Những giai điệu trữ tình, mượt mà của ca khúc Áo Lụa Hà Đông của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, phổ từ thơ Nguyên Sa, đã làm lay động tâm hồn của người yêu nhạc trong nửa thế kỷ qua. Nhân dịp tròn 50 năm ra đời tuyệt phẩm trữ tình này, xin giới thiệu đôi điều về sự ra đời của bài thơ và bài hát.
Ngày nay, chắc ai cũng biết về quê lụa Hà Đông, đó là làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng có từ ngàn năm trước. Lụa Hà Đông cũng từng được chọn để may trang phục cho triều đình.
Năm 1938, xứ Bắc Kỳ đã tổ chức cuộc thi người đẹp (giống như thi Hoa Hậu bây giờ) với những điều lạ: không phải diễn ra ở Hà Nội mà ở tỉnh Hà Đông; các cô gái bất cứ lứa tuổi nào, kể cả đã có chồng, ngành nghề gì cũng đều được tham gia (kể cả vũ nữ). Điều kiện duy nhất là phải mặc áo lụa của xứ Hà Đông.
Người đăng quang trong cuộc thi đó là người đẹp Lý Lệ Hà, xuất thân từ một nông dân nghèo tỉnh Thái Bình. Do cuộc sống mưu sinh, cô phải lên Hà Nội làm nghề vũ nữ và là hoa khôi một thời ở vũ trường Liszt tại Hà Nội. Vào giai đoạn 1936 – 1938, khu phố Khâm Thiên Hà Nội có 6 vũ trường và ở đường Bà Triệu có vũ trường Liszt nổi tiếng nhất. Lý Lệ Hà trở thành một trong hai vũ nữ nổi tiếng bậc nhất đất Hà Thành khi đó.
Cuộc thi người đẹp diễn ra rầm rộ nên Lý Lệ Hà sau khi đoạt giải lại càng trở nên nổi tiếng hơn. Đồng thời, cuộc thi cũng trở thành nguồn cảm hứng để gần 20 năm sau đó, nhà thơ Nguyên Sa sáng tác bài thơ và được người nhạc sĩ trẻ tài hoa Ngô Thụy Miên phổ thơ thành nhạc “Áo Lụa Hà Đông”.
Lý Lệ Hà có một nhan sắc được mô tả là rất quyến rũ và nóng bỏng với hàm răng đẹp như ngọc. Sau khi đạt được ngôi Hoa khôi, cô trở lên nổi tiếng và là niềm mơ ước của biết bao công tử nhà giàu thời bấy giờ. Tuy nhiên, Lý Lệ Hà đã trở thành người tình của nhà vua Bảo Đại.
Về việc Lý Lệ Hà trở thành tình nhân của vua Bảo Đại có nhiều giai thoại khác nhau. Có giai thoại kể rằng, lúc ở vũ trường Liszt, Lý Lệ Hà thường nhảy với một người thanh niên tên là Hạnh. Hạnh là thợ may có tiếng ở số 10 phố Hàng Bông, mê nhảy đến mức 30 tuổi vẫn không lấy vợ.
Trong số bạn bè của Hạnh có ông Nguyễn Bắc (người sau này trở thành Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội từ 1954 -1979) – người hoạt động bí mật ở Hà Nội và cũng là người chắp nối liên lạc giữa các trí thức với chiến khu, kể lại rằng có một lần khi Hạnh đang nhảy với Hà thì có hai mật thám đến, ghé vào tai Hạnh bảo: “Tiên sư mày, muốn yên thân thì dừng ngay để bọn tao đưa cô lên hầu cụ (Bảo Đại)”.
Song cũng có câu chuyện khác nói rằng vũ nữ Lý Lệ Hà đã chủ động quyến rũ ông hoàng Bảo Đại vào những năm 1940. Chuyện là tin đồn về sắc đẹp của cô gái Lý Lệ Hà đã đến tai người anh em họ của nhà vua là Vĩnh Cẩn.
Vĩnh Cẩn đã đưa Lý Lệ Hà đến gặp Bảo Đại tại nơi ở tại Sài Gòn khi ông về đây để chữa chân gãy hai năm trước trong một cuộc đi săn ở Đà Lạt.
Khi vào đến Sài Gòn, Lý Lệ Hà vẫn tiếp tục đi nhảy đầm ở các vũ trường Sài Gòn và khiến rất nhiều chàng trai si mê. Cũng theo một báo cáo mật của Sở mật thám Pháp, vào thời điểm này, Lý Lệ Hà đã có chồng. Nhưng đó không phải là sự trở ngại để cô vũ nữ mê nhảy đầm này từ bỏ thú vui, niềm đam mê của mình.
Nhan sắc tuyệt trần với răng trắng như ngọc của Lý Lệ Hà đã khiến cho Bảo Đại say mê. Không những vậy, với kinh nghiệm tình trường dày dạn, Lệ Hà liên tục có các chiêu tấn công độc đáo khiến ông hoàng Bảo Đại luôn luôn bị động, lúng túng và gục ngã vô điều kiện.
Sau khi chính thức là người tình của Bảo Đại, vũ nữ Lệ Hà và ông hoàng lúc nào cũng đi cùng với nhau. Trong suốt thời gian Bảo Đại ở Hà Nội (khi ông làm cố vấn tối cao của chính phủ CMLT VNDCCH), Lý Lệ Hà và đức vua gần như không rời khỏi nhau một ngày nào. Đi đâu, hai người cũng có nhau.
