Nghe lại những ca khúc gắn liền với sự nghiệp của ca sĩ Phi Nhung

Ca sĩ Phi Nhung có giọng hát ngọt ngào đã nổi tiếng với thể loại nhạc vàng, nhạc quê hương từ thập niên 1990. Gần 30 năm qua, tiếng hát Phi Nhung đã gắn bó với nhiều thế hệ khán giả, là một phần tuổi thơ của nhiều người. Những ca khúc như Chiều Lên Bản Thượng, Ba Tháng Tạ Từ, Chiều Qua Phà Hậu Giang, Bông Điên Điển, Em Về Miệt Thứ, Sông Quê… đã gắn liền với sự nghiệp ca hát gần 30 năm của Phi Nhung.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click


Click để nghe 30 bài hát của Phi Nhung do trung tâm Thúy Nga tuyển chọn

Có một điều đặc biệt, đó là đa số những bài hát mà Phi Nhung tạo được dấu ấn riêng biệt đều là sáng tác sau năm 1975, đó là Chiều Qua Phà Hậu Giang, Bông Điên Điển, Em Về Miệt Thứ, Lý Con Sáo Bạc Liêu, Sông Quê, Phải Lòng Con Gái Bến Tre, Ru Lại Câu Hò, Trách Ai Vô Tình, Ngựa Ô Thương Nhớ, Hoàng Hôn Màu Tím…

Sau đây mời các bạn nghe lại những ca khúc được yêu thích nhất của Phi Nhung:

Sáng tác trước 1975:

Chiều Lên Bản Thượng

Ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Lê Dinh được Phi Nhung trình bày trong chương trình Paris By Night 70 năm 2003, trở thành ca khúc gắn liền với tên tuổi của cô:


Click để nghe Phi Nhung hát Chiều Lên Bản Thượng

Chiều Thương Đô Thị

Mặc dù bài hát này đã được đóng dấu với tên tuổi của các ca sĩ thế hệ trước 1975, đặc biệt là Duy Khánh, nhưng khi Phi Nhung hát lại ca khúc này trên Paris By Night 74 vào năm 2004, cô vẫn tạo được dấu ấn riêng:


Click để nghe Phi Nhung hát Chiều Thương Đô Thị

Mặc dù Phi Nhung chỉ tham gia Asia chỉ trong 2 năm 1999- 2000, nhưng dấu ấn của cô khi xuất hiện tại chương trình này rất đậm nét, đặc biệt là với 3 ca khúc được sáng tác trước năm 1975 là Ba Tháng Tạ Từ, Một Chuyến Xe Hoa và Mưa Rừng. Phần hòa âm đỉnh cao của trung tâm Asia đã góp phần chắp cánh cho giọng hát Phi Nhung vang xa hơn nữa:

Ba Tháng Tạ Từ


Click để nghe Phi Nhung hát Ba Tháng Tạ Từ

Mưa Rừng


Click để nghe Phi Nhung hát Mưa Rừng

Một Chuyến Xe Hoa


Click để nghe Phi Nhung hát Một Chuyến Xe Hoa

Những ca khúc sáng tác sau năm 1975

Lý Con Sáo Bạc Liêu

Ca sĩ Phi Nhung đã gắn bó với trung tâm Thúy Nga suốt hơn 20 năm qua, và ca khúc đầu tiên mà cô hát tại Paris By Night là Lý Con Sáo Bạc Liêu, một ca khúc của nhạc sĩ Phan Ni Tấn.

Là một người được sinh ra ở Cần Giuộc, nhạc của Phan Ni Tấn đậm chất trữ tình quê hương với giai điệu âm hưởng dân ca Nam Bộ, với ảnh hưởng từ người cha của ông vốn là một nhạc công cổ nhạc.

MV bài hát này được thực hiện tại Việt Nam, đạo diễn là Huỳnh Phúc Điền, xuất hiện trong Paris By Night 49 chủ đề Chúng Ta Đi Mang Theo Quê Hương.


Click để nghe Phi Nhung hát Lý Con Sáo Bạc Liêu

Phải Lòng Con Gái Bến Tre

Một ca khúc nổi tiếng khác của Phi Nhung cũng của nhạc sĩ Phan Ni Tấn, phổ thơ Luân Hoán.

MV ca khúc này cũng được đạo diễn Huỳnh Phúc Điền thực hiện tại Việt Nam với kinh phí rất lớn là $15.000 vào năm 2000. Trong chương trình Music Box đầu năm 2021, ca sĩ Phi Nhung kể lại rằng đây là MV thực hiện mất thời gian nhất. Thời đó cô đã bỏ rất nhiều show để về Việt Nam một tuần, quay phim hết 3 ngày ở Bến Tre. Sau khi thực hiện xong, đạo diễn Huỳnh Phúc Điền đưa video cho Phi Nhung quay về Mỹ. Sau khi giám đốc trung tâm Thúy Nga là cô Thủy xem xong và không thấy có phà Rạch Miễu trong MV, cô không hài lòng và yêu cầu Phi Nhung quay về Việt Nam một lần nữa để quay cho được hình ảnh “Bậu sang phà Rạch Miễu”.

Việc quay về lại Việt Nam và bao nguyên trọn chuyến phà Rạch Miễu để quay phim tốn rất nhiều chi phí, nhưng trung tâm Thúy Nga vẫn chấp nhận đầu tư để có được những thước phim hoàn hảo nhất.


Click để nghe Phi Nhung hát Phải Lòng Con Gái Bến Tre

Chiều Qua Phà Hậu Giang

Ca sĩ Phi Nhung rất có duyên với những chuyến phà, ngoài phà Rạch Miễu thì còn có phà Hậu Giang, với ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Nhật Ngân được Phi Nhung trình bày đầu tiên là Chiều Qua Phà Hậu Giang:

Chiều qua phà Hậu Giang tiếng ai hát dạo buồn thay
Tiếng ca sầu mênh mang như khơi niềm đau năm tháng xưa
Chân nạng gỗ thấp cao kéo lê đời theo dòng nhạc đưa
Mảnh chiến y phai màu khúc ca nào gợi sầu khôn nguôi

Chiều qua phà Hậu Giang tiếng ai nhắc kỷ niệm xưa
Tiếng ca gợi trong tim bao nhiêu niềm đau chưa lãng quên
Nhưng người qua vẫn qua bước vô tình không hề dừng chân
Ôi xót xa trong lòng tiếng ca buồn chìm vào trong mưa…


Click để nghe Phi Nhung hát Chiều Qua Phà Hậu Giang

Hoàn cảnh sáng tác bài hát này được nhạc sĩ Nhật Ngân kể lại trên Paris By Night 66 năm 2002, đó là trong một lần ông về Việt Nam và đi miền tây quê của vợ, qua phà Hậu Giang thì gặp một người bạn cũ là thương phế binh đi đàn dạo kiếm sống.

“Buổi chiều đó mưa bay bay, tôi ngồi trong quán, bỗng nhiên nghe được giọng hát rất xúc động của một người thương phế binh mặc áo treillis bạc màu, ngồi ở ngoài hàng hiên ôm đàn hát. Nhìn cách đệm đàn của anh, tôi nghĩ không phải là một người hát dạo bình thường. Điều làm cho tôi thật xúc động, đó là anh hát bài “Xuân Này Con Không Về”.

Tôi ra nói chuyện với anh, khi vừa ra tới nơi thì nhận ra đó chính là một người bạn học cũ của tôi, học chung từ thời trung học, rồi sau đó anh đi Võ Bị Đà Lạt. Thời gian sau đó anh bị thương ngoài ᴄhιến trường, gãy một chân và được giải ngũ từ đó. Sau khi tôi nói chuyện với anh, tôi suy nghĩ nhiều và thấy ngậm ngùi” (lời kể của nhạc sĩ Nhật Ngân).

Sau khi về lại Hoa Kỳ, nhạc sĩ Nhật Ngân đã bàn với nhạc sĩ Trần Trịnh và cùng sáng tác Chiều Qua Phà Hậu Giang.

Bông Điên Điển – Ai Về Miệt Thứ

Có 2 ca khúc của nhạc sĩ Hà Phương sáng tác sau năm 1975 đã góp phần tạo dựng tên tuổi ca sĩ Phi Nhung, đó là Bông Điên ĐiểnAi Về Miệt Thứ. Nhạc sĩ kể lại hoàn cảnh sáng tác những ca khúc này như sau:

“Kể từ đó chúng tôi chuyển sang viết ca khúc mang đậm phong cách dân ca Nam bộ và cho ra đời những ca khúc Bông Điên Điển, Em Về Miệt Thứ, Nhớ Đất Quê, Chiều Mưa Qua Sông, Đồng Sâu Xứ Lạ, Bông Lục Bình, Chuyện Tình Hoa Cát Đằng… Điều đó cũng phù hợp với tâm tư, tình cảm dành cho quê hương miền Tây, nơi mà chúng tôi lớn lên bên dòng sông, bến nước thấm đẫm những câu hò điệu lý, những làn điệu dân ca đã nuôi nấng tâm hồn chúng tôi. Mỗi ca khúc ra đời là sự thật phát xuất từ tâm hồn do thường xuyên lang bạt, gắn bó với miền đất phương Nam: Láng Linh, An Giang bạt ngàn bông điên điển với bóng hình những cô gái chèo xuồng hái bông đẹp làm sao. Có những đêm nơi Miệt Thứ, Cạnh Đền mà những sinh hoạt về đêm đều diễn ra trong mùng bò (mùng lớn) mới tránh khỏi muỗi đốt…”

Từ những cảm xúc đó, nhạc sĩ Hà Phương đã viết thành 2 ca khúc Bông Điên ĐiểnEm Về Miệt Thứ nổi tiếng qua tiếng hát Phi Nhung. Sau này ca sĩ Phi Nhung đã luôn biết ơn nhạc sĩ Hà Phương vì 2 ca khúc này đã góp phần lớn làm nên tên tuổi của cô ở hải ngoại.


Click để nghe Phi Nhung hát Em Về Miệt Thứ


Click để nghe Phi Nhung hát Bông Điên Điển

Sông Quê

Đây là sáng tác của nhạc sĩ Đynh Trầm Ca, đã có rất nhiều ca sĩ hát bài này, nhưng khi nhắc đến Sông Quê, hầu như người yêu nhạc chỉ nhớ đến phiên bản đỉnh cao của Phi Nhung song ca cùng Thái Châu trong chương trình Hollywood Night 15 năm 1997: Có một dòng sông chảy tràn trong trí nhớ…


Click để nghe Phi Nhung – Thái Châu hát Sông Quê

Thị Trấn Mù Sương

Bài hát của nhạc sĩ Thanh Sơn viết riêng tặng cho ca sĩ Phi Nhung. Trong chương trình Music Box, ca sĩ Phi Nhung kể lại rằng vào những năm cuối đời, nhạc sĩ Thanh Sơn mắc nhiều chứng bệnh, trong đó có một lần phải mổ tim, chi phí khá lớn. Phi Nhung khi đó ở Việt Nam đã đưa hết số tiền mình có lúc đó để giúp nhạc sĩ Thanh Sơn chữa bệnh, đồng thời gọi cho trung tâm Thúy Nga để xin giúp đỡ thêm, nhờ vậy nên nhạc sĩ đủ trang trải cho bệnh tình của mình. Sau khi khỏe lại, nhạc sĩ Thanh Sơn có nhã ý muốn sáng tác một bài hát để riêng tặng Phi Nhung. Cô nói rằng rất nhớ quê Pleiku và muốn được sáng tác một bài về quê mẹ, từ đó bài Thị Trấn Mù Sương ra đời:

Em sinh ra trên vùng đất đỏ sương mù tên gọi là Pleiku
Bình minh lên như bức tranh tuyệt vời
Rừng cao nguyên với rẫy nương sườn đồi
Những buôn làng ấm no, vui nụ cười trên môi…


Click để nghe Phi Nhung hát Thị Trấn Mù Sương

Trách Ai Vô Tình

Một trong những sáng tác cuối đời của nhạc sĩ Nhật Ngân, ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ. Nhật Ngân cũng là một trong những người đầu tiên hướng dẫn Phi Nhung khi bắt đầu đi hát.

Bạn tình ơi dẫu gì cũng xa nhau rồi,
dòng sông lững lờ trôi con thuyền sóng đưa xa bờ…


Click để nghe Phi Nhung hát Trách Ai Vô Tình

Hoàng Hôn Màu Tím

Bài hát của nhạc sĩ Thế Hiện từng được Phi Nhung hát trên Hollywood Night từ thập niên 1990:


Click để nghe Phi Nhung hát Hoàng Hôn Màu Tím

Vọng Kim Lang – Bậu Đi Theo Người

Liên khúc này được Phi Nhung hát trên Paris By Night 75 năm 2004:


Click để nghe

Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn

Exit mobile version