Kể từ khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn xuất hiện trong làng nhạc miền Nam từ cuối thập niên 1950, rồi bắt đầu nổi tiếng từ thập niên 1960, đến nay có rất nhiều ca sĩ đã hát hoặc gắn bó với dòng nhạc Trịnh, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Khánh Ly, người đã cùng với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kết hợp trở thành cặp đôi nhạc sĩ – ca sĩ nổi tiếng nhất trong lịch sử tân nhạc.
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mới là người hát nhạc Trịnh hay nhất, vì chỉ có tác giả mới là người hiểu thấu đáo, toàn vẹn ý nghĩa của từng giai điệu, ca từ mà ông đã viết ra.
Về mặt giai điệu, nhạc Trịnh vốn mộc mạc, giản đơn, nên không cần một giọng ca có kỹ thuật quá điêu luyện mới có thể hát hay. Nhạc Trịnh vốn cũng không cần quá nhiều nhạc cụ, không cần dàn nhạc hoành tráng, mà chỉ cần một cây đàn guitar thùng cùng với một giọng hát nồng ấm giống như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có thể làm lay động được lòng người.
Mời các bạn nghe lại những bài nhạc Trịnh do chính nhạc sĩ hát được giới thiệu trong bài này.
Những bản thu âm đầu tiên giọng hát của Trịnh Công Sơn còn lưu giữ cho đến ngày nay, có lẽ là tại Quán Văn từ năm 1967-1968. Khi đó Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đã thâu live rất nhiều ca khúc, mời bạn nghe bên dưới.
Click vào hình để nghe Trịnh Công Sơn và Khánh Ly hát live ở Quán Văn
Thập niên 1960, trên bãi đất cỏ sau trường đại học Văn Khoa, giới nghệ sĩ hồi đó dựng lên một quán lá, đặt tên là “Quán Văn”, làm nơi họp mặt đàn hát với phần đông khán giả là thanh niên, học sinh sinh viên. Tại nơi này có một cặp đôi nghệ sĩ bắt đầu được công chúng biết đến với đa số là những bài hát được gọi là ca khúc Da Vàng, đó là Trịnh Công Sơn và Khánh Ly.
Trước năm 1975, có 3 hình thức sân khấu trình diễn ca nhạc phổ biến nhất. Những người có tiền, tầng lớp quý tộc thường chọn nghe nhạc ở phòng trà, nơi có ban nhạc nổi tiếng và hầu hết các ca sĩ nổi tiếng nhất trình diễn trong một không gian ấm cúng, sang trọng. Sinh hoạt văn nghệ ở các phòng trà là hình thức quen thuộc nhất với hàng chục phòng trà – vũ trường ở khắp Sài Gòn, nổi tiếng nhất là Queen Bee, Bồng Lai, Quốc Tế, Tự Do, Đêm Mầu Hồng, Hòa Bình…
Hình thức thứ 2 là các quán nhỏ (thường được gọi là “hội quán”) để giới trẻ, sinh viên hoặc những người đã đi làm mà không có tài chính “rủng rỉnh” thì vào các quán nhạc này có giá bình dân hơn, tiêu biểu là các quán Gió, Thằng Bờm, Cây Tre…
Hình thức thứ 3 là các quán tạm bợ được dựng lên trên bãi cỏ để hát ngoài trời miễn phí phục vụ cho những người mê nhạc nhưng không có tiền. Vì là miễn phí nên các đêm nhạc như vậy thu hút được rất đông đảo khán giả, mà tiêu biểu nhất là Quán Văn đã nhắc đến ở trên.
Từ một bãi đất trống ở sân sau trường Văn Khoa, Quán Văn trở thành bệ phóng để cho “hỏa tiễn” Khánh Ly đưa dòng nhạc Trịnh bay vút trên nền trời âm nhạc Miền Nam cuối thập niên 1960 trở về sau. Trong những đêm nhạc ở Quán Văn, không có ban nhạc hay hệ thống âm thanh đa dạng như phòng trà, mà chỉ có duy nhất một cây guitar thùng được chính Trịnh Công Sơn đứng ở đằng sau đệm cho Khánh Ly hát, và đôi lúc Trịnh Công Sơn cũng tự hát những nhạc phẩm của mình.
Sau những ca khúc Da Vàng được trình làng ở Quán Văn, cũng trong thời gian đó nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ấp ủ kế hoạch phát hành một tập nhạc được gọi là “Kinh Việt Nam” năm 1970, cũng bao gồm trong đó các ca khúc mà sau này được gọi chung là “ca khúc Da Vàng”. Trong lời đề tựa cho tập nhạc, Trịnh Công Sơn đã giới thiệu súc tích:
“Kinh Việt Nam là lòng mơ ước về một rạng đông cho đêm tối dài lâu này. Những bài ca được viết từ những hân hoan lắng nghe được trong lòng người. Đó là nỗi hân hoan của đám đông chờ mong ngày hồi sinh”
Khoảng năm 1971, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phát hành băng nhạc Kinh Việt Nam, với sự góp giọng của Trịnh Công Sơn, Hoàng Xuân Sơn và 3 cô con gái của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là Vân Hòa Vân Quỳnh và Vân Khanh. Mời bạn nghe nguyên băng nhạc này bên dưới.
Click vào hình để nghe băng Kinh Việt Nam năm 1971
Đỉnh cao của dòng nhạc Trịnh Công Sơn trước năm 1975 là 6 băng Hát Cho Quê Hương Việt Nam do Khánh Ly cùng Hội Quán Cây Tre phát hành đầu thập niên 1970. Hội Quán Cây Tre là địa điểm sinh hoạt âm nhạc (là hình thức trình diễn văn nghệ thứ 2 được nhắc đến ở bên trên) được Khánh Ly mở vào năm 1968 ở Dakao, tại số 2bis đường Đinh Tiên Hoàng, Sài Gòn, là nơi tụ họp của các văn nghệ sĩ và các sinh viên học sinh yêu văn nghệ yêu tiếng hát Khánh Ly, và đây cũng là nơi tổng phát hành những cuốn băng nổi tiếng Trịnh Công Sơn – Khánh Ly – Hát Cho Quê hương Việt Nam.
Trong 6 băng nhạc này có xen kẽ nhiều bài hát, nhiều thể loại của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có cả nhạc tình ca, nhưng nhiều nhất vẫn là các ca khúc Da Vàng.
Riêng trong băng Hát Cho Quê Hương Việt Nam số 6, Trịnh Công Sơn có tham gia hát đến 18 trong tổng số 26 bài trong băng nhạc. Đó là các ca khúc: Xin Cho Tôi, Ngày Dài Trên Quê Hương, Người Con Gái Việt Nam, Tôi Sẽ Đi Thăm, Ngủ Đi Con, Tình Ca Người Mất Trí, Đêm Bây Giờ Đêm Mai, Ngụ Ngôn Mùa Đông, Đi Tìm Quê Hương, Gia Tài Của Mẹ, Xin Mặt Trời Ngủ Yên, Vết Lăn Trầm, Phúc Âm Buồn, Du Mục, Tuổi Đá Buồn, Xa Dấu Mặt Trời, Người Già Em Bé.
Mời các bạn nghe trọn băng nhạc Hát Cho Quê Hương Việt Nam 6 ở bên dưới.
Click vào hình để nghe nhạc
Ngoài ra, hiện nay còn lưu giữ bản thu âm Trịnh Công Sơn hát cùng ca sĩ Thanh Hải vào năm 1980. Chương trình này mang tên Tôi Sẽ Nhớ gồm 14 bài hát. Sau này, khi Thanh Hải sang định cư tại Đức, ông trích ra 10 bài để làm thành CD Tôi Sẽ Nhớ… (Thanh Hải & Trịnh Công Sơn)
Ca sĩ Thanh Hải đã kể như sau:
Năm 1976, tôi gặp lại anh Phạm Trọng Cầu – một nhạc sĩ mà tôi đã quen trước đây tại phòng âm nhạc của Viện đại học Vạn Hạnh. Lúc đó, tôi đang sinh hoạt trong đoàn văn nghệ Vạn Hạnh dưới sự đảm trách của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Một hôm, có lẽ duyên hội ngộ đưa đẩy, anh Phạm Trọng Cầu đã đưa tôi đến gặp anh Trịnh Công Sơn tại Hội Văn nghệ. Tôi nhớ lần đầu tiên ấy, anh Cầu bảo anh Sơn: “Mày ngồi đây nghe Thanh Hải hát thử bài này”.
Và tôi đã hát: “Đi về đâu hỡi em khi trong lòng không chút nắng, giấc mơ đời xa vắng, bước chân không chờ ai đón…”.
Đây chính là bài “Đời Gọi Em Biết Bao Lần”, là nhạc phim “Tội Lỗi Cuối Cùng” mà Trịnh Công Sơn vừa sáng tác. Từ đó chúng tôi quen nhau. Hình như trong buổi gặp gỡ đầu tiên ấy đã có một sự cảm thông không nói thành lời. Rồi hai anh em ngày nào cũng gặp nhau, trở nên thân thiết trong 6 năm trời trước khi tôi rời xa quê hương….
Trong 14 bài hát ở list nhạc bên dưới, Trịnh Công Sơn hát 4 bài: Như Hòn Bi Xanh, Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Niềm Vui, Tôi Sẽ Nhớ và Ở Trọ.
Mời các bạn nghe bên dưới:
Click vào hình để nghe băng nhạc Trịnh Công Sơn – Thanh Hải
Sau 1975, Trịnh Công Sơn cũng nhiều lần xuất hiện trong băng dĩa nhạc cả trong nước lẫn hải ngoại. Đặc biệt nhất là lần xuất hiện trong CD Khánh Ly – 50 Năm Đời Vẫn Hát khoảng năm 1995, ông đã song ca với Khánh Ly ca khúc Em Đi Bỏ Mặc Con Đường. Trước khi hát, 2 người đã trò chuyện ngắn về triết lý “sống trong đời sống cần có một tấm lòng” của ông. Mời các bạn nghe lại sau đây:
Click vào hình để nghe nhạc
Trước đó, vào năm 1994, trung tâm Diễm Xưa đã phát hành một tape nhạc 10 ca khúc Trịnh Công Sơn hát nhạc Trịnh mang tên Như Tiếng Thở Dài, sau đó vài năm thì hãng Phương Nam Phim ở trong nước cũng đã phát hành lại thành CD năm 1997, mời các bạn nghe 10 bài đó sau đây:
Click để nghe CD Trịnh Công Sơn hát nhạc Trịnh
Ngoài ra, mời các bạn nghe một số ca khúc khác được Trịnh Công Sơn thu âm trong thập niên 1990 sau đây:
Click để nghe Trịnh Công Sơn hát Một Cõi Đi Về
Click để nghe Trịnh Công Sơn hát Như Một Lời Chia Tay
Click để nghe Trịnh Công Sơn hát Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng
Click để nghe Trịnh Công Sơn hát Em Đi Bỏ Mặc Con Đường
Click để nghe Trịnh Công Sơn hát Xin Trả Nợ Người
Click để nghe Trịnh Công Sơn hát Ru Đời Đi Nhé
Click để nghe Trịnh Công Sơn hát Con Mắt Còn Lại
Click để nghe Trịnh Công Sơn hát Chìm Dưới Cơn Mưa
Click để nghe Trịnh Công Sơn hát Tiến Thoái Lưỡng Nan
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn