Nhắc đến tên Cam Ly, hầu hết những người yêu Đà Lạt đều nghĩ tới dòng thác Cam Ly thơ mộng đã nhiều lần đi vào trong thơ, nhạc:
Cam Ly vô tư lên tiếng than muôn đời
Thông reo vi vu Than Thở như ngậm ngùi… (Thương Về Miền Đất Lạnh – Minh Kỳ – Dạ Cầm)
Đà Lạt ơi! Có nghe chăng Cam Ly khóc tình đầu dang dở… (Đà Lạt Hoàng Hôn – Minh Kỳ – Dạ Cầm)
Nhớ đến năm xưa ngày nào
Nắng ấm dâng hương ngạt ngào
Dòng Cam Ly mờ xóa thương đau
Người về đâu hồn đắm trăng sao
Lòng tha thiết tình quê yêu dấu (Về Thăm Xứ Lạnh – Hùng Cường)
Vùng cao nguyên Lang Biang là thượng nguồn của sông Đồng Nai với 2 con sông lớn là Đa Dâng và Đa Nhim, từ đó hình thành nhiều con thác ở vùng xung quanh Đà Lạt, như thác Voi, Pongour, Gougah, Prenn, Dalanta, và Cam Ly. Dù thác Cam Ly không to lớn hay kỳ vĩ như những thác khác, nhưng vì nó nằm ngay thị tứ Đà Lạt nên đã từng thu hút nhiều du khách thập phương hơn hết.
Xuất xứ của tên gọi Cam Ly như thế nào?
Trước khi nói về nguồn gốc tên gọi, xin nói thêm rằng ban đầu Cam Ly là tên gọi của một con sông nhỏ chảy ngang qua trung tâm Đà Lạt. Con sông này chính là phụ lưu của sông Đa Dâng như đã nhắc tới bên trên, khởi nguồn từ huyện Lạc Dương chảy qua Đà Lạt theo hướng Bắc – Nam, trong đó sông Cam Ly đoạn từ khoảng Hồ Than Thở tới thác Cam Ly còn được gọi bằng cái tên khác là Đạ Lạch.
Những biến thể khác của tên gọi Đạ Lạch là Đạ Lạc, Đạ Lạt, và chính là Đà Lạt, tên gọi ngày nay.
Lạch, Lạc, hay Lạt, Lát… đều mang chung một nghĩa, là tên của một nhóm cư dân nhỏ người dân tộc K’ho, sống lâu đời trên cao nguyên Lang Biang. “Lạch” theo tiếng địa phương có nghĩa là “rừng thưa” dùng để chỉ vùng rừng thông, đồi trọc từ dãy Lang Biang trải dài xuống Tây Nam, bao gồm cả thành phố Đà Lạt ngày nay.
Còn chữ Đạ, theo ngôn ngữ người Thượng, chữ Đạ (hoặc Dak) trong Đạ Lạch có nghĩa là suối, nước. Đạ Lạch, hay Đạ Lạc, Đà Lạt… đều mang nghĩa là một con suối của người Lạch, đó chính là con sông Cam Ly uốn lượn quanh Đà Lạt, là nguồn nước chính cho sinh hoạt của người bản địa thời xa xưa.
Trên dòng Cam Ly có những thắng cảnh nổi tiếng của vùng đất Đà Lạt như: hồ Than Thở, hồ Xuân Hương, thác Cam Ly và thác Voi.
Sông Cam Ly ban đầu vốn đã nhỏ, trong quá trình đô thị hóa thì nó ngày càng nhỏ hơn, đến nỗi chỉ còn giống như một con suối, nên sau này nhiều người cũng gọi là suối Cam Ly.
Về nguồn gốc tên gọi Cam Ly, dựa theo một truyền thuyết của người bản xứ (dân tộc K’Ho), các già làng kể lại cái tên này có nguồn gốc từ tiếng K’Ho. Từ xa xưa dòng sông nhỏ này chảy ngang qua một ngôi làng của tù trưởng tộc người Lát (thuộc dân tộc K’Ho) có tên là K’Mly, dân trong vùng lấy tên ông đặt cho dòng suối nước của họ. Khi những người Pháp đầu tiên đặt chân tới vùng đất này, nghe dân địa phương gọi con sông này là K’Mly, họ đã phiên âm thành Camly, người Việt đọc là Cam Ly.
Ngay sau khi người Pháp khai phá ra vùng đất Lang Biang, thị tứ Đà Lạt được thành lập trực thuộc tỉnh Đồng Nai Thượng (theo nghị định ngày 1/11/1899 của toàn quyền Paul Doumer).
Năm 1900, Paul Champoudry được cử làm thị trưởng đầu tiên của Đà Lạt, và ông chính là người đầu tiên vẽ đồ án quy hoạch Đà Lạt. Bản vẽ đầu tiên của Champoudry năm 1906 được Toàn quyền Beau duyệt, có sự tách biệt rõ ràng giữa 2 khu dân sự và quân sự, và ranh giới của 2 khu vực này chính là sông Cam Ly chảy qua Đà Lạt.
Toàn bộ không gian bên bờ hữu ngạn sông Cam Ly dành cho quân sự, nghĩa là bao gồm phần phía Bắc của cao nguyên cho tới núi Lang Biang là dành cho quân đội. Đây là vùng núi mấp mô rộng lớn có thể xây được rất nhiều doanh trại quân đội, trường bắn, chuồng ngựa… Khu vực này chiếm tới hơn 70% trung tâm Đà Lạt ngày nay.
Khu vực hành chính và dân sự được hình thành ở tả ngạn sông Cam Ly, khu vực phía Nam của Đà Lạt ngày nay, với trung tâm là trục đường Trần Phú, Trần Hưng Đạo (tên đường hiện nay).
(Các đồ án về sau của Đà Lạt đã thu hẹp đất dành cho quân sự, mở rộng khu dân sự)
Để đảm bảo sự tiện nghi cho Đà Lạt, Champoudry đã lập kế hoạch xây dựng một hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống nước lọc dần từ sông Cam Ly. Bản quy hoạch này cho thấy ông thị trưởng đã quan tâm về vấn đề vệ sinh môi trường và đã xác định rõ nơi đặt các bể giặt trên sông cũng như đặt lò mổ gia súc ở vùng ngoại vi phía Tây thành phố. Cuối cùng, hệ thống giao thông đầu tiên của Đà Lạt cũng được thiết lập, gồm đường phố chính quanh co đi dọc theo sông Cam Ly (lúc này chưa có Hồ Xuân Hương), một con đường thứ 2 chạy dọc xuống phía Nam và 1 con đường khác đi xuyên qua trung tâm dẫn lên phía Bắc trong khu quân sự.
Năm 1919, từ một đoạn của sông Cam Ly, chính quyền Đà Lạt cho đào rộng ra thành hồ nước lớn, người Pháp gọi là Grand Lac (Hồ Lớn), năm 1953 được Hội đồng thành phố đặt tên là hồ Xuân Hương.
Theo các ghi chép của người Pháp lúc đó, trước khi hồ nhân tạo này được đào, vị trí đó chỉ là một đầm lầy nơi người Lát (người Lạch) trồng hoa màu, có ruộng lúa, và sông Cam Ly đi ngang qua vùng đó cung cấp nước tưới tiêu, người Pháp gọi nơi này là thung lũng Cam Ly.
Tại thung lũng Cam Ly, các kỹ sư công chánh đã xây đập nước để ngăn dòng sông Cam Ly và đào hồ. Ruộng lúa của người Lát nằm ngay trong thung lũng nên họ phải dời đến buôn Rơhàng Kròc (người Pháp phiên âm là Ankroet). Sau đó, khi xây dựng đập Suối Vàng, một lần nữa người Lát lại phải dời đến buôn Đờng Tiang Đe ở trung tâm huyện Lạc Dương hiện nay.
Kiến trúc sư Louis-Georges Pineau – tác giả của Đồ án chỉnh trang và mở rộng Đà Lạt năm 1933 – đã đánh giá tầm quan trọng của hồ nước này như sau:
“Hồ nước là trung tâm và là sức hấp dẫn của Đà Lạt. Không có hồ nước thì khi đi ngang qua thành phố, thung lũng Cam Ly chỉ là một vùng trũng sình lầy. Baguio – trạm nghỉ dưỡng vùng cao của Philippines, đã hiểu quá rõ tầm quan trọng của nước trong một phong cảnh miền núi và trong một thành phố nghỉ dưỡng, nhưng đành phải bằng lòng với Công viên Burnham (Burnham Park) của một bồn trũng hình chữ nhật – thua xa vẻ đẹp của Hồ Đà Lạt.
Không chỉ hồ Xuân Hương được hình thành từ việc mở rộng dòng chảy Cam Ly, mà hồ Than Thở cũng được đào từ một nhánh của sông Cam Ly. Trước đó, vị trí hồ Than Thở cũng chỉ là một đầm lầy, tới năm 1937 người Pháp đắp đập ngăn sông Cam Ly để xây dựng hồ chứa nước rộng 8,5ha cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt. ban đầu hồ tên là Lac des Soupirs, tới năm 1953 đổi thành hồ Than Thở.
Như vậy, cái tên Cam Ly đã có sự gắn bó rất chặt chẽ với Đà Lạt. Dòng Cam Ly chảy qua vùng đất này từ hàng triệu năm trước, tên Cam Ly cũng liên quan tới tên gọi Đà Lạt (dòng nước của người Lát). Dòng Cam Ly cung cấp nước nuôi sống người bản địa (dân tộc K’Ho), rồi khi Pháp tới, thị tứ Đà Lạt được hình thành thì Cam Ly cung cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ Đà Lạt. Từ dòng Cam Ly mà các hồ nước lớn đã được hình thành cho tới nay.
Ngay sau khi được xây dựng một khu nghỉ mát, Đà Lạt đã có một tờ báo tiếng Pháp đầu tiên, xuất bản lần đầu năm 1922, và tên tạp chí đó là Le Camly.
Sau đây là những hình ảnh thác Cam Ly xưa:
Cho tới những năm thập niên 1960-1970, Cam Ly vẫn là một con thác xinh đẹp, nước trắng xóa, nõn nà, được người xưa ví như một nàng sơn nữ nằm ngủ ngay giữa lòng “thành phố hoa”, làm say lòng biết bao du khách và trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các thi sĩ, nhạc sĩ.
Lúc ấy, đứng từ chân thác nhìn lên, du khách có thể bắt gặp một buôn làng nhỏ của đồng bào dân tộc người Lat nằm cheo leo trên sườn đồi, xen giữa đồi thông xanh biếc là một rừng mai anh đào. Xung quanh thác Cam Ly – địa điểm đẹp ở Đà Lạt có dựng những lều tranh giản dị, đơn sơ để du khách nghỉ chân, một thú vui khá đặc biệt là du khách có thể vừa nghỉ chân nhâm nhi ngụm nước vừa đưa ánh mắt ngắm nhìn những hạt nước trong vắt tươi mát bắn ra từ thác trông thật lung linh, huyền ảo như những hạt thuỷ tinh dưới ánh mặt trời.
Một chiếc cầu treo được bắc ngang để du khách có thể đi từ bên này sang bên kia. Một nhà dù lợp bằng tranh được dựng tạm để các cặp tình nhân có thể nghỉ chân, ngắm cảnh sương mờ mỗi lúc sáng sớm hoặc hoàng hôn.
Tuy nhiên, theo bài báo trên báo Pháp Luật năm 2014 cho biết, từ năm 2000 đến nay, cùng với sự phát triển dân số và tốc độ “đô thị hóa” thiếu quy hoạch đến chóng mặt của Đà Lạt, người ta đã phá vỡ cảnh quan và làm cho thác Cam Ly ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Nguyên nhân là nước thải, rác, thuốc bảo vệ thực vật, xác động vật từ các khu dân cư dọc theo các con suối bị những người thiếu ý thức đổ hết xuống dòng suối chảy về thác, khiến con thác xinh đẹp ngày nào bốc mùi hôi thối. Du khách kêu ca, phàn nàn, công luận lên tiếng.
Nước trước khi đổ về Cam Ly đã đi vòng vèo hơn 10km qua khu dân cư, mang theo một lượng lớn rác và nước thải sinh hoạt. Chỉ tính đoạn suối bắt đầu từ đập hồ Xuân Hương chảy về Cam Ly đã có hàng trăm miệng cống to nhỏ đổ nước thải ra đây.
Hàng ngày, lòng hồ dưới chân thác phải chịu trận với bao bì, xác động vật chết, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật. Đi dọc các đoạn suối Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng, Lê Quý Đôn, người dân cũng “vô tư” quăng rác, xả nước thải xuống dòng suối đổ về thác Cam Ly. Đây là lý do giải thích vì sao chưa vào khu du lịch đã “nghe” mùi của thác Cam Ly!
Cũng bởi vậy, khoảng 20 năm nay, thác Cam Ly không còn là một địa điểm du lịch hấp dẫn du khách như xưa nữa.
Đông Kha