Thi sĩ Bùi Giáng và nghệ sĩ Kim Cương: Chuyện tình kỳ dị và có 1 không 2

Nếu nghệ sĩ Kim Cương được nhớ đến như một nhan sắc nổi bật, tài năng của nghệ thuật sân khấu kịch với đầy đủ đời sống, danh vọng, tiền tài của một con người rất thực, thì trái ngược lại, Bùi Giáng giống như một huyền thoại.

Bất kỳ một tình tiết, câu chuyện, giai thoại nào liên quan đến ông và các tác phẩm của ông đều nhuốm màu hư thực. Bùi Giáng đi qua đời sống như một cuộc dạo chơi, cách ông viết, dịch sách, hay làm thơ đều nhẹ tâng, không chủ đích, không màng danh lợi. Không ai biết chính xác Bùi Giáng có bao nhiêu tác phẩm, chỉ biết con số lên đến hàng trăm đầu sách. Gia tài thơ văn của ông rơi rớt khắp nơi ông ghé qua, dù chẳng mấy khi người ta thấy Bùi Giáng tỉnh táo và sáng tác. Có chuyện kể rằng, do cần gấp một vài bài thơ cho số báo tiếp, nhà văn Mai Thảo đã từng “bắt cóc” Bùi Giáng đến toà soạn báo của mình. Sau chuyến ghé qua đó, Bùi Giáng hào phóng để lại cho Mai Thảo hơn 20 bài thơ.

Ấy vậy mà, giữa Bùi Giáng và Kim Cương – hai con người tưởng như chẳng thể gặp nhau ở bất kỳ điểm chung nào lại tồn tại một thứ lương duyên kỳ lạ, gắn bó suốt 40 năm. Dù điên hay tỉnh, dù lúc còn khoẻ mạnh đi dạy học hay lang thang khắp nơi đầu bù tóc rối, Bùi Giáng luôn dành cho Kim Cương thứ tình yêu thuỷ chung, bền bỉ và trong sáng nhất. Còn với Kim Cương, tuy không phải là tình yêu, nhưng có lẽ ẩn sâu trong bà là thứ tình cảm vừa thương cảm vừa ngưỡng mộ, vừa gần gũi, lo lắng cho Bùi Giáng như một người thân tới tận cuối đời.

Bởi vậy, dù thi sĩ Bùi Giáng đã qua đời hơn 22 năm và kỳ nữ Kim Cương thì đã bước qua tuổi 80 từ lâu, người ta vẫn còn kể về những câu chuyện kể về mối tình kỳ lạ và đặc biệt này.

Kim Cương và Bùi Giáng

Tình yêu sét đánh

Bùi Giáng và Kim Cương gặp nhau lần đầu tiên ở đám cưới của một người bạn chung tên Thuỳ. Khi đó Kim Cương chỉ mới 19 tuổi nhưng đã bắt đầu nổi danh trên sân khấu. Hôm đó, Kim Cương mặc áo dài lụa trắng, Bùi Giáng ngẩn ngơ ngắm nhìn người đẹp và ông như thấy người cô phát ra hào quang. Ấy là lúc, Bùi Giáng phải lòng Kim Cương. Đến tận cuối đời, những giây phút đầu tiên đó vẫn in hằn trong trí nhớ của Bùi Giáng và ông đã viết:

“Vô ngần tao ngộ đầu tiên
Em bao giờ biết anh phiền ưu sao
Yêu em từ những kiếp nào
Về sau cũng niệm nguyên màu ban sơ”

Sau đó, Bùi Giáng nhờ người bạn chung tên Thuỳ mai mối cho ông gặp người đẹp. Kim Cương kể:

“Một hôm, Thuỳ bảo tôi: – Có một ông giáo sư Đại học Văn khoa, đi học ở Đức về, ái mộ chị lắm, muốn đến nhà thăm chị. Tôi trả lời: – Ừ, thì mời ổng tới.”

Từ đó, Bùi Giáng bắt đầu lui tới thăm Kim Cương. Lúc này, Bùi Giáng còn đi học dạy nên áo quần chải chuốt, gọn gàng chứ không phải là râu ria xồm xoàm, áo quần kỳ dị như một gã ăn mày mà người ta vẫn thường hình dung về ông những năm sau này. Tuy nhiên, càng tiếp xúc với Bùi Giáng, Kim Cương càng thấy ông không được… bình thường. Bùi Giáng mời Kim Cương đi uống cafe nhưng nhất định không đi xe hơi của gia đình ông hay gia đình bà, hay đi bằng bất cứ xe gì khác mà phải đi bằng xe đạp do ông chở.

Bùi Giáng thời trẻ

Nghệ sĩ Kim Cương kể lại trong hồi ký:

“Tôi hỏi ông sao ông chưa bao giờ xem tôi diễn mà lại ái mộ tôi quá mức bình thường. Ông nói với tôi ngày đầu tiên gặp tôi mặc áo dài lụa trắng trong đám cưới của Hạnh – Thùy, ông nhìn thấy hào quang tỏa ra xung quanh tôi. Do đó mà tình cảm ông dành cho tôi có sự thiên vị và trọn vẹn. Bất cứ những gì tôi nói ông đều tin”.

Có lần Bùi Giáng ngỏ lời cầu hôn nhưng Kim Cương tránh né vì sợ tính cách “dị thường” của ông. Tuy nhiên, ông không hề hằn học hay tỏ thái độ vô lễ. Sau nhiều lần lui tới mà không thể cưa đổ người đẹp, Bùi Giáng thở dài nói với Kim Cương: “Thôi, chắc cô không ưng tôi vì tôi lớn tuổi hơn cô, vậy cô hứa với tôi là sẽ ưng thằng cháu của tôi nhé. Nó trẻ, lại đẹp trai, học giỏi”. Kim Cương nghe vậy liền trả lời: “Thưa anh, chuyện tình cảm đâu có nói trước được. Tôi không dám hứa hẹn gì đâu, để chừng nào gặp nhau hẵng tính…”.

Tưởng nhà thơ nói cho vui nên sau đó Kim Cương quên mất chuyện này, cho đến một ngày không ngờ là Bùi Giáng dẫn cháu trai tới để cho Kim Cương coi mắt thiệt. Nhưng ngặt nỗi, cháu trai Bùi Giáng chỉ mới… 8 tuổi.

Bùi Giáng – yêu cả một đời

“Anh yêu em như Bùi Giáng yêu Kim Cương” – Đó là câu nói của một nhà thơ muốn dùng “tấm gương” Bùi Giáng để chứng minh cho tình yêu chung thuỷ, nhiệt thành, không vụ lợi. Bởi vì Bùi Giáng dù mê hay tỉnh, trẻ hay già, cũng đã dành cả đời mình để yêu Kim Cương, không đòi hỏi sự đáp lại.

Trong suốt những năm quen biết, yêu Kim Cương nhưng Bùi Giáng luôn chỉ xưng “tôi” và gọi “cô”, chứ không bao giờ gọi Kim Cương là “em”. Ông cũng chẳng bao giờ suồng sã nắm tay hay đụng chạm người đẹp. Có lẽ vì vậy mà dù không thể đáp lại tình yêu của Bùi Giáng, Kim Cương luôn dành cho ông một thứ tình cảm đặc biệt cũng kỳ lạ không kém.

Trong thơ của Bùi Giáng có rất nhiều giai nhân người đẹp xuất hiện, nhưng Kim Cương vẫn luôn được trân trọng, yêu thương nhất. Ông thường gọi Kim Cương là “tiên nữ”, “nương tử”, “công chúa”,… Mỗi lần đến thăm Kim Cương, Bùi Giáng lại viết một bài thơ để tặng người đẹp. Ông có thể viết lên bất kỳ tớ giấy, tờ lịch nào. Thơ như nằm sẵn đâu đó trong đầu ông, chỉ trực tuôn ra mỗi khi ông cầm bút. Suốt mấy chục năm, những lá thư, những bài thơ, những cuốn sổ tay đầy ắp thơ ông viết tặng, được kỳ nữ Kim Cương cẩn thận cất giữ.

Thật khó có thể tưởng tượng, một người đàn ông điên điên tỉnh tỉnh, đầu bù tóc rối, nhặt lá đá ống bơ khắp đầu đường, góc phố lại có thể viết ra những dòng thơ tuyệt đẹp như chính tên của người mình yêu để đem tặng cho người đẹp:

“Kể từ tao ngộ đầu tiên
Kim Cương vô tận, thuyền quyên vô cùng
Bốn mươi năm đã lẫy lừng
Âm thầm tưởng niệm lạ lùng giai nhân

Trái tim thiết thạch vô ngần
Từ tam thu tới tử phần hôm nay”

Với những lời tỏ bày thắm thiết yêu thương:

“Kính thưa công chúa Kim Cương
Trẫm từ vô tận ven đường ngồi đây
Tờ thư rất mỏng mực dày
Làm sao định nghĩa đêm ngày yêu nhau?”.

Dù dở điên dở tỉnh, Bùi Giáng vẫn nhớ rõ bốn mươi năm lẻ ông đã phải lòng Kim Cương:

“Yêu nhau từ bấy tới nay
Xiết bao tâm sự từ ngày qua đêm
Thưa em nương tử dịu mềm
Bốn mươi năm lẻ êm đềm vô biên”

Bùi Giáng cũng đã dùng mọi cách biểu đạt kỳ quái nhất để nói về Kim Cương. Bài thơ sau đây hẳn sẽ làm cho một số bạn cảm thấy “kỳ kỳ”, nhưng đồng thời nó cũng cho thấy tính cách khác thường của một kỳ nhân. Trong bài Cô Kim Cương Ơi, in trong tập Sa Mạc Phát Tiết, có đoạn như sau:

“Nếu ngày sau tôi chết đi, mà cô không thể giỏ cho một giọt nước mắt
Thì cô có thể giỏ cho một giọt nước tiểu cũng được
(Nhớ giỏ ngay trên nấm mồ)
Ở dưới suối vàng tôi sẽ ngậm cười mà đón nhận
(Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây)”

Thật là một bài thơ không thể nào tưởng tượng nổi với một người bình thường.

Có nhiều cô gái yêu thơ, ái mộ nhà thơ và tìm tới nhà thăm hỏi Bùi Giáng thì đều bị ông đuổi đi, kèm theo lời tuyên bố: “Chỗ này chỉ để dành cho Kim Cương được tới mà thôi”.

Có người nói rằng, cái “điên” của Bùi Giáng là cái điên tình, vì yêu Kim Cương không được đáp lại mà hoá điên, càng ngày càng điên nặng hơn. Không ai dám chắc điều đó. Chỉ biết rằng Bùi Giáng – từ một giáo sư dạy học có thể thông thạo nhiều thứ tiếng, dịch và viết hàng trăm đầu sách nghiên cứu, học thuật khó nhằn bỗng trở thành một ông già kỳ dị lang thang khắp nơi, không gia đình, con cái. Cách Bùi Giáng yêu Kim Cương cũng vô cùng kỳ quái. Thỉnh thoảng, ông lại tìm đến nhà thăm Kim Cương, bất kể khi đó bà đang có chồng con ra sao, có nhà hay không, bận hay rảnh. Mỗi lần đến, người nhà chưa kịp mở cửa là ông đập cửa, la hét làm náo động cả khu. Có lẽ vậy mà thơ tình của ông đôi khi khó hiểu vô cùng:

“Ngàn năm điêu đứng đọa đày
Thiên thu sử lịch cau mày về sau
Thưa em đời mộng dạt dào
Tình yêu vô tận yêu đào vô biên”.

Thỉnh thoảng, khi Bùi Giáng không điên, ông viết thư cho Kim Cương (Lá thư được trích trong tập thơ Cuối đời của thi sĩ Bùi Giáng 1988), chữ viết xiên xẹo, gạch xoá nhưng lời lẽ thì vô cùng rành mạch, lịch thiệp:

Cô Kim Cương yêu quý

Kể cũng gần 50 năm quen biết và yêu mến cô. Đó là hạnh phúc lớn đi suốt đời tôi. Sau này cô cao hứng đến nhà viếng thăm tôi. Ấy thật bất ngờ. Rủi ro lần đầu tôi say rượu chẳng biết gì cả. Lần thứ nhì, tôi tỉnh táo. Tâm hồn thoải mái như được cùng tiên tái ngộ.

Mấy ngày rày cứ giở mấy tấm ảnh chụp chung với cô. Gương mặt cô càng ngày trông càng lạ. Mấy đứa cháu gái, cháu ruột, cháu dâu chúng xúm xít trầm trồ: “Cô Kim Cương ngoài đời trông đẹp hơn trên tivi… Lạ quá! Lạ quá!…” Gương mặt cô có nét hồn hậu, trung hậu dịu dàng. Ai ai cũng nhận thấy thế. Hình như sau này cô gặp hạnh phúc lớn hay sao mà bỗng nhiên trông cô càng trẻ hơn xưa nay?

Lúc trước đọc báo nghe cô nói có ý mua cho tôi một cái nhà. Tôi cảm động đến ngẩn ngơ. Giữa đêm tỉnh giấc, còn âm ỷ khóc lóc một mình. Nhưng cô nghĩ xem? Làm sao tôi dám chấp nhận? Tôi vốn già điên say rượu… Ở với tụi cháu sum vầy sum vầy mấy chục năm nay, chúng quen thuộc tính nết tôi rồi. Chúng vui vẻ hân hoan chịu đựng. Nhiều lúc tôi lại có ý chọc cho chúng la ngầy để nghe cho vui vẻ cái lỗ tai… đỡ buồn hiu quạnh… Tuổi già tôi có được đôi ba bạn thân và còn giữ được tình nghĩa của cô thì thử hỏi còn gì tốt đẹp hơn nữa?

Xin mời cô thỉnh thoảng ghé lại nhà coi như đi nghỉ mát. Chỗ tôi ở có thể gọi là một thôn xóm thơ mộng. Ai ai cũng vui vẻ, thân mật hiền lành. Ít xảy ra ồn ào náo động. Đúng là nơi sinh hoạt lý tưởng. Được nhìn thấy cô là tự nhiên hết buồn, hết điên, hết say rượu.

Chúc cô suốt đời sung sướng

Bùi Giáng 98 (Mậu Dần)

Bùi Giáng cứ vậy mà yêu, hồn nhiên và bản năng không e dè, kiêng kị. Yêu cho đến tận cuối đời. Khoảng nửa tháng trước khi qua đời, Bùi Giáng viết cho Kim Cương nhưng lời thơ đầy dự cảm:

“Thương yêu có lẽ như là
Nghi ngờ nhau mãi vẫn là Kim Cương
Ông đi đau xiết vui buồn
Một mình ở lại muôn trùng em yêu”.

Đời thực không thoả, chỉ ở trong thơ, Bùi Giáng mới gọi Kim Cương là “em yêu” và xưng “anh”. Dự cảm giờ phút ly biệt sắp tới, đành hẹn “em yêu” đến kiếp sau:

“Kiếp sau gặp lại, anh Bùi Giáng chỉ mong được Kim Cương cho phép anh Bùi được làm đầy tớ trung thành tuyệt đối của Kim Cương”

Kim Cương – trọn vẹn ân tình

Nếu Bùi Giáng dùng cả đời mình để yêu Kim Cương bằng thứ tình yêu kỳ lạ, không mệt mỏi, thì kỳ nữ Kim Cương cũng dành cho ông một thứ tình cảm đặc biệt chan chứa yêu thương, bao dung và đầy kiên nhẫn dành cho một người điên.

Mấy chục năm đã trôi qua, ngay cả sau khi Bùi Giáng đã mất, Kim Cương vẫn giữ kỹ những bài thơ mà ông đã viết tặng cho mình. Cả đời bà cũng được coi là sống trọn vẹn ân tình với người thương mình. Dù không thể yêu một người đàn ông như Bùi Giáng, nhưng Kim Cương đã thực sự xúc động trước tình cảm của Bùi Giáng dành cho bà. Bà tâm sự: “Vì lẽ đó tôi mới tiếp ông ấy mỗi khi ông ấy tới đập cửa đó chứ. Nhiều người nói Bùi Giáng mắc nợ tôi, tôi bảo chưa biết ai mắc nợ ai”.

Dù điên hay tỉnh, ông luôn nhớ rất rõ số điện thoại và số nhà của Kim Cương. Bất kỳ lúc nào gặp rắc rối với công an, bệnh viện, hay mắc kẹt chỗ nào đó,.. ông đều chỉ đọc địa chỉ nhà và số điện thoại của Kim Cương. Bởi vậy, Kim Cương cũng không ít lần phải đứng ra giải quyết rắc rối cho Bùi Giáng. Bà nhớ lại:

“Nhiều lần ông đứng giữa đường dang tay làm “chim bay, cò bay” la hét làm kẹt xe, công an tới bắt, hỏi cách gì ông cũng chỉ nói một câu: “Mẫu thân của tôi là Kim Cương, ở số… Hoàng Diệu, điện thoại 844…”.

Thế là công an réo gọi tôi để đi lãnh ông ra. Chuyện đó xảy ra không biết bao nhiêu lần. Có khi ông té bị thương, người ta chở vô bịnh viện, ông cũng chỉ “khai báo” y như vậy.

Bịnh viện lại réo tôi đến. Hoặc những lúc ông lên cơn, có khi vô quậy cả đám cưới nhà người ta, tôi bị người ta gọi điện đến đưa ông về.

Thậm chí có một buổi ông xuất hiện trước nhà với tóc tai mặt mũi đầy máu vì mới bị ai đó đánh. Tôi hoảng hốt gọi xích lô cho ông đi cấp cứu nhưng ông không chịu.

Ông nói: “Chừng nào cô chịu lên xích lô đi với tôi thì tôi mới đi”. Tôi đành phải gọi một chiếc xích lô đi cùng ông, vừa ngồi xe vừa nghe ông nói chuyện trên trời dưới đất không một cảm giác đau đớn nào. Những lúc tỉnh táo, ông nói với tôi: “Cô nhơn hậu lắm cô mới chịu nói chuyện với tôi tới giờ này!”.

Kim Cương kể là mỗi năm Bùi Giáng đến nhà bà vài chục lần, chẳng cần biết bà đang có chồng, có con, hay đang sống với ai, có khi một hai tuần lại đến một lần, có khi cả tháng. Mỗi lần như vậy, nếu ở nhà bà đều mở cửa cho ông vào. Khi tỉnh thì ông ăn bận lịch sự đến thăm bà, còn khi điên thì đầu bù tóc rối trên người lủng lẳng đủ thứ nào ống bơ, cờ quạt, vòng hoa,.. đôi khi treo cả nải chuối trước ngực. Có lần, con trai 5 tuổi của Kim Cương thấy Bùi Giáng tới thì ngây thơ reo lên: “Mẹ ơi, sao bác này giống cái xe hoa quá?”

Tháng 8 năm 1998, Kim Cương bàng hoàng nhận được tin báo từ gia đình Bùi Giáng. Ông bị té chấn thương nặng, nằm hôn mê trong bệnh viện chợ Rẫy. Kim Cương lập tức thu xếp chạy vào thăm ông, dù chỉ còn 1% hy vọng, bà bàn với gia đình để bác sĩ phẫu thuật cho ông. Nhưng tiếc rằng, Bùi Giáng không thể qua khỏi.

Kim Cương trong đám tang Bùi Giáng

Đám tang được tổ chức tại chùa Vĩnh Nghiêm. Bạn bè, thân hữu hầu hết đều có mặt đưa tiễn. Theo ý nguyện của gia đình Bùi Giáng, Kim Cương nhận lời làm chủ lễ tang. Trước giờ hạ huyệt, bên lĩnh cữu Bùi Giáng, Kim Cương mới có dịp bộc bạch lòng mình cùng ông:

“Thưa ông Bùi Giáng! Đời ông là một đời giang hồ, chỉ biết yêu thương mọi người và mong được mọi người yêu thương lại. Mấy hôm nay, với bao tình cảm thương tiếc của bạn bè cũng như mọi người dành cho ông, chắc ông cũng mãn nguyện rồi. Riêng tôi có ba điều cảm ơn ông:

Thứ nhất, ông đã để lại một sự nghiệp thơ ca ẩn mật cho muôn đời sau.

Thứ hai, cảm ơn mối tình đơn phương 40 năm ông dành tặng tôi, tới giờ tôi có thể nói đó là mối tình lớn, ông là người yêu tôi chung thủy nhất, lâu dài nhất.

Thứ ba, cảm ơn vì ông đã cho tôi một bài học rằng dù điên hay tỉnh, giàu hay nghèo, già hay trẻ, trong lòng mỗi người đều phải có một mối tình chân thật để sống”.

Dù danh vọng đủ đầy thành tựu, con đường tình yêu của Kim Cương lại trắc trở, không trọn vẹn. Chẳng có người đàn ông nào dành cả đời trọn vẹn để yêu bà bằng thứ tình yêu thuần khiết, không vụ lợi như Bùi Giáng. Có lẽ bởi vậy nên dù không thể đáp lại tình yêu đó, Kim Cương vẫn luôn trân trọng tình yêu của chàng thi sĩ điên dành tặng cho mình suốt 40 năm ròng. Bà tâm sự: “Trong cuộc đời tôi, cái hạnh phúc có được tình yêu của Bùi Giáng là hạnh phúc chưa bao giờ bị hụt hẫng. Tình yêu kỳ dị của ông là duy nhất của nhân loại thì cái hạnh phúc tôi có được từ tình yêu của ông cũng là một thứ châu báu có một không hai”.

Trong cuốn hồi ký của mình, Kim Cương đặt Bùi Giáng ở một vị trí trang trọng, yêu thương, và thấp thoáng cả lòng biết ơn dành cho ông. Xin phép mượn lời bà để khép lại câu chuyện tình kỳ lạ, lạng mạn và vô cùng thuần khiết này.

“Trong cuộc đời tôi, cái hạnh phúc có được tình yêu của Bùi Giáng là hạnh phúc chưa bao giờ bị hụt hẫng. Tình yêu kỳ dị của ông là duy nhất của nhân loại thì cái hạnh phúc tôi có được từ tình yêu của ông cũng là một thứ châu báu có một không hai.

Nhiều người không hiểu tại sao ông Bùi Giáng điên mà lại thương tôi gần 40 năm và cũng không hiểu sao ông ấy điên mà tôi lại tử tế với ông ấy suốt thời gian đó trong khi tôi không hề đáp lại. Đối với tôi, trên thế gian không có gì đẹp và thiêng liêng bằng tình yêu, miễn là yêu chân chính”.

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version