Nghe nhạc: bài hát Thói Đời (Trúc Phương)

Bài hát Thói Đời với tâm sự ưu tư xót xa về cuộc đời, được nhạc sĩ Trúc Phương viết trong một quán rượu nhỏ ở đường Tô Hiến Thành sau khi chia tay vợ khoảng năm 1970.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Bài hát nổi tiếng với giọng ca Chế Linh trước và sau năm 75, nhưng Hương Lan mới là người đầu tiên thu âm bài hát trong Dĩa nhựa của Hãng Dĩa Việt Nam.

Chế Linh:

Hương Lan:

Giang Tử:

Đường thương đau đày ải nhân gian
Ai chưa qua chưa phải là người

Trông thói đời cười ra nước mắt:
Xưa trắng tay gọi tên bằng hữu
Giờ giàu sang quên kẻ tâm giao,
còn gian dối cho nhau.

Người yêu ta rồi cũng xa ta
Nên chung thân ta giận cuộc đời

Đôi mắt nào từng đêm buốt giá
Bên chiếu chăn tình xa nhịp thở
Tiền đổi thay khi rũ cơn mê
Để chua xót trên bước về.

Rượu trần ai gội niềm cay đắng
Những suy tư in đậm đường hằn
Mình còn ai đâu để vui
Khi trót sa vũng lầy nhân thế
Cỏ ưu tư muộn phiền lên xám môi.

Bạn quên ta tình cũng quên ta
Nên chân đêm thui thủi một mình
Soi bóng đời bằng gương vỡ nát
Nghe xót xa ngùi lên tròng mắt

Đoạn buồn xa ta đã đi qua
Ngày vui tới, ta vẫn chờ.

Sau khi chia tay vợ, bạn bè thường gặp nhạc sĩ Trúc Phương ngồi yên lặng bên những ly rượu nơi một quán nhỏ ở đường Tô Hiến Thành, quận 10, gần nhà của ông. Có lẽ đó là một cách làm cho nhạc sĩ tạm quên đi những cay đắng của tình đời. Đó cũng chính là lúc bài hát “Thói Đời” được sáng tác với những câu như “Bạn quên ta, tình cũng quên ta, nên chung thân ta giận cuộc đời, soi bóng đời bằng gương vỡ nát, nghe xót xa ngùi lên tròng mắt”… và “Người yêu ta rồi cũng xa ta… “Cỏ ưu tư” muộn phiền lên xám môi…”

Thực ra phải nói là “cỏ tương tư” tức “tương tư thảo” là tên gọi văn hoa của thuốc lá. Khi những người đang yêu nhau, nhớ nhau và hẹn hò thì châm điếu thuốc thả khói mơ màng, nhìn rất thơ mộng và nghệ sĩ. Nhưng đối với Trúc Phương trong “Thói Đời” thì điếu thuốc lá “cỏ tương tư” lại biến thành ra “cỏ ưu tư”, làm cho đôi môi trở nên màu xám xịt qua những nỗi đau thương ngập tràn. Những giọt rượu nồng của cõi “trần ai” này lại càng gợi thêm “niềm cay đắng” để cho nỗi ưu tư “in đậm đường hằn” và ông đã than thở “mình còn ai đâu để vui? khi trót sa vũng lầy nhân thế”

Bài hát “Thói Ðời” đã gây xúc động cho hàng triệu con tim cùng chung số phận nghiệt ngã của cuộc đời. Với riêng bản thân Trúc Phương thì “Thói Đời” lại như là một lời tiên tri thật chính xác cho quãng đời còn lại của ông suốt gần 25 năm sau đó.

Exit mobile version