái thai, trẻ con sẽ chết yểu… Ngày nay sự cấm ky trên có phần bớt khe khắt. Người con gái Buôntô, họ K’ Star có thể bắt “chồng” chàng trai họ Dayu, họ Cil được miễn là nàng và chàng thành thật thương nhau.

Người Lat có truyền thống tôn trọng người già. Thức ăn ngon, váy khố đẹp đều dành cho người già. Có cha mẹ từ 60 trở lên, con cái lấy đó làm một điều hãnh diện, thường làm lễ mừng thọ. Khi cha mẹ đã mất, con cái làm lễ đền ơn nếu trong thời gian cha mẹ sống nhưng vì nghèo chưa làm lễ mừng thọ được. Các trường hợp ly dị, ly hôn, ngoại tình, thông dâm ít xảy ra trong bộ tộc người Lat. Nhưng ai phạm các tội trên phải chịu các hình phạt rất nặng, và bị dân bon khinh rẻ. Các tội “bội”, lường gạt, ăn cắp cũng bị các hình phạt tương tự. Tội “loạn luân” bị trừng phạt thật nặng, sau hình phạt phạm nhân còn bị đối xử tàn tệ, bị coi khinh như heo, không được ngồi ăn chung với mọi người, mà phải ăn một mình trong máng heo.

Người Lat/Lạch hiện nay vẫn sống trên mảnh đất cũ của tổ tiên mình ngày nay đang bị thu hẹp dần vì những áp lực của sự phát triển xã hội. Dân số tăng lên ít nhiều, từ 800 người (1940) lên 2.700 người hiện nay, tập trung chính là ở Xã Lát (Lạc Dương): 2.411 người (387 hộ). Số còn lại ở rải rác nhiều nơi, nhưng tập trung nhất vẫn là Đà Lạt, Lâm Hà, Đức Trọng và Đơn Dương (khoảng 300 người).

Trong suốt thời kỳ lịch sử, do tiếp xúc với nền văn hóa phát triển hơn, đặc biệt là văn minh phương Tây trước đây và người Kinh sau này, người Lạch đã bỏ nhiều hủ tục lỗi thời, cởi mở hơn trong sự tiếp thu các nền văn hóa mới. Điều đáng tiếc là một nền văn hóa cổ truyền phong phú và hấp dẫn, nhiều truyền thống nhân văn quí báu cũng chính vì thế mà bị lãng quên dần và thậm chí bị coi là “quá khứ lạc hậu”.

Đông Kha 

Exit mobile version