Nghe lại bản thu hiếm ca khúc “Chiến Sĩ Vô Danh” với giọng hát của giáo sư Trần Văn Khê vào năm 1950

Cố giáo sư – nhạc sĩ Trần Văn Khê là nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền nổi tiếng nhất của Việt Nam thời cận đại. Ông là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ ngành âm nhạc học tại Pháp, là giáo sư tại Đại học Sorbonne (Pháp), đồng thời là thành viên danh dự Hội đồng Âm nhạc Quốc tế – UNESCO.

Giáo sư Trần Văn Khê còn là người có bề dày trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, có công lớn trong việc quảng bá âm nhạc Việt Nam nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới.

Đặc biệt, Trần Văn Khê còn là một trong những nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên có những bản thu âm tại Pháp với nghệ danh là Hải Minh (được ghép từ tên của 2 người con đầu của ông).

Năm 1943, giáo sư Trần Văn Khê lập gia đình với bà Nguyễn Thị Sương, là người bạn gái học cùng lớp. Năm 1944, họ đón người con đầu lòng đặt tên là Trần Quang Hải.

Năm 1945, ông tham gia kháng ᴄhιến, đến năm 1946 có người con trai thứ 2 tên là Trần Quang Minh.

Năm 1948, ông bị Pháp bắt một thời gian và giam trong khám Catinat vì hoạt động kháng ᴄhιến.

Năm 1949, vì hoạt động đã bị lộ, ông rời Việt Nam sang Pháp, vừa để “lánh lạn”, cũng là để du học với hai bàn tay trắng. Để có tiền ăn học trên xứ người, ông đi hát với nghệ danh là Hải Minh (ghép từ tên của 2 người con trai đầu).

Năm 1950, ca sĩ Hải Minh có thu âm một số ca khúc cho hãng dĩa Oria của Pháp. Khi đó ông Lê Quang Tư, là giám đốc Oria tại Việt Nam, đã đề nghị Hải Minh (tức giáo sư Trần Văn Khê) thu thanh một số bài tân nhạc do những nhạc sĩ nổi tiếng đương thời sáng tác. Các bản thu này được in thành dĩa tại Pháp và có kỹ thuật tốt hơn những dĩa hát xuất bản ở trong nước.

Giáo sư Trần Văn Khê kể lại:

“Khi gặp tôi, anh Lê Văn Tư đề nghị tôi thâu thanh các bài hát tân nhạc. Hãng Oria đề nghị một số bài đồng thời gởi bản ký âm có nhạc và lời cho tôi chọn. Tôi thấy thích nên bằng lòng lo việc phối khí và tìm dàn nhạc phụ họa.

Người lo việc phối khí cho dĩa nhạc này là ông Ghestem. Ông là chỉ huy dàn nhạc tại rạp Gaîté lyrique nhưng ông có một số bạn thân đàn trong dàn nhạc opéra, đàn hay. Biết ý của ông nên khi thâu thanh cho dĩa Oria, ông thường gọi các nhạc công ấy họp thành một dàn nhạc nhẹ, mỗi người biết đàn hay thổi 2-3 nhạc cụ khác nhau, nhờ vậy mà chỉ có 7 hay 8 nhạc công, đủ màu sắc âm thanh: các loại kèn saxo ténor, saxo soprano; clarinette, hautbois, trompette sáo ngang, violon, lục huyền cầm Tây Ban Nha…”

Đây là một trường hợp đặc biệt, vì thuở đó, ca sĩ hát chỉ có được 1 vài cây guitar đàn theo, nhưng những bản thu này của Hải Minh có cả một dàn nhạc để phụ họa.

Dưới đây là hình dĩa hát Oria của ca sĩ Hải Minh hát Lửa Rừng Đêm.

Mời các bạn nghe lại bàn thu âm năm 1950, ca khúc Chiến Sĩ Vô Danh của nhạc sĩ Phạm Duy do ca sĩ Hải Minh (tức Trần Văn Khê) trình bày. Đến nay, bản thu âm này vừa tròn 70 năm.


Click để nghe Chiến Sĩ Vô Danh (Trần Văn Khê – Hải Minh hát)

Ca khúc Chiến Sĩ Vô Danh được nhạc sĩ Phạm Duy viết trong thời kỳ ông tham gia kháng chiến thập niên 1940. Khi đó, ngoài những ca khúc lãng mạn là Cây Đàn Bỏ Quên, Cô Hái Mơ, nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác nhiều bài thuộc thể loại hùng ca: Gươm Tráng Sĩ, Chinh Phụ Ca, Thu Chiến Trường, Chiến Sĩ Vô Danh…

Bài: Đông Kha (nhacxua.vn)

Exit mobile version