Nghe nhạc từ “băng Akai” trước 1975 – Thanh âm vọng từ quá khứ

Với những người yêu nhạc vàng xưa, thích nghe nhạc thu âm trước 1975, hiện nay việc tìm nghe những ca khúc đã được hát từ nửa thế kỷ trước đã rất dễ dàng. Việc nghe nhạc digital trên internet thuận tiện, ai cũng có thể nghe được, nhưng dẫu sao đó cũng là âm thanh thứ cấp đã nhiều lần bị chuyển âm, không còn có thể nghe được trọn vẹn những tinh hoa của các giọng hát một thời vàng son.

Với những người nghe nhạc khó tính, người ta thích nghe nhạc thu âm trước 1975 bằng máy phát (máy phát dĩa hoặc băng cối), đó là thứ âm thanh nguyên gốc, nghe loại nhạc được gọi là analog này gần giống như là được nghe live chính các ca sĩ ngày xưa hát ngay trước mắt. Tuy nhiên không nhiều người có điều kiện sắm một dàn máy phát cũ và các băng nhạc gốc để nghe, thay vào đó, nhiều người tìm đến các tiệm cafe nghe nhạc phát bằng băng cối.

Một góc quán cafe Tơ Vàng

Vài năm trước các tiệm cafe kiểu như vậy có không ít ở Sài Gòn, nhưng qua những làn sóng khó khăn của kinh tế, trong thời đại số mà người ta ưa chuộng sự nhanh chóng tiện lợi, dần dần có ít người tìm đến quán cafe ngồi kiên nhẫn chờ chủ tiệm lắp từng mặt băng nhạc và ngồi lắng mình để nghe thứ âm thanh phát ra từ quá khứ ấy. Vì vậy nên hầu hết các tiệm cafe mở băng cối ở Sài Gòn đã dẹp tiệm trong những năm qua.

Đầu tháng 5 năm 2022, có một tiệm cafe mở băng cối nhạc vàng mới vừa được khai trương, mang tên là Tơ Hồng, nằm ở số 12T3 đường Nguyễn Thị Minh Khai (gần sân vận động Hoa Lư). Đặc biệt quán này thuộc sở hữu của nhạc sĩ Thái Thịnh, một nhạc sĩ có nhiều bài hits nhạc trẻ nhưng đam mê nhạc vàng, thích nghe nhạc thời xưa. Anh cũng là tác giả của 1 số bài hát sáng tác cho Như Quỳnh được nhiều người yêu thích, đặc biệt là Duyên Phận.

Người viết này ghé thăm khi quán Tơ Hồng mở cửa chưa được bao lâu, ngoài dàn băng cối được nhạc sĩ Thái Thịnh để ngay chính diện quán, tôi còn được chủ quán cho xem hàng trăm băng gốc nhạc vàng sản xuất trước 1975. Anh nói rằng dàn máy phát tuy đẹp, hiếm, nhưng không quý bằng những băng gốc này. Máy hư có thể sửa hoặc dễ dàng mua máy khác, nhưng băng mà hư thì rất khó để kiếm lại.

Tên quán Tơ Vàng được nhạc sĩ Thái Thịnh lấy cảm hứng từ những băng nhạc chủ đề Tơ Vàng của nhạc sĩ Văn Phụng thực hiện đầu thập niên 1970. Trong hình là băng Tơ Vàng với tiếng hát Lê Uyên Phương, một băng gốc rất hiếm người có

Ngoài trưng bày những thứ liên quan đến nhạc vàng xưa như máy phát, băng gốc, hình tờ nhạc xưa, chủ quán Tơ Vàng còn có những vật dụng cổ ngày xưa, như tivi, điện thoại, đồng hồ, tất cả đều còn hoạt động được

Nhạc sĩ Thái Thịnh cho biết hầu hết các máy phát và đồ cổ trong quán được anh mua lại từ một quán cafe có tiếng ở Vũng Tàu

Những năm thập niên 1960 là thời vàng son của dĩa nhựa tại miền Nam Việt Nam với hàng chục hãng sản xuất hoạt động, nổi tiếng nhất là Sóng Nhạc, Dĩa Hát Việt Nam, Continental, Dư Âm…

Dĩa nhựa, tên tiếng Anh là vinyl, có nghĩa là nhựa. Tuy nhiên người Việt lại quen gọi các loại dĩa nhạc hình tròn là dĩa than, có thể vì nó màu đen như than.

Dĩa đá 78 vòng/phút phát hành ở Việt Nam. Ảnh: diathan.com

Sang thập niên 1970, với sự ra đời của băng cối và máy magnetophone thì loại dĩa nhựa tại Nam Việt Nam bắt đầu thoái trào, thậm chí hãng dĩa Sóng Nhạc cũng đóng cửa mà không chuyển sang làm băng cối như các hãng khác.

Máy phát loại băng này được gọi là magnetophone, và các băng nhạc lắp vào được gọi là băng magnetic, người Việt quen gọi là băng cối (băng ma nhê) và máy Akai (là nhãn hiệu của loại máy phát phổ biến nhất). Thế mạnh lớn nhất của loại băng này là chứa được số lượng bài hát nhiều hơn so với dĩa nhựa, với khoảng 20 bài mỗi băng, hơn gấp đôi so với dĩa nhựa 33.3 vòng.

Băng cối – Tiếng Hát Thanh Tuyền của Thúy Nga phát hành năm 1971

Băng cối tiếng hát Khánh Ly – Sơn Ca 7 do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông thực hiện có 17 bài hát

Điểm chung của 2 loại dĩa nhựa và băng cối này là âm thanh analog có độ phân giải cao, được giới chơi nhạc khó tính đánh giá ưa chuộng vì âm thanh trung thực.

Đầu phát băng cối hiệu Akai

Sang thập niên 1980, sự ra đời của CD và âm thanh kỹ thuật số (digital) với sự lưu trữ vượt trội, tiện dụng đã gần như bắt đầu cho một hồi kết cùa các loại băng, dĩa analog.

Từ thập niên 2000, sự ra đời của internet đã làm cho âm thanh analog đi vào dĩ vãng, không còn mấy người nhắc tới. Tuy nhiên trong giới chơi nhạc thì analog vẫn âm thầm tồn tại.

Đến vài năm vừa qua, các loại dĩa nhựa, LP vinyl đã bừng sống dậy, giới chơi nhạc analog hoạt động mạnh mẽ hơn. Nhiều ca sĩ Việt Nam ở trong nước và hải ngoại đã phát hành nhạc mới hoặc re-master các bản thu âm cũ thành dĩa nhựa một cách chính thức. Trước đó cũng đã có nhiều dĩa LP vinyl các bài hát của các ca sĩ nổi tiếng cũng được giới chơi nhạc phát hành không chính thức.

Những người chơi nhạc analog không phải chỉ là những người “hoài cổ”, mà còn là những người ưa chuộng loại âm thanh trung thực, sống động. Bởi vì theo lời của 1 người chơi nhạc analog lâu năm, nghe một cuốn băng cối hay dĩa nhựa với một dàn âm thanh chuyên dụng thì sẽ có cảm giác giống như là đang được nghe trực tiếp ca sĩ hát live, cho dù đó là âm thanh được thu từ hơn nửa thế kỷ trước.

Đông Kha – nhacxua.vn

Exit mobile version