Thi sĩ Kim Tuấn và loài “hoa vông rừng tuyết trắng” trong ca khúc “Những Bước Chân Âm Thầm”

Nhà thơ Kim Tuấn là một tên tuổi quen thuộc trong làng nhạc trước 1975, vì thơ của ông đã được phổ thành những bài nhạc nổi tiếng là Anh Cho Em Mùa Xuân, Những Bước Chân Âm Thầm, Khi Xa Sài Gòn, Khi Tôi Về…

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Nhà Thơ Kim Tuấn tên thật là Nguyễn Phước Vĩnh Khuê, sinh năm 1938 tại Huế. Ông là hậu duệ 5 đời của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm – vốn là một nhà thơ lớn triều Nguyễn, được vua Tự Đức ca tụng qua 2 câu thơ:

Văn như Siêu – Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng – Tuy thất thịnh Đường

Cây vông rừng

Vào thập niên 1960, có thời gian Kim Tuấn sinh sống tại Pleiku, tại đây ông đã sáng tác nhiều bài thơ về miền đất cao nguyên thơ mộng này. Bài thơ “Kỷ Niệm” được ông viết cho Pleiku, Y Vân đã phổ nhạc thành bài hát Những Bước Chân Âm Thầm và trở nên nổi tiếng…


Click để nghe Ban Thăng Long hát Những Bước Chân Âm Thầm trước 1975

Theo tạp bút của nhà báo Trần Hữu Ngư, ông viết lại đoạn nhà thơ Kim Tuấn nói về hoàn cảnh sáng tác bài thơ này, và giải thích vì sao những câu thơ về hoa vông mùa hạ của ông (trong bài thơ) lại trở thành hoa vòng tuyết trắng của mùa đông (trong bài hát). Sau đây là đoạn trích lời của chính nhà thơ Kim Tuấn:

Năm 1956, tôi theo bố tôi lên cao nguyên lập nghiệp. Lúc bấy giờ, Pleiku chỉ là khu phố nhỏ, với vài trăm người Kinh cư ngụ. Khu phố nằm giữa rừng thông xanh. Những cội thông già xác xơ, buồn thảm do những người tù thời Pháp thuộc trồng trên những ngọn đồi đất đỏ, đứng mờ khuất trong những chiều sương mù.

Vào những ngày tháng đó, cả một thời tuổi trẻ, tôi chỉ còn lại những buổi chiều. Đôi khi với một, hai người bạn thân, đôi khi một mình thơ thẩn dạo trong rừng thông để thấy mình như trôi đi giũa đất trời. Những lần như thế không có gì để vội vã, nên chân thường bước chậm. Bước thật chậm, từng bước một, để nghe được tiếng lá thông lào xào dưới chân mình, lẻ loi giữa những chiều yên ắng mênh mông.

Giữa khung cảnh, giữa nỗi lòng như thế tôi viết bài thơ “Kỷ Niệm”, với câu mở của bài thơ: “Từng bước, từng bước thầm…” và nó đã trở thành “Những Bước Chân Âm Thầm” trong nhạc của Y Vân thập niên 60.

Lúc đầu lấy cảm hứng cho bài thơ, nhạc Y Vân đã phổ thành ca khúc với nhạc điệu Boston Rock. Có lẽ, theo nhạc sĩ, điều này phù hợp hơn đối với bài thơ. Thế nhưng khi tôi đem đến hãng dĩa Việt Nam bán bài nhạc để trả tiền cho bữa nhậu với bạn bè ở nhà hàng Thanh Thế, thì bà chủ hãng dĩa đồng ý mua với điều kiện phải đổi sang nhịp Boléro cho phù hợp thị hiếu vừa vỗ thùng đàn, vừa hát lúc bấy giờ. Bài hát đã từ nhịp Boston Rock, phải đổi sang nhịp điệu Boléro.

Còn một điều nữa, tưởng cũng không cần nhắc lại đây, đó là khung cảnh của bài thơ. Bài thơ này tôi viết ở Pleiku vào mùa nắng, tháng 5, trời lúc đó chỉ vừa chớm những cơn mưa. Nhưng khi thành nhạc đã chuyển thành mùa đông lạnh giá, tuyết trắng phủ đầy. Có nhiều bạn tinh ý hỏi tôi điều này, nhưng đến nay tôi mới có dịp công khai cùng các bạn. Sự thật thì trong bài thơ tôi viết:

“Từng bước, từng bước thầm.
Hoa vông rừng tuyết trắng”

Cây vông rừng

Bởi lúc đó những cây vông trong rừng thông đã nở bung những những trái vông trắng xoá, và rơi xuống rừng thông như những hoa tuyết lơ lững trong gió. Nhưng khi phổ nhạc, chữ “vông” đã biến thành chữ “vòng”, nên hoa đã trở thành tuyết trong mùa đông:

“Từng bước, từng bước thầm.
Hoa vòng rừng tuyết trắng”

Nhưng cho dù mùa Hạ hay Đông, nhiều bạn đã hát bài “Những Bước Chân Âm Thầm” mà không hề nghĩ sự lộn mùa, nhiều bạn yêu nó không phải vì tuyết mà vì nỗi cô đơn âm thầm của nó. Câu tâm đắc của bài hát có lẽ là câu kết:

“Đời biết ai thương mình…”

Câu này do chính nhạc sĩ Y Vân sáng tác.


Click để nghe Elvis Phương hát Những Bước Chân Âm Thầm trước 1975

Nguyên tác bài thơ KỶ NIỆM – Kim Tuấn

Từng bước từng bước thầm
hoa vông rừng tuyết trắng
rặng thông già lặng câm
hai đứa nhiều hối tiếc

sương mù giăng mấy đồi
tay đan đầy kỷ niệm
mưa giữa mùa tháng năm
dật dờ cơn gió thổi

một tháng không trăng rằm
mây núi ôm trời thấp
giá rét về căm căm
cao nguyên mù đất đỏ

từng bước từng bước thầm
cúi đầu in dấu mỏi
tuổi trẻ buồn lặng câm
núi nghiêng đầu thủ thỉ

từng bước từng bước thầm
hoa vông rừng tuyết trắng
tuổi trẻ buồn lặng câm
víu hồn hoang cỏ dại
từng bước từng bước thầm…

Trong đoạn trích kể chuyện của Kim Tuấn bên trên, ông có nhắc đến những cây vông rừng, đây là tên gọi khác của cây gòn, mỗi khi nó nứt trái thì bông bên trong màu trắng bay lả tả theo gió và rơi rơi nhẹ nhàng, ông ví đó là những bông tuyết trắng mùa đông của Pleiku:

Từng bước từng bước thầm
Hoa vông rừng tuyết trắng
rặng thông già lặng câm
hai đứa nhiều hối tiếc

Khi nhìn cây vông rừng, Kim Tuấn tưởng tượng ra tuyết trắng ở Pleiku. Có lẽ là vì phố núi này “quanh năm mùa đông” như lời thơ của Vũ Hữu Định, cái không khí se lạnh lan toả khắp không gian dễ làm người ta gợi lòng tiếc nuối những ân tình đã cũ, và nhìn từng trái bông bay giữa trời mà ngỡ như là tuyết trắng vùng nhiệt đới mang cái lạnh xuống làm băng giá cả tâm hồn.

Bài thơ này được sáng tác vào giữa thập niên 1960, vào giữa thời khốc liệt nhất của thời lửa binh, đặc biệt là vùng cao nguyên lúc nào cũng nhiều biến loạn, cả một thế hệ tuổi trẻ bị chôn vùi trong những cơn bão táp thời đại, nên thi sĩ đã ngậm ngùi một nỗi “Tuổi trẻ buồn lặng câm”.

Từng bước từng bước thầm
Cuối đầu in dấu mỏi
Tuổi trẻ buồn lặng câm
Núi nghiêng đầu thủ thỉ

Từ bài thơ Kỷ Niệm của Kim Tuấn, nhạc sỹ Y Vân ở Sài Gòn đã phổ nhạc thành ca khúc Những Bước Chân Âm Thầm mà đến nay nhiều người Pleiku, Sài Gòn hoặc hải ngoại đã hát thuộc lòng, nhưng ít có người biết đó là bài hát liên quan đến Pleiku, được sáng tác tại Pleiku.

Nhắc đến ca khúc Những Bước Chân Âm Thầm, những người yêu nhạc từ trước năm 1975 vẫn chưa thể quên phần trình bày của Tam Ca Sao Băng gợi nhớ lại nhiều kỷ niêm. Mời bạn nghe lại sau đây:


Click để nghe Tam Ca Sao Băng hát

Nói thêm về thi sĩ Kim Tuấn, ngoài bài thơ Kỷ Niệm đã được nhạc sĩ Y Vân phổ nhạc, ông còn có bài Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân được nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ thành ca khúc Anh Cho Em Mùa Xuân nổi tiếng, bài thơ Khi Xa Sài Gòn được nhạc sĩ Lê Uyên Phương phổ nhạc, và bài Những Điều Ghi Trong Giấc Ngủ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc Khi Tôi Về. Sau 1975, nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ một bài thơ của Kim Tuấn để thành bài hát Ta Ở Trời Tây Nhớ Trời Đông.

Ông làm thơ từ năm 13 tuổi. Năm 1959, ông cùng với 9 tác giả khác cùng xuất bản tuyển tập thơ Hoa Mười Phương, sau đó là Ngàn Thương năm 1969 (in chung với Định Giang, Dấu Bụi Hồng 1971, Thơ Kim Tuấn năm 1974.

Từ thập niên 1960, có một thời gian ông làm thông dịch viên tiếng Anh cho quân đoàn 2 tại Pleiku, cũng là thời gian sáng tác bài thơ Kỷ Niệm đã nhắc đến ở trên.

Sau năm 1975, Kim Tuấn làm nhiều nghề để mưu sinh, mà chủ yếu là liên quan đến nghề giáo. Ông dạy Anh Văn ở quận tư và Trung tâm Ngoại ngữ Đại Học Sư Phạm, ngoài ra còn viết sách giáo khoa, biên khảo, sách dạy văn phạm Anh Văn…

Ngày 10/9/2003, sau khi tham dự một buổi văn nghệ phát quà Trung thu cho trẻ em nghèo tại trường, ông về nhà ăn bánh, uống trà, ngắm trăng với vợ con rồi đột ngột bị nhồi máu cơ tim và mất trên đường đưa đến bệnh viện.

Đa số thơ của ông đều là thơ 5 chữ với vần điệu êm ả, dịu dàng; mang nhiều hình ảnh đặc trưng của mỗi vùng đất mà ông đã từng sống và viết về. Cái hay của thơ ông là nắm bắt được tính cô đọng, “kiệm lời” của thể thơ 5 chữ.

Đông Kha – nhacxua.vn biên soạn

Exit mobile version