Mạnh Quỳnh – tác giả bài hát Gõ Cửa và câu chuyện trùng nghệ danh ít người biết

Từ trước đến nay, những người yêu nhạc vàng và nhạc hải ngoại đều biết đến tên tuổi ca sĩ Mạnh Quỳnh, nổi tiếng từ thập niên 1990. Nhưng ít người biết ca sĩ Mạnh Quỳnh sau năm 1975 này đã sử dụng nghệ danh của một ca sĩ – nhạc sĩ có cùng tên Mạnh Quỳnh, vốn nổi tiếng từ trước năm 1975 khi song ca với ca sĩ Giáng Thu. Ngoài ra Mạnh Quỳnh trước năm 1975 cũng là tác giả của bài hát quen thuộc có câu mở đầu: “Nếu có lần em gõ cửa ghé thăm…”


Bài hát Gõ Cửa – Thanh Tuyền hát trước 75

Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam trước và sau năm 1975, rất hiếm trường hợp các ca sĩ có nghệ danh trùng nhau. Thông thường ca sĩ thế hệ sau sẽ tránh lấy nghệ danh trùng với ca sĩ thế hệ trước. Vì vậy cô học trò của nhóm Lê Minh Bằng có tên là Trương Thị Mỹ Dung đã lấy nghệ danh Trang Mỹ Dung để tránh trùng tên với ca sĩ Mỹ Dung thời đó (tuy Mỹ Dung không phải là ca sĩ nổi tiếng), hoặc ca sĩ Trang Thanh Lan lấy thêm chữ Trang để tránh trùng tên với danh ca Thanh Lan. Ca sĩ Ngọc Lan trưởng thành sau năm 1975, tên thật là Lê Thanh Lan đã chọn nghệ danh Ngọc Lan để tránh nhầm lẫn với ca sĩ thế hệ trước.

Tuy nhiên, có một sự trùng lặp và nhầm lẫn đáng tiếc về nghệ danh giữa hai ca sĩ, đó là ca sĩ – nhạc sĩ Mạnh Quỳnh trước 1975, tác giả của bài hát Gõ Cửa – Một Lần Ghé Thăm (trước năm 1975) và ca sĩ sau 1975 của trung tâm Thúy Nga là Mạnh Quỳnh (tạm gọi là Mạnh Quỳnh trẻ). Tác giả bài viết này đã đến gặp và trò chuyện với ca sĩ – nhạc sĩ Mạnh Quỳnh (trước 75) để tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của ông, cùng với hoàn cảnh sáng tác của bài hát nổi tiếng Gõ Cửa (bài hát mà nhiều người cũng đã nhầm lẫn là do Mạnh Quỳnh trẻ sáng tác).

Hình ảnh ca sĩ – nhạc sĩ Mạnh Quỳnh trong bìa sau tờ nhạc bài hát Gõ Cửa phát hành trước 1975

Ca sĩ – nhạc sĩ Mạnh Quỳnh, tên thật là Nguyễn Đình Mạnh, sinh năm 1951 tại Hà Nội. Ông là môn sinh khóa đầu tiên của lớp nhạc Lê Minh Bằng (nhóm nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng), học chung cùng các ca sĩ Giáng Thu, Tài Lương (chị của nghệ sĩ cải lương Tài Linh), Quốc Anh (sáng tác bài Ngày Xuân Vui Cưới), Ngọc Đan Thanh (ca sĩ – MC của trung tâm Asia)… Mạnh Quỳnh học lớp nhạc này trong 3 năm, bắt đầu từ năm 15 tuổi (1966).

Nói về nghệ danh Mạnh Quỳnh, ông kể rằng trong một buổi học nhạc, đến buổi dạy của nhạc sĩ Minh Kỳ, ông đã nhờ thầy của mình đặt cho một nghệ danh để đi hát sau này. Nhạc sĩ Minh Kỳ thấy học trò tên là Mạnh, nên đã lấy chữ Mạnh ghép thêm chữ Quỳnh để thành nghệ danh Mạnh Quỳnh. Khi được hỏi vì sao lại là “Quỳnh”, thì ca sĩ Mạnh Quỳnh nói rằng ông cũng biết vì sao thầy của mình chọn tên đó, chính nhạc sĩ Minh Kỳ cũng không nói rõ lý do, mà chỉ chọn ngẫu nhiên, có thể vì tên này nghe thuận tai.

Mạnh Quỳnh thời trẻ

Trước khi nổi tiếng, Mạnh Quỳnh cùng các người học trò khác của nhóm Lê Minh Bằng đã được các thầy cho rèn luyện giọng bằng việc thường xuyên được hát trên đài phát thanh, sau đó là xuất hiện trong các đĩa nhạc Sóng Nhạc được phát hành vào cuối thập niên 1960.

Kỷ niệm chương năm 1969 của hãng Asia Sóng Nhạc tặng cho ca nhạc sĩ Mạnh Quỳnh (Ảnh do Mạnh Quỳnh cung cấp cho nhacxua.vn)

Các thầy trong nhóm nhạc sĩ Lê Minh Bằng cũng đã ghép hai người học trò Mạnh Quỳnh – Giáng Thu thành đôi song ca nổi tiếng trước 75 với các bài hát Tuyết Lạnh, Hai Đứa Giận Nhau… Thời điểm đó, các đôi song ca nhạc vàng đang rất được ưa chuộng, điển hình là Hoàng Oanh – Trung Chỉnh, Chế Linh – Thanh Tuyền…


Mạnh Quỳnh song ca Giáng Thu bài Tuyết Lạnh (trước 75)

Vào 1968, khi Mạnh Quỳnh 17 tuổi, xảy ra sự kiện Tết Mậu Thân năm 68, dẫn đến việc chính quyền thực hiện tổng động viên. Theo lệ thường, tuổi lính thời đó là 21 tuổi (trong bài hát nổi tiếng Biển Mặn, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã viết: nên năm 21 tuổi, tôi đi vào quân đội…), nhưng năm 1969, khi Mạnh Quỳnh mới 18 tuổi đã đi học lính không quân ở Biên Hòa (cùng với ca sĩ Anh Khoa).

Năm 1968 cũng là thời điểm Mạnh Quỳnh sáng tác bài hát nổi tiếng Gõ Cửa – Một Lần Ghé Thăm (được ca sĩ Thanh Tuyền thu trong đĩa Sóng Nhạc 2). Nói về hoàn cảnh sáng tác, Mạnh Quỳnh cho biết ông đã tưởng tượng ra câu chuyện bài hát dựa theo sự kiện có thật trong cuộc đời ông, đó là ông phải vào quân đội sớm, nên khi người yêu ghé thăm, gõ cửa thì hai người đã không gặp được nhau:

Nếu có lần em gõ cửa ghé thăm
Gác vắng điều hiu khung cảnh âm thầm
Em ơi người xưa đã ra đi
Không gặp em phút phân ly
Không cho sầu thương đổ bờ mi…

Khi Mạnh Quỳnh đi học tại phi trường Biên Hòa, ông gặp và cưới vợ tại đây, cùng chung sống với vợ cho đến ngày nay.

Sau 1975, Mạnh Quỳnh theo đoàn hát vài lần, nhưng ông cho biết là việc theo đoàn hát khắp các miền là rất cực khổ, nên sau đó ông đi làm ở công ty Casumina trong 30 năm. Năm 2011, Mạnh Quỳnh được bảo lãnh và đi định cư ở San Jose, Hoa Kỳ. Tuy nhiên ông cho biết chỉ chưa đến 2 năm sau thì ông trở về lại Saigon sinh sống do không quen được với cuộc sống công nghiệp ở Mỹ.

Nói về nghệ danh Mạnh Quỳnh và việc bị trùng tên với ca sĩ Mạnh Quỳnh trẻ sau này, Mạnh Quỳnh trước 1975 cho biết việc tạo dựng được nên một tên tuổi được công chúng biết đến là rất gian nan. Cái tên Mạnh Quỳnh phần nào được công chúng hồi trước năm 1975 biết đến. Tuy nhiên ca sĩ Mạnh Quỳnh trẻ đã sử dụng lại tên tuổi của ông đã làm cho nhiều người nhầm lẫn là một sự việc đáng tiếc.

Xuất phát của việc trùng nghệ danh Mạnh Quỳnh này, hồi vào đầu thập niên 1990, một chàng trai trẻ có tên thật là Nguyễn Thanh Dũng mới sang định cư tại Mỹ, yêu thích ca hát, được ký hợp đồng với trung tâm âm nhạc có tiếng thời bấy giờ là Người Đẹp Bình Dương. Khi chọn nghệ danh để phát hành nhạc ra công chúng, vì yêu thích bài hát Gõ Cửa của nhạc sĩ Mạnh Quỳnh trước 1975 mà anh Nguyễn Thanh Dũng đã chọn nghệ danh là Mạnh Quỳnh, để rồi từ đó được công chúng yêu mến với nghệ danh này. Thời điểm đó ca sĩ – nhạc sĩ Mạnh Quỳnh trước 75 đã ngừng đi hát và đang làm công việc hành chính ở Casumina nên công chúng không biết đến tin tức của ông. Chính Nguyễn Thanh Dũng (tức Mạnh Quỳnh trẻ) cũng tưởng là Mạnh Quỳnh đã qua đời sau nhiều biến đổi của thời thế.

Cho đến nay, rất nhiều khán giả trẻ vẫn còn nhầm lẫn giữa hai người có cùng nghệ danh Mạnh Quỳnh, nên Mạnh Quỳnh trước 1975 cho biết khi ông đi hát phòng trà, có một sự bất tiện là ông phải luôn tự giới thiệu là “Mạnh Quỳnh gõ cửa” để phân biệt với Mạnh Quỳnh trẻ sau này. Ngoài ra có nhiều bài hát được đăng tải trên các website âm nhạc do Mạnh Quỳnh trước 75 hát, nhưng hình ảnh hiện ra lại là Mạnh Quỳnh trẻ.

Vợ chồng ca nhạc sĩ Mạnh Quỳnh

Mạnh Quỳnh song ca cùng Trang Mỹ Dung

Hiện nay Mạnh Quỳnh trước 1975 sống hạnh phúc cùng vợ tại Saigon, thỉnh thoảng vẫn đi hát phòng trà cùng với những ca sĩ trước 1975. Ông cho biết chỉ với một bài hát Gõ Cửa, tên tuổi của ông vẫn được công chúng nhắc đến sau nửa thế kỷ, là một niềm vui và vinh dự trong cuộc đời nghệ sĩ của mình.

Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version