Ngọc Lan dòng suối tơ vương

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước được ghi nhận là một trong những người đặt nền móng cho nền tân nhạc Việt, còn người bạn đời của ông – ca sĩ Minh Trang – cũng được cho là một trong những ca sĩ tiên phong của làng ca nhạc Việt.

Tiếng hát “lá ngọc cành vàng”

Trước khi gặp nhau, Dương Thiệu Tước và Minh Trang đều xuất thân từ những gia đình “danh gia vọng tộc”.


Ca sĩ Minh Trang thời xuân nữ

Dương Thiệu Tước sinh năm 1915 tại làng Vân Đình, huyện Sơn Lãng, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông. Ông là cháu nội của cụ nghè Dương Khuê. Ở giai đoạn phôi thai của nền tân nhạc Việt, trong khi nhiều người mượn những bài hát phương Tây rồi đặt lời Việt cho dễ hát thì ông lại cả gan viết “lời Tây theo điệu ta”.

Dương Thiệu Tước đánh đàn guitar hawaienne rất giỏi, ông còn là chủ nhân của một cửa tiệm bán đàn ở phố Hàng Gai, Hà Nội và có mở cả lớp dạy đàn. Trong sinh hoạt hằng tuần với các bạn nhạc sĩ tài tử của mình, ông đã sáng tác mấy bài mang những đầu đề bằng tiếng Pháp, như Joie d’aimer (Thú yêu đương), Souvenance (Hồi niệm), Ton Doux Sourire (Nụ cười êm ái của em)… Lời ca của những bài này do Thẩm Bích (anh ruột của Thẩm Oánh) soạn bằng Pháp ngữ. Ông từng tuyên bố: “Nếu đã có nhà văn Việt Nam viết văn bằng tiếng Pháp, thì nhà soạn nhạc Việt Nam cũng có thể viết được những bản nhạc có âm điệu Tây phương” (Báo Việt Nhạc số 5, ngày 16.10.1948)…

Còn cô Nguyễn Thị Ngọc Trâm (tên thật của Minh Trang) là con gái của quan Tổng đốc Bình Định Nguyễn Hy (sau này ông còn làm Tổng đốc Thanh Hóa, rồi Thượng thư Bộ Hình). Ngọc Trâm còn là cháu ngoại của công chúa Mỹ Luông (còn gọi là Bà Chúa Nhất) – em ruột vua Thành Thái… Ngọc Trâm chào đời năm 1921 trong một nhà hộ sinh nằm ngay trên Bến Ngự (Huế). Như một định mệnh, 25 năm sau, một bài hát bất hủ mang tên Đêm tàn Bến Ngự của một nhạc sĩ tài hoa ra đời mà tên tuổi của ông sẽ gắn liền với cuộc đời của cô bé Ngọc Trâm sau này.


Ca sĩ Minh Trang lúc về chiều – Ảnh: tư liệu

Thời thiếu nữ, ngoài sắc đẹp trời cho, Ngọc Trâm còn sở hữu một giọng hát thiên phú. Những năm học tiểu học ở trường dòng Jeanne d’Arc, rồi trung học ở Lycée Khải Định (Huế) thập niên 1930, tiếng hát của cô làm cho biết bao thầy cô, bạn bè cùng trường ngây ngất. Dĩ nhiên, đó là những bài hát Pháp, bởi lúc đó chưa có bài hát nào mà bây giờ chúng ta gọi là “nhạc tiền chiến”… Năm 1942, sau khi tốt nghiệp tú tài toàn phần (nên nhớ vào lúc đó rất hiếm phụ nữ đỗ đạt như thế), Ngọc Trâm kết hôn với một giáo sư nổi tiếng của đất thần kinh: giáo sư Ưng Quả (cháu nội của Tuy Lý vương Miên Trinh)… Nhưng chỉ mấy năm hương lửa mặn nồng, giáo sư Ưng Quả qua đời trong giai đoạn chuyển mình của đất nước, chế độ phong kiến cáo chung. Lúc này, giai cấp quan lại, thượng lưu không còn được ưu đãi, cuộc sống của họ trở nên khó khăn… Năm 1948, Ngọc Trâm đưa 2 người con vào Sài Gòn dự thi và trúng tuyển vai trò xướng ngôn viên cho Đài phát thanh Pháp Á. Công việc của cô là dịch những bản tin từ tiếng Pháp sang tiếng Việt và đọc những bản tin đó trên làn sóng. Trong những lần dịch tin, Ngọc Trâm thường nghêu ngao những bài hát Việt mới thịnh hành gần đây như Giọt mưa thu, Con thuyền không bến (Đặng Thế Phong, sáng tác năm 1939), Tiếng xưa  (1940), Đêm tàn Bến Ngự (1946) của Dương Thiệu Tước… Hát chơi vớ vẩn thế thôi, vậy mà tiếng hát ấy đã làm cả đài phát thanh ngẩn ngơ. Một hôm, ông Hoàng Cao Tăng – chủ sự Phòng Văn nghệ chợt đề nghị Ngọc Trâm thử hát trên sóng phát thanh một bài. Sau những đắn đo và cả những lời động viên, khuyến khích, tiếng hát của… nữ ca sĩ Minh Trang lần đầu tiên gửi đến quý thính giả Đài Pháp Á qua ca khúc Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong. Minh Trang hát hay đến nỗi đài phát thanh quyết định trả “cát sê” ngay, không kể tiền lương…

Cũng cần nói thêm, do ngại ngùng nên Ngọc Trâm không dám hát với tên thật mà ghép tên của hai người con (Bửu Minh và Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang) thành nghệ danh (Đoan Trang sau này trở thành nữ ca sĩ Quỳnh Giao ở hải ngoại).

Sau 25 năm chung sống, đôi tài tử giai nhân có thêm 5 người con (1 trai, 4 gái). Cùng với Bửu Minh và Đoan Trang, tất cả đều được “bố Tước” đào tạo bài bản ở Trường quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Sau năm 1975, bà Minh Trang và các con sang định cư ở Mỹ. Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước ở lại và qua đời vào ngày 1.8.1995 tại TP.HCM, thọ 80 tuổi. Bà Minh Trang mất ngày 17.8.2010 tại California (Mỹ), thọ 90 tuổi.

Từ đó, tiếng hát của nữ ca sĩ Minh Trang theo sóng phát thanh của Đài Pháp Á lan tỏa khắp nơi.  Năm 1949, chính Thủ hiến Bắc kỳ Nguyễn Hữu Trí gửi công văn mời đích danh ca sĩ Minh Trang tham dự Hội chợ đấu xảo tại Hà Nội. Đây là dịp để các nhạc sĩ hào hoa xứ Bắc kéo nhau đến chiêm ngưỡng nhan sắc của “giọng hát vàng phương Nam”. Và định mệnh đã xuống tay khi trong số những tài tử ấy có mặt Dương Thiệu Tước. Tuy đã có hai mặt con nhưng Minh Trang lúc ấy vẫn giữ được một vẻ đẹp quý phái “chim sa, cá lặn”.

 

Duyên nợ ba sinh

Đúng 60 năm sau (2009), ở tuổi chín mươi, bà Minh Trang kể lại với nhà thơ Du Tử Lê rằng: “Mặc cho các bạn Thẩm Oánh, Nguyễn Thiện Tơ, Dzoãn Mẫn… lăng xăng, líu lo, rối rít, ông ấy (Dương Thiệu Tước) im lặng từ đầu đến cuối. Chỉ nhìn thôi. Lâu lâu mới mỉm cười. Sự xa cách, lặng lẽ này khiến tôi càng thêm chú ý. Trước khi gặp gỡ, tôi đã từng hát nhạc của ông ấy nên tôi cũng rất ao ước được gặp mặt con người tài hoa này”. Thế rồi “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”…

Khi Minh Trang trở lại Sài Gòn, chỉ ít ngày sau nàng nhận được thư tỏ tình của tác giả Tiếng xưa. Có lẽ vẻ lạnh lùng, ít nói của ông khi cùng các bạn vây quanh Minh Trang là do ông tự mặc cảm mình đã có vợ (19 tuổi, ông lập gia đình với bà Lương Thị Thuần, cũng xuất thân từ một dòng họ khoa bảng. Thời đó việc kết hôn thường được các cụ dàn xếp theo truyền thống “môn đăng hộ đối”. Ông bà đã có 3 con gái và 2 con trai). Thế nhưng khi Minh Trang như cánh chim vút bay xa thì ông không thể dối lòng được nữa, ông thật sự bị “hớp hồn” bởi vẻ đẹp và giọng hát của nàng. Những cánh thư liên tiếp qua lại giữa hai miền. Những ca khúc ông sáng tác trong giai đoạn này do Nhà xuất bản Tinh Hoa (Huế) xuất bản, ông không còn đứng tên đơn lẻ nữa, mà ghi “Nhạc và lời: Dương Thiệu Tước – Minh Trang”. Đó là những ca khúc bất hủ, tiêu biểu như Bóng chiều xưa, Buồn xa vắng, Khúc nhạc dưới trăng, Ôi quê xưa, Vui xuân…

Nữ ca sĩ Minh Trang cũng kể lại rằng, trước khi nhận lời cầu hôn của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, chính bà đã bay ra Hà Nội để gặp người vợ trước của ông này và thông báo quyết định của hai người. “Có thể không có một người phụ nữ thứ hai, nhất là ở thời đó, hành xử như tôi. Nhưng đó là tôi, cách của tôi: tự tin và tự trọng!” – bà nói.

Khi hai người chính thức chung sống ở Sài Gòn, ông làm tặng vợ mình ca khúc Ngọc Lan. “Ngọc Lan” là do tên Ngọc Trâm của bà. Nếu ai có bản gốc của Nhà xuất bản Tinh Hoa (1953) sẽ thấy tất cả những chữ Ngọc Lan trong bài hát đều được viết hoa, để phân biệt đây là tên người chứ không phải là tên loài hoa: “Ngọc Lan, dòng suối tơ vương, mắt thu hồ dịu ánh vàng. Ngọc Lan, nhành liễu nghiêng nghiêng, tà mấy cánh phong, nắng thơm ngoài song… Ngọc Lan, giọng ướp men thơ, mát êm làn lụa bông là. Ngọc Lan, trầm ngát thu hương, bờ xanh bóng dương phút giây chìm sương… (Ngọc Lan).

Hà Đình Nguyên

Exit mobile version