Sách “Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của Vương quốc An Nam” có ghi lại rằng: Bảo Đại quan hệ công khai với Lý Lệ Hà, đêm đêm đi dạo, ăn nhậu, lui tới các nơi ăn chơi, tiệm nhảy bất chấp dị nghị của mọi người xung quanh đang sống khắc khổ đạm bạc. Mối tình của Bảo Đại và Lý Lệ Hà đã khiến cho Nam Phương hoàng hậu cũng như thứ phi Mộng Điệp vô cùng buồn lòng. Sau năm 1946, Lý Lệ Hà cùng Cựu Vương Bảo Đại sống lưu vong tại Hongkong.
Ở đây, người vũ nữ dốc hết tiền tiết kiệm để Bảo Đại có thể chi tiêu một cách thoải mái. Thế mới biết rằng, trong lòng Lý Lệ Hà, mối tình với Bảo Đại không chỉ là cơn gió thoảng mà cũng thực sự sâu nặng.
Tuy nhiên, cuối cùng cuộc tình giữa Lý Lệ Hà và Bảo Đại cũng kết thúc vì Bảo Đại vốn là một người đàn ông đẹp trai, thông minh nhưng cũng vô cùng đa tình. Ông hoàng Bảo Đại đã tự động rời bỏ cô vũ nữ xinh đẹp để tiếp tục đeo đuổi những mối tình khác.
Theo một số tài liệu, Lý Lệ Hà đã sang Pháp, kết hôn với một người bản địa và sống tại một làng ngoại thành Paris. Lý Lệ Hà cũng không gặp lại đức vua Bảo Đại lần nào nữ từ khi sống ở đất Pháp.
Lý Lệ Hà từ một cô gái thuần nông trở thành một vũ nữ nức tiếng, sau đó đạt giải Hoa khôi rồi lại trở thành người tình của 1 đức vua nổi tiếng đa tình, những câu chuyện đó đã trở thành nhiều huyền thoại lưu truyền trong dân chúng. Đến hơn hai mươi năm sau, người đẹp Lý Lệ Hà cùng sự tích áo lụa của xứ Hà Đông vẫn trở thành một nguồn cảm hứng để thi sĩ Nguyên Sa đưa vào bài thơ Áo Lụa Hà Đông.
Dĩ nhiên là bài thơ này không phải viết về người đẹp Lý Lệ Hà, mà Nguyên Sa viết tặng một người tình học trò nào đó của ông:
gặp một bữa, anh đã mừng một bữa
gặp hai hôm thành nhị hỷ của tâm hồn
thơ học trò anh chất lại thành non
và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu
Tuy nhiên, cũng từ màu áo lụa Hà Đông nổi tiếng của năm xưa, thi sĩ Nguyên Sa đưa vào thơ, rồi được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên chắp đôi cánh để biến nó trở thành những giai điệu tình ca bất hủ, sống mãi cùng năm tháng. Thơ và nhạc đã cùng hòa quyện, thăng hoa để làm đắm say bao thế hệ yêu nghệ thuật. Lúc đó Ngô Thụy Miên mới có 21 tuổi, còn Nguyên Sa đã 37 tuổi.
Nói về cái duyên của sự gặp gỡ này, Ngô Thụy Miên đã chia sẻ với báo chí là giữa ông và thi sĩ Nguyên Sa không có liên hệ gì ngoài sự cảm thông của hai con người cùng yêu nghệ thuật. Ông đến với thơ Nguyên Sa không từ một chọn lựa, mà vì ông đã nhìn thấy mình trong thơ Nguyên Sa, đã nghe những rung động thầm kín nhất của tuổi trẻ qua những lời thơ ngọt ngào, tình tứ, tươi mát.
Bởi thế, khi gieo nhạc bài thơ này, Ngô Thụy Miên đã biến nó trở thành một giai điệu bất hủ, sống mãi cùng thời gian:
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
Mà mùa Thu dài lắm ở chung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
Bày vội vã vào trong hồn mở cửa
Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng gì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
Để anh gọi tiếng thơ buồn vọng lại
Em ở đâu, hỡi mùa Thu tóc ngắn?
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn yêu màu áo ấy em ơi
Bài thơ, bài hát này cũng góp công lớn để nhiều người biết về làng lụa xứ Hà Đông. Nhắc đến Hà Đông, ai cũng nghĩ đến lụa đầu tiên. (Ngoài ra người ta còn nghĩ đến câu “Sư tử Hà Đông”, tuy nhiên sư tử Hà Đông đó là một sự tích bên Tàu thời Tống, chứ không phải Hà Đông ở Hà Nội ngày nay).
Nguyên văn bài thơ của Nguyên Sa:
Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát
bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng
anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
mà mua thu dài lắm ở chung quanh
linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
bày vội vã vào trong hồn mở cửa
gặp một bữa, anh đã mừng một bữa
gặp hai hôm thành nhị hỷ của tâm hồn
thơ học trò anh chất lại thành non
và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu
em không nói đã nghe từng giai điệu
em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh
anh trông lên bằng đôi mắt chung tình
với tay trắng, em vào thơ diễm tuyệt
em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
trời chợt mưa, chợt nắng, chẳng vì đâu
nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại
để anh giận, mắt anh nhìn vụng dại
giận thơ anh đã nói chẳng nên lời
em đi rồi, sám hối chạy trên môi
những tháng ngày trên vai buồn bỗng nặng
em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn
giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng
Tổng hợp