Nghe nhạc của 3 đôi song ca, đôi vợ chồng nổi tiếng nhất Sài Gòn thập niên 1950

Thập niên 1950, có 3 đôi song ca nổi tiếng nhất và nhận được nhiều mến mộ nhất của khán giả nghe nhạc ở Sài Gòn. Có một điều trùng hợp, đó là cả 3 đôi song ca này đều là vợ chồng và có liên quan đến xứ Huế, đó là Châu Kỳ – Mộc Lan, Mạnh Phát – Minh Diệu và Nguyễn Hữu Thiết – Ngọc Cẩm. (Châu Kỳ, Minh Diệu và Ngọc Cẩm là người Huế).

Một điều trùng hợp nữa, đó là 3 người đàn ông trong 3 đôi song ca này cũng là những nhạc sĩ nổi tiếng.

Sau đây, mời các bạn nghe lại những ca khúc mà 3 đôi song ca này đã thu âm từ gần 80 năm trước trong đĩa than vẫn còn lưu lại được cho đến ngày nay.

Đôi song ca miền Thùy Dương Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết

Trong tờ nhạc của Tinh Hoa Huế phát hành năm 1954 đã giới thiệu đôi uyên ương này là: Với giọng hát trầm hùng của bạn Nguyễn Hữu Thiết, trong thanh của cô Ngọc Cẩm – đôi danh ca xứ Huế đã từng biểu diễn qua các tỉnh miền Nam Trung Việt rất được hoan nghênh về những nhạc phẩm loại dân ca.

Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết có dáng người dong dỏng cao, giọng trầm ấm, thường lên sân khấu với cây đàn guitar thùng bên cạnh vợ là Ngọc Cẩm có tiếng hát cao vút. Giọng Huế của nữ ca sĩ khi nói rất khó nghe đối với người miền Nam, nhưng khi giọng của cô cất lên thì thánh thót và truyền cảm.

Đôi song ca một trầm một bổng hòa quyện vào nhau và dường như là không thể tách rời, bởi vì cả hai người đều từng thu âm riêng từng người, nhưng dấu ấn để lại không thể nào đậm nét như khi hát song ca. Nhắc đến đôi song ca Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết, ai cũng nhớ đến những ca khúc đã gắn liền với tên tuổi của họ là Gạo Trắng Trăng Thanh, Trăng Rụng Xuống Cầu, Bến Duyên Lành, Đường Về Hai Thôn…

Khác với nhiều đôi nghệ sĩ hợp rồi tan, vợ chồng Nguyễn Hữu Thiết gắn bó với nhau trọn cả đời cho đến lúc nhạc sĩ qua đời vào ngày 31/10/2002. Chỉ 2 ngày sau kỷ niệm 18 năm ngày mất của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết (nếu tính theo ngày dương), ca sĩ Ngọc Cẩm đã qua đời vào ngày 2/11/2020, hưởng thọ 90 tuổi và được an táng bên cạnh chồng ở một mảnh đất thuộc chùa ở quận 12.


Click để nghe nhạc Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết

So với 2 đôi song ca còn lại là Mạnh Phát – Minh Diệu và Châu Kỳ – Mộc Lan, thì các bản thu âm của Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết còn lại nhiều nhất. Đó là vì thời gian sau này 2 nhạc sĩ Châu Kỳ và Mạnh Phát chuyên tâm sáng tác và tổ chức chương trình chứ không đi hát nữa, nên rất hiếm tìm thấy các bản thu âm còn lại cho đến nay. Còn đôi song ca Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết vẫn hát và thu âm cho đến thập niên 1970.

Đôi song ca Mạnh Phát – Minh Diệu

Trước khi trở thành một trong những nhạc sĩ nhạc vàng nổi tiếng nhất với nhiều ca khúc bất hủ như Nỗi Buồn Gác Trọ, Dấu Chân Kỷ Niệm, Vọng Gác Đêm Sương,… nhạc sĩ Mạnh Phát là ca sĩ thế hệ thứ 2 của tân nhạc nổi tiếng từ cuối thập niên 1940.

Ngay sau khi học xong bậc trung học, ông đã được mời hát cho hai hãng đĩa danh tiếng là Béka và Asia. Thời đỉnh cao của sự nghiệp ca sĩ, ông thường hát trên Đài phát thanh Pháp Á chung với nữ danh ca Minh Diệu, người sau này là vợ của ông.

Mạnh Phát – Minh Diệu

Không có nhiều thông tin về danh ca Minh Diệu, chỉ biết là bà người Huế, được tác giả Hồ Trường An mô tả là hơi thấp người, mặt dịu hiền nhưng không đẹp lắm. Bà ăn mặc đơn giản, nhã đạm, không ra dáng dấp nghệ sĩ, nhưng có giọng hát êm dịu ngọt ngào và rất trong trẻo.

Gần cuối thập niên 1940 và bước qua 3 năm đầu của thập niên 1950, tiếng hát Minh Diệu rất ăn khách tạo ra được một hiện tượng trong lĩnh vực tân nhạc đang dần được giới sinh viên – trí thức say mê.


Click để nghe Mạnh Phát – Minh Diệu song ca 2 bài Dư Âm (Nguyễn Văn Tý) và Bến Nước Tình Quê (Mạnh Phát)

Danh ca Minh Diệu

Đôi song ca Châu Kỳ – Mộc Lan

Cũng giống như nhạc sĩ Mạnh Phát, trước khi trở thành một nhạc sĩ nhạc vàng danh tiếng thì Châu Kỳ là một ca sĩ tân nhạc. Và trước khi thành hôn với cô nữ sinh Kha Thị Đàng 18 tuổi, Châu Kỳ đã trải qua một lần hôn nhân với nữ ca sĩ có nhan sắc lộng lẫy là Mộc Lan, họ trở thành đôi song ca thường xuất hiện trên đài Pháp Á và nổi tiếng khắp các phòng trà ở Sài Gòn đầu thập niên 1950.

Nhắc lại về thời gian trước đó, vào thập niên 1940, sau một thời lênh đênh kiếp cầm ca đi hát khắp nơi, ca sĩ Châu Kỳ vào Sài Gòn năm 1947, ở nhờ nhà của đôi vợ chồng Mạnh Phát – Minh Diệu. Châu Kỳ cùng với Mạnh Phát đã thành lập “Thần Kinh Nhạc Đoàn” (sau này là chương trình Tiếng Thùy Dương).

Ca sĩ Mộc Lan tên thật là Phạm Thị Ngà, sinh năm 1931 tại Hải Phòng và vào sinh sống ở Sài Gòn từ đầu thập niên 1940, sau đó được nhạc sĩ Lê Thương phát hiện và dẫn dắt vào làng nhạc, sau đó được danh ca Minh Diệu cưu mang.

Như vậy Châu Kỳ và Mộc Lan được se duyên thông qua một đôi nghệ sĩ nổi tiếng khác, sau đó trở thành vợ chồng chỉ sau vài tháng.

Sắc đẹp của ca sĩ Mộc Lan đã được truyền tụng và được thêu dệt lên những giai thoại, có nhiều người kể rằng nhạc sĩ Đoàn Chuẩn – một công tử nhà giàu đất Bắc – vì say mê Mộc Lan nên đã viết ca khúc nổi tiếng Gửi Người Em Gái Miền Nam. Trong ký ức nhiều người, Mộc Lan có giọng hát thiên phú và vẻ đẹp toàn diện từ “chân tơ đến kẽ tóc”, “da trắng như trứng gà bóc, răng đều tựa như hạt cườm, tay cứ như tay tiên”. Giọng hát mượt mà, mềm mại như liễu rũ, tiếng hát ấy không chỉ phủ sóng Sài Gòn phồn hoa mà còn khuấy đảo các sân khấu ca nhạc lẫn trong Nam, ngoài Bắc từ trước năm 1954. Nhưng có lẽ cũng vì vậy mà cuộc sống hôn nhân của Châu Kỳ – Mộc Lan nhanh chóng đổ vỡ. Sau 1975, Mộc Lan sống một mình và qua đời lặng lẽ vào năm 2015.


Click để nghe Châu Kỳ – Mộc Lan song ca 2 bài Chiều (Dương Thiệu Tước) và Sơn Nữ Ca (Trần Hoàn)

nhacxua.vn biên soạn

Exit mobile version