“Lời Con Xin Chúa” (Lê Kim Khánh) – Về một bài nhạc Giáng Sinh thời ly loạn: “Dương trần đã vang lên bài thánh ca…”

Dương trần đã vang lên bài thánh ca…

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Cứ mỗi mùa Giáng Sinh tới, bên cạnh những bài thánh ca réo rắt làm nao lòng người được vang lên ở khắp chốn, thì chúng ta cũng dễ dàng nghe được những bài nhạc bất hủ mang không khí mùa Giáng Sinh. Hàng năm cứ đến những ngày cuối năm se lạnh, người ta lại tìm nghe những bài nhạc Noel đã có tuổi đời hơn nửa thế kỷ của nhạc Việt, như Bài Thánh Ca Buồn, Hai Mù Noel, Màu Xanh Noel, Lá Thư Trần Thế, Bóng Nhỏ Giáo Đường, Tà Áo Đêm Noel…Lời Con Xin Chúa.


Click để nghe Thanh Lan hát Lời Con Xin Chúa trước 1975

Có một điều đặc biệt, khác biệt của nhạc mùa Noel của Việt Nam so với thế giới. Trong khi các bài hát Giáng Sinh quốc tế nổi tiếng thường là những ca khúc vui nhộn, rộn ràng, thích hợp để chào đón dịp lễ lớn nhất trong năm kết hợp đón năm mới, thì nhạc Noel của miền Nam xưa kia hầu hết là nhạc buồn.

Dường như dịp Noel thường tạo cám giác buồn cho các nhạc sĩ Việt Nam. Hoặc có thể tiết trời lành lạnh của mùa Đông nhiệt đới dễ làm cho trái tim người nghệ sĩ rung lên những cảm xúc khi họ cảm nhận được nỗi buồn, sự mất mát đổ vỡ… Nhưng lý do phổ biến nhất của sự ra đời các bài nhạc Noel buồn, đó chính là hoàn cảnh điêu linh, ly loạn năm xưa để để lại những vết thương lòng cho cả một thế hệ. Mùa lễ thường là dịp để đoàn viên, nhưng người ta vẫn phải chịu hoàn cảnh chia ly, xa cách, nên từ đó các bài nhạc buồn những mùa Giáng Sinh ngày xưa lại được sáng tác, được hát lên cho những niềm đau, sự đổ vỡ và nỗi chia lìa.

Một trong những bài nhạc vàng chủ đề Noel buồn nhất là Lời Con Xin Chúa của Lê Kim Khánh (một bút danh của nhạc sĩ Tuấn Hải):

Dương trần đã vang lên bài thánh ca
Mùa đông năm ấy Chúa sinh vì ta
Năm ấy không xa bây giờ
Vào một mùa Giáng Sinh xưa
Nửa đêm đi lễ anh đưa

Nay mùa Giáng Sinh đã về Chúa ơi
Lòng con như thấy thiếu đi niềm vui
Đi lễ năm xưa bên người
Giờ nay chỉ có riêng tôi
Quỳ bên hang đá lẻ loi

Bài hát nói thay cho tâm trạng của một người con gái trong hai mùa Giáng Sinh xưa và nay. Vào một mùa Đông của ngày chưa xa lắm, nửa đêm đi lễ cùng người yêu, chia sẻ cho nhau chút hơi ấm trong những ngày Đông lạnh. Nhưng rồi những mùa Giáng Sinh khác lại đến trong niềm cô đơn và lẻ loi vì xa vắng người. Ở đoạn tiếp theo, tác giả cho biết lý do của nỗi buồn đó:

Cầu xin ơn Chúa xót thương
Thương nhà Việt Nam chinh chιến thê lương
Lòng con sao mãi vẫn vương
Ngày đêm trông ngóng người yêu vắng xa…

Người yêu vắng xa là bởi đã lên đường khoác áo chinh nhân, chứ không phải là đi vui tình duyên mới. Người con gái ở lại từng ngày mong ngóng mỏi mòn, nhưng chιến chinh này quá dài lâu để một người con gái nhỏ bé này có thể biết được bao giờ mới đến ngày đoàn tụ. Những ngày xa nhau như là những đêm trường triền miên u tối, nên cô gái mong thấy được ánh sáng của Ngài xót thương chiếu rọi, để được một ngày thấy được sớm mai có bình minh ló dạng.


Click để nghe Lệ Thu hát

Bao mùa Giáng Sinh vẫn một mối tình
Cầu xin ơn Chúa chứng cho lòng con
Ban xuống cho con phước lành
Hòa bình thay chιến chinh nhanh
Tình yêu mãi thắm màu xanh

Thật cảm thương, và cũng thật trân trọng cho mối tình son sắt của người với người dù phải xa nhau biền biệt lâu ngày. Sự thủy chung này xin có Thiên Chúa chứng giám, và xin ơn trên cho những phước lành được ban xuống thế. Người con gái mong một điều thật lớn lao: Được nhìn thấy hòa bình, để rồi từ đó chuyện tình duyên riêng tư và nhỏ bé của mình cũng sẽ mãi mãi được thắm một màu xanh của tin yêu và hạnh phúc.

Ca khúc Lời Con Xin Chúa được nhạc sĩ Tuấn Hải sáng tác vào một mùa Đông năm 1972, khi vừa trải qua một mùa Hè thật kinh hoàng, nên hơn bao giờ hết, người dân khắp chốn đều mong mỏi hòa bình đến nhanh, để tàn dứt bao cơn điêu linh lửa khói làm người phải xa cách người đã quá nhiều năm trường…

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version