Mùa Thu trong Âm Nhạc – Những bài thu ca bất tử của dòng nhạc tình ca Việt Nam

Mùa thu là đề tài quen thuộc trong văn chương và âm nhạc Việt Nam. Từ xưa đến nay, đã có rất nhiều thi nhân, họa sĩ và nhạc sĩ đã ca tụng mùa thu, bối cảnh được nhắc tới thường là không gian lá vàng rơi và những cuộc chia ly buồn.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Thời tiết lãng mạn trữ tình cùng với sắc vàng rực rỡ của mùa thu đã trở thành đề tài tuyệt diệu vô tận trong âm nhạc, từ các nhạc sĩ tiên phong thời tiền chiến như Đặng Thế Phong, Văn Cao, rồi được các nhạc sĩ nhiều thế hệ tiếp bước, như Đoàn Chuẩn, Cung Tiến, sau đó là Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn.


Click để nghe tuyển chọn 15 ca khúc trữ tình hay nhất viết về mùa thu (thâu thanh trước 1975)

Nhắc đến mùa Thu trong âm nhạc, nó đã bắt đầu từ thời tiền chiến với những tuyệt sầu khúc như Vạn Cổ Sầu (Giọt Mưa Thu) hay Con Thuyền Không Bến của Đặng Thế Phong, Buồn Tàn Thu và Thu Cô Liêu của Văn Cao, sau đó là nhạc sĩ Đoàn Chuẩn với “nỗi ám ảnh dịu dàng” về mùa thu, vì hầu hết những ca khúc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông là nhắc đến thu vàng. Trong cùng thời gian đó, nhạc sĩ Cung Tiến cũng sáng tác Thu Vàng khi mới 14-15 tuổi, trở thành một danh tác để đời nhắc tới sắc tơ vàng vương vương, và lá vàng rơi khi tình thu vừa khơi, nghe chừng như là màu tê tái.

Thập niên 1960, mùa thu trong âm nhạc vẫn luôn gắn với nỗi buồn, như là Nước Mắt Mùa Thu của Phạm Duy, Thu Sầu của Lam Phương, Nhìn Những Mùa Thu Đi của Trịnh Công Sơn, hay Mùa Thu Trong Mưa của Trường Sa.

Nhưng mùa thu không phải lúc nào cũng buồn, cũng là chia ly tan vỡ. Thu vốn rất đẹp, lãng mạn, là thời điểm thích hợp để khơi dậy mối tình còn e ấp, vì vậy nên nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã mượn cảnh sắc mùa thu để tỏ tình trong ca khúc bất hủ Mùa Thu Cho Em.

Sau đây, mời các bạn nghe lại tuyển chọn những ca khúc hay nhất về mùa thu của nhạc trữ tình Việt Nam trước năm 1975.

Buồn Tàn Thu (nhạc sĩ Văn Cao)

Nhạc sĩ Văn Cao viết Buồn Tàn Thu khi ông mới 16 tuổi, trở thành một tuyệt tác của âm nhạc suốt 80 năm qua. Bài hát gắn liền với giọng hát của danh ca Thái Thanh. Ca khúc đã đánh dấu một thiên hướng sáng tác riêng biệt của nhạc sĩ Văn Cao trong buổi đầu tân nhạc, có nội dung và giai điệu đậm nét cổ phong, mang một nỗi sầu miên man, nhưng lại mang đến cảm giác rất dễ chịu và thăng hoa cho cả người hát lẫn người nghe.

Ai lướt đi ngoài sương gió
Không dừng chân đến em bẽ bàng
Ôi vừa thoáng nghe em mơ ngày bước chân chàng
Từ từ xa đường vắng
Đêm mùa thu chết nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng


Click để nghe Thái Thanh hát Buồn Tàn Thu trước 1975

Giọt Mưa Thu (nhạc sĩ Đặng Thế Phong)

Bài hát “Giọt Mưa Thu” được nhạc sĩ Đặng Thế Phong sáng tác từ năm 1942, trong những năm khởi đầu của nền tân nhạc Việt Nam. Lúc đó nhạc sĩ chỉ mới 24 tuổi, và đó cũng là năm ông qua đời. Ban đầu bài hát được đặt tên là Vạn Cổ Sầu, nhưng sau đó vì nghe theo lời bạn bè, ông mới đổi tên lại thành Giọt Mưa Thu.

Chỉ mới ở tuổi 24 mà người nhạc sĩ tài ba (và bạc mệnh) đó lại thấu hiểu được cái “vạn cổ sầu” của kiếp nhân sinh:

Người mong mây tan cho gió hiu hiu lạnh
mây ngỏ trời xanh
chắc gì vui
mưa còn rơi
bao kiếp sầu ta nguôi


Click để nghe Thái Thanh hát trước 1975

Con Thuyền Không Bến (nhạc sĩ Đặng Thế Phong)

Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, nhạc sĩ Đặng Thế Phong chỉ để lại cho đời 3 ca khúc, nhưng nó đều trở thành bất tử, và đều viết về mùa thu. Ngoài Giọt Mưa Thu còn có Đêm Thu và Con Thuyền Không Bến:

Đêm nay thu sang cùng heo may
Đêm nay sương lam mờ chân mây
Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng
Như nhớ thương ai chùng tơ lòng.


Click để nghe Hà Thanh hát Con Thuyền Không Bến trước 1975

Thu Vàng (nhạc sĩ Cung Tiến)

Theo lời kể của nhạc sĩ Cung Tiến, ông viết ca khúc Thu Vàng năm 1953, khi mới rời Hà Nội vào Sài Gòn, lúc đó ông mới 15 tuổi. Bài hát được viết trong nỗi nhớ nhung về những tháng ngày thơ ấu ở quê nhà, và trong lời đề tặng của ca khúc, nhạc sĩ viết: “Tặng Hà Nội của những ngày thơ ấu”. 

Chiều hôm qua lang thang trên đường
Hoàng hôn xuống, chiều thắm muôn hương
Chiều hôm qua mình tôi bâng khuâng
Có mùa Thu về, tơ vàng vương vương


Click để nghe Thanh Lan hát trước 1975

Thu Quyến Rũ (nhạc sĩ Đoàn Chuẩn)

Đã có nhiều nhạc sĩ của nhiều thế hệ viết nhạc về mùa Thu, nhưng không có bất kỳ ai viết nhiều, và có số lượng bài hát mùa thu nổi tiếng nhiều cho bằng nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Mùa thu trong nhạc của ông thoáng buồn, nhưng lúc nào cũng thật đẹp và thật quyến rũ:


Click để nghe Sĩ Phú hát Thu Quyến Rũ trước 1975

Anh mong chờ mùa Thu
Dìu thế nhân dần vào chốn Thiên Thai
Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay
Mùa Thu quyến rũ anh rồi.

Lá Đổ Muôn Chiều (nhạc sĩ Đoàn Chuẩn)

Mùa thu trong nhạc Đoàn Chuẩn lúc nào cũng buồn, có khi là nỗi buồn thoang thoảng, nhưng cũng có lúc là nỗi buồn thật đậm sâu vì nỗi nhớ về cố nhân xa vời:

Thu đi cho lá vàng bay,
lá rơi cho đám cưới về
Ngày mai, người em nhỏ bé
ngồi trong thuyền hoa
tình duyên đành dứt

Có những đêm về sáng
đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi


Click để nghe Anh Ngọc hát Lá Đổ Muôn Chiều trước 1975

Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay (nhạc sĩ Đoàn Chuẩn)

Trong những tình khúc thu của Đoàn Chuẩn, Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay có thể được coi là một tuyệt tác tuyệt mỹ. Tuyệt mỹ ngay từ lời đề từ được nhạc sĩ ghi lại cho ca khúc này: “Trên chiếc xe màu xanh lá cây đẹp, bên cạnh một người đẹp áo xanh, trong lòng chàng nhạc sĩ đa tình ngổn ngang những đám mây thu cao tít trên kia. Thế là âm thanh cứ ùa ra cứ như lá thu vàng từng cánh rơi từng cánh rơi xuống âm thầm trên đất xưa”.


Click để nghe Hà Thanh hát Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay trước 1975

Với bao tà áo xanh đây mùa thu
Hoa lá tàn, hàng cây đứng hững hờ
Lá vàng từng cánh rơi từng cánh
Rơi xuống âm thầm trên đất xưa

Thu Ca (nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương)

Nhắc đến nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, người ta vẫn nhớ nhiều nhất đến bài hát Thu Ca, được ông sáng tác từ năm 1953, đến nay vẫn được xem là một trong những bài tango nổi tiếng nhất của nhạc Việt.

Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương từng kể rằng từ thời học trung học ở Huế, ông đã rất mê nhạc tình ca lãng mạn, đặc biệt là những bài hát như Thu Quyến Rũ hay Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay, và những sáng tác sau này của ông có chút gì đó ảnh hưởng từ Đoàn Chuẩn.

Từ đầu thập niên 1950, khi Phạm Mạnh Cương còn là một cậu học trò xứ Huế đã được thưởng thức những tuyệt phẩm viết về mùa thu ở Hà Nội của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn qua làn sóng điện. Đến năm 1953, khi có dịp ra đến Hà Nội, cảm xúc về nét đẹp của mùa thu nơi đây, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương đã sáng tác ca khúc có thể xem là nổi tiếng nhất sự nghiệp của mình: Thu Ca:

Chiều thu về đây lạnh lẽo
Mà sương chiều rơi hắt hiu
Gió xa đưa nhẹ tiếng tiêu…


Click để nghe Thanh Lan hát Thu Ca trước 1975

Nước Mắt Mùa Thu (nhạc sĩ Phạm Duy)

Khi nhắc đến danh ca Lệ Thu, người ta lại nhớ nhiều nhất đến ca khúc Nước Mắt Mùa Thu của nhạc sĩ Phạm Duy, bởi ngay từ tựa đề ca khúc Nước Mắt Mùa Thu đã có thể thấy ngay sự liên hệ với cái tên Lệ Thu. Và Lệ Thu cũng là người trình bày thành công nhất ca khúc này, cả trước và sau năm 1975:

Nước mắt mùa Thu khóc ai trong chiều
Bằng cây trút lá nghĩa trang đìu hiu
Từng chiếc từng chiếc lệ khô vàng héo
Buồn thương từng kiếp nằm trong mộ réo tên người đời quên
Nước mắt mùa Thu khóc thương triền miên


Click để nghe Lệ Thu hát Nước Mắt Mùa Thu trước 1975

Mùa Thu Chết (nhạc sĩ Phạm Duy)

Mùa Thu Chết là ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ thơ của thi sĩ Pháp Apolinaire theo bản dịch tiếng Việt của Bùi Giáng. Ca khúc này gắn liền với sự nghiệp của nữa ca sĩ Julie Quang, bởi vì đây là ca khúc mà cô thu dĩa đầu tiên, là ca khúc đánh dấu thời điểm Julie chuyển sang hát nhạc Việt sau một thời gian dài hát nhạc ngoại trong những năm đầu của sự nghiệp, hơn nữa nhạc sĩ Phạm Duy đã sáng tác ca khúc này riêng cho giọng hát của Julie Quang.


Click để nghe Mùa Thu Chết bản thu trong dĩa nhựa năm 1970 của Julie

Thu Sầu (nhạc sĩ Lam Phương)

Thập niên 1960, mối tình đơn phương mà nhạc sĩ Lam Phương dành cho danh ca Bạch Yến đã trở thành nguồn cảm tác để ông sáng tác nhiều ca khúc bất hủ trong sự nghiệp âm nhạc lừng lẫy của mình, tiêu biểu nhất trong số đó là Tình Bơ Vơ, Chờ Người, Tiễn Người Đi,Thu Sầu:

Mùa thu thưa nắng gió mang niềm nhớ
Trời chiều man mác buồn nát con tim
Lệ tình đẫm ướt tà áo trinh nguyên
Kỷ niệm êm đềm còn in trên giấy


Click để nghe Thái Thanh hát Thu Sầu trước 1975

Mùa Thu Trong Mưa (nhạc sĩ Trường Sa)

Mùa Thu Trong Mưa được sáng tác năm 1968, là ca khúc đầu tiên đánh dấu một khuynh hướng sáng tác hoàn toàn khác với trước đó của nhạc sĩ Trường Sa.

Khi sáng tác Mùa Thu Trong Mưa, nhạc sĩ Trường Sa đang là sĩ quan cấp tá, là hạm phó tàu tuần duyên Trường Sa của quân chủng hải quân.

Nhạc sĩ kể lại rằng trong một chiều dừng chân ở bến Mỹ Tho thì một cơn mưa tháng 6 bỗng ập tới. Trong lúc mưa còn chưa dứt, đường phố vẫn chưa lên đèn thì ông đã sáng tác xong ca khúc, chỉ trong vài tiếng đồng hồ khi cảm xúc đang dâng trào:

Chiều mưa không có em, bờ đá công viên âm thầm
Chiều mưa không có em, giăng mắc mây không buồn trôi
Gọi mùa thu lãng quên vào tiếng mưa rơi êm đềm
Trời còn mưa ướt thêm cho dài ngày tháng không tên


Click để nghe Lệ Thu hát trong dĩa nhựa năm 1968

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết Nhìn Những Mùa Thu Đi từ năm 1963, khi ông còn là chàng sinh viên trẻ đa sầu đa cảm. Nhạc sĩ Trịnh Cung – một trong những người bạn thân thiết của nhạc sĩ họ Trịnh – từng chia sẻ: “Đối với nhạc sĩ và những nhà thơ, kể cả hoạ sĩ, thiên nhiên luôn luôn là nguồn cảm hứng với những màu sắc khác nhau giữa các mùa. Mùa thu cho người ta những cơ hội lãng mạn, có một chút buồn nhưng luôn đẹp. Vì vậy Trịnh Công Sơn cũng như những nhạc sĩ khác luôn bị mùa thu quyến rũ”.


Click để nghe Khánh Ly hát Nhìn Những Mùa Thu Đi trong băng Sơn Ca 7

Nhìn những mùa thu đi
Em nghe sầu lên trong nắng
Và lá rụng ngoài song
Nghe tên mình vào quên lãng
Nghe tháng ngày chết trong thu vàng

Mùa Thu Mây Ngàn (nhạc sĩ Từ Công Phụng)

Ngoài nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thì nhạc sĩ Từ Công Phụng cũng là một nhân tố mới và nổi bật của thể loại nhạc tình ca ở miền Nam xuất hiện từ đầu thập niên 1960. Khác với nhạc sĩ họ Trịnh, bên cạnh sáng tác tình ca còn sáng tác về chủ để khác, thì nhạc sĩ họ Từ dành trọn sự nghiệp để sáng tác tình ca:

Chiều nay có mùa thu đi về
Buồn vương mây ngàn giăng khắp lối
Mùa thu bơ vơ đến bên trời
Ru tóc em suối nguồn
Gọi hồn hong gió thu buồn.


Click để nghe chính tác giả Từ Công Phụng hát Mùa Thu Mây Ngàn (cùng với Từ Dung)

Mùa Thu Cho Em (nhạc sĩ Ngô Thụy Miên)

Cũng là một trong những nhạc sĩ sáng tác tình ca tiêu biểu, xuất hiện muộn hơn 1 chút so với Trịnh Công Sơn và Từ Công Phụng, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên cũng đã có một sự nghiệp âm nhạc rực rỡ với nhiều bài tình ca lãng mạn được nhiều thế hệ thuộc nằm lòng, trong đó có bài Mùa Thu Cho Em, ca khúc mùa thu hiếm hoi không nhắc đến nỗi buồn:

Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ
em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương
Và em có nghe khi mùa thu tới
mang ái ân mang tình yêu tới
em có nghe, nghe hồn thu nói mình yêu nhau nhé


Click để nghe Xuân Sơn hát Mùa Thu Cho Em trước 1975

Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn

Exit mobile version