Danh ca Mai Hương sinh năm 1941, là ca sĩ thuộc “đàn chị” cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề trong thế hệ ca sĩ được sinh ra vào thập niên 1940s. Là đàn chị, bởi vì bà bước vào lĩnh vực âm nhạc từ rất sớm, khi mới được 12-13 tuổi, và cũng là người hướng dẫn, dìu dắt nhiều ca sĩ đàn em trong Ban Tuổi Xanh do song thân của bà phụ trách.
Giọng hát của Mai Hương thật đặc biệt và khác biệt. Có thể nói sau thế hệ của Thái Thanh, Mộc Lan, hay Kim Tước… thì giọng hát của Mai Hương có kỹ thuật điêu luyện nhất, đồng thời về phần cảm xúc vẫn rất dồi dào.
Dù là một giọng ca nổi tiếng và được đánh giá cao, nhưng khi còn ở Sài Gòn, bà ít khi xuất hiện trước khán giả, hầu như không đi hát ở vũ trường, vì theo bà, muốn nghe nhạc với lời hay ý đẹp, không nên nghe lúc khiêu vũ để tập trung vào tinh thần của nhạc phẩm. Chỉ có lần duy nhất Mai Hương hát ở phòng trà, đó là vì nể lời mời của Khánh Ly vào năm 1970, bà ký hợp đồng 6 tháng để hát ở phòng trà Tự Do.
Tên tuổi Mai Hương được biết đến nhiều chủ yếu là từ các chương trình phát thanh và truyền hình, đặc biệt trong các dĩa nhựa và băng cối trước năm 1975. Bản thu thanh các bài hát của Mai Hương trên đài phát thanh năm xưa thì gần như đã bị thất truyền, chỉ còn nhạc trong băng dĩa thì vẫn còn lưu giữ cho nhiều thế hệ sau vẫn còn được thưởng thức.
Những ca khúc mà Mai Hương chọn hát thường là loại nhạc tiền chiến, hoặc sau này là một số bài nhạc trữ tình sâu lắng và mang đầy ý nghĩa. Bởi vì theo bà cho biết: “Khán thính giả của tôi đại đa số là người lớn tuổi. Đó là điều dĩ nhiên vì giọng hát của mình là giọng hát cũ, bài hát mình cũng là bài hát cũ thì đương nhiên đối tượng của mình cũng phải là lớp khán giả đó, lớn tuổi và yêu loại nhạc tiền chiến”.
Sau đây mời các bạn nghe lại những bản thu âm trước 1975 của Mai Hương:
Kiếp Nghèo – Lam Phương
Nhắc đến bài tango buồn nổi tiếng này của nhạc sĩ Lam Phương, thường người ta nhớ đến Thanh Tuyền hoặc Thanh Thúy. Mỗi ca sĩ có mỗi cái hay khác nhau, và hãy thưởng thức cái hay riêng của giọng hát Mai Hương với Kiếp Nghèo sau đây:
Click để nghe Mai Hương hát Kiếp Nghèo
Quê Nghèo – Phạm Duy
Bài hát được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác vào cuối thập niên 1940 dành cho vùng quê nghèo vùng Bình Trị Thiên. Đây là dải đất hẹp vốn bị nhuốm nhiều đau thương, năm xưa một thời chìm đắm trong khói binh, đến thời bình thì quanh năm ngập trong những trận thiên tai kinh hoàng.
Click để nghe Mai Hương hát Quê Nghèo
Nhớ Người Thương Binh – Phạm Duy
Một ca khúc khác của nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác vào thập niên 1940, ca ngợi hình tượng những người lính, người thương binh trong cuộc kháng Pháp, được cô cháu vợ là Mai Hương thu trong băng nhạc Shotguns thập niên 1970:
Click để nghe Mai Hương hát Nhớ Người Thương Binh
Thiên Thai – Văn Cao
Một đỉnh cao của tân nhạc Việt Nam, ca khúc Thiên Thai, như là một ca khúc của chốn thần tiên, được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào đúng năm mà Mai Hương ra đời: 1941.
Click để nghe Mai Hương hát Thiên Thai
Cả trước và sau năm 1975, Mai Hương đã hát những ca khúc lãng mạn nổi tiếng nhất của Văn Cao, và cho đến khoảng đầu thập niên 1990, bà mới lần đầu tiên có dịp gặp Văn Cao tại Hà Nội, khi tham gia trong một đoàn thiện nguyện của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Vào thời đó, đây gần như là cách dễ dàng nhất để các văn nghệ sĩ hải ngoại về thăm lại quê hương và thăm lại gia đình sau hơn 10 xa xứ.
Duyên Thề – Thanh Trang
Nhạc sĩ Thanh Trang là cái tên khá lạ lẫm, và cũng có nhiều người nhầm lẫn nhạc sĩ Thanh Trang thành Minh Trang – một nữ danh ca cũng có sáng tác chung với chồng là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.
Nhạc sĩ Thanh Trang tên thật là Nguyễn Thanh Trang, sinh năm 1942 tại Hà Nội và di cư vào Sài Gòn năm 1954. Tại đây ông học Luật khoa, sau đó là Kinh tế, rồi giảng dạy ở trường Võ Bị Đà Lạt. Việc sáng tác đối với ông chỉ như là dạo chơi, nên có rất ít tác phẩm, nổi tiếng nhất là Duyên Thề, Tình Khúc Mùa Đông.
Duyên Thề cũng là sáng tác đầu tay của Thanh Trang, lúc ông mới 20 tuổi, đang học năm thứ hai Trường Đại học Luật khoa. Cảm hứng của ca khúc này đến từ một quyển sách viết về đạo Phật. Ca từ của bài hát lãng đãng như những vì sao trời lấp lánh trong đêm. Ông cho biết không có bóng dáng của một người con gái thực sự nào, mà đó giống như một triết lý về tình yêu của tuổi thanh xuân, yêu người, yêu cỏ cây, hoa lá, và yêu cuộc đời.
Bài hát được Mai Hương và một người bạn từ thời sinh hoạt trong ban Tuổi Xanh là ca sĩ Mai Hân cùng song ca sau đây:
Click để nghe Mai Hương – Mai Hân song ca Duyên Thề
Em Tôi – Lê Trạch Lựu
Có thể nhạc sĩ Lê Trạch Lựu có sáng tác nhiều ca khúc khác nữa, nhưng cho đến nay, Em Tôi là bài hát duy nhất của ông mà công chúng nhớ đến, yêu thích và đã trở thành bất tử. Bài hát này được ông viết dành cho mối tình đầu đời năm 16 tuổi, đầy day dứt và không thể nào quên.
Click để nghe Mai Hương hát Em Tôi
Một số bài nhạc tiền chiến khác được Mai Hương thu âm trước 1975:
Click để nghe Tiếng Hát Biên Thùy
Click để nghe Ước Hẹn Chiều Thu
Click để nghe Mai Hương cùng các ca sĩ thượng thặng khác cùng hát bài truyện ca Trầu Cau của Phan Huỳnh Điểu
Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn