Trong ký ức của nhiều khán giả yêu kịch tại Sài Gòn, miền Nam năm xưa, nghệ sĩ Túy Hồng và Ban Kịch Sống là một gợi nhắc về ngày tháng cũ. Như một nỗi nhung nhớ mối tình đã xa. Mùi của kỷ niệm, của người tình xưa vẫn luôn ám ảnh khôn nguôi.
Nay với số tuổi đã bước qua con dốc của đời người, đã có thể bình yên với cuộc sống bình thường, nhưng với bà, vì đã mang “kiếp tằm thì phải đền cho trọn nợ dâu.”
Những đóng góp cho nền kịch nghệ
Đôi mắt tuyệt đẹp năm xưa của “cô đào chính” duyên dáng của Ban Kịch Sống nay đã nhuốm màu thời gian, nhìn xa xăm như để gợi nhớ lại chuyện xưa. Ân cần, bà thủ thỉ tâm tình, như lùi về dĩ vãng cách nay hơn 50 năm.
Nghệ sĩ Túy Hồng (thứ hai từ trái qua) và diễn viên Kiều Oanh
Bà kể: “Tôi tên thật là Trương Ánh Tuyết, quê ở Bình Dương. Nhạc sĩ Lam Phương là bạn học của một người anh kế tôi, thường hay đến nhà chơi, thấy tôi thích hát, đã luyện giọng cho tôi và hướng dẫn tôi hát những ca khúc do anh sáng tác. Tôi đã tham gia sân khấu kịch Dân Nam, hát những ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương và tham gia đóng những đoản kịch ngắn. Người anh cả của tôi thay cha (đã mất), với quyền huynh thế phụ, đã phản đối, nhưng vì được sự giúp đỡ của mẹ và các chị dâu, giấu việc tôi đi hát. Thời gian sau, anh thấy tôi mê sân khấu, nhưng vẫn chuyên tâm học hành, nên đã không ngăn cản nữa. Tôi tham gia với Ban Kịch Dân Nam một thời gian, rồi chuyển sang Ban Kịch Kim Cương, đến năm 1968, tôi mới chính thức ra Ban Kịch Sống Túy Hồng”.
Bà cho biết tại miền Nam Việt Nam lúc đó, cùng với các Ban Kịch Kim Cương, Kịch Thẩm Thúy Hằng, Kịch Sống Túy Hồng đã tạo được nhiều ấn tượng trong lòng khán giả.
Với một lợi thế mà ít ban kịch nào có được, đó là sự trợ giúp của đức lang quân của nghệ sĩ Túy Hồng lúc bấy giờ, người nhạc sĩ tài hoa Lam Phương, đã đưa các bài tình ca do ông sáng tác làm nhạc nền vào các vở diễn, đi vào lòng người một cách tự nhiên và sâu nặng, tạo nên những dấu ấn rất riêng cho Ban Kịch Sống – Túy Hồng. Những tác phẩm của Kịch Sống – Túy Hồng không quá bi thảm, kết thúc luôn có hậu. Riêng với những vở kịch trên truyền hình số 9, Kịch Sống Túy Hồng thực hiện như một phim kịch, quay ngoại cảnh kết hợp với studio.
Nghệ sĩ Túy Hồng chia sẻ: “Sự kết hợp hài hòa của âm nhạc Lam Phương và Kịch Sống Túy Hồng đã nổi bật cho vở kịch và cũng nổi bật cho bài hát. Ví dụ, bài Thành Phố Buồn – được lồng trong vở kịch “Phi Vụ Cuối Cùng”, vở kịch về Binh Chủng Không Quân. Bài “Nghẹn Ngào” lồng trong vở kịch “Tình Thiên Thu” về Binh Chủng Nhảy Dù. Bài “Thu Sầu”, trong “Bóng Ngã Giáo Đường” nói về Binh Chủng Biệt Động Quân”.
Bà cho biết, nhờ sự giúp đỡ của các Quân Binh Chủng thời bấy giờ, những vở kịch của Kịch Sống Túy Hồng có cảnh nhảy dù, đánh trận… rất đặc sắc.
Tự hào, bà nói thêm: “Trong mỗi vở diễn, tôi luôn mời một hay hai nghệ sĩ nổi tiếng ở các lĩnh vực nghệ thuật như điện ảnh, cải lương… tham gia. Ví dụ có mời nữ tài tử Kim Vui, nghệ sĩ Ánh Nga, nghệ sĩ Thanh Nga, Thành Được, La Thoại Tân, nghệ sĩ Bạch Tuyết, nghệ sĩ Mộng Tuyền… với những vai diễn cũng đặc biệt, chứ không chỉ xuất hiện vài phút. Tài nghệ của họ được phô trương trong vở kịch của Ban Kịch Sống Túy Hồng.
Riêng với lãnh vực điện ảnh, lúc bấy giờ, tôi có thành lập hãng phim Sống, vừa làm nhà sản xuất, vừa đóng vai chính của ba phim Gác Chuông Nhà Thờ (đạo diễn Lê Hoàng Hoa), Nhà Tôi (đạo diễn Lê Dân), và phim hài Lệnh Bà Xã”.
Bà kể, vào ngày 30 tháng 4, 1975, bà cùng nhạc sĩ Lam Phương và hai con gái của ông bà đã lên con tàu Trường Xuân rời Việt Nam. Gia đình bà đến Mỹ vào tháng 11, 1975. Ban đầu gia đình sống tại Virginia, rồi chuyển sang Texas.
Bà là người Việt đầu tiên tổ chức đại nhạc hội tại vũ trường. Năm 1980, 1981 là người đầu tiên thực hiện băng video tại Mỹ. Phần đầu là ca nhạc, phần sau có hài kịch… có những video thực hiện chính kịch, trường kịch mang tên Sống 1, Sống 2, Sống 3… Năm 2000, nghệ sĩ Túy Hồng và nghệ sĩ Đỗ Thanh thực hiện phần viết kịch và dàn dựng. Từ năm 2000 đến 2006, tuần nào trên đài phát thanh Mẹ Việt Nam cũng có Kịch Sống Túy Hồng.
Nghệ sĩ Túy Hồng (áo bà ba nâu) trong vở kịch “Lời Thề Định Mệnh”
Rút ruột tằm vẫn chưa trả hết nợ dâu
Khi được hỏi rằng “nếu không có sự kết hợp với nhạc sĩ Lam Phương, phải chăng sẽ không thể có một nghệ sĩ Túy Hồng và Ban Kịch Sống Túy Hồng với những thành công rực rỡ?”
Ánh nhìn buồn vợi vợi, rất chân thành, bà nói: “Nhạc sĩ Lam Phương vẫn luôn là người tôi kính trọng, dẫu đã từ lâu duyên đã cạn, chúng tôi không còn gắn bó với nhau trong tình vợ chồng. Nhưng tôi luôn trân trọng sự dìu dắt, hỗ trợ của nhạc sĩ Lam Phương để tôi vững vàng bước vào con đường nghệ thuật, và tạo nên những thành công cho Ban Kịch Sống, để sau này ra hải ngoại, khán giả vẫn ưu ái với những hào quang xưa mà tôi đã có”.
Nói về việc trở lại sân khấu kịch ở hải ngoại, Túy Hồng chia sẻ:
“Trước năm 1975, Túy Hồng và ban Kịch Sống đã từng tạo được nhiều thành công, nhiều hào quang, nhưng với tôi sân khấu, ngoài nghiệp ra, nó còn là nợ.
Nếu trước đây, hầu hết các vở diễn của Kịch Sống đều do tôi viết kịch bản với bút danh Tú Hà, thì nay, nguồn cảm hứng để tôi viết ra những vở kịch đã bị thời gian bào mòn vì tuổi tác, vì sức khỏe. Thành ra, những vở kịch gần đây của Kịch Sống Túy Hồng, tôi đã nhờ nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc chấp bút lại từ những ý tưởng của mình. Và cùng bàn bạc với đạo diễn Hùng Lâm để gửi đến khán giả những vở diễn hay. Sự kết hợp của bộ ba chúng tôi kể từ chương trình Kịch Sống 50 năm đến nay, đã được khán giả đón nhận và ngợi khen, đây là sự khích lệ tiếp thêm cho tôi niềm tin để đi tiếp trong thời gian trước khi tôi chính thức giã từ sân khấu”.
Nghệ sĩ Túy Hồng và nghệ sĩ La Thoại Tân trong phim Gác Chuông Nhà Thờ (phát hành tại Sài Gòn, năm 1971)
Với nghệ sĩ Túy Hồng, nghệ thuật ca diễn, dàn dựng các vở cải lương, kịch nghệ… nơi hải ngoại này, không chỉ cho người mua vui, nghệ sĩ kiếm lợi, danh. Mà tận cùng sâu xa, những tác phẩm nghệ thuật chính là hồn của dân tộc. Và đối tượng của nó không chỉ là những khán giả năm xưa, đưa họ về với những hoài niệm, mà bà còn muốn phục vụ cho những bạn trẻ lớn lên nơi quê người. Giúp các em, các cháu, có thể hiểu hơn nền văn hóa của cha ông mình đẹp ra sao. Đó chính là những hành trang giúp các em không bị mất gốc khi hội nhập vào đời sống ở hải ngoại.
Nghệ sĩ Túy Hồng (áo ba ba nâu) cùng với nghệ sĩ Bảo Quốc, ca sĩ Bằng Kiều
Những năm tháng sau này, Túy Hồng có thể bình yên chọn niềm vui bên con, cháu, nhưng bà vẫn chọn những khó nhọc vào mình. Đó là việc gầy dựng Ban Kịch Sống tại hải ngoại với biết bao khó khăn, để rồi mỗi vở diễn chỉ có thể sáng đèn được hai xuất, không thể nào kiếm lời từ xuất hát ít ỏi và phát hành video. Nhưng bà vẫn dấn thân phụng sự khán giả, bởi trong trái tim của mình, bà không lúc nào không nguôi nhớ sân khấu, không nguôi nhớ khán giả.
Bà biết rằng khán giả có thể quên nghệ sĩ, sân khấu có thể đào thải diễn viên, chớ người nghệ sĩ, đã mang “nghiệp” vào người thì không bao giờ “bỏ” sân khấu hay khán giả được.
Bà nói, trong một buổi hát, lỡ có điều gì sơ xuất, bà cũng rất đau khổ. Khán giả có thương tình thứ lỗi, thì càng làm bà ray rứt hơn. Vì vậy, chương trình sau bà lại muốn phải hay hơn chương trình trước, để không phụ lòng khán giả tin, yêu.
Bà là người cầu toàn, hay bà đã quá nặng nợ với “nghiệp tằm”? Suốt hơn 50 năm gắn bó với nghệ thuật, chưa phút giây nào bà muốn thoát khỏi “kiếp tằm”, vẫn luôn muốn dâng vẻ đẹp của nghệ thuật đến muôn người và nhận về mình không ít những đắng cay. Nhưng nếu có kiếp tái sinh, nghệ sĩ Túy Hồng vẫn xin chọn “nghiệp tằm”, để đến thác vẫn còn vương tơ!
Theo Băng Huyền (Thời Báo Viễn Đông)