Nhạc sĩ hòa âm cho ca khúc, tuy ít được nhắc tới nhưng lại đóng một vai trò rất quan trọng trong sứ mạng mang ca khúc từ tay người sáng tác đến với đại chúng nghe nhạc.
Hòa âm cho một ca khúc tức là dùng âm thanh của các nhạc khí để khắc họa lại nội dung bài hát theo một bố cục nhất định. Để có được một bản hòa âm thành công cho một ca khúc, người nhạc sĩ hòa âm cần lĩnh hội được một số kiến thức nhất định về thanh nhạc và cá tính của từng nhạc khí. Nhưng ngần ấy thì chưa đủ. Người nhạc sĩ hòa âm còn cần một khả năng sáng tạo phong phú để mang những âm thanh của các nhạc khí hòa quyện với giai điệu của bài hát tạo thành một cấu trúc không thể tách rời để nâng giọng hát của người ca sĩ đang trình bày ca khúc lên một tầng cao mới và mang cảm xúc đến giới thưởng ngoạn một cách sâu lắng nhất, tuyệt vời nhất có thể.
Khi nhắc đến vai trò của người nhạc sĩ hòa âm, không ai có thể quên được những đóng góp của người nhạc sĩ tài ba tên là Nghiêm Phú Phi (bên cạnh các nhạc sĩ hòa âm lừng danh Văn Phụng, Y Vân, Lê Văn Thiện). Trong bài viết đăng trên báo vào năm 1963 sau đây, nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi gọi công việc đó là “phụ soạn hòa âm”, và qua hình thức này, ông muốn bắc một cây cầu để khán giả đại chúng dần dần tiếp cận với âm nhạc thuần túy, tức là những bài hát có âm điệu phức tạp hơn theo phong cách cổ điển phương Tây, nâng cao thẩm mỹ âm nhạc cho quần chúng.
Cho đến nay, với phần “phụ soạn hòa âm” của các nhạc sĩ như Nghiêm Phú Phi, Văn Phụng… những bài hát thu âm từ 60 năm trước vẫn được khán giả tìm nghe ngày nay, chứng tỏ sự thành công của các nhạc sĩ hòa âm, một công việc mà không mấy người nghe nhạc để ý tới, nhưng góp phần không nhỏ cho sự thành công của bài hát khi đến tai người nghe.
Không chuyên hẳn về loại nào, tôi tìm hiểu và chơi những loại nhạc :
– những bài hát được gọi là “cải cách” hoặc “tân-nhạc”.
– những bài nhạc Âu-Mỹ dùng để khiêu-vũ : tango, rumba, mambo, paso-doble, valse v.v…
– nhạc Triganc,
– nhạc Jazz,
– nhạc dân-ca, nhạc cổ-truyền Việt- Nam,
– nhạc đệm ngâm thơ, đệm kịch sân-khấu, kịch phát-thanh, đệm phim.
– Tôi đã học-tập và nghiên-cứu nhạc cổ-điển Tây-phương, từ phái cổ-điển ví-dụ như: Bach, Mozart, Beethoven, phái lãng-mạn ví dụ như: Schubert, Schumann, Liszt, Chopin, phái cận-kim và hiện-đại ví-dụ như : Debussy, Ravel, Schonberg, cho đến phái âm nhạc cụ-thể (musique concrète) là phái không dùng nhạc-khí cổ-điển mà chỉ dùng những vật cụ-thể hay những tiếng động thông-thường như: tiếng còi tầu hỏa, tầu thủy, búa, máy đánh chữ, nhà máy đang chạy, v.v… để diễn-tả ý nhạc.
Sanh năm 1930 tại Sàigòn, hồi 13 tuổi tôi được may-mắn có người dượng dạy cho biết ký-âm-pháp; về sau tình cờ tôi được dịp tự học dương-cầm, từ 15 tuổi, ban ngày đi học chữ, ban đêm đi đờn dương cầm tại các vũ-trường cùng với nhạc-sĩ Trần-Anh-Tuấn, nhờ vậy mới có tiền mà học dương-cầm với ông Võ-Đức-Thu, đồng thời tôi được nhóm “Xuân-Thu Nhạc Kịch” (do Lê-Thương và các bạn thành-lập) mời đệm dương-cầm trong nhiều buổi trình-diễn, cũng vào lúc bẩy giờ, tôi đệm dương cầm cho tất cả những buổi trình diễn của Trần-Văn-Trạch.
Nhờ làm việc như vậy, dành-dụm được một số tiền, nên đến 19 tuổi tôi sang Paris, cầu học nhạc cổ-điển Tây-phương. Đến Paris may-mắn được thi đỗ vào lớp dương cầm và lớp hoà-âm của Conserva-toire National de Musique de Paris, rồi tôi được tốt nghiệp về 2 môn này. Ngoài ra tôi có dự thi trong các cuộc tuyển chọn quốc-tế tại Paris và đã được: giải-thưởng hạng nhứt của nhạc-viện “Musica”, giải thưởng danh dự của hội âm-nhạc U.F.A.M., giải thưởng ưu-hạng của hội “Scène Française”, sau đó không bao lâu, tôi được mời làm giám-khảo của hội-âm-nhạc “Léopold Bellan”.
Trong lúc học nhạc tại Paris, tôi vẫn làm tại các tửu quán, vũ-trường, cộng tác với đài phát-thanh Paris trong 3 năm, và cộng tác với các hãng phim, hãng dĩa hát, dạy dương-cầm, trình diễn dương-cầm tại Paris, tại các tỉnh nước Pháp, tại Bỉ.
25 tuổi về nước, tôi có độc-tấu dương cầm trong Festival Mozart tổ chức tại Sài-Gòn, đã trình diễn tại Thái-Lan, Phi-Luật-Tân, và từ 1956 đến giờ tôi dạy dương cầm và hòa âm tại Trường quốc gia Âm-Nhạc và Kịch Nghệ do ông Nguyễn-Phụng làm giám đốc. Tôi đã phụ trách trong 2 năm buổi phát thanh “Âm-nhạc Cổ điển Tây-phương dẫn-giải” với sự cộng tác của ông bà Nguyễn-Văn-Huấn và ông Nguyễn-Phụng. Tôi có tổ chức nhiều buổi trình-diễn dương-cầm tại Sài-Gòn, đã sáng-tác nhạc phim, những bài nhạc cho dương-cầm, và gần đây có sắng tác một “divertissement” cho Đàn Bầu, Đàn Tranh, Dương-Cầm và Giàn-nhạc Đại-Hòa-Tấu, bài này đã được Hoàng-Thi-Thơ đem vào Chương-trình ra mắt của đoàn “Văn-Nghệ Việt-Nam”, và đã được giàn nhạc Đại-Hòa-Tấu của “Việt-Nam Nhạc-Hội”, do nhạc trưởng Đức Otto Soellner điều khiển, trình bày tại rạp: Hưng-Đạo và Đại-Nam.
Bài “Divertissement” soạn riêng cho Đàn Bầu, Đàn Tranh, Dương-Cầm và giàn nhạc Đại hòa-tấu chỉ là một thí nghiệm nhỏ, chúng ta còn có thể thực-hiện những dự-án văn-nghệ vĩ-đại, với giá trị nghệ thuật khá cao, dựng lên với một kỹ thuật vững-chắc, một cách công-phu, tỉ-mỉ, mà vẫn giữ được tinh-thần Việt Nam, có thể làm cho phong-phú nền văn hóa Việt Nam mà hiện nay ta chỉ hãnh-diện với quốc tế về ngành Văn-chương hoặc ngành Hội họa, còn ngành Nhạc thì kể như chưa có gì! Chúng ta chỉ còn chờ những nhà Mạnh-Thường-Quân giúp phương tiện.
Ngoài việc hoạt-động cho nền nhạc thuần tuy Việt-Nam, tôi cũng vẫn tìm cách nâng cao trình độ nghe nhạc của quần-chúng, khởi sự từ những loại nhạc đang được quần chúng thích nghe, tức là những bài ca tân nhạc. Thay vì trình bày những bài này một cách thô-sơ, ta viết thêm vào nhiều giọng hát khác để hợp-ca, viết cho mỗi nhạc khí trong ban nhạc một phần đặc biệt, tất cả các phần của những giọng hát, những nhạc khí hợp thành một khối, không gượng ép, khi trình bày gây cho thính-giả một niềm thích thú, như thế tạm gọi là phụ-soạn hòa-âm.
Tôi đã viết phụ soạn hòa-âm cho nhiều bài ca tân nhạc và nhiều bản trường-ca. Tôi thiết nghĩ hiện giờ chỉ có loại nhạc này đang đi sâu rộng vào đại chúng Việt-Nam, vậy với sự phụ-soạn hòa-âm phong-phú, với sự trình-bày điêu luyện, chúng ta có thể dùng nó để đại-chúng bắc cầu qua loại nhạc thuần-túy, (một loại nhạc khó hiểu hơn).
Từ hồi những bài’ ca được gọi là “cải-cách” đầu tiên ra đời đến hiện giờ, ta không thể phủ nhận trình độ nghe những bài ca tân-nhạc của đại-chúng đã lên khá cao, bằng-chứng là những buổi phát thanh, bài ca tân nhạc nào được trình-bày với phần phụ-soạn hòa âm đứng-đắn, vẫn được thính-giả thưởng thức hơn là khi trình-bày nó một cách thô-sơ. Tại các hãng dĩa tân nhạc, người ta phải chịu tốn thêm tiền sở-phí tìm những nhạc-sĩ có uy-tín nhờ viết phụ-soạn hòa-âm cho những bản họ sắp phát hành, như vậy dĩa hát của họ mới bán chạy hơn.
Với trình-độ thưởng thức này, chúng ta có thể bắt đầu dẫn đại-chúng đi đến sự hiểu-biết loại nhạc bán-thuần túy, và dần-dần đến nhạc thuần-túy Việt-Nam và quốc-tế.
Để giúp đại-chúng nhập-môn vào nghệ-thuật nghe nhạc thuần túy, chúng ta có thể phổ biến loại nhạc này với sự dẫn giải rõ-ràng, dễ hiểu và dưới một hình thức nào thật hấp dẫn để thính giả nghe không chán, như thế sẽ gây được phong trào thích nghe nhạc thuần-túy, đồng thời cũng nên gây phong trào thích chơi nhạc thuần-túy bằng cách vừa giới-thiệu những giàn-nhạc hoặc những ca nhạc sĩ độc-diễn lừng danh thế giới, vừa giới-thiệu những nhạc sĩ nước nhà và nhứt là giới-thiệu những nhạc-sĩ mầm non.
Ngoài ra nên thường xuyên tổ-chức những buổi nói chuyện về nhạc thuần-túy có thêm phần trình-diễn, và những buổi hòa nhạc vào cửa không tiền.
Đành rằng hướng-dẫn quần-chúng hiểu và thích nhạc thuần-túy không phải là chuyện dễ, nhưng không phải không làm được, tại Á-Đông đã có nhiều nước mà trình-độ âm-nhạc lên rất cao.
Tm lại, đối với quốc-tế, vì tinh-thần tự-trọng quốc-gia, ta nên có những hoạt-động về đại-nhạc (grande musique) để có thể dự vào những đại hội âm nhạc thuần-túy quốc tế, hoặc để tiếp-rước một thượng khách đến viếng nước ta, ta cũng có cái gì để phô-trương sự tiến-triển của nền văn hóa ta về ngành nhạc.
Ở các nước khác, khi tiếp rước một thượng-khách, người ta thường mời dự một vở opéra, hoặc một buổi ballet, hoặc một buổi trình-diễn của ban nhạc đại-hòa-tấu, trong những dịp như thế, hiện giờ nước ta chỉ có thể đưa ra một buổi trình-diễn ca-nhạc cổ-truyền, chúng tôi chủ-trương bảo-tồn nhạc cổ-truyền, nhưng riêng trong trường hợp này, tôi thiết nghĩ người ngoại-quốc chỉ nghe nhạc cổ-truyền với tánh-cách tò-mò, chớ không thể nhìn sự tiến-triển của nền văn-hóa ta qua nhạc cổ-truyền.
Còn đối với trong nước, nên bảo tồn nhạc cổ truyền, sưu tầm và ghi chép thật nhiều điệu dân-ca; hiện giờ bài ca tân-nhạc đang được đại chúng thích, nên khuyến-khích các nhà soạn bài ca tân-nhạc soạn theo ý nhạc cổ-truyền và dân-ca, hướng-dẫn những người đang thích nghe bài ca tân nhạc đi đến việc thích nghe nhạc bán thuần túy và dần dần thích nhạc thuần-túy; khuyến-khích, nâng-đỡ những người có thiên tư cho họ học những kỹ-thuật sáng tác tinh-vi của quốc-tế để họ có thể sáng tác loại nhạc thuần-túy với kỹ-thuật quốc-tế và với tinh thần Vệt-Nam rút từ nhạc cổ truyền và dân-ca; ngoài ra còn nên tìm cách bảo đảm đời sống, quyền lợi của giới ca nhạc sĩ và còn rất nhiều việc nên làm mà các vị đàn anh của tôi đã nêu ra trong cuộc phỏng-vấn này.
Tuy học âm-nhạc ngoại-quốc, song tôi vẫn là người Việt, nên bao giờ tôi cũng chuyên tâm đem phương pháp âm-nhạc Âu-Tây áp dụng vào âm nhạc Việt, cốt nâng cao trình độ âm nhạc của chúng ta để gia tăng và phát triển những ưu điểm cố hữu.
Nghiêm Phú Phi