Ngày nay, khi mà quy hoạch thành phố Đà Lạt đã trở nên hỗn loạn, nhiều người vẫn thường hay nhớ về thời vài chục năm trước và nuối tiếc cho một thành phố đã từng thơ mộng và lãng mạn. Thỉnh thoảng trên báo chí, một số kiến trúc sư hoặc chuyên gia về quy hoạch vẫn nhắc về những bản đồ quy hoạch Đà Lạt thời điểm ban đầu.
Đầu tiên, xin nhắc tới sơ lược quá trình người Pháp phát hiện ra cao nguyên Langbian và xây dựng Đà Lạt, như trong bài viết trước chuyenxua.net đã từng nhắc tới, người Pháp đầu tiên đặt chân lên cao nguyên Langbian không phải là bác sĩ Yersin như nhiều nơi ghi nhầm, mà là Bác sĩ Paul Néis và trung uý Albert Septans trong một chuyến thám hiểm năm 1881. Hai năm sau đó, vào ngày 21/6/1893, bác sĩ Yersin mới thám hiểm cao nguyên Langbian, sau đó ông đã gửi thư đến Toàn quyền Paul Doumer đề xuất chọn cao nguyên LangBian để lập nơi nghỉ dưỡng.
Tới năm 1899, toàn quyền Paul Doumer cùng bác sĩ Alexandre Yersin tiến hành khảo sát cao nguyên LangBian. Trong cùng năm đó, ông Toàn quyền Đông Dương đã ký Nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng và hai trạm hành chính ở Tánh Linh và trên cao nguyên Lang Biang, tới năm 1901 thì ký quyết định xây tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt.
Năm 1900, sau khi thành lập tỉnh Đồng Nam Thượng, ông Paul Champoudry được chỉ định làm thị trưởng Đà Lạt.
Tuy nhiên tới năm 1902, Paul Doumer hết nhiệm kỳ Toàn quyền, trở về Pháp hoạt động chính trị (năm 1931 trở thành Tổng thống Pháp), thì kể từ đó dự án đồ sộ xây dựng Đà Lạt bị đình trệ.
Mặc dù vậy, trong thời kỳ ngưng trệ đó, thị trưởng Paul Champoudry vẫn đưa ra đồ án quy hoạch Đà Lạt đầu tiên vào năm 1906. Ông là người có kinh nghiệm lâu năm về quy hoạch đô thị nhờ thời gian dài làm việc trong Tòa thị chính Paris.
Đồ án Champoury (1906) – Đồ án đầu tiên về đô thị hóa Đà Lạt
Bản đồ quy hoạch của Champoudry được Toàn quyền Đông Dương Beau phê duyệt ngày 27/2/1906, có những đặc điểm điển hình như sau:
Bản quy hoạch này tách biệt rõ ràng giữa 2 khu vực dân sự và quân sự. Toàn bộ không gian bên bờ phải của sông Cam Ly (nay gọi là suối Cam Ly), tức toàn bộ phần phía Bắc của cao nguyên kéo dài cho tới núi Lang Bian đều được dành cho quân đội. Đây là vùng núi mấp mô rộng lớn có thể xây được rất nhiều doanh trại quân đội, trường bắn, chuồng ngựa… Khu vực này chiếm tới hơn 70% trung tâm Đà Lạt ngày nay.
Khu vực hành chính và dân sự được hình thành ở tả ngạn sông Cam Ly, khu vực phía Nam của Đà Lạt ngày nay, với trung tâm là trục đường Trần Phú, Trần Hưng Đạo (tên đường hiện nay).
Thực chất, ngay từ giai đoạn này, Đà Lạt được thiết kế theo một mô hình hợp lý dựa trên nguyên lý về chia khu: ở trung tâm và phía Tây là khu hành chính, bao gồm các cơ quan ra quyết định (như Tòa thị chính), các Sở khác nhau chuyên về kỹ thuật, chỗ ở cho các công chức và bệnh viện chung. Ở trung tâm thành phố là khu thương mại nối xung quanh khu chợ, khách sạn, nhà hàng. Cuối cùng, phía Đông thành phố là nhà ga xe lửa và một trường học kéo dài dọc khu dân cư.
Quy hoạch này phản ánh quan niệm của thị trưởng Champoudry về vùng cao nguyên này, đó là không biến nơi này thành nơi nghỉ mát (như các ông Toàn quyền mong đợi), mà là nơi tập hợp các cơ quan, công sở hoạt động một phần trong năm. Theo quan điểm này, công chức sẽ không cùng gia đình sống cả năm ở Đà Lạt, mà một năm chỉ đến nơi này trong một vài tháng khi được cử đi công tác ở đây.
