Nguồn gốc những nghệ danh của các ca sĩ nổi tiếng trước 1975: Chế Linh, Thanh Tuyền, Duy Khánh…

Không như các ca sĩ Phương Dung, Thanh Thúy, Thanh Lan sử dụng tên thật làm nghệ danh, nhiều ca sĩ nổi tiếng như Thanh Tuyền, Hoàng Oanh, Nhật Trường, Chế Linh, Duy Khánh, Khánh Ly… sử dụng một nghệ danh khác với tên thật. Bài viết này sẽ tìm hiểu nguồn gốc của các nghệ danh nổi tiếng của nhạc vàng.

Ca sĩ Phương Dung tên thật là Nguyễn Phan Phương Dung. Ca sĩ Thanh Thúy tên thật là Nguyễn Thị Thanh Thúy. Một số ca sĩ dùng tên thật làm nghe danh khác bao gồm có ca sĩ Thanh Lan, Xuân Thu, Duy Quang, Sĩ Phú, Duy Trác… còn các ca sĩ khác có tên thật như sau:

Ca sĩ Thanh Tuyền: Tên thật là Phạm Như Mai. Nghệ danh Thanh Tuyền được người thầy của cô là nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông chọn. Nghệ danh ấy ra đời với ý nghĩa: “Thanh” là xanh mát, “Tuyền” là suối. Thanh Tuyền có nghĩa là dòng suối xanh mát từ cao nguyên, mang đậm phong cảnh hữu tình có suối, thác, thông reo ở Đà Lạt – mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” của cô.

Ca sĩ Khánh Ly: Tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai. Cô từng trả lời trong một bài phỏng vấn, cô lấy tên Khánh Ly làm nghệ danh chỉ là một sự tình cờ. Trong tuyện Đông Chu Liệt Quốc có hai nhân vật Yêu Ly và Khánh Kỵ. Họ là hai người anh hùng kiểu Lương Sơn Bạc, trả thù cho chủ và chịu chết. Bà thấy hai nhân vật đó “đẹp” quá, sống có tình có nghĩa, thủy chung cho tới lúc chết, nên thích và kết hợp hai tên đó thành nghệ danh.

Ca sĩ Duy Khánh: Tên thật là Nguyễn Văn Diệp. Khi mới đi hát, ca – nhạc sĩ huyền thoại này lấy nghệ danh ban đầu là Hoàng Thanh. Ông trở thành một trong ba giọng nam được yêu thích nhất, cùng với Duy Trác, Anh Ngọc. Thời kỳ này tên tuổi của ông gắn liền với những bài có âm hưởng dân ca và “dân ca mới” của Phạm Duy: Vợ chồng quê, Ngày trở về, Nhớ người thương binh, Tình nghèo, Quê nghèo, Về miền trung... Ông đã đổi nghệ danh thành Duy Khánh. Chữ “Duy” trong Phạm Duy, còn “Khánh” là tên một người bạn thân của ông.

Ca sĩ Chế Linh: Ông là ca sĩ gốc Chăm, tên thật là Trà-len (Jamlen). Các vị vua Chăm có họ là Chế, nên đây cũng là họ phổ biến của người Chăm. Ví dụ như vị vua nổi tiếng nhất của Chăm Pa là Che Bunga (Chế Bồng Nga). Chế Linh lấy họ Chế ghép với chữ Linh trong tên Jamlen của mình để làm nghệ danh Chế Linh.

Ngoài ra, khi sáng tác nhạc, Chế Linh lấy bút danh là Tú Nhi. Theo lời giải thích của ông, Tú Nhi có nghĩa là em bé (nhi) khôi ngô, tuấn tú. Chế Linh cho biết khi chọn bút danh này và cho đến tận bây giờ, ông vẫn luôn mong muốn mình hồn nhiên như một đứa bé thơ.

Ca sĩ Hương Lan: Tên thật là Trần Ngọc Ánh. Hương Lan đã đi hát cải lương từ rất nhỏ. Thuở đó đã có một nghệ dĩ cải lương tên là Ngọc Ánh, nên thân phụ cô là nghệ sĩ Hữu Phước muốn đặt tên khác. Sau hội ý với thi sĩ Kiên Giang – Hà Huy Hà, Hữu Phước đã đặt nghệ danh cho con gái là Hương Lan, với nguyên nhân như chính Hương Lan kể như sau:

Ông Kiên Giang hỏi Hữu Phước:
– Trong nghệ sĩ mày thích người nào nhất? (Thi sĩ Kiên Giang lớn hơn nghệ sĩ Hữu Phước 3 tuổi)
Hữu Phước trả lời:
– Dạ, em thích Út Bạch Lan với Thanh Hương
Kiên Giang bảo:
– Tao lấy tên 2 người này tao đặt nghệ danh cho con mày!

