Ngô Viết Thụ – KTS người châu Á duy nhất đoạt giải Khôi nguyên La Mã

Với nhiều công trình nổi tiếng để lại như dinh Độc Lập, Viện Hạt nhân Đà Lạt, Viện Đại Học Huế, Đại chủng viện Đà Lạt, chợ Đà Lạt…, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã trở thành một cây cao bóng cả của giới kiến trúc sư Việt Nam.

Đường đến giải Khôi nguyên La Mã

Khi còn là sinh viên kiến trúc Paris, ông Ngô Viết Thụ đã đoạt giải Paul Bigot do Viện Hàn lâm tổ chức. Nhờ đó, năm 1955 ông được ưu tiên mời tham dự giải Khôi nguyên La Mã mà không phải thi vòng loại sơ tuyển, chỉ dự thi ở ba vòng trong. Đây là một cuộc thi danh giá nên phải ganh đua với hàng trăm thí sinh xuất sắc của Âu châu. Cuối cùng, cuộc thi chỉ còn có 10 người vào chung kết. Đề thi cuối cùng là phác họa một ngôi thánh đường trên hòn đảo nhỏ vùng Địa Trung Hải.

Ông đã miệt mài vẽ cho đến khi chỉ còn một tuần nữa hết hạn thì chợt nhận ra mình đã mắc sai lầm khi chọn phương án thiết kế theo phong cách cổ điển. Ông quyết định mạo hiểm khi xé bỏ bản thảo để vẽ lại toàn bộ phương án theo phong cách hiện đại và tư duy mới mang tính đột phá, mặc dù thời gian không còn bao nhiêu nữa.

Bản thiết kế giúp Ngô Viết Thụ dành được giải thưởng lớn

Vậy mà cuối cùng ông đã kịp hoàn thành đúng thời hạn. Bài thi được hội đồng chấm thi đánh giá cao nhưng họ chất vấn ông về một lỗi nhỏ do không theo quy tắc: Đó là ngôi thánh đường mà ông thiết kế không nằm xoay mặt về hướng Đông, hướng về Jerusalem như thông lệ, mà lại hướng theo dòng nước. Ông giải thích ngay đó là trọng tâm tư duy đột phá mà ông muốn thể hiện qua thiết kế. Ông cho là giáo đường phải hướng về phía phù hợp nhất để trở thành một thiết kế tốt, hơn là buộc phải nhìn về hướng Jerusalem theo thông lệ xưa cổ, dựa trên giáo lý Ki-tô giáo rằng Thiên Chúa hiện hữu ở khắp mọi nơi chứ không chỉ hiện hữu tại thánh địa Jerusalem.

Sau khi ông giải thích, hội đồng giám khảo cười. Rồi ông nhận được kết quả đã đoạt giải với 28 phiếu thuận của hội đồng, trừ một phiếu nghịch. Ngày hôm sau báo chí Pháp loan tin: Một người Việt Nam đoạt giải Khôi nguyên La Mã với số phiếu tuyệt đối 28/29.

Tại sao ông chỉ nhận được có 28 phiếu mà họ lại nói ông đạt phiếu tuyệt đối? Là do báo chí Pháp rất nhạy bén, họ điều tra biết được trong 29 thành viên ban giám khảo thì một vị có học trò ruột cùng tranh giải với ông Thụ nên đương nhiên ông này sẽ không bao giờ chấm cho ai khác ngoài học trò của mình. Lá phiếu bị thiếu của ông Thụ chính là do ông giám khảo kia không bỏ, thành ra báo chí Pháp vẫn cho rằng ông Thụ xem như đạt điểm tuyệt đối là vì vậy.

Bút tích của KTS Ngô Viết Thụ

Khi kết quả được công bố, đám đông bạn học của ông Thụ, phần lớn là người Pháp, đã công kênh ông lên vai diễu đi suốt khu phố ĐH Latin của Paris. Đây không chỉ là một hành động chúc mừng cuồng nhiệt mà còn là hình ảnh mang tính biểu tượng đặc biệt. Vào thời điểm đó, Pháp đã rút khỏi Việt Nam, dẫu vậy nỗi nhục của người dân bị mất nước, bị thực dân Pháp “đè đầu cưỡi cổ” gần 100 năm vẫn còn in đậm trong tâm trí người Việt. Thành ra hình ảnh ông Thụ ngồi trên vai các bạn học người Pháp về khía cạnh nào đó cũng tạo nên một sự tự hào dân tộc hết sức lớn lao, vượt hơn cả đoạt một giải thưởng mang tầm vóc quốc tế.

KTS Ngô Viết Thụ được bạn bè công kênh lên vai diễu hành.

Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ sinh năm 1926 trong một gia đình nghèo ở Lang Xá, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Cha ông là Ngô Viết Quang, một giáo sư Trường Kỹ thuật Huế, và là một nhà Nho học uyên thâm, đồng thời cũng là người thiết kế kiến trúc và trang trí cho một số công trình của dòng họ tại Huế.

Học hết trung học, cậu học trò Ngô Viết Thụ thi đậu Cao đẳng kiến trúc Đà Lạt (một chi nhánh của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương).

Ngày chàng trai học trò nghèo xứ Huế đến Đà Lạt, người đầu tiên Ngô Viết Thụ nói chuyện để hỏi thăm đường đến Trường Cao Đẳng Kiến trúc Đà Lạt nhập học là cô gái tên là Võ Thị Cơ, người sau đó trở thành vợ của ông.

Như là mối duyên tiền định, thời gian sau đó số phận đã sắp đặt cho họ gặp lại nhau. Bà Cơ là con gia đình khá giả, cha của bà muốn tìm một sinh viên để dạy thêm cho bà và mấy người em trong nhà nên nhờ người giới thiệu một chàng sinh viên học giỏi và có tư cách đạo đức tốt để làm gia sư, và chàng sinh viên mà ông ưng ý lại chính là Ngô Viết Thụ.

Một người con của Ngô Viết Thụ là Ngô Viết Nam Sơn nói về mối tình của cha mẹ mình như sau: “Ngày đó, cha tôi nổi tiếng là một chàng sinh viên kiến trúc học giỏi và đẹp trai. Lúc đầu cha chỉ mới xem mẹ tôi như em, cho nên dù quen và đi chơi với cô gái nào, cũng về kể lại hết cho mẹ tôi nghe. Nhưng với thời gian, cha tôi nhận ra mẹ tôi là người có phẩm hạnh đáng quý hơn hết, vì vậy mà tình cảm giữa hai người dần dần nảy nở…”

Chàng sinh viên nghèo kết hôn với cô tiểu thư Đà Lạt năm 1948.

Vợ chồng KTS Ngô Viết Thụ

Vào lúc đó, Trường Cao Đẳng Kiến trúc Đà Lạt được chuyển về Sài Gòn. Các sinh viên có thể chọn chuyển về Sài Gòn hoặc sang Pháp học tiếp. Nhận thấy ông Ngô Viết Thụ rất có tài, gia đình của bà quyết định giúp ông sang Pháp du học để mở mang thêm kiến thức và phát triển tài năng. Nhưng sợ ông mặc cảm phận nghèo phải nương tựa nhờ vả gia đình vợ nên bà quyết định nghỉ học giúp cha mẹ kinh doanh buôn bán để ông yên tâm chỉ chịu ơn mỗi mình vợ mà thôi. Những ngày ở Pháp, ông miệt mài vùi đầu vào học, không ham chơi hay nhìn ngó tới các cô đầm vốn rất để ý tới chàng sinh viên người Việt cao lớn, đẹp trai nhưng lại sống khép mình với phụ nữ.

Sau này, người con cùa ông công bố một bức thư ông gửi vợ vào mùa xuân năm 1951, khi ông vẫn đang ở trời Tây:

Em Cơ ơi,
Tết sắp đến, nhớ thương tràn mọi nẻo,
Nhớ mẹ hiền, vợ trẻ, với con thơ,
Nhớ Đà Lạt, trăng ngàn chỗ em Cơ,

Có lẽ đang ôm con ngồi tựa cửa,
Chờ người anh ăn học chốn xa xôi

Em Cơ ơi! Làm sao cho vợi nhớ
Đành gửi về chiếc ảnh biếu em Cơ,
Với tất cả lòng anh tha thiết nhớ,
Chờ một ngày tái hợp chắc không xa …

Ba Lê, Xuân Tân Mão 1951
Minh Chu Ngô Viết Thụ

Mùa xuân 1960, năm cuối cùng tại châu Âu trước khi quyết định về nước phụng sự quê hương, ông đã viết bài thơ:

Lòng rào rạt tơi bời không thể ngủ,
Buồn non sông đất nước vẫn chia hai,
Xưa tiên tổ sao lắm kẻ anh tài,
Mà nay để cháu con đành tủi phận.

Đã ráng học bao năm trời lận đận,
Mà trổ tài thấy thẹn với non sông,
Vì hoa ơi, hoa trót nở mùa đông,
Công việc lắm mà anh tài chẳng đủ,

Để điểm tô cho non sông cẩm tú,
Thêm huy hoàng sáng lạng giống người ta…

Khi về lại Việt Nam, KTS Ngô Viết Thụ là là tác giả nhiều công trình kiến trúc hiện đại và nổi tiếng như Dinh Độc Lập, Chợ Đà Lạt, Trường Đại học Nông nghiệp Sài Gòn, Viện Đại học Huế, Trường Đại học Y khoa Sài Gòn…

Sau khi ông đoạt giải Khôi nguyên La Mã và kết thúc thời gian sống, làm việc ở cung điện Medicis tại Rome theo học bổng của giải thưởng, rất nhiều văn phòng KTS danh tiếng ở Pháp, Ý và một số nước khác đã đánh tiếng mời ông về làm việc với mức lương hậu hĩnh. Tương lai rộng mở, ông có thể cùng vợ con định cư tại châu Âu để chung sống và tạo dựng sự nghiệp, tên tuổi.

Trong lúc đó, Tổng thống Ngô Đình Diệm gửi GS Bửu Hội sang mời ông về làm việc giúp nước. Trước khi sang Pháp, ông Bửu Hội đến thăm cha của ông là cụ Ngô Viết Quang và mang giúp quà của cụ gửi cho ông là ba trái xoài cùng một bài thơ mang tên Cá gáy hóa long, đại ý chúc mừng ông công thành danh toại nhưng khuyên ông không nên quên nguồn gốc và nên trở về giúp đất nước.

Sau khi đọc xong thư nhà, ông quyết định thu xếp cùng gia đình trở về Việt Nam luôn.

Viện hạt nhân Đà Lạt
Chợ Đà Lạt
Nhà thờ chính tòa Phủ Cam

Chỉ trong vài năm, ông đóng góp thiết kế nhiều dự án quan trọng của quốc gia khiến đích thân Tổng thống Ngô Đình Diệm vào năm 1960 mời ông nhận chức bộ trưởng Bộ Xây dựng. Đây là một chức vụ có quyền uy vì không chỉ điều hành việc xây dựng đất nước mà còn nắm cả bộ phận xổ số kiến thiết vốn là con gà đẻ trứng vàng lúc bấy giờ. Rất băn khoăn, ông hỏi ý kiến vợ, bà khuyên ông không nên nhận vì bản thân ông vốn là con người nghệ sĩ, sáng tạo chứ không phải một chính khách. Ra nhận chức vụ lớn, trách nhiệm cao, phải học hỏi cung cách làm chính trị sẽ ảnh hưởng nhiều đến nghề nghiệp mà “quan nhất thời, dân vạn đại”, theo thời cuộc có thể lên cũng có thể xuống, sẽ có va chạm, xung đột quyền lực chốn quan trường…

Thấy vợ nói cũng hợp với ý mình nên ông đã từ chối, chỉ nhận làm cố vấn và giữ chức trưởng văn phòng tư vấn kiến trúc và chỉnh trang lãnh thổ cho phủ tổng thống. Từ đó, Việt Nam Cộng hòa không còn Bộ Xây dựng nữa, việc quy hoạch của toàn miền Nam Việt Nam cho đến năm 1975 chủ yếu do hai văn phòng thực hiện là văn phòng ông Thụ nghiên cứu chiến lược và Tổng nha Kiến Thiết nghiên cứu thực hiện.

Lúc sinh thời, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã nói rằng người Việt thường nói thờ chồng nuôi con, còn ông thờ vợ nuôi con: “Tôi mang ơn vợ tôi rất nhiều, nếu không có vợ tôi, tôi không bao giờ được như ngày hôm nay”.

Sau năm 1975, ông bị đi cải tạo 1 năm, cuộc sống đột nhiên lâm cảnh khốn khó, bà Võ Thị Cơ phải tần tảo một mình vất vả thăm nuôi chồng và nuôi dạy con tám người con, đặt tên theo một bài thơ của ông nội tặng là Thụ, Tỷ, Bảo, Nam, Sơn, Đào Vân, Châu, Lan (trong đó có một người nối nghiệp cha là kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn). Đến lúc Ngô Viết Thụ hết hạn cải tạo về nhà thì vợ ông đã rất yếu vì vất vả, bà ra đi năm 1977. Ông rất đau khổ vì sự ra đi đột ngột của bà, dù lúc đó ông chỉ mới 51 tuổi và nhiều bạn bè có ý mai mối người thân cho ông để có người bầu bạn nhưng ông vẫn không tục huyền và ở vậy cho đến lúc qua đời vào năm 2000.

Thời gian sau 1975, ông đã thiết kế các công trình đến nay vẫn còn sử dụng là Ty Thủy lợi Đắc Lắc (1976), Bệnh viện Sông Bé 512 giường (1985), Khách sạn Century Huế (1990), phác thảo chùa Trúc Lâm Đà Lạt (sau này do một nhóm KTS Lâm Đồng tiếp tục thực hiện phần khai triển chi tiết và thi công). Trên quy mô rộng hơn, ông cộng tác trong Quy hoạch Tổng Mặt Bằng của Hà Nội (đến năm 2000), và Quy hoạch Hải Phòng. Ông là thành viên ban giám khảo quốc tế trong cuộc thi thiết kế quy hoạch Nam Sài Gòn (1993).

Một trong những người con trai của Ngô Viết Thụ là kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đã nói về cha mình như sau:

“Cha tôi theo quan điểm vương đạo, tức là làm sao cho cộng đồng phát triển tốt, khi cộng đồng phát triển tốt, trong đó sẽ có mình. Nhiều người cho rằng trục chính đi thẳng vào dinh là xấu, nhưng cha tôi vẫn làm, và dùng hồ nước để hoá giải. Ông cho rằng làm vua thì phải làm gương, phải đứng ra gánh vác, chiếu không ngay, không ngồi. Tôi tự hào về cha, và ảnh hưởng nhiều về phong cách Á Đông kết hợp với kiến trúc cổ điển Pháp trong các công trình kiến trúc của ông.

Ba tôi chỉ dạy cái thần thái – linh hồn trong một tác phẩm. Ba không bao giờ chỉ tôi vẽ cửa làm sao, vẽ cầu thang như thế nào… Ba dạy tôi chí hướng và cách tư duy ý tưởng, chứ không dạy về kỹ thuật, bởi kỹ thuật thì có giới hạn. Tôi hầu như học kỹ thuật ở trường.

Khi hai cha con đi chơi với nhau, khi nhìn thấy một công trình, ba tôi sẽ nói dấu ấn làm nên thần thái của công trình là gì. Điểm này được, điểm này chưa được và tại sao? Ba tôi thường bắt cái tinh thần của một tác phẩm để nói với tôi hơn là đi vào chi tiết kỹ thuật. Bởi vì chi tiết thì qua thời gian có thể thay đổi. Còn tinh thần cốt cách của tác phẩm thì bền lâu hơn.”

Tổng hợp

Exit mobile version