Mối tình đầu tinh khôi trong ca khúc “Tuổi Mười Ba” của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên (thơ Nguyên Sa) – “Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc…”

Nhắc đến danh ca Thái Thanh có thể kể ra một loạt ca khúc bất hủ gắn liền với tên tuổi của bà. Trong số đó, có một ca khúc rất đặc biệt được nữ danh ca hát từ thời trẻ tới tận những năm cuối đời, ở tuổi thất thập cổ lai hy, vẫn được bà thể hiện một cách đáng yêu và duyên dáng lạ kỳ, khó ai có thể sánh bằng. Đó là ca khúc Tuổi 13 được nữ danh ca hát trong liveshow cuối cùng của bà vào năm 2006 khi bà đã 73 tuổi, số tuổi đã nhiều gấp gần 6 lần số tuổi của nhân vật trong ca khúc. Điều đó chứng minh sức sống mãnh liệt, bất hủ của tiếng hát Thái Thanh và nhạc phẩm Tuổi 13.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click


Click để xem Thái Thanh hát Tuổi 13 trong liveshow cuối cùng

Tuổi 13 ban đầu là một sáng tác thơ của thi sĩ Nguyên Sa được tác giả viết vào năm 1971, sau đó nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên phổ nhạc và ra mắt công chúng vào năm 1974 trong băng nhạc đầu tiên của riêng ông cộng tác với một loạt danh ca thượng thặng như: Thái Thanh, Duy Trác, Khánh Ly, Lệ Thu, Thanh Lan, Châu Hà… Cùng với thành công lớn của băng nhạc này, bài Tuổi 13 cũng trở thành ca khúc được yêu thích, mến mộ ngay từ lần đầu tiên ra mắt công chúng qua tiếng hát của nữ danh ca Thái Thanh.


Click để nghe Thái Thanh hát Tuổi 13 năm 1974

Nguyên gốc bài thơ Tuổi 13 của thi sĩ Nguyên Sa khá dài, có đến 11 khổ thơ. Tuy nhiên, khi chọn thơ để phổ nhạc, nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên đã tóm gọn lại, chỉ lấy 4 khổ gồm: hai khổ đầu tiên, khổ thứ 8 và khổ cuối cùng:

Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng
Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay
Trời nắng ngạt ngào… tôi ở lại đây
Như một buổi hiên nhà nàng dịu mát

Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba
Tôi phải van lơn ngoan nhé! đừng ngờ
Tôi phải van lơn ngoan nhé! đừng ngờ

Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Anh thay mực cho vừa mầu áo tím

Rồi trách móc trời không gần cho tay với
Và cả nàng hư quá sao mà kiêu…
Nên đến trăm lần nhất định mình chưa yêu
Nên đến trăm lần nhất định mình chưa yêu 

Kết cấu nội dung của bài thơ và bài nhạc tương tự nhau ở phần đầu và phần kết không thay đổi, còn phần giữa thì được lược gọn đi.

Nói về ảnh hưởng của thơ Nguyên Sa trong âm nhạc của mình, nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên từng tâm sự: “Trong tất cả bốn thập niên viết nhạc, thơ Nguyên Sa lúc nào cũng bàng bạc trong dòng nhạc của tôi”. Thật may mắn, chính nhờ sự đồng điệu đó của hai tâm hồn thơ – nhạc mà công chúng yêu nhạc có một nhạc phẩm Tuổi 13 bất hủ, sống mãi với thời gian.

Nếu ai đó bảo rằng thơ Nguyên Sa là một cuốn từ điển sống động về tình yêu, đặc biệt là thứ tình yêu đầu đời học trò trong trẻo tinh khôi thì chắc hẳn rất nhiều người sẽ đồng tình. Những đôi tình nhân trong thơ Nguyên Sa thường được đặt trong những bối cảnh yêu đương tình tự lãng mạn, giàu hình ảnh, và phảng phất quanh đó là những câu triết thuyết tình yêu mà ai cũng sẽ thấy mình trong đó. Tuổi 13 cũng không nằm ngoài dòng chảy sáng tạo đó.

Ngay từ những câu hát đầu tiên đã hé mở về một buổi đợi chờ, đón đưa lãng mạn của một mối tình non trẻ. Chàng trai trong lúc thơ thẩn đứng chờ cô gái, vu vơ nhìn trời mây tự hỏi: “Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng?”. Đằng sau lời hỏi nắng mưa hẳn là một  tâm trạng rối bời, trông ngóng bóng dáng nàng thơ. Chắc hẳn là giờ hẹn (hoặc giờ nàng thường đi ngang) đã đến mà bóng dáng cô gái vẫn chưa thấy đâu, nhưng thay vì hỏi thẳng nàng có đến hay không thì chàng trai lại e thẹn giấu tâm trạng của mình vào mưa nắng.

Chàng thi sĩ Nguyễn Bính xưa kia bảo rằng: “Nắng mưa là chuyện của trời, tương tư là chuyện của tôi yêu nàng.” thì ở đây Nguyên Sa cũng vậy, chỉ là kín đáo hơn, ý nhị hơn:

Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay
Trời nắng ngạt ngào… tôi ở lại đây 

Dù trời có mưa xuống thì “tôi” cũng “chả về”, mặc cho mưa to gió lớn, mặc cho “bong bóng vỡ đầy tay”, và nếu “trời nắng ngạt ngào”  thì “tôi” cũng sẽ… “ở lại đây”. Chẳng gì có thể làm thay đổi tình yêu của “tôi” dành cho nàng, dù mưa hay nắng, dù nàng đến sớm hay đến muộn, dù nàng có không ngang qua… Thứ tình yêu trong trẻo, ngọt ngào, trinh nguyên, dìu dịu vừa chớm nở của tuổi thơ ngây được ví von thật khéo léo bằng một hình ảnh đầy sáng tạo: “Như một buổi hiên nhà nàng dịu mát”. 

Trong mạch cảm xúc tương tư, chàng trai hồi nhớ lại một hôm rất trớ trêu khi phải vỗ vễ, trấn an “tình yêu” tuổi 13 của mình:

Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba
Tôi phải van lơn ngoan nhé! đừng ngờ
Tôi phải van lơn ngoan nhé! đừng ngờ

Tại sao lại chọn ngày 15 hay 18 mà không phải là ngày nào khác? Ấy là vì hai ngày này là hai ngày trăng khuyết trước và sau, sát sít với những ngày trăng tròn hiếm hoi trong mỗi tháng. Một hình ảnh ẩn dụ khéo léo để kể về mối tình “trăng khuyết” chưa kết duyên viên mãn.

Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba”, đây chính là mấu chốt gay cấn nhất trong cuộc tình của chàng trai. Chàng trai thì đã trưởng thành nhưng cô gái thì mới vừa thoát vai một đứa trẻ. Trong những gia đình tri thức, nề nếp gia phong, những cô con gái măng tơ như vậy thường được dạy dỗ rất kỹ càng, bảo bọc rất kỹ lưỡng để tránh không bị rơi vào lưới tình quá sớm khi chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt. Và cô gái tuổi 13 trong nhạc phẩm dường như đã tự đặt quanh mình một thành trì kiên cố những “ngờ vực”, khiến anh chàng si tình chật vật tiếp cận.

Hai câu hát nối tiếp, được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên lặp đi lặp lại: “Tôi phải van lơn ngoan nhé! đừng ngờ” bộc lộ những khía cạnh hài hước, oái oăm trong cuộc tình của chàng trai trẻ với cô gái vừa mới lớn. Nhưng dẫu có nhiều éo le như vậy, chàng trai vẫn kiên định theo đuổi tình yêu của mình:

Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Anh thay mực cho vừa mầu áo tím

Ai đã đi qua những năm tháng học trò áo tím của những năm 60-70 của thế kỷ trước, khi nghe 4 câu hát này hẳn sẽ không khỏi bồi hồi xúc động. Tất cả đều là những hình ảnh, màu sắc thân thương, gắn bó một thời trong sân trường: màu vàng của hoa cúc, màu xanh của lá sân trường, màu trắng của những cánh thư từ vở học trò, màu tím của bút mực và của áo dài nữ sinh.

Những câu chữ, hình ảnh rồng rắn nối tiếp tựa như một cuộc theo đuổi ngoạn mục, kiên nhẫn, không mệt mỏi của chàng trai trẻ. Chàng trai liên tục thì thầm vào tai cô gái những lời tình tự lãng mạn như muốn hứa hẹn rằng: nếu em thế này thì anh sẽ thế kia. Anh sẽ làm đủ mọi cách để được em yêu, để làm vừa lòng em. Thậm chí nếu em bảo rằng đôi ta chênh lệch quá, không vừa vặn; sợ tấm chân tình của anh không thể khuấy động tình yêu trong em thì anh cũng sẽ “thay mực”, thay đổi cho vừa “mầu áo tím”, cho vừa lòng em. Chàng trai đã đem cả tấm chân tình của mình hiến dâng cho cô gái không mệt mỏi, so đo chỉ mong nhận được cái gật đầu của cô. Nhưng tất cả những điều đó dường như đều chẳng thể lay chuyển được cô gái nhỏ kiên định.

Rồi trách móc trời không gần cho tay với
Và cả nàng hư quá sao mà kiêu…
Nên đến trăm lần nhất định mình chưa yêu
Nên đến trăm lần nhất định mình chưa yêu 

Chàng trai đành trách ông trời không cúi xuống se duyên phận và “trách yêu” cô gái nhỏ “hư quá sao mà kiêu”, nhìn nhỏ nhắn, ngây thơ vậy mà sao “tán mãi không đổ”. Mặc cho chàng có ngỏ lời đến trăm lần thì vẫn cứ lắc đầu ngúng nguẩy: “nhất định mình chưa yêu”. 

Mối tình thơ ngây tuổi 13 ngỡ như dễ dàng lại khiến chàng trai tốn bao công sức theo đuổi, đã chẳng thể có một kết cục viên tròn như ý muốn. Lời hát kết thúc bằng cái lắc đầu nguầy nguậy đáng yêu của cô gái nhỏ để lại những dư âm dịu ngọt trong lòng chàng trai và bao thế hệ yêu thơ nhạc.


Click để nghe Tuấn Ngọc hát Tuổi Mười Ba

Có thể nói, nếu coi bài thơ của thi sĩ Nguyên Sa là cuốn tiểu thuyết dày với nhiều tình tiết lôi cuốn, thì bản nhạc Tuổi 13 của nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên chính là bản phim điện ảnh với những lát cắt sắc ngọt, ấn tượng, dù phải bỏ bớt đi nhiều chi tiết của văn chương cho phù hợp với điện ảnh, nhưng vẫn đủ sức truyền tải, thăng hoa hồn cốt chính của tác phẩm gốc. Và Ngô Thuỵ Miên bằng tài năng âm nhạc của mình, đã có công rất lớn góp phần đưa Tuổi 13 của Nguyên Sa đến gần hơn với công chúng yêu nghệ thuật.

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version