Trước năm 1975, nhạc sĩ Thăng Long là nhạc sĩ sinh hoạt tại đài Tiếng Nói Quân Đội. Ông từng là trưởng ban nhạc “Hồ Gươm” phát thanh hàng tuần vào chiều thứ Sáu trên làn sóng của đài Quân Đội với sự cộng tác của các tên tuổi lớn như Minh Hiếu, Thanh Thúy, Thanh Tuyền, Phương Dung, Hà Thanh, Hoàng Oanh và Nhật Trường.
Thăng Long được nhắc đến như một người hiền lành, chân chất, cũng là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng trong thể loại nhạc vàng Việt Nam. Tên tuổi của ông gắn liền với ca khúc Nói Với Người Tình và đặc biệt là Quen Nhau Trên Đường Về mà ca sĩ Minh Hiếu đã giới thiệu đến công chúng từ thập niên 1960.
Click để nghe Minh Hiếu hát Quen Nhau Trên Đường Về trước 1975
Âm nhạc của nhạc sĩ Thăng Long không cầu kỳ, phức tạp. Ngữ nhạc cũng đơn giản. Ông có cách giới thiệu chủ đề trực tiếp rất tự nhiên, là một phong cách rất “Thăng Long” mà không phải ai cũng có thể làm được. Trong các sáng tác của mình, nhạc sĩ Thăng Long thường sử dụng hình ảnh của những cơn mưa và màn đêm (Mưa Khuya, Giot Mưa Khuya, Mưa Về Sáng, Chờ Em Trong Đêm Tàn, Đêm Mưa Sài Gòn, Tàn Đêm Vũ Trường…) để khắc họa tâm trạng khoắc khoải của một người nhớ đến người mình yêu đang xa cách.
Click để nghe Khánh Ly hât Giọt Mưa Khuya trước 1975
Bài “Mưa Đêm” làm nhớ tới người yêu nơi xa. “Mưa ơi! này mưa có phải mưa thương nhớ ai, có phải mưa than khóc ai…” (Mưa Khuya). Tiếng mưa hay tiếng lòng của ai đó đang nức nở vì thương nhớ? Có thể đó là tâm sự của chính tác giả luôn mong nhớ về quê nhà nơi miền Bắc xa xôi mà số phận đã khiến ông phải xa cách. Nhạc sĩ Thăng Long cũng không giấu giếm xuất thân nghèo khó của mình. Ông cho biết đã phải lưu lạc từ Bắc vào Nam để kiếm sống từ khi còn rất nhỏ và chính niềm đam mê âm nhạc đã giúp ông có nhiều nghị lực để học văn hóa và thanh nhạc, rồi mang những đứa con tinh thần của mình cho giới thiệu đến công chúng. Đồng nghiệp khó tính có thể chau mày vì ngữ nhạc bị coi là “bình dân” của nhạc sĩ Thăng Long.
Click để nghe Trúc Mai hát Nếu Biết Tình Yêu thu âm trước 1975
Tuy vậy, đại chúng lại đón nhận ông hết sức nồng nhiệt. Không chỉ “Quen Nhau Trên Đường Về” mà nhạc sĩ Thăng Long còn có nhiều ca khúc khác cũng đã gắn bó với các tên tuổi lớn của sinh hoạt ca nhạc miền nam từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Người ta nhắc tới cô Nhật Thiên Lan khi nghe “Mưa Khuya”; giọng ca của Hà Thanh hay Hoàng Oanh qua ca khúc “Rượu Hồng Chị Bước Sang Ngang” hay đôi song ca Chế Linh và Thanh Tuyền khi nghe “Nói Với Người Tình”…
Click để nghe Nhật Thiên Lan hát Mưa Khuya trước 1975
Người yêu nhạc cảm nhận được từ âm nhạc của nhạc sĩ Thăng Long tiếng lòng thổn thức của những cuộc tình đang xa cách. Đó không phải là những giai điệu ướt át, bi lụy mà đơn thuần là niềm thương nhớ da diết người mình yêu đang ở nơi xa. Có khi ông cũng lấy cảm hứng từ những chàng trai khoác áo lính, gửi niềm thương nhớ về người em gái hậu phương, nhìn ánh hỏa châu mà nhớ ánh điện Sài Gòn. Âm nhạc của ông còn là tâm tình của người của dân miền nam trong mùa chinh chiên, khao khát một ngày thanh bình về trên quê hương để cùng quên đi thù hận mà xây dựng lại Việt Nam.
Điều lý thú là mặc dù nhạc sĩ Thăng Long luôn tự nhận mình là người ít học và chỉ mới làm quen với lý thuyết thanh nhạc và kỹ thuật sáng tác sau khi đã được công chúng biết tới, âm nhạc của ông rất phong phú về tiết tấu và giai điệu. Trong một lần nói chuyện, nhạc sĩ Thăng Long cho biết khi bắt đầu sáng tác nhạc, ông còn chưa biết chữ, phải nhờ bạn ghi giúp lời và ký âm.
Không thể gọi ông nhạc sĩ chuyên Boléro vì ông còn có nhiều sáng tác rất hay với các thể điệu khác như Tango (Giọt Mưa Khuya, Mưa Về Sáng), Agogo (Nếu Biết Được Lòng Anh), Slow (Quen Nhau Trên Đường Về, Mưa Khuya, Nếu Biết Tình Yêu …). Và dĩ nhiên là làn điệu Bolero qua ca khúc tiêu biểu “Nói Với Người Tình” mà đôi song ca Chế Linh và Thanh Tuyền đã trình bày từ thập niên 1960 và đã được công chúng nồng nhiệt đón nhận cho đến ngày nay.
Click để nghe Chế Linh – Thanh Tuyền hát Nói Với Người Tình trước 1975
Sau năm 1975, nhạc sĩ Thăng Long làm nghề sửa Ô-Dù và bán vé số dạo để mưu sinh và lo cho mái ấm của mình. Rồi nhạc sĩ Thăng Long lưu lạc về Sóc Trăng. Mãi đến năm 2007 thì các trung tâm sản xuất âm nhạc lớn tại hải ngoại mới liên lạc được với ông và mang ông về trong vòng tay thương yêu của đại chúng.
Người ta không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến số phận đầy thử thách mà nhạc sĩ Thăng Long đã phải trải qua từ khi mới chào đời cho đến lúc lìa trần vào ngày 29 tháng 3 năm 2008. Đại chúng cũng nhận ra từ cuộc đời của ông một tấm gương ngời sáng về tinh thần bất khuất không đầu hàng số phận và một niềm đam mê sâu sắc dành cho âm nhạc. Cuộc đời của ông như cánh chim bay không biết mỏi, mang niềm vui đến cho cuộc đời bằng tất cả khả năng và bầu nhiệt huyết của mình. Sự cống hiến của ông chắc chắn đã góp phần làm phong phú sinh hoạt ca nhạc của miền nam trong thời cực thịnh.
Sau nhiều biến đổi của thời cuộc, công chúng vẫn nhận ra những giai điệu quen thuộc của nhạc sĩ Thăng Long. Người yêu nhạc tìm đến các ca khúc của nhạc sĩ Thăng Long như tìm về kỷ niệm, nơi chôn dấu kho tàng của tình yêu và nhân bản. Giới trẻ đến với âm nhạc của nhạc sĩ Thăng Long bằng sự ngưỡng mộ một tài năng âm nhạc và một tấm gương bất khuất trước nghịch cảnh. Nhạc sĩ Thăng Long xứng đáng có một vị trí trang trọng trong vườn hoa âm nhạc Việt Nam.
Bài viết của Vanchus – Chu Văn Lễ