Như vậy, Hương Lan là ghép từ Thanh Hương và Út Bạch Lan

Ca sĩ Thiên Trang: Tên thật là Huỳnh Thị Hai. Khi lớn và đi học hát, thầy dạy hát đặt cho cô nghệ danh là Thiên Trang, với ý nghĩa là Hoa Trang trên trời.

Ca sĩ Giao Linh: Tên thật là Đỗ Thị Sinh. Cô từng nói về nghệ danh của mình như sau: Năm 1965, một người bạn rất thân ở Đà Lạt đã nói với tôi: “Nếu có đi hát hãy lấy tên Giao Linh, nghệ danh này sẽ gặp nhiều may mắn đấy”. Giao Linh có ý nghĩa là hai linh hồn giao nhau.

Ca sĩ Nhật Trường: Tên thật là Trần Thiện Thanh. Ông đã lấy tên thật để làm bút danh sáng tác. Còn khi đi hát, ông lấy tên Nhật Trường.

Có lần Trần Thiện Thanh được hỏi vì sao ông chọn tên Nhật Trường. Ông trả lời: “Hồi nhỏ tôi thích ca hát lắm nhưng bố mẹ tôi không cho. Thế là tôi phải chờ đến ban đêm đợi bố mẹ đi ngủ rồi mới dám hát. Nhiều khi ban ngày thèm hát quá mà phải đợi đến tối, thấy ngày sao dài ghê nên tôi chọn tên Nhật Trường, có nghĩa là… ngày dài.”

Ca sĩ Hoàng Oanh: Tên thật là Huỳnh Kim Chi. Thuở mới đi hát ở Ban Nhi Đồng của Đài Pháp Á lúc mới 6 tuổi, cô lấy tên thật là Kim Chi. Năm 12 tuổi, ca sĩ Kim Chi gia nhập Ban Thiếu Nhi của Đài Quân Đội, do trùng tên với nghệ sĩ Kim Chi nên cô đổi nghệ danh thành Hoàng Oanh.

Cô cho biết, nghệ danh Hoàng Oanh được thân phụ đặt cho cô bắt nguồn từ lời hát Bản Đàn Xuân của nhạc sĩ Lê Thương: “Chờ tin thơ chim Hoàng Oanh đưa, còn xa bay trong áng sương mờ…”

Ca sĩ Họa Mi: Tên thật là Trương Thị Mỹ. Lúc đầu khi hát ở đài truyền hình, cô biến tấu từ tên thật để thành nghệ danh là Trường My.

Họa Mi học trường âm nhạc đến năm thứ ba thì nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đề nghị lăng-xê cô thành ca sĩ chuyên nghiệp. Hai tuần sau đó, cô lần đầu tiên lên sân khấu nhà hàng Maxim’s với nhạc phẩm “Đưa em xuống thuyền” của Hoàng Thi Thơ. Chính tại sân khấu này, cái tên “Họa Mi” đã ra đời. Cô kể lại: bản chương trình ở Maxim’s ghi tên ca sĩ là Họa Mi, khiến cô thắc mắc liệu có phải là nhầm lẫn. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đáp lại: “Bắt đầu từ hôm nay, cháu là Họa Mi chứ không phải là Trường My nữa”. Sở dĩ như vậy là vì Hoàng Thi Thơ muốn đào tạo một số ca sĩ với nghệ danh toàn các loài chim quý, bắt đầu là từ ca sĩ Sơn Ca.

Ca sĩ Sơn Ca: Tên thật là Nguyễn Thị Tuyết Nga. Nghệ danh Sơn Ca là nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đặt cho cô. Sơn Ca và Họa Mi là hai học trò nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Như đã nói bên trên, Hoàng Thi Thơ muốn đào tạo các ca sĩ với nghệ danh toàn các loài chim quý, trong đó có hai loài chim nổi tiếng hót hay là Họa Mi và Sơn Ca.

Ca sĩ Trang Mỹ Dung: Tên thật là Trương Thị Mỹ Dung. Lúc ca sĩ Trang Mỹ Dung trở thành học trò của nhóm Lê Minh Bằng, nhạc sĩ Anh Bằng đã đề nghị đặt nghệ danh là Trang Mỹ Dung. Lúc đó chữ Trang (trang vở) cũng có nghĩa là Trương. Ví dụ vở 50 Trang cũng có nghĩa là vở 50 Trương, nên chữ Trang trong nghệ danh Trang Mỹ Dung thật ra lấy từ tên thật Trương Thị Mỹ Dung của cô.

Ca sĩ Hà Thanh: Tên thật là Trần Thị Lục Hà. Năm 1953, cô đoạt giải nhất trong một cuộc thi tuyển lựa giọng ca do Đài phát thanh Huế tổ chức với nhạc phẩm Dòng Sông Xanh của Johann Strauss, lời Việt của Phạm Duy. Cũng vì lý do đó cô lấy cho mình nghệ danh Hà Thanh (tức Dòng Sông Xanh). Có ý kiến khác cho rằng Hà Thanh nghĩa là “tiếng hát của Hà”.

Ca sĩ Lê Uyên: Tên thật là Lâm Phúc Anh. Khi cô kết hôn cùng nhạc sĩ Lê Uyên Phương và bắt đầu đi hát cùng chồng với cái tên là đôi song ca Lê Uyên Phương. Có một lần sau buổi diễn, nhiều phóng viên hỏi “Lê Uyên Phương” là ai? Nhạc sĩ Lê Uyên Phương buột miệng chỉ vợ rồi nói: “Đây là Lê Uyên. Còn tôi là Phương”. Từ đó Lâm Phúc Anh gắn liền với nghệ danh Lê Uyên, và khi song ca thì được gọi Lê Uyên và Phương.

Ca sĩ Mai Lệ Huyền: Tên thật là Nguyễn Thu Cúc. Năm 17 tuổi, cô rời quê Bình Long để đến Sài Gòn bắt đầu sự nghiệp ca hát, và trở thành học trò của 3 người là nhạc sĩ Nhật Ngân, Trần Trịnh và nhà thơ Vạn Thuyết Linh. Những nhạc sĩ này thân với cô như người trong nhà, cũng là những người đã đặt cho cô nghệ danh Mai Lệ Huyền. Cô kể lại lúc ở Bình Long, cô rất đen, lại ở vùng núi rừng nên bị chọc là khỉ hay nhảy nhót. Ngoài ra Mai Lệ Huyền cũng nhõng nhẽo, hay khóc, nên được các nhạc sĩ đặt nghệ danh là Mai Lệ Huyền, với ý nghĩa: Mai là tên khác của loài khỉ. Lệ là nước mắt, và Huyền là đen.

Danh ca Minh Trang: Tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Trâm. Bà kết hôn với một người thuộc dòng dõi vua Minh Mạng, đó là cụ Ưng Quả – là cháu nội Tuy Lý Vương Miên Trinh (em của vua Thiệu Trị). Bà sinh được 2 người con tên là Bửu Minh và Đoan Trang (tức ca sĩ Quỳnh Giao). Khi bắt đầu đi hát cho đài Pháp Á, bà ghép tên 2 người con lại thành nghệ danh Minh Trang.

Danh ca Tâm Vấn: Tên thật là Dương Thị Vân. Tuy nhiên tên này bị trùng với người trong họ có vai vế lớn hơn nên bà thường được gọi là Vấn. Sau này đi học, bà bị bạn bè ghẹo vì tên nghe như là “vấn thᴜốc lá”, nên bà đề nghị bạn gọi mình bằng cái tên mà bà rất thích là Tâm. Khi đi hát, bà ghép 2 cái tên đó lại thành Tâm Vấn, sau đó tên trên giấy tờ cũng được đổi lại thành Dương Tâm Vấn.

Ca sĩ Giang Tử: Tên thật là Nguyễn Văn Giang, do tính tình phóng khoáng và thích la cà đây đó cùng bạn bè nên từ khi trước khi vào nghề, ông được bằng hữu đặt cho cái tên Giang Tử – với ý nghĩa một người lãng tử tên Giang.

Ca sĩ Băng Châu: Tên thật là Nguyễn Thị Xuân Mai. Nghệ danh Băng Châu được chính cô đặt khi mới chập chững vào nghề. Cô vốn học ban văn chương nên muốn đặt một cái tên thật ý nghĩa, và theo cô cho biết thì Băng Châu có nghĩa là một “viên ngọc lạnh”.

Những nàng ca sĩ tên Phương: Phương Hồng Ngọc, Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Quế, Phương Hồng Hạnh…: Nhạc sĩ Nguyễn Đức mở lớp đào tạo ca sĩ, thường gọi là “lò Việt Nhi”), đã đào tạo nhiều nữ ca sĩ xinh đẹp cho làng nhạc miền Nam trước năm 1975. Đặc biệt, như để tạo dấu ấn, rất nhiều tên của các nữ ca sĩ trong ban Việt Nhi đều được nhạc sĩ Nguyễn Đức đặt tên bắt đầu bằng chữ Phương.

Đông Kha – nhacxua.vn biên soạn

Exit mobile version