Để đảm bảo sự tiện nghi cho Đà Lạt, Champoudry đã lập kế hoạch xây dựng một hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống nước lọc dần từ sông Cam Ly. Bản quy hoạch này cho thấy ông thị trưởng đã quan tâm về vấn đề vệ sinh môi trường và đã xác định rõ nơi đặt các bể giặt trên sông cũng như đặt lò mổ gia súc ở vùng ngoại vi phía Tây thành phố. Cuối cùng, hệ thống giao thông đầu tiên của Đà Lạt cũng được thiết lập, gồm đường phố chính quanh co đi dọc theo sông Cam Ly (lúc này chưa có Hồ Xuân Hương), một con đường thứ 2 chạy dọc xuống phía Nam và 1 con đường khác đi xuyên qua trung tâm dẫn lên phía Bắc trong khu quân sự.
Tuy nhiên, vì thiếu kinh phí, các Toàn quyền Đông Dương đời sau cũng không quyết xây dựng thành phố cao nguyên này, nên bản quy hoạch của Champoudry chỉ được thực thi một phần. Sự chậm trễ này cũng ảnh hưởng tới việc thiết lập doanh trại quân đội mà bộ tham mưu rất mong đợi.
Cho đến năm 1910, Đà Lạt vẫn sống trong lay lắt vì ngân quỹ trống rỗng, mọi việc bị đình trệ.
Tình hình bắt đầu có tiến triển hơn kể từ năm 1913, năm mà Đà Lạt được sáp nhập vào khu Di Linh, và toàn quyền Đông Dương lúc đó là Albert Sarraut muốn biến nơi này thành địa điểm nghỉ mát trên cao số một của toàn Đông Dương. Thời điểm này, người Pháp có mặt ở Đông Dương rất đông đúc, họ ngày càng quan tâm đến nơi nghỉ mát có khí hậu giống ở chính quốc.
Cũng từ thời gian này, hệ thống đường giao thông kết nối Đà Lạt với các vùng duyên hải cũng gần hoàn thiện. Lúc đó từ Sài Gòn tới Đà Lạt mất 1 ngày rưỡi trên đoạn đường dài 354km, trong đó có 197km là đi bằng tàu hỏa tới ga Phan Thiết, 157km còn lại đi bằng đường bộ.
Nghị định ngày 6/1/1916 đã chính thức hóa việc thành lập cùng lúc tỉnh Lâm Viên và thị xã Đà Lạt, được Toàn quyền Đông Dương quản lý trực tiếp.
Năm 1917, sự kiện Toàn quyền Đông Dương Roume khánh thành Langbian Palace (nay là Đà Lạt Palace) được coi như là khánh thành luôn vùng nghỉ mát Đà Lạt.
Năm 1919, chính quyền cho đào một cái hồ nhân tạo ngay giữa trung tâm thành phố, và đến nay nó vẫn là một biểu tượng của Đà Lạt, đó là Hồ Xuân Hương ngày nay.
Đồ án O’Neill (1919) – Sự cân bằng về lãnh thổ dành cho quân sự – dân sự
Cũng trong năm 1919, đồ án quy hoạch thứ 2 của Đà Lạt được Jean O’Neill đề xuất, với tên gọi “Thành phố Đà Lạt – Bản sơ đồ chu vi đô thị với những chỉ dẫn về khu đất nhượng”, được chuẩn bị thành 2 bản: “Bản 1 – được lập chỉ với những mảnh đất chắc chắn đã có sẵn để sử dụng”, và “Bản 2 – được lập bằng việc giả định thành phố chính thức có thể sẽ được chuyển sang phía Đông của hồ Lớn”.
Nếu như đồ án trước của Champoudry dành phần lớn đất dành cho quân sự, thì đồ án của O’Neill mang lại sự cân bằng hơn về lãnh thổ, nghiêng về khối dân sự. Khu đất dành cho quân sự sẽ được thu hẹp lại, chia thành 2 vùng và đẩy lùi lên phía Tây Bắc và Đông Nam của đô thị.
Cũng theo đồ án của O’Neill, ở khu vực phía Nam của hồ đang xây (Hồ Lớn, sau là Hồ Xuân Hương), có một phần đất được quy hoạch thành “làng người An Nam”, vì O’Neill cho rằng “cần thiết làm chỗ ở và cung ứng nhân công, những nhân viên người bản xứ và gia đình họ”.
Tháng 2 năm 1920, Toàn quyền mới là Maurice Long vừa tới Đông Dương đã ngay lập tức hối thúc các Sở để nhà kiến trúc sư đô thị Ernest Hébrard vẽ sơ đồ quy hoạch nhiều thành phố Đông Dương, và ông đã ưu tiên vẽ đồ án cho Đà Lạt đầu tiên. Đây là bản đồ án thứ 3 của Đà Lạt, được ra đời cách đây còn 100 năm (1923) và có ảnh hưởng lớn nhất tới Đà Lạt cho tới nay. Vì vậy xin nói chi tiết về đồ án thứ 3 này ở dưới. (Ernest Hébrard là người đã thiết kế các công trình kiến trúc lớn ở Việt Nam vẫn còn tới nay, tiêu biểu nhất là: Trường Đại học Đông Dương (nay là trường Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Viễn Đông Bác cổ (nay là bảo tàng Lịch sử Việt Nam), Phân viện trường Collège Chasseloup-Laubat (sau là trường Petrus Ký, nay là trường Lê Hồng Phong), Viện Pasteur ở Nha Trang…)
Đồ án của Hébrard (1923) – Sự ra đời của ý tưởng Đà Lạt “Thành phố – thủ đô”
Khác với đồ án của O’Neill dự kiến xây dựng Đà Lạt thành một thành phố vui chơi giải trí đơn giản, bản đồ án của Hébrard đầy tham vọng, với ý tưởng về Đà Lạt: Thành phố – Thủ đô, dự kiến thành lập một trung tâm chính trị và hành chính quan trọng kết hợp với các chức năng giải trí và dưỡng bệnh. Đồ án này xác định ba “thành phố” trong 1 như sau:
– Một khu người Việt thực thụ, trong đó Hébrard lên kế hoạch mở rộng về phía Bắc của làng An Nam mà O’Neill đã xác định trước. Ông đề xuất thiết lập khu người Việt thứ 2 gần với trung tâm hành pháp trong trường hợp trung tâm này ra đời. Những “khu đất dành cho người Việt” chiếm diện tích lớn nhất (284ha).
– Một thành phố dành cho người Châu Âu cư trú gồm 3 lô lớn (280ha).
– Một trung tâm hành chính (199ha), theo biểu tượng Simla được người Anh sáng lập ở Ấn Độ trên vùng núi Hymalaya, có thể tiếp nhận có thời hạn “thủ đô mùa hè” của Hội đồng Đông Dương. Tiếp tục theo hướng này, Hébrard còn dự kiến xây dựng một “trung tâm hành pháp” lớn (175ha) về phía Đông thành phố, được xem là thủ đô hành chính của Đông Dương, một lần nữa lại mô phỏng theo mô hình của Anh xây ở New Delhi.
Mỗi khu phố lại được chia thành những không gian chuyên biệt. Một trung tâm hành chính bao gồm trung tâm tôn giáo, tổ hợp giáo dục (trường dạy cho nam sinh, nữ sinh), một khu thương mại và những khách sạn, trung tâm sòng bạc, trung tâm thể thao và cư trú của người Âu.
Bản đồ án tổng thể của Hébrard có thể được tóm lược thành 3 vấn đề chính:
Đầu tiên đó là sự tách biệt riêng giữa dân bản xứ và người Âu Châu. Hébrard cho rằng tốt nhất là hạn chế tối đa việc xung đột giữa các nền văn hóa. Ông lên kế hoạch xây không chỉ 1 bệnh viện mà là 2 bệnh viện đa khoa để 1 cái dành riêng cho người bản xứ, 1 cái dành cho người Âu. Tiếp đến, đồ án này giảm bớt sự ảnh hưởng của giới quân sự. Khu quân sự được dành riêng ở phía Đông Nam theo đồ án của O’Neill đã biến mất, chỉ còn lại doanh trại ở phía Bác (185ha). Việc này đã được thỏa hiệp vì đã có những doanh trại quân đội kiên cố được xây dựng ở vùng đồng bằng.
Cuối cùng, đồ án của Hébrard đã lờ đi vấn đề cốt yếu về phát triển hạ tầng dành cho du lịch. Chỉ có 3 khách sạn được ghi nhận trong bản đồ án hoặc chúng đã tồn tại từ trước đó.
Mặc dù đồ án này được thông qua ngày 26/7/1923, nhưng nó tỏ ra quá tham vọng vào thời điểm đó, đặc biệt là hệ thống đường sá phi thực tế và quá to lớn. Đồ án đã gây ra những phản ứng nhẹ, nhiều bài báo cho rằng không nên đô thị hóa Đà Lạt vì nơi này chẳng có gì cả. Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929 dẫn đến việc cắt giảm ngân sách mạnh mẽ làm cho đề án này thất bại. Cuối cùng, chỉ có 1 trong 3 sự phân lô trong đồ án và con đường đi quanh hồ là trở thành hiện thực. Quy hoạch đó đã tạo hình Đà Lạt về sau này. Chúng ta sẽ còn trở lại với bản quy hoạch của Ernest Hébrard trong phần bên dưới.
Vào năm 1930, Đà Lạt có khoảng 350 người châu Âu sinh sống cùng với 10.000 người Việt, cộng thêm cư dân Sài Gòn khoảng 1700 người (chủ yếu là đi nghỉ mát dài hạn).Từ những năm này đã diễn ra sự xung đột giữa lợi ích của dân sự và quân đội. Toàn quyền Pasquier đã buộc phải can thiệp nhằm khẳng định rằng Đà Lạt luôn là một thành phố để nghỉ mát và nghỉ ngơi, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Khuynh hướng này không thể tương hợp với một thành phố có quân đội đồn trú. Ông toàn quyền đã ra lệnh dừng những công trình xây dựng quân sự trong thành phố và phải chuyển chúng ra vùng ngoại vi, như trường hợp của doanh trại Saint-Benoit năm 1939.
Đồ án Pineau
Năm 1932, kiến trúc sư Louis Georges Pineau đã trình bày một kế hoạch mới về “Chỉnh trang thành phố Đà Lạt”, trong đó chú trọng việc xây dựng Đà Lạt dựa trên những ràng buộc chặt chẽ với bảo vệ cảnh quan và môi trường.
Để bảo vệ “tầm nhìn toàn cảnh cao nguyên với cảnh quan tuyệt vời”, Louis Georges Pineau đề xuất tạo lập một vùng bất kiến tạo rộng lớn hình rẽ quạt, có gốc từ Đà Lạt và tỏa về hướng núi Lang Biang, trong khu vực này sẽ là công viên rừng săn bắn hoặc công viên rừng quốc gia.
Khi thảo đồ án này, Pineau cân nhắc các nguyên tắc định hướng sau: “bảo vệ vẻ đẹp thiên nhiên Đà Lạt, mở rộng mặt hồ nhân tạo, phát triển nhiều vườn hoa, thiết lập các phân khu thích ứng theo địa điểm và khí hậu… và các loại không gian trống dù đó là công viên, khu săn bắn hay vùng bảo tồn”. Chính Pineau đã cho xây dựng đập chắn hồ ở vị trí hiện tại và mở rộng hồ Xuân Hương như ngày nay. Giống như các nhà quy hoạch trước, Đà Lạt của Pineau là hình ảnh của một thiên đường. Không được phép có một vết nhơ nào trên bộ mặt đô thị. Gìn giữ thiên đường có nghĩa là phải bảo vệ lũ hươu nai vẫn tha thẩn trên bãi cỏ khách sạn Dalat Palace, bảo tồn những rừng thông độc đáo vốn là điều khiến những nhà thám hiểm châu Âu đầu tiên nhớ tới quê nhà.
Nếu như Hébrard nhấn mạnh mở rộng thì Pineau chú trọng bảo tồn. Hébrard chủ trương thiết kế biệt thự đồng nhất thì Pineau lại đề xuất sự đa dạng kiến trúc. Nhờ quy hoạch 1932 của Pineau mà số biệt thự tư nhân ở Đà Lạt tăng vọt với kiểu dáng phong phú nổi tiếng tới ngày nay. Như Hébrard đã khuyến cáo “tránh đưa những thứ xấu xí vào Đà Lạt”, Pineau cũng tuyên bố “bảo vệ Đà Lạt khỏi sự xấu xí”, nhưng theo một hướng khác.
Pineau nhấn mạnh đến việc mở rộng hồ và các khu vườn, sự đa dạng kiến trúc để phát triển Đà Lạt thành một “thành phố – khách sạn” và việc bảo tồn cảnh quan, không gian tự nhiên.
Nghị định ngày 10/10/1936 tổ chức lại thị xã Đà Lạt, nơi này nổi lên với nhiều công sở và những đại diện cho quyền lực của thực dân mặc dù bộ máy lãnh đạo hành chính của Liên bang Đông Dương vẫn đặt ở Hà Nội. Lúc này Hoàng đế Bảo Đại đã kết hôn với Nam Phương hoàng hậu năm 1934, vua thường xuyên lưu trú ở Đà Lạt, tổ chức thiết triