Sau hơn 60 năm hình thành, dòng nhạc vàng vẫn đã và đang làm say mê biết bao nhiêu thế hệ người yêu nhạc. Sở dĩ như vậy có lẽ là bởi nhạc vàng có đa dạng về chủ đề, nội dung phong phú, đặc biệt là dễ đi vào lòng người, thể hiện được đầy đủ tất cả các tâm tư tình cảm của đại chúng. Trong số đó, chủ đề nổi tiếng và được rất được yêu thích là Nhạc Xuân, là dòng nhạc không thể thiếu trong nhiều gia đình người Việt khắp thế giới trong mỗi dịp đầu năm.
Nếu chỉ xét riêng trước 1975, có lẽ không có ca sĩ nào hát nhạc Xuân nhiều bằng cố ca nhạc sĩ Duy Khánh. Dù không sáng tác ca khúc Xuân nào nổi tiếng, nhưng cố danh ca Duy Khánh đã tình bày rất thành công nhiều ca khúc nhạc Xuân, tên tuổi của ông đa gắn liền với những ca khúc chủ đề Xuân bất hủ như Lời Đầu Năm Cho Con (Nguyên Thảo), Cảm Ơn (Nhật Ngân), Xuân Này Con Không Về và Thư Xuân Trên Rừng Cao (Trịnh Lâm Ngân), Mùa Xuân Đó Có Em (Anh Việt Thu).
Sau đây, mời các bạn nghe lại những ca khúc này được Duy Khánh thu âm từ trước 1975:
Xuân Này Con Không Về
Ca khúc Xuân Này Con Không Về được nhóm Trịnh Lâm Ngân sáng tác vào cuối thập niên 1960. Có rất nhiều người kể lại rằng vào thời đó, mỗi dịp đầu năm ở nơi tiền đồn, anh lính nào mà nghe Duy Khánh hát bài này là chỉ muốn buông súng để về ngay dưới mái tranh nghèo:
Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
khi thấy mai đào nở vàng bên nương
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
nay én bay đầy trước ngõ mà tin con vẫn xa ngàn xa
Click để nghe Duy Khánh hát trước 1975
Dù là một ca khúc buồn, có thể là một trong những bài buồn nhất của nhạc vàng, và ngày xuân người ta thường thích nhạc có giai điệu vui tươi để chào đón năm mới. Tuy nhiên có sự nghịch lý là đa số bài nhạc xuân của dòng nhạc vàng lại là nhạc buồn, phản ánh tâm tư tình cảm của một lớp người, một thế hệ người Việt trong thời ly loạn. Xuân Này Con Không Về là ca khúc tiêu biểu nhất trong số những bài nhạc xuân đó, đã được yêu thích suốt hơn nửa thế kỷ qua, đặc biệt là với tiếng hát Duy Khánh cả trước và sau năm 1975.
Xuân Này Con Không Về nổi tiếng với giọng hát Duy Khánh đến nỗi có nhiều người tưởng rằng bài hát này do chính nhạc sĩ Duy Khánh sáng tác, cũng như tưởng rằng Trịnh Lâm Ngân là một bút danh của cố ca – nhạc sĩ Duy Khánh.
Thư Xuân Trên Rừng Cao
Đây cũng là một sáng tác của nhóm Trịnh Lâm Ngân (tức Trần Trịnh và Nhật Ngân), và cũng gắn liền với giọng hát Duy Khánh. Dù là một bài xuân bất tử, được nhiều người yêu thích, nhưng có khá ít ca sĩ khác hát lại ca khúc này, có lẽ bởi vì ai cũng biết rằng khó ai có thể hát bài này hay hơn Duy Khánh.
Click để nghe Duy Khánh hát trước 1975
Mời anh mời chị, mùa xuân lên đây thăm tôi
Nơi đây xa xôi khuất nẻo thưa người
Núi rừng mịt mù sương…
Cảm Ơn
Ca khúc Cảm Ơn của nhạc sĩ Nhật Ngân là 1 trong những ca khúc nhạc xuân nổi tiếng nhất 1975. Bài hát này được nhạc sĩ ký bút danh là Ngân Khánh và có nội dung rất gần với bài hát Xuân Này Con Không Về của nhóm Trịnh Lâm Ngân. Có lẽ vì vậy mà nhiều người đã tưởng rằng Ngân Khánh là một bút danh khác của Trịnh Lâm Ngân. Kỳ thực, ca khúc Cảm Ơn chỉ của 1 mình nhạc sĩ Nhật Ngân sáng tác, và ông lấy tên con gái của mình là Ngân Khánh để làm bút danh cho bài hát.
Này là cánh thư, nghiêng nghiêng nét chữ cô em học trò
Này là bánh chưng, mẹ già tự tay gói gửi cho con
Này là áo len, bao nhiêu đêm thâu em ngồi em đan
Nay em gởi ra tới chiến trường,
Mang chút tình hậu phương thương mến.
Người lính xa nhà, xa gia đình, chỉ có thể liên lạc với người thân qua những cánh thư. Ngày xuân, kèm theo cánh thư sẽ có thêm những món quà đơn sơ từ quê nghèo, như là bánh chưng mẹ già tự tay gói gửi, hay là chiếc áo len được người yêu học trò đan suốt những đêm thâu, là những món quà chứa đựng trong đó muôn vàn tình yêu thương gửi người đang ở nơi xa…
Click để nghe Duy Khánh hát Cám Ơn trước 1975
Lời Đầu Năm Cho Con
Trong nhạc vàng có rất nhiều bài hát viết về mẹ, nhưng lại ít bài nhắc về người cha, và Lời Đầu Năm Cho Con của nhạc sĩ Nguyên Thảo là bài hát hiếm hoi viết về tình cảm của người cha.
Ngoài ra, đây không phải là một bài hát về tình cha con bình thường, mà ở trong hoàn cảnh lửa binh ly loạn, nên chứa đựng cả một nỗi buồn của thế hệ:
Lời đầu năm tha thiết bao la,
cho con yêu để gọi là quà,
nơi núi rừng quà xuân đâu có
chỉ còn đây những vỏ đạn đồng
với loài hoa hư không.
Cho con niềm vui đó,
mùa xuân có hoa có cỏ
con vui đầy tuổi ngọc ngà…
Click để nghe Duy Khánh hát Lời Đầu Năm Cho Con trước 1975
Nói về hoàn cảnh sáng tác Lời Đầu Năm Cho Con, nhạc sĩ Nguyên Thảo cho biết trong một lần đi tiền đồn Dakto với đoàn văn nghệ, khi đi qua một ngọn đồi ông thấy cảnh một người lính pháo binh đang mài vỏ đạn đồng để Tết về làm hoa mai, nên chợt có ý tưởng sáng tác Lời Đầu Năm Cho Con, và vỏ đạn đồng đó chính là món quà mà người lính dành cho người con thơ dại khi trở về.
Hẹn Một Mùa Xuân (Tôi Sẽ Về)
Mỗi dịp Tết đến Xuân về, những giai điệu quen thuộc của bài nhạc xuân bất hủ Hẹn Một Mùa Xuân lại vang lên trong lòng mỗi người yêu nhạc suốt hơn nửa thế kỷ qua. Đây cũng là ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Đinh Việt Lang:
Tôi sẽ về khi mùa Xuân đơm hoa trước ngõ
Để em gái nhỏ mắt thơ ngây
Tóc thôi biếng chải vì đợi chờ
Đêm yên giấc ngủ cơn mơ dỗ ngọt
Cho môi em mềm mùa Xuân.
Khi bầy chim én bay về xôn xao chào đón mùa Xuân về, hoa vàng đơm hoa trước ngõ là lúc lòng người lính đang bôn ba khắp nẻo biên thùy mơ ước sẽ được về thăm lại quê nhà, cho em gái nhỏ thôi không còn đợi chờ, mắt không sầu buồn nhớ mong những ngày xa vắng và vẫn thơ ngây như ngày nào còn bên nhau xanh biếc nụ mùa Xuân.
Click để nghe Duy Khánh hát Hẹn Một Mùa Xuân trước 1975
Mùa Xuân Đó Có Em
Trong hàng trăm bài nhạc xuân nổi tiếng đã được sáng tác hơn nửa thể kỷ trước, người nghe nhạc vàng vẫn còn nhớ đến và yêu mến ca khúc Mùa Xuân Đó Có Em của nhạc sĩ Anh Việt Thu. Đây là ca khúc có lời ca dạt dào tình cảm lứa đôi, nói thay cho tâm trạng và tình cảm của những người xa quê nhà, luôn lo âu không biết rằng có về kịp ngày để được vui vầy đón Tết cùng với gia đình, bên những người yêu thương:
Nếu chiều nay lỡ hẹn không về,
Thì xuân năm nay xuân sẽ buồn,
Sẽ buồn hơn mấy cội mai già,
Mà mùa xuân quên mặc áo mới
Click để nghe Duy Khánh hát trước 1975
Về hoàn cảnh sáng tác ca khúc này, theo người con của nhạc sĩ Anh Việt Thu kể lại thì đó là mùa xuân năm 1969, khi đó nhạc sĩ đang công tác ở đài phát tín quân đội bên Phú Thọ (Saigon). Vì nhiệm vụ của đơn vị này rất quan trọng, phải trực để giữ cho thông tin luôn được thông suốt nên ông lo lắng rằng sẽ không được trở về bên gia đình vào dịp giao thừa. Trong tâm trạng lo âu đó, nhạc sĩ đã sáng tác Mùa Xuân Đó Có Em để thể hiện nỗi lòng của mình.
Trong lời đề tựa, nhạc sĩ Anh Việt Thu ghi:
Bài hát viết trên đồng dây thép gió Phú Thọ. Mùa xuân ngủ muộn năm sáu mươi chín, trời thấp và mây đùn quanh tháp cổ.
Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn