Nghe lại 15 ca khúc nhạc Phạm Duy hay nhất qua giọng hát Tuấn Ngọc

Năm 1994, ca sĩ Tuấn Ngọc trở thành con rể của nhạc si Phạm Duy sau khi cưới ca sĩ Thái Thảo. Đó không phải là cuộc hôn nhân đầu tiên của cả 2 người, nhưng đến khi gặp được nhau thì Tuấn Ngọc và Thái Thảo đã chung sống hạnh phúc suốt gần 30 năm qua. Đặc biệt, đây cũng là sự kết hợp của 2 gia đình âm nhạc nổi tiếng nhất của âm nhạc Việt Nam, đó là gia đình nghệ sĩ Lữ Liên và gia đình Phạm Duy – Thái Hằng.

Trước khi trở thành con rễ của nhạc sĩ Phạm Duy, ca sĩ Tuấn Ngọc đã là một trong những nam ca sĩ hải ngoại được yêu thích nhất với những ca khúc của Phạm Duy. Trước năm 1975, Tuấn Ngọc thường trình bày nhạc ngoại quốc và rất ít khi hát nhạc Việt, và có thể không nhiều người biết rằng ca khúc nhạc Việt thu âm đầu tiên của Tuấn Ngọc là 1 ca khúc nhạc Phạm Duy mang tên Bao Giờ Biết Tương Tư trong băng nhạc Tứ Quý cho Lệ Thu thực hiện.

Sau đây, mời các bạn nghe lại 15 ca khúc hay nhất của Tuấn Ngọc khi hát nhạc của “ông bố vợ” Phạm Duy. Những bài hát này được sắp xếp theo thứ tự năm sáng tác:

Cây Đàn Bỏ Quên (1945)

Đây là một trong những sáng tác trữ tình lãng mạn đầu tiên của nhạc sĩ Phạm Duy vào thập niên 1940. Ca khúc này đã được hầu hết các nam ca sĩ trình bày, nhưng được yêu mến nhiều nhất có lẽ là giọng hát Duy Trác trước 75 và Tuấn Ngọc sau 75:


Click để nghe Cây Đàn Bỏ Quên

Cách đây đúng 10 năm, lúc sinh thời, nhạc sĩ Phạm Duy đã từng nói về cây đàn mà ông bỏ quên nhau sau:

“Tôi làm bài hát “Cây Đàn Bỏ Quên” từ lúc mười tám đôi mươi tuổi, lúc đó tôi tham lắm. Tôi đã được một người yêu tặng một bông hoa, để bông hoa ấy trên cây đàn. Tôi tự hỏi, cô ấy yêu cây đàn hay yêu tôi? Bây giờ tôi già rồi, chắc tôi không cần phải tự hỏi nữa. Cô đó cách đây 80 năm rồi, chắc đã yêu cây đàn và yêu cả người già này nữa”.

Hẹn Hò (1954)

Ca khúc “Hẹn Hò” của nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác khoảng giữa thập niên 1950, khi tác giả mới vừa đến tuổi tam thập nhi lập sau thời gian của bước đường kiêu bạt ca nhân lãng tử giang hồ.

Trong Hồi ký, ông viết ngắn gọn về ca khúc này: “Bài Hẹn Hò được xây dựng trên giai điệu ngũ cung, kể lể một câu chuyện tình thảm thiết, giống như chuyện Ngưu Lang Chức Nữ”.


Click để nghe Tuấn Ngọc hát Hẹn Hò

Một người ngồi bên kia sông im nghe nước chảy về đâu
Một người ngồi đây trông hoa trôi theo nước chảy phương nào
Trời thì mưa rơi mưa rơi không ngưng suối tuôn niềm đau
Người thì hẹn nhau sang sông mong cho chóng tạnh mùa Ngâu

Cho Nhau (1957)

Cho Nhau là một trong những bài tình ca đầu tiên mà nhạc sĩ Phạm Duy viết cho Alice (Lệ Lan) khi bắt đầu mối tình này vào năm 1957. Ông đã nói trong hồi ký về hoàn cảnh sáng tác như sau:

“Vì vấn đề chênh lệch tuổi tác cũng như vì tôi không muốn làm phiền những người chung quanh một lần nữa, tôi quyết định ngay từ lúc đầu rằng đây chỉ là một mối tình giữa hai tâm hồn mà thôi. Tôi cố gắng tránh mọi đụng chạm về xác thịt và tôi hãnh diện để nói rằng nàng vẫn là một trinh nữ khi rời xa tôi để bước chân lên xe hoa về nhà chồng. Là một nghệ sĩ, tôi cần tình yêu để sáng tác, giống như con người cần khí trời để thở. Tôi không cần phải chiếm đoạt ai cả, nhất là chiếm đoạt một người con gái còn ít tuổi. Giữa chúng tôi, không có ràng buộc, trói chặt nhau. Mỗi cuối tuần gặp nhau, thế là quá đủ. Tôi nói lên điều này qua ca khúc Cho Nhau:

Cho nhau chẳng tiếc gì nhau.
Cho nhau gửi đã từ lâu
Cho nhau cho lúc sơ sinh ngày đầu
Cho những hoa niên nhịp cầu
Đưa tuổi thơ đến về đâu…

Vì yêu nhau nhưng không muốn chiếm đoạt nhau cho nên có thể cho nhau cả dãy Trường Sơn, cho nhau cả bốn trùng dương, quê hương xin vẫn cho nhau như thường… để rồi khi cần phải dứt tay chia đôi đường, đã giữ lại sự ”tự do cho nhau” rồi thì sẽ chẳng còn gì để đôi người tình phải vương vấn hay oán trách nhau.

Trong bài này tôi muốn được dâng cho người yêu tất cả, không thiếu một thứ gì, chỉ xin giữ lại một điều: đó là sự tự do cho nhau.

Cho nhau làn tóc làn tơ
Cho nhau cả mắt trời cho
Cho nhau tiếng khóc hay câu vui đùa
Cho chiếc nôi cho nấm mồ
Cho rồi xin lại tự do.”


CLick để nghe Tuấn Ngọc hát Cho Nhau

Đừng Xa Nhau (1958)

Có được hạnh phúc bên người yêu bé nhỏ, nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác nhiều bài hát ca ngợi ái tình, như Cho Nhau, Thương Tình Ca, Ngày Đó Chúng Mình, và van nài tình yêu xin hãy còn mãi mãi, đừng thoát giấc mộng đầu, trong bài hát rất tình cảm mang tên Đừng Xa Nhau:

Đừng xa nhau!
Đừng quên nhau!
Đừng rẽ khúc tình nghèo
Đừng chia nhau nỗi vui niềm đau.

Đừng buông mau!
Đừng dứt áo!
Đừng thoát giấc mộng đầu,
Dù cho đêm có không bền lâu.


Click để nghe Tuấn Ngọc hát Đừng Xa Nhau

Kiếp Nào Có Yêu Nhau (1958)

Bài hát gắn liền với tên tuổi của danh ca Thái Thanh. Về phần ca sĩ nam, Tuấn Ngọc là người thành công nhất với bài hát đặc biệt được phổ từ thơ Minh Đức Hoài Trinh này.

Có thể nói, nếu bài thơ gốc là những dòng thơ ủ rũ, sầu buồn, nhiều day dứt, suy tư thì ca khúc “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” qua lăng kính Phạm Duy là những trường đoạn cảm xúc mãnh liệt, cuốn hút và rực rỡ. Phạm Duy giống như một vị đạo diễn tài ba, đẩy “kịch bản” của Minh Đức Hoài Trinh lên sân khấu thêm thắt những đoạn đóng mở, âm thanh, ánh sáng, sắc diện nhân vật,.. làm thành một vở diễn lôi cuốn, xúc động, chinh phục và lấy đi nhiều nước mắt của người thưởng ngoạn.

Đừng nhìn em nữa anh ơi
Hoa xanh đã phai rồi
Hương trinh đã tan rồi
Đừng nhìn em, đừng nhìn em nữa anh ơi
Đôi mi đã buông xuôi, môi răng đã quên cười


Click để nghe Tuấn Ngọc Kiếp Nào Có Yêu Nhau

Tiễn Em (1959)

Thi sĩ Cung Trầm Tưởng từng có thời gian dài du học ở Pháp và sáng tác nhiều bài thơ mang đậm không khí của một thành phố hoa lệ ở Âu Châu, trong đó có bài Chưa Bao Giờ Buồn Thế, sau đó được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành bài hát mang tên Tiễn Em, rất nổi tiếng qua giọng hát Lệ Thanh, Sĩ Phú, Anh Ngọc… trước 1975 và Tuấn Ngọc sau năm 1975:

Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa Đông Paris
Suốt đời làm chia ly.


Click để nghe Tuấn Ngọc hát Tiễn Em

Tạ Ơn Đời (1959)

Bài hát được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác từ năm 1959. Trong hồi ký của mình, ông nói về hoàn cảnh sáng tác như sau:

“Dù sao tôi cũng đang sống một cuộc đời phỉ nguyện. Tôi đã có đầy đủ vinh quang và tủi nhục, hạnh phúc và khổ đau. Coi như đã được sống tới tận cùng của cuộc sống, bây giờ, tôi muốn cám ơn tất cả bằng một ca khúc nhan đề: Tạ Ơn Đời”

Tim vang còn giây lát
Hơi run còn thơm ngát
Dương gian còn trong mắt
Nghe tiếng hát chưa nhạt tan


Click để nghe Tuấn Ngọc hát Tạ Ơn Đời

Còn Gì Nữa Đâu (1960)

Được hạnh phúc bên người tình, nhưng không biết rằng mối tình này sẽ ở lại được trong bao lâu, nên nhạc sĩ Phạm Duy lo sợ và sáng tác những bài hát lo âu, như là Kiếp Nào Có Yêu Nhau, Nếu Một Mai Em Sẽ… và Còn Gì Nữa Đâu:

Còn gì nữa đâu
Mà tìm thấy nhau
Mối thương đau dài lâu
Ðã lên cao chìm sâu
Ngăn bước qua cầu, tình đã nghẹn ngào


Click để nghe Tuấn Ngọc hát Còn Gì Nữa Đâu

Ngậm Ngùi (1961)

Có lẽ giọng hát Tuấn Ngọc rất thích hợp với những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ, nên đã trình bày rất thành công những ca khúc Kiếp Nào Có Yêu Nhau (thơ Hoài Trinh), Tiễn Em (thơ Cung Trầm Tưởng), Chuyện Tình Buồn (thơ Phạm Văn Bình), và Ngậm Ngùi (thơ Huy Cận).


Click để nghe Tuấn Ngọc hát Ngậm Ngùi

Nắng chia nửa bãi chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ khép đôi lá rầu
Sợi buồn con nhện giăng mau
Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây

Kỷ Niệm (1966)

Bài Kỷ Niệm được nhạc sĩ Phạm Duy viết năm 1966. Đó cũng là quãng thời gian ông có cảm giác chơi vơi sau khoảng thời gian “ngụp lặn” với hàng chục thể nghiệm âm nhạc khác nhau, cuối cùng thì ông trở về với những cảm xúc nguyên sơ nhất. Phạm Duy nói:

“Tôi rơi vào kỷ niệm, những kỷ niệm của rất nhiều người thuộc lứa tuổi tôi, lúc còn bé, còn ngây thơ trong trắng và được sống ở tỉnh nhỏ, có những buổi chiều đi giữa làng quê ruộng lúa rồi vì quá mê trời mây tía nên không nghe tiếng mẹ gọi về… Hoặc trong những đêm mùa khô ráo ngồi bên cha mẹ, nghe tiếng còi tầu xe lửa để mơ ước viễn du. Tôi nhớ lại kỷ niệm và xin đi lại từ đầu…”

Cho tôi lại ngày nào
Trăng lên bằng ngọn cau
Me tôi ngồi khâu áo
Bên cây đèn dầu hao


Click để nghe Tuấn Ngọc hát Kỷ Niệm

Cỏ Hồng (1970)

Một ca khúc khác cũng gắn liền với giọng hát Thái Thanh, và phiên ban hay nhất của nam ca sĩ thuộc về Tuấn Ngọc.

Cỏ Hồng là ca khúc tràn ngập cảm xúc yêu đương đôi đứa, một bài mang đầy dục tính được nhạc sĩ Phạm Duy thừa nhận rằng đã bị ảnh hưởng từ nhạc Lê Uyên Phương. Ông viết trong hồi ký của mình: “Vào năm 1970, sau khi tôi đã soạn xong những bài như Trả Lại Em Yêu, Con Đường Tình Ta Đi… vốn là những bài ca tình cảm mô tả cuộc tình của những lứa đôi đang sống một cuộc đời bấp bênh vì không tránh khỏi cảnh xa nhau bởi thời thế. Một nhạc sĩ khác, Lê Uyên-Phương, tung ra một loạt ca khúc mang chất dục tính, ví dụ như bài Vũng Lầy Của Chúng Ta. Tôi bắt chước anh, soạn một bài có tính chất xưng tụng nhục thể”.

Rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối
Rước em lên đồi, hẹn với bình minh…


Click để nghe Tuấn Ngọc hát Cỏ Hồng

Bao Giờ Biết Tương Tư (1971)

Thời điểm trước năm 1975, Tuấn Ngọc chỉ được biết đến với thể loại nhạc trẻ, nhạc ngoại quốc. Các bản thu âm trước 1975 của ông vì vậy cũng có rất ít, bởi vì ngày đó thu băng đĩa chủ yếu là nhạc Việt, còn Tuấn Ngọc chỉ hát live nhạc nước ngoài ở các club, phòng trà và tụ điểm âm nhạc ngoài trời.


Click để nghe Tuấn Ngọc hát trước năm 1975 trong băng nhạc Tứ Quý

Lần hát nhạc Việt hiếm hoi của ca sĩ Tuấn Ngọc trước năm 1975 là trong băng nhạc Tứ Quý cho ca sĩ Lệ Thu thực hiện, với 4 tiếng hát được đánh giá là “thượng thừa”: Lệ Thu, Khánh Ly, Duy Trác và Tuấn Ngọc. Trong băng nhạc này, Tuấn Ngọc hát 4 bài: Chiều Tưởng Nhớ, Bao Giờ Biết Tương Tư, Bài Không Tên Số 5Ru Em. Sau một thời gian dài hát nhạc ngoại, khi hát nhạc Việt trong băng nhạc này, Tuấn Ngọc nói rằng ông hát không chuẩn, nên lại tiếp tục hát nhạc ngoại từ đó cho đến khi cùng gia đình sang Mỹ định cư sau năm 1975.

Nếu như nản thu âm Bao Giờ Biết Tương Tư trước 1975 của Tuấn Ngọc bị chính Lệ Thu “chê” là hát ngọng, thì bản thu âm chính ca khúc này sau 1975 được xem là một trong những phiên bản hay nhất.


Click để nghe Tuấn Ngọc hát Bao Giờ Biết Tương Tư

Ban đầu, Bao Giờ Biết Tương Tư là bản nhạc nền của nhạc sĩNgọc Chánh viết cho phim Điệu Ru Nước Mắt của đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện năm 1970, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Duyên Anh, nói về chuyện tình thơ mộng của trùm du đãng nổi tiếng là Đại Cathay. Sau khi cuốn phim trình chiếu thành công, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã nhờ nhạc sĩ Phạm Duy soạn lời ca cho đoạn nhạc phim ông đã viết, và ca khúc Bao Giờ Biết Tương Tư từ đó ra đời.

Ca khúc là những lời thổ lộ chân phương của một chàng trai khi bước vào tình yêu và sự biến chuyển của dòng tâm trạng khi trải qua những cung bậc khác nhau của cuộc tình.

Ngày nào cho tôi biết,
Biết yêu em rồi tôi biết tương tư
Ngày nào biết mong chờ
Biết rộn rã buồn vui đợi em dưới mưa

Chuyện Tình Buồn (1973)

Cho đến một thời gian dài sau năm 1975, trong những ngày tháng đầu tiên định cư ở xứ người, Tuấn Ngọc vẫn chỉ hát nhạc ngoại tại một số bar, vũ trường. Đến năm 1981, ông có thử nghiệm thu âm nhạc Việt nhưng không thành công. Phải đến năm 1989, Tuấn Ngọc mới thực sự tạo dựng tên tuổi với nhạc Việt Nam vào năm 1989, trong CD Lời Gọi Chân Mây hát chung với ca sĩ Thái Hiền. Một ca khúc trong CD này là Chuyện Tình Buồn, nếu nghe lại thì có thể bạn sẽ thấy giọng hát của ông có đôi chút khác lạ so với các bài hát được thu âm sau này.

Bài hát này được nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ bài thơ của thi sĩ Phạm Văn Bình, và câu chuyện tình buồn trong bài cũng là chuyện của thật. Đó là thời điểm năm 1966, sau khi người yêu đi lấy chồng, Phạm Văn Bình bỏ đi biệt và ôm nỗi đau cho riêng mình mà không một lời oán hận:

Ngày nhà em pháo nổ,
Anh cuộn mình trong chăn,
Như con sâu làm tổ
Trong trái vải cô đơn…

Bài hát được danh ca Thái Thanh hát lần đầu từ thập niên 1960, nhưng sau này người ta nhớ nhất là bản thu âm của Sĩ Phú và Tuấn Ngọc.


Click để nghe Chuyện Tình Buồn

Ngàn Năm Vẫn Không Quên (1983)

Ca khúc này được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác năm 1983:

Như một dòng sông nhỏ
Cuộc tình đã ra đi
Ra đi cùng năm tháng
Ra đi tít muôn trùng


Click để nghe Tuấn Ngọc hát Ngàn Năm Vẫn Không Quên

Nắng Chiều Rực Rỡ (1988)

Năm 1988, khi đã ngấp nghé ở tuổi thất thập cổ lai hy, nhạc sĩ Phạm Duy cho xuất bản tập nhạc Mười Bài Rong Ca. Mở đầu tập nhạc này là một bản nhạc mà theo ông nói, là bản nhạc tình của tuổi 70, cũng là ca khúc chủ đề toàn toàn bộ “tập nhạc & tape nhạc” mang tựa đề Người Tình Già Trên Đầu Non.

10 Bài Rong Ca này còn có những ca khúc quen thuộc là Hẹn Em Năm 2000, Nghìn Thu, và ấn tượng nhất là Nắng Chiều Rực Rỡ – bài Rong Ca số 6, một ca khúc khai thác chủ đề mà không mấy khi được thấy trong âm nhạc, đó là tuổi già, thuở hoàng hôn của cuộc đời.


Click để nghe Tuấn Ngọc hát Nắng Chiều Rực Rỡ

Nếu như đời người kéo dài trong một ngày, thì buổi chiều chính là lúc đời người đã về dần đến cuối, là thời điểm vẫn được gọi là “tuổi xế chiều”. Ở tuổi này, thường là người ta chỉ biết dõi mắt trông về dĩ vãng, để nhớ về một thời kiêu hãnh trong quá khứ, hoặc là để tiếc về những điều vẫn chưa làm được, rồi buồn bã đếm thời gian ít ỏi còn lại của cuộc đời đang cạn dần.

Tuy nhiên nhạc sĩ Phạm Duy không như vậy. Với ông thì sáng, trưa, hay chiều, mỗi thời khắc đều có những cái đẹp riêng, đều có thể thăng hoa. Nắng chiều của Phạm Duy không tàn tạ như nhiều thi nhân xưa đã nhiều lần mô tả, mà nó vẫn lung linh, mang toàn bộ niềm khao khát sống một cách mãnh liệt nhất. Đó chính là ý nghĩa của tựa đề bài hát “Nắng Chiều Rực Rỡ”:

Chớ buồn gì trong giây phút chia lìa
Khi chiều về lung lay trúc tre
Chớ buồn gì khi tan nắng đêm về
Cho thuận đường âm dương bước đi

Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version