Lược sử hình thành và phát triển tân nhạc Việt Nam (bài viết của nhạc sĩ Thẩm Oánh năm 1963)

Hồi 1936-37, ở Hà Nội, khi viết được vài bản nhạc theo phương pháp ký âm Tây phương, có nhạc điệu na ná hơi Bắc hơi Nam, nhịp nhàng theo loại khiêu vũ Âu Tây, tôi bèn sốt sắng “tìm bạn hợp đàn”; lại có thêm sự may mắn được một số bạn đồng ý, kẻ thì họa điệu theo, người thì hoan hỉ họp nhau để đàn lên những điệu mới lạ ấy, trước còn e dè đờn ca trong các “phòng khách”, được “mở” theo “phong trào Salon”. Sau rồi, có một ngày liều lĩnh, kéo nhau cả lên sân khấu, giúp hội Thiện, để gây nên một dư luận khá sôi nổi tại đất “ngàn năm văn vật”, trở thành một phong trào, lan tràn từ Bác chí Nam, từ cái ngày khởi thủy xa xưa ấy, (ngày 13 tháng 9 năm 1938, Ban Myosotio trình bày ca nhạc của Dương Thiệu Tước và Thẩm Oánh, giúp Hội Ánh Sáng xây dựng Nhà Rẻ Tiền) tới nay, đằng đẵng đã có một phần tư thế kỷ, đoái nhìn quá khứ thấy còn bàng bạc hơi sương, ngó vào hiện tại: nửa mừng, nửa lo để mà hi vọng một tương lai sáng sủa.

Vấn đề Nhạc lại được đặt ra, lúc này, thực rất thích hợp. Nói vậy không phải là vấn đề chẳng hề được nghĩ đến bao giờ mà trái lại, kể từ ngày có tờ báo đầu tiên về âm nhạc là Tờ Bán Nguyệt San Khuyến Nhạc (1945-46), và kế đến, tờ Việt Nhạc (1948-1950), vấn đề đã được đề cập đến quá nhiều lần. Các chương trình, từ huấn luyện âm nhạc cho đại chúng đến giáo dục âm nhạc thuần túy, đã được nêu lên, với đầy rẫy phương pháp tổ chức, kế hoạch thực hiện… để rồi các đoàn thể có lòng với nhạc đã lần lần hăng hái hoạt động cho Nhạc, gây thành một phong trào rất bành trướng trong mọi tầng lớp thanh niên hồi đó, mà bắc cầu quá khứ, nối liền hiện tại, cho loan truyền đi ý nhạc Việt Nam vang vọng khắp bốn phương trời, để trên mảnh đất vun bồi từ 25 năm có lẻ ấy, một Nhạc Đài đồ sộ nguy nga đã được xây dựng lên, giao phó cho các bậc Cao Nhân thế hệ hôm nay, thực hiện cái mộng của lớp người cũ kỹ năm xưa, ẩn hiện hậu trường, tỏ mờ dĩ vãng.

Thực vậy, kể từ thuở ban sơ của nền Việt Nhạc, lớp thanh niên hiếu nhạc (ngoài Bắc) đã được hòa mình vào mọi hoạt động của hội Khuyến Nhạc, từ năm 1943 đến 1948; nào là trong các lớp xướng nhạc pháp, lớp ca, lớp bát phổ thông mở công cộng tại các Công viên, lớp đàn (Piano, Violon), liên tục khóa này qua khóa khác; nào là: trong các buổi hòa nhạc, với chương trình trình diễn phối hợp Nhạc Tây Phương có dẫn giải, với Nhạc Việt-Nam (cả cổ lẫn cải cách) luôn luôn được tổ chức tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, (ví dụ: bài “Sur le Marché Persan” tức “Trong chợ Ba Tư” có nói đến trong số trước, đã được trình bày dẫn giải hơn một lần từ năm 1945 tại Hà Nội). Bên cạnh Hội Khuyến Nhạc, lại còn có thêm các nhóm khác, cũng hoạt động không kém phần tích cực, nào là: Âm Nhạc Học Xá, Nhạc Đoàn Lê Bảo Tịnh v.v… cùng ra sức đẩy mạnh cao trào âm nhạc. Rồi tiếp đến hoạt động của Ban Việt Nhạc (từ 1948 đến 1953): hết thảy điều gì hữu ích cho sự truyền bá và giáo dục âm nhạc, Ban này đã gắng cần cù thực hiện, (ví dụ: những lớp Sáo, Harmonica, có thấy để nghị trở lại trong số trước, Ban Việt Nhạc đã cho mở tại Hà Nội, từ ngày 5/8/1948, với 230 nhạc sinh theo học lúc đầu). Kịp tới khi, Đài Phát Thanh Hà Nội được trao trả cho Việt Nam, thì nguồn nhạc mới đã được phát triển ngày mỗi thêm mãnh liệt; Ban Việt Nam đã đóng góp khả quan cho sự trưởng thành của nền Tân Nhạc Việt Nam (nhất nhất mọi chương trình, mọi hoạt động đều có đăng tải trên Bán Nguyệt San Việt Nhạc, xuất bản tại Hà Nội, từ 1948 đến 1950).

Cho tới 1954, nền Việt Nhạc tưởng đã có đà xây dựng cơ sở vững vàng. Danh từ “Âm nhạc cải cách” được đã nghị xóa bỏ, thay thể bằng “Tân Nhạc Việt Nam”. Giờ dạy âm nhạc, tức xướng nhạc pháp ở các Trường đã hoàn toàn giảng bằng tiếng Việt, các danh từ chuyên môn đã được nghiên cứu dịch ra tiếng Việt; sách giáo khoa âm nhạc cũng được soạn bằng tiếng Việt, dùng quen dần cho tới ngày nay.

Ngó về địa hạt “sáng tác” thì bản nhạc đã thấy ấn hành quá nhiều, như bướm nở. Qua luồng điện phát thanh, bản nhạc được phân ra từng loại, để xây dựng chương trình. Loại bài ca “lịch sử”, “thanh niên” hoặc “hùng ca” được cổ súy mãnh liệt. Trong báo Việt Nhạc, mỗi số đều có in ít nhất là một bài thuộc các loại kể trên. Nhưng… thính giả lại chỉ thích nghe đờn ca loại du dương, mơ mộng, để các vấn đề gọi là “lành mạnh hóa luồng điện phát thanh” vẫn thỉnh thoảng lại được đặt ra, mà vẫn chưa… “gọn điệu”. Lối trình diễn “chia câu” bị đào thải dần dần. Đa số các bài trình diễn phát thanh đã có phần hòa âm. Sổ cương Ban Việt Nhạc, tới 1954, đã có trên 2.000 bản nhạc được trình diễn phát thanh. Số nhạc sĩ sáng tác, lẻ tẻ dăm bảy người hồi 1937-38, đã lên tới trên 120 người. Và các ca nhạc sỹ ưu tú của Hà Nội thanh lịch đã qui tụ cả ở Đài, để chân thành phụng sự Quốc Gia, qua ngành Âm nhạc.

Đà tiến triển ấy bị gián đoạn vì sự phân chia đất nước cuối năm 1954.

Di cư vào Nam, con người nhạc sỹ của Hà Nội hôm qua đã quá ngỡ ngàng trước luồng sóng nhạc cuồng nhiệt, vang dội lên tiết điệu hăng nồng của loại khiêu vũ giật gân, hầu như muốn đánh bạt cả đi cái gì gọi là “dân tộc tính”, mà nhạc giới đang cố công gây dựng. Công cuộc lấy lại dân tộc tính, cho nền Tân nhạc, hồi đó, thật là cả một vấn đề; do đó đã nảy sinh ra loại “Dân ca Mambo” lê lét cả một thời gian đằng đẵng.

Định cư xong, con người nghiệp chướng lại hăng hái cần cù hoạt động cho nhạc. Hòn Ngọc Viễn Đông này thực xứng đáng cho sự phát huy âm nhạc. Người ta rất ưng nghe ca nhạc, người ta hăm hở đi học nhạc, lớp nhạc nào mở ra xem chừng cũng sống được. Người ta ưng ca những bài Rumba, Mambo, Cha Cha Cha dễ hát, dễ thuộc. Chán tiết điệu này, thì lại có tiết điệu khác ngay. Điệu Tango, Habanera có ngán thì Bolero bèn xuất hiện, rồi đến Slow Rock đang độ thịnh hành. Nếu Twist không bị cấm, thì có lẽ suốt các dọc đường đã thấy những cặp giò “cà tưng nhún nhảy”, thay vì đi từng bước. Câu “đại chúng chỉ ưa thích cái gì mà họ hiểu được” đã đọc thấy trong số báo trước, phải chăng như vậy được chứng minh?

Thấy Nhạc tại miền Nam được hưởng-ứng hơn là ở ngoài Bắc, con người nhạc sĩ nghiệp chướng bèn lo đề-cập đến điểm cao trọng hơn khi nghe thấy Đài Phát Thanh Sàigòn (hồi đó 1955, dưới quyền điều khiển của ông Đoàn Văn Cầu một vị giám đốc giàu lòng với Văn Nghệ giới) dự định tổ chức Tuần lễ Mozart, theo trào lưu Quốc tế, thì nhóm nhạc sĩ di cư bèn hứng lấy phần tổ chức, huy động nhạc giới, xin thành lập “Việt Nam Nhạc Hội” để lập luôn Giàn nhạc Đại Hòa Tấu đầu tiên, có tới trên 60 nhạc sĩ, và, rất phục thiện, trao chiếc đũa điều khiển tới tay một vị Nhạc Trưởng mới du học Pháp Quốc về, ông Nguyễn Phụng, (đương kim Giám đốc Trường Quốc Gia Âm nhạc và Kịch Nghệ) để lo tập dượt và thực hiện Tuần Lễ Mozart. Ý nhạc cao trọng của nguồn Cổ điển Tây Phương được vang vọng lên dưới khung trời Hòn Ngọc Viễn Đông, đưa luôn đến sự thành công cho ngành Giáo dục Âm Nhạc là: xin mở được Trường Quốc Gia Âm Nhạc hiện nay. Vậy, nguồn nhạc Tây Phương đã có dịp phổ biến, cũng như, sau Tuần Lễ Mozart ấy, hằng năm, tiện dịp, Việt Nam Nhạc Hội cũng có tổ chức ít buổi hòa nhạc Tây Phương, với Giàn Nhạc Đại Hòa Tấu. Khán giả hiểu nhạc ưng đi dự để xem trình diễn tất có lưu giữ ít nhiều kỷ niệm êm vui.

Ngành Giáo dục Âm Nhạc, từ 1956, đã có hình thức hẳn hoi với “Trường Quốc Gia Âm Nhạc” không như mấy năm về trước, co quắp, vất vả, thiểu thốn trong khung cảnh của “Trường Ca Vũ Nhạc Phổ Thông”, nhỏ bé nhưng đầy nghị lực. Thực vậy, nếu muốn nói về ngôi trường giáo dục âm nhạc đầu tiên sau dịp di cư, thì dù muốn dù không cũng phải nhắc nhở tới “Trường Ca Vũ Nhạc Phổ Thông”, trường này đã tiếp tay cho Trường Quốc Gia Âm Nhạc: Số nhạc sinh mãn khóa của Trường Ca Vũ Nhạc Phổ Thông đã là lớp nhạc sinh đầu tiên của Trường Quốc Gia Âm Nhạc. Tới nay, 7 niên học đã qua đi, thành quả lượm hái được tất cũng có phần đáng kể, kinh nghiệm thực với thời gian tất cũng đã có, tương lai nền Việt nhạc tất trông cậy ở nơi đây.

Vậy tiền-đồ nền Việt Nhạc, hay hay dở, một phần lớn là trông chờ nơi lò đào tạo nhạc sĩ thế hệ ngày mai. Căn-bản có vững vàng, thì hoạt động mới có kết quả tốt đẹp. Dù muốn phố biển nhạc Tây Phương rộng rãi, dù muốn phục hưng ngành Quốc nhạc cổ truyền, phương pháp truyền bá đòi hỏi phải có nhân sự giàu kinh-nghiệm khả năng. Còn đâu trau dồi khả năng cho có kết quả, bằng một cơ quan chính thức giáo dục âm nhạc? Những chê bai, lệch-lạc của hôm nay, sẽ được tu chỉnh, tài bồi lại ngày mai bằng những tài ba lỗi lạc mới, do Trường Quốc Gia Âm Nhạc đào tạo cho nhạc giới tương lai.

Khía cạnh Giáo Dục Âm Nhạc là như vậy. Được như vậy, tất gọn được một phần ước vọng tương lai.

Ngó qua khía cạnh khác, nơi được mệnh danh là: có nhiều ảnh hưởng về âm nhạc đối với đại chúng, tức Đài Phát Thanh, ta nhận thấy: thủy chung, Đài bằng làm tròn sứ mệnh của một “Tiếng Nói Nước Việt Nam Cộng Hòa” trong đó, phần Văn nghệ phát thanh dù giải trí hoặc tuyên truyền đã góp công xứng đáng. Thực vậy, từ 1955 đến nay, nhất nhất mỗi chiến dịch, mỗi giai đoạn, Văn nghệ phát thanh đã hùa theo đề tài mà sáng tác rất súc tích, kịp thời. Từng đợt, từng đợt, Văn Nghệ phát thanh đã đi sát với chủ trương, đường lối của Đài. Ngoài ra, Văn Nghệ phát thanh còn được khuyến miễn nên tự chỉnh đốn để, trước là giữ lấy dân tộc tính cho bài bản trình diễn, sau là: cần gắng mà “lành mạnh hóa luồng điện phát thanh”. Văn nghệ phát thanh, gần đây còn muốn hướng tới một mục đích mới: ca nhạc không phải chỉ để tiêu khiển suông. Giải trí cần nhằm mục đích giáo dục. Văn Nghệ phát thanh phải có tác dụng hữu ích cho dân tộc. Thứ nữa, Văn Nghệ phát thanh còn được dành làm món gia vị, giúp thực khách là thính giả tiêu thụ phần thông tin, bình luận… một cách dễ-dàng. Mục đích mới này, thật đã cởi mở cho ngành văn nghệ phát thanh được nâng lên hàng bậc cao hơn trước kia, để mang lấy giá trị phát thanh, văn nghệ. Vậy, ít lâu nay, nhờ chiều hướng mới, văn nghệ phát thanh bèn đi tìm giá trị, đề cởi mở; những bài cũ xa xưa, có một thời, được mang ra trình bày lại. Ý nhạc du dương, óng chuốt tưởng được dịp thỏa mãn người nghe. Nhưng, “điệp khúc dư luận” như tự bao giờ, lại vang ngân, kêu gào đòi có sự lành mạnh và hùng tráng. Văn nghệ phát thanh bèn dung hòa, để gắng giữ lấy cái gì chính xác gọi là phẩm chất văn nnghệ, nhất là cho ngành tân nhạc.

Có thể vì món ca nhạc phát thanh, cổ cũng như tân, nghe đã quá quen nên kém thiết tha, mà thính giả bền ưa chuộng lối ngâm thơ óng chuốt để các buổi thi văn được phát thanh nhiều hơn. Nếu xưa có ai nói rằng “Tâm hồn người Việt ta, là tâm hồn thi sĩ”, thì lời nói ấy đã có được sự chứng minh, qua lớp thính giả quá đông đảo của các Ban Thi Văn, hoặc Thi Nhạc giao duyên. Thính giả, dù là người
Nam, người Trung hay người Bắc, đã lấy làm thích thú khi nghe bình thơ, nói chuyện về thơ, để mặc nhiên thông-cảm ngay, ít khó tính như nghe ca nhạc. Ấy có thể vì tâm trạng người nghe hằng muốn lĩnh hội cái gì êm nhẹ, thoa dịu chút ít những căng thẳng, mệt nhọc hằng ngày. Còn gì thoải mái cho bằng trong giờ phút nghỉ ngơi êm ả nhất trong ngày, khi ngoại cảnh cũng bớt đi tiếng ổn ào của nguồn sinh hoạt luôn luôn “tranh thủ thời gian”, trong phòng ấm cúng, mở máy lên, nghe tiếng tiêu óng chuốt, như nỉ non kể lể tâm tình, để tiếp đến giọng đọc cao cung giới thiệu nguồn thơ kim cổ. Và những áng thơ chọn lọc được phê bình hoa gấm, để cho những giọng điệu luyện ngâm lên. Tiếng đàn điểm giọng chỉ lướt nhẹ nhàng, để tiếng ngâm, tròn vành, rõ chữ bao nhiêu, thì người nghe, nếu thuộc thơ, khe khẽ đọc theo, lại lấy làm thích thú bấy nhiêu.

Phải nói dài dòng chút ít về bộ môn Ngâm Thơ này, là cốt mong đặc biệt lưu ý cơ quan phụ trách giáo dục Âm Nhạc, có nên lắng tai Chung Kỳ, mà mở thêm lớp dạy Ngâm Thơ, gồm thêm cả thể cách phụ họa của Tiêu, Nhạc đệm v.v… Sao cho bộ môn độc đáo này của Việt Nam ta, rất giàu dân tộc tính, sẽ có được phương pháp huấn luyện mền sinh, cho ngành Việt Nhạc khai thác thêm được một thể điệu tuy xưa mà lại là mới, rất có lợi cho kịch thơ sau này.

Văn nghệ phát thanh ít lâu nay còn lo đến cả việc phổ biển Nhạc Tây Phương, có chút ít giải thích. Vậy địa bàn phổmbiển Văn Nghệ cũng có điều mở rộng thêm phạm vi hoạt động.

Như lời tạ lỗi mở đầu, quí bạn nào kiên tâm đọc tới đây, tất đã thấy: đây quả chỉ là bản lược cả quá trình của nền Việt Nhạc. Có đôi ba ý kiến tình cờ đẩy nhẹ theo lời kể, chẳng qua chỉ vì tiện dòng bút, cho lướt theo đi mà thôi. Như vậy, sự e dè thận trọng trong việc phát biểu ý kiến này, tất được coi như là… lạc hậu.

Đành xin nghiêng mình tạ lỗi lần nữa, và cũng xin trả lại vấn đề đặt ra, đọc lại mấy câu hỏi gợi ý, để ráng làm phận sự một thí sinh, thi viết như trên đã xong, nay phải thi nốt phần vấn đáp.

Câu lục vấn I và II xin đã gián tiếp đáp như trên rồi:

Câu III và IV, thì cũng đã gián tiếp trình bày dông dài ở trên. Có điều xin nhấn mạnh thêm để « lấy điểm », là: học gì thì học, bắt chước gì thì bắt chước, cao siêu đến đâu thì cao siêu, công cuộc chấn hưng nền Việt Nhạc phải là phần vụ chính yếu. Học cái hay của người, ngó cái đẹp của người, là để gạn lọc lại, lưu giữ tinh hoa, mà chỉnh trang lấy nền nhạc của mình. Sự khó khăn học hỏi không phải là vấn đề gai góc, miễn có trí, có nghị lực, có người hướng dẫn giàu đức hữu tài. Có sự hướng dẫn chính đính thì bản thân con người theo đòi nhạc nghệ, tất được trau dồi tài nghệ vững vàng.

Khi môn sinh đã hấp thụ được nền giáo huấn của các bậc cầm cân nảy mực giàu đức hữu tài thì sự truyền bá tới đại chúng tất cũng có ảnh hưởng tốt đẹp với phương pháp tốt đẹp.

Nếu chỉ lo phổ biến nhạc Tây phương thì bảng hiệu “Quốc-gia Âm-nhạc” bị bôi đi mắt ròi! Là Tây, là Tầu mất rồi! Là Âu Mỹ mất rồi! Là Quốc Tế mất rồi! Là người Việt, mặc dầu còn đang bị liệt vào hàng dân tộc chậm tiến, chẳng ai mơ ước muốn như vậy cả! Bạn Lê Thương đã hữu lý với câu: “chỉ có nhạc Việt mới có thể là món ăn tinh thần thích đáng cho người Việt”. Và câu sau đây của bạn thực cũng là thâm thúy lắm: “Nếu chỉ muốn phổ biến nhạc Tây Phương thì cái khó khăn đầu tiên là phải là người Tây Phương thì mới đủ hăng hái, năng lực và mới mong có phương tiện làm một công trình lớn lao ấy”.

Qua câu hỏi gợi ý thứ 5, thì như trên đã trình thưa: công cuộc chấn hưng nền Việt nhạc phải được coi là cần thiết, là chính yếu. Với dấn vốn ngàn xưa của ông cha để lại là ngón nhạc cổ truyền, với chút lợi tức mới thầu hoạch được là sự học hỏi, hiểu biết ít nhiều về nhạc Tây Phương, với công cuộc cải cách nhỏ mọn vừa định đoạt xong là sự sáng tác Tân nhạc, tuy còn non kém, nhưng nhất định không yểu mệnh, (vì đã có trên 25 tuổi thọ), ta đem thu góp lại, gạn lọc lại, tìm ra cốt cách, đặt lấy nền tảng, thống nhất quan điểm, phân công trách nhiệm, đoàn kết nhất trí trong cộng đồng đồng tiến, mà chung lo chấn hưng ngành Việt Nhạc từ nay.

Và vấn đề trọng yếu hơn hết, vẫn là vấn đề sáng tác. Nếu bảo rằng: con người nhạc sĩ muốn phục vụ đắc lực cho âm nhạc, cần phải ra mắt đồng bào, thì tất là để trình bày cho đồng bào nghe nhạc, sao cho đồng bào ưa thích tiếng nhạc, ý nhạc của bản nhạc đang trình bày, chứ không phải là để đồng bào xem người nhạc sĩ đánh đàn.

Vậy, nếu cái tiếng nhạc phát âm ra có hay, có chuốt, nhờ ngón nhạc điêu luyện của tay đờn, thì cái ý nhạc của nó tất phải thuộc về bản nhạc, thuộc về sáng tác vậy.

Nói về nhạc cổ truyền của ta, thì ta vẫn đã có sẵn một số lớn bài bản, hằng truyền ngón lại cho nhau, bằng phương pháp này hoặc phương pháp khác, còn lưu giữ mãi mãi, không nên và không thể để mai một đi được.

Nói về Tân nhạc thì, tuy thời gian đã giúp cho khôn lớn, có sự trưởng thành, nhưng … con cái thai nghén ra xem chừng … đa đinh đấy mà sao non dại vẫn hoàn non dại! Đại loại, xưa nay, Tân nhạc vẫn chỉ loanh quanh trong cái loại ca khúc nhỏ nhặt, thường tình khiến cho các vị uyên bác, uyên thâm về Cổ nhạc Tây phương hằng ngó ngàng bằng con mắt khinh khí, hờn tủi lắm, chua xót lắm! Ấy vì người Việt tân nhạc ưng chạy theo thị hiếu của đại chúng, để dễ bề “thương mại hóa” đứa con nhất thời của mình.

Rồi đứa con này vừa mới oe oe, lại tiếp ngay đến tiếng oe oe của đứa khác, dễ dàng, mau mắn vô cùng!

Nếu sáng tác Việt nhạc thường có được những tác phẩm đặc biệt giá trị như loại bài của bà Nguyễn Văn Tỵ, hoặc ít ra, nếu sáng tác Tân nhạc luôn có được những đứa con tinh thần như: Hòn Vọng Phu, Hội Trùng Dương, Con Đường Cái Quan, Một Trời Sao,
Quán Giang Hồ hoặc những ca khúc như: Đêm Tàn Bến Ngự, Giấc Mơ Hồi Hương,
Vương Tơ,… hoặc những bản “dân ca chính đính” (chọn lọc may được chừng một, hai trăm bản) và, gần đây: bản hợp tấu dung hòa cổ-kim của Nhạc Trưởng Nghiêm Phú Phi, nếu có được những sáng tác như vậy thì chẳng ai còn có thể khinh rẻ ngành Tân nhạc được đâu!

Vậy vấn đề sáng tác cần được chăm lo đặc biệt, sớm cải thiện được lúc nào là ngành Tân nhạc được nở mặt, tươi mày lên lúc ấy. Nâng đỡ nó chừng bao thì nó sớm trưởng thành chừng nấy.
Khuyến khích nó nhiều thì nó sẽ vững vàng dần. Hoạch định hướng tiến cho nó với phương pháp hẳn hoi, thì tất nó chẳng còn hoang dại nữa. Sở dĩ nó sinh sinh, hóa hóa, bừa bãi ra như vậy, chỉ vì đời cứ coi chúng như là những đứa con hoang. Hãy đỡ đầu chúng đi, giáo dục lại chúng, tất chúng sẽ hoàn lương tươi tốt như mùa xuân rạng rỡ.

Tới đây, tôi xin tạm ngưng vì như thế cũng vừa đủ trong phạm vi một bài trả lời cuộc phỏng vấn. Còn vài vấn đề cần khác, tôi sẽ xin góp ý với các bạn trong một dịp khác.

Nhạc sĩ THẨM OÁNH/Bán nguyệt san Bách Khoa – 1963

Exit mobile version