Dù còn nhiều tranh cãi về sự nghiệp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng ông là một trong những nhạc sĩ có tầm ảnh hưởng lớn nhất của âm nhạc Việt Nam, với số lượng rất lớn tác phẩm được phổ biến và được công chúng yêu thích.
Trong số hơn 200 bài hát được biết đến của Trịnh Công Sơn, xin chọn ra 20 ca khúc nổi tiếng nhất của ông đã được ca sĩ Khánh Ly trình bày.
Click để nghe video 20 ca khúc nhạc Trịnh Công Sơn hay nhất qua tiếng hát Khánh Ly
20 ca khúc này không hẳn là hay nhất, vì khái niệm hay – dở còn tùy vào cảm quan của từng người, nhưng có thể xem đây là những ca khúc phổ thông nhất, đặc trưng nhất của nhạc Trịnh, và nhắc đến những tên bài hát này, thì dù có thích nghe nhạc Trịnh hay không thì những người yêu nhạc đều biết đó là tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
20 ca khúc này được chia thành 2 chủ đề lớn trong tác phẩm âm nhạc Trịnh Công Sơn, đó nhạc về Tình Yêu, và nhạc về Thân Phận.
Nhạc Trịnh còn có 1 chủ đề lớn khác, đó là Ca Khúc Da Vàng, nhưng xin nhắc đến trong một bài sau.
Phần 1: Những bài Tình Ca
Ướt Mi
Từ năm 17 tuổi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết một số ca khúc, nhưng bài hát Ướt Mi được ông viết năm 19 tuổi được xem là ca khúc đầu tay, bởi vì đó là bài hát đầu tiên được công chúng đón nhận, được yêu thích và trở thành bất tử với thời gian hơn 60 năm qua.
Click để nghe Khánh Ly hát Ướt Mi
Ướt Mi được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác khi ông còn đang trọ học ở Sài Gòn, trong bài hát có hình bóng cùa một cô ca sĩ mới 16 tuổi, đêm đêm đi hát phòng trà đã rơi những giọt lệ sầu bi khi hát bài Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong, người sau đó trở thành nữ danh ca Thanh Thúy.
Ngoài hiên mưa rơi rơi,
Lòng ai như chơi vơi
Người ơi nước mắt hoen mi rồi…
Có thể xem Diễm Xưa là bài nhạc tình yêu nổi tiếng trong sự nghiệp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đến nổi từ đó về sau hình thành câu nói cửa miệng là “xưa rồi Diễm”.
Bài hát được nhạc sĩ viết tặng cho người đẹp mang tên Ngô Vũ Bích Diễm. Ông đã kể về bài hát như sau: “Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn. Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi. Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là “Diễm của những ngày xưa”.
Click để nghe Khánh Ly hát Diễm Xưa
Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu
Biển Nhớ
Bài hát được nhạc sĩ sáng tác khi ông đang theo học trường sư phạm ở Qui Nhơn vào khoảng năm 1962. Một người bạn thân của Trịnh Công Sơn là họa sĩ Đinh Cường kể lại:
“Chúng tôi đã ngồi uống cà phê với nhau dưới mái quán thấp ven biển lợp bằng lá kè. Biển Nhớ là cảm hứng từ muôn vàn đợt sóng lấp lánh trong những đêm khuya, Sơn đã kéo cao cổ áo, chợt rùng mình rồi có một ngày sẽ xa những dấu chân trên cát, có còn ‘trời cao níu bước Sơn Khê’”.
Click để nghe Khánh Ly hát Biển Nhớ
Sơn – Khê trong lời hát này được nhạc sĩ ghép từ tên mình với tên người đẹp Tôn Nữ Bích Khê, nhân vật chính trong bài hát:
Ngày mai em đi
Biển nhớ tên em gọi về…
Mưa Hồng
Nếu như 2 người đẹp Bích Diễm và Bích Khê chỉ có 1 lần duy nhất đi vào nhạc Trịnh, thì người đẹp Dao Ánh (em ruột Bích Diễm) được người nhạc sĩ tài hoa viết nhạc tặng nhiều nhất. Bài hát Mưa Hồng là một trong những ca khúc có xuất hiện bóng dáng của nàng Dao Ánh với hình ảnh thật đẹp:
Em đi về cầu mưa ướt áo
Đường phượng bay mù không lối vào…
Click để nghe Khánh Ly hát Mưa Hồng
“…Anh hát lại bản Mưa Hồng mà anh đã viết cho những ngày tháng Ánh giận anh ở Huế. Bản nhạc hát lại bỗng thấy buồn hơn. Có lẽ Ánh chưa nghe bản ấy vì từ dạo đó về sau anh chỉ gặp Ánh một hai lần gì đó rất ngắn và bặt tăm luôn. Có lẽ anh sẽ đổi lại đầu đề Tuổi Đá Buồn. Ánh nghĩ sao? Ánh có giận gì anh mà lâu thế anh không được tin. Hãy viết thư cho anh dù rất ngắn cũng được. Anh mong lắm” – Trịnh Công Sơn
Đó là những lời thư da diết nhớ thương mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết gửi cho người tình bé nhỏ 15 tuổi Dao Ánh sau những tháng ngày xa cách. Bức thư được viết vào ngày 6/12/1964, là năm bản nhạc Mưa Hồng ra đời.
Tuổi Đá Buồn
Bài hát này cũng được viết trong thời gian nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có mối quan hệ thân thiết với Dao Ánh. Tuy nhiên đó là tình yêu xa, bởi lúc đó nhạc sĩ đang dạy học ở B’lao, còn nàng thì vẫn đang đi học ở Huế.
Click để nghe Khánh Ly hát Tuổi Đá Buồn
Mùa mưa ở vùng núi rừng cao nguyên bao giờ cũng buồn, những giọt mưa rả rích ngoài hiên vắng dễ gợi cho người nỗi niềm thương nhớ, đặc biệt là với một người đa cảm như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:
Trời còn làm mưa mưa rơi mưa rơi
Từng phiến mây hồng em mang trên vai
Tuổi buồn như lá gió mãi cuốn đi
Quay tận cuối trời…
Còn Tuổi Nào Cho Em
“Ánh có buồn lắm không. Hãy ngước mắt lên cho anh nhìn. Mây sẽ kết trên vùng mắt đó. Anh đã nói như thế trong lời ca Còn Tuổi Nào Cho Em cho Ánh, có bằng lòng thế không?” (thư Blao, 31.12.1964) – Đó là những lời thư rất dịu dàng, nâng niu mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết gửi cho Dao Ánh, là mối tình có lẽ sâu nặng và dai dẳng nhất của chàng nhạc sĩ đa tình họ Trịnh.
Click để nghe Khánh Ly hát Còn Tuổi Nào Cho Em
Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay
Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời
Tay măng trôi trên vùng tóc dài
Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này
Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may
Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng
Có thể cảm nhận được qua những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn viết cho Dao Ánh, khi yêu nàng, trong lòng chàng nhạc sĩ họ Trịnh luôn tồn tại một thứ mâu thuẫn không thể hoá giải. Một mặt nhạc sĩ yêu vẻ non tơ, thuần khiết, xuân tình của nàng thiếu nữ mới lớn, mặt khác lại luôn cảm thấy chống chếnh vì khoảng cách tâm hồn quá lớn giữa chàng và nàng. Chàng nhạc sĩ 25 tuổi thì quá già dặn, nhiều suy tư, còn nàng thiếu nữ 15 tuổi thì lại quá ngây thơ, non nớt. Sự chông chênh đó trong mối tình của họ, tạo nên nguồn cảm xúc vô tận cho những sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giai đoạn này. Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng cũng không ngoại lệ:
Ru mãi ngàn năm giòng tóc em buồn
Bàn tay em năm ngón ru trên ngàn năm
Trên mùa lá xanh ngón tay em gầy
Nên mãi ru thêm ngàn năm
Click để nghe Khánh Ly hát Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng
Nắng Thủy Tinh
Theo chia sẻ của họa sĩ Trịnh Cung – một người bạn thân thiết của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì bài hát này cũng được viết cho Dao Ánh:
Màu nắng hay là màu mắt em
Mùa thu mưa bay cho tay mềm
Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm
Rồi có hôm nào mây bay lên.
Click để nghe Khánh Ly hát Nắng Thủy Tinh
Tình Xa
Năm 1967, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chủ động nói lời chia tay Dao Ánh, vì nghĩ không thể mang lại hạnh phúc như người yêu mong muốn.
Hai năm đó, vào ngày 3/4/1969, Trịnh Công Sơn gửi một lá thư cho Dao Ánh để hỏi thăm như là một người bạn cũ. Cuối thư, ông chép gửi cho Dao Ánh ca khúc mà sau đó đã rất nổi tiếng, tên là Tình Xa: “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ…”
Click để nghe Khánh Ly hát Tình Xa
Hạ Trắng
Hạ Trắng được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết năm 1961, khi ông đang theo học tại trường Sư phạm Quy Nhơn. Đây là một trong những sáng tác đầu tay của chàng nhạc sĩ họ Trịnh khi ông vẫn còn vô danh. Phải tới 5 năm sau đó, tên tuổi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mới được biết đến rộng rãi trong giới yêu nhạc và ca khúc Hạ Trắng cũng theo dòng chảy định mệnh đó, bắt đầu được biết tới và yêu thích rộng rãi.
Click để nghe Khánh Ly hát Hạ Trắng
Bài hát này được ông sáng tác với nguồn cảm hứng từ giấc mơ hoa trắng mùa hạ rất kỳ lạ trong một lần ông nằm bệnh và mơ thấy, kết hợp cùng câu chuyện keo sơn của một đôi vợ chồng già mà ông nghe kể:
Áo xưa dù nhàu
cũng xin bạc đầu
gọi mãi tên nhau…
Nhìn Những Mùa Thu Đi
“Gió heo may đã về
Chiều tím loang vỉa hè
Và gió hôn tóc thề
Rồi mùa thu bay đi”
Click để nghe Khánh Ly hát Nhìn Những Mùa Thu Đi
Bài hát được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác vào khoảng năm 1963, dựa theo những cảm xúc thật với một cô gái Huế tên là Phương Th., cũng chính là em của ca sĩ Hà Thanh.
Nguyệt Ca
Ngoài người tình Dao Ánh đã “theo” Trịnh Công Sơn suốt nhiều năm tháng dài, những nàng thơ đi qua đời Trịnh dù chỉ trong một đoạn đời rất ngắn, cũng để lại một dấu ấn khó phai trong âm nhạc. Ngoài Bích Diễm trong bài Diễm Xưa, Bích Khê trong bài Biển Nhớ, Ngọc Ngà trong bài Lời Buồn Thánh, Phương Thảo trong bài Nhìn Những Mùa Thu Đi, thì nhạc sĩ cũng từng say đắm nàng Minh Nguyệt để viết thành nhạc phẩm Nguyệt Ca.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác và cho ra mắt ca khúc Nguyệt Ca vào năm 1972, trong tập nhạc “Tự Tình Khúc” do NXB Nhân Bản ấn hành. Đến năm 1973, ca khúc được nữ ca sĩ Khánh Ly thu thanh vào đĩa nhựa Hát Cho Quê Hương Việt Nam 4. Từ đó đến nay, Nguyệt Ca ngày càng được phổ biến và yêu thích rộng khắp, trở thành một trong những bản nhạc huyền thoại của cố nhạc sĩ họ Trịnh.
Từ khi trăng là nguyệt đèn thắp sáng trong tôi
Từ khi trăng là nguyệt em mang tim bối rối
Từ khi trăng là nguyệt tôi như từng cánh diều vui
Từ khi em là nguyệt trong tôi có những mặt trời
Click để nghe Khánh Ly hát Nguyệt Ca
Như Cánh Vạc Bay
Về hoàn cảnh sáng tác của ca khúc này, ca sĩ Khánh Ly kể lại rằng vào năm 1967, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đưa bài hát này cho cô và nói rằng ông đã sáng tác trong một lần ghé thăm Đà Lạt. Khi đang dạo chơi trong rừng, nhạc sĩ ngồi nghỉ chân cạnh một con suối nhỏ và vô tình thấy một cô gái chân trần đang bước qua suối, nắng vàng rực rỡ trên mái tóc và trên toàn thân cô, gió thổi tung bay tà áo và đùa trên làn tóc. Chàng nhạc sĩ đã giữ mãi hình ảnh cô gái trong lòng, để rồi sáng tác thành ca khúc Như Cánh Vạc Bay.
Click để nghe Khánh Ly hát Như Cánh Vạc Bay
Nắng có hồng bằng đôi môi em
Mưa có buồn bằng đôi mắt em
Tóc em từng sợi nhỏ
Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh
Phần 2: Những bài hát về Thân Phận
Cát Bụi
Ca khúc này được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác vào khoảng năm 1965, với niềm cảm hứng sau khi xem bộ phim mang tên “Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm” và đọc cuốn tiểu thuyết “Zorba le Grec” của nhà văn người Hy Lạp Nikos Kazantzakis.
Nội dung bài hát là những suy tư, trăn trở về cuộc đời, về phận người.
Click để nghe Khánh Ly hát Cát Bụi
Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để một mai vươn hình hài lớn dậy?
Ôi, cát bụi tuyệt vời, mặt trời soi một kiếp rong chơi…
Ru Ta Ngậm Ngùi
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tác khá nhiều ca khúc “Ru”, như là Ru Tình, Ru Đời Đi Nhé, Ru Em, Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng… và được yêu thích nhất có lẽ là Ru Ta Ngậm Ngùi.
Click để nghe Khánh Ly hát Ru Ta Ngậm Ngùi
Ngay từ tựa đề bài hát, chỉ bằng hai chữ “ngậm ngùi” người nghe đã phần nào hình dung ra tâm trạng của người nhạc sĩ khi sáng tác. Đó là sự xót xa, buồn thương lặng lẽ, ẩn mật cho thân phận mình, cho thân phận con người trong vòng quay của thời gian, của đời sống.
Môi nào hãy còn thơm, cho ta phơi cuộc tình.
Tóc nào hãy còn xanh, cho ta chút hồn nhiên
Tim nào có bình yên, ta rêu rao đời mình
Xin người hãy gọi tên.
Phôi Pha
Theo nhà văn Bửu Ý, một người bạn tâm giao cùng thời với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca khúc Phôi Pha được nhạc sĩ sáng tác vào khoảng năm 1973 khi ông đã ngoài 30 tuổi. Dường như sự già dặn, từng trải trong tuổi đời, sự vững chãi trong tư duy âm nhạc đã khiến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mở ra một “cuộc chơi lớn” trong ngôn từ và tư duy ở Phôi Pha.
Click để nghe Khánh Ly hát Phôi Pha
Có người từng đánh giá Phôi Pha là bài ca – thơ hay nhất trong chuỗi những nhạc phẩm về tình yêu và thân phận của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Có lẽ vì chất thơ, chất nhạc bay bổng, hoà quyện một cách thần sầu, còn chất đời và chất hư thì đẩy đưa nhau, thăng hoa nhau, trộn lẫn vào nhau trong một thế cân bằng, hài hoà như được nhạc sĩ đặt trên hai đầu của một chiếc bập bênh.
Ôm lòng đêm nhìn vầng trăng mới về
Nhớ chân giang hồ
Ôi phù du từng tuổi xuân đã già
Một ngày kia đến bờ đời người như gió qua…
Một Cõi Đi Về
Đây là một nhạc phẩm mang đậm tính triết lý nhân sinh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với những lời ca huyền hoặc, như vẽ ra một hành trình bất tận của kiếp người:
Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về…
Click để nghe Khánh Ly hát Một Cõi Đi Về
Dấu Chân Địa Đàng
Năm 1964, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lên B’lao (nay là Bảo Lộc) để dạy học, ở trọ trong một căn villa cũ thời Pháp. Khi màn đêm buông xuống, nằm trên căn gác ngó ra chốn núi rừng heo hút, tâm trạng nhạc sĩ gợi lên những suy tư về thời cuộc, về phận đời – phận người, và ông đã ghi lại không gian đó, tâm trạng đó vào trong bài hát mang tên Tiếng Hát Dạ Lan, nghĩa là lời hát đến từ một loài hoa toả hương vào ban đêm. Sau đó bài hát được đổi tên thành Dấu Chân Địa Đàng.
Click để nghe Khánh Ly hát Dấu Chân Địa Đàng
Trời buông gió và mây về ngang bên lưng đèo
Mùa xanh lá loài sâu ngủ quên trong tóc chiều
Cuộc đời đó nửa đêm tiếng ca lên như than phiền
Bàng hoàng lạc gió mây miền
Trùng trùng ngoài khơi nước lên sóng mềm
Để Gió Cuốn Đi
Trong số các bài hát nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có lẽ ai cũng biết đến Để Gió Cuốn Đi – một ca khúc thường được hát nhiều trong các dịp tổng kết chiến dịch từ thiện của các tổ chức, với lời hát như sau:
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi…
Chỉ qua 3 câu hát ngắn này, chúng ta đã có được một bài học to lớn ở đời, sống với nhau với tấm lòng, sống tử tế với nhau ở đời. Đó là những câu hát thật bình dị, chân chất, không cao siêu hoa mỹ ngôn từ, nhưng dễ đi vào lòng người, và ở lại rất lâu…
Click để nghe Khánh Ly hát Để Gió Cuốn Đi
Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ
Trong các nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca khúc Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ được xem như là một đoá tường vi tinh khôi, thanh khiết với lời ca đẹp đến ngỡ ngàng.
Thực ra, cái tên này nếu để thêm một dấu phẩy thì sẽ dễ hiểu hơn, dễ tiếp cận hơn: Đêm, Thấy Ta Là Thác Đổ. Nghĩa là vào một đêm (hoặc đã nhiều đêm rồi), thấy ta như là dòng thác đổ.
Đúng như tên gọi, toàn bộ ca khúc là những dòng thác cảm xúc đổ xuống, ầm ào, chấn động cả khoảng không rộng lớn, với những ca từ huyền hoặc, mê đắm. Những hình ảnh ẩn dụ vừa nhẹ nhàng vừa bí ẩn, tựa như những làn nước trong vắt như pha lê đổ xuống từ đỉnh núi, tung bọt trắng xoá, phủ lên không gian xung quanh nó một làn bụi mưa tươi mát, thuần khiết, tưới mát tâm hồn người nghe, mà dư âm để lại trong trẻo, quyến luyến như dòng nước quanh co, xanh biếc, hiền hoà dưới chân thác.
Một đêm bước chân về gác nhỏ
Chợt nhớ đóa hoa tường vi
Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ
Giờ đây đã quên vườn xưa
Click để nghe Khánh Ly hát Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ
BONUS:
Đóa Hoa Vô Thường
Trong tân nhạc Việt Nam từ lúc khởi thủy đến nay, nếu không tính các bài trường ca, thì có thể nói bài Đóa Hoa Vô Thường có thời lượng dài nhất, và nếu nghe lại bản thu âm của Khánh Ly sau đây, có thể thấy thời gian đến gần 10 phút, hiếm có bài hát nào dài hơn như vậy.
Click để nghe Khánh Ly hát Đóa Hoa Vô Thường
Nội dung của Đoá Hoa Vô Thường cũng tách khỏi hoàn toàn ba chủ đề chính trong nhạc Trịnh là Tình Yêu, Quê Hương và Thân Phận. Thoạt nghe qua những lời hát, nhiều người sẽ nhầm lẫn đây là một nhạc phẩm mang chủ đề về Tình Yêu bởi những ca từ bay bổng, lãng mạn, thấp thoáng hình ảnh của những đôi trai gái. Tuy nhiên, vượt thoát ra ngoài khuôn khổ của tình yêu, đó như hành trình đi tìm về cội nguồn tâm thức.
Đó không phải là hành trình dặm trường gió bụi, mà là hành trình tìm kiếm, luận giải và ngộ ra từ trong chính tâm thức của nhạc sĩ.
Tìm em tôi tìm mình hạc xương mai
Tìm trên non ngàn một cành hoa khôi
Nụ cười mong manh, một hồn yếu đuối
Một bờ môi thơm, một hồn giấy mới
Tìm em tôi tìm, nhủ lòng tôi ơi
Tìm đêm chưa từng, tìm ngày tinh khôi
Tìm chim trong đàn ngậm hạt sương bay
Tìm lại trên sông những dấu hài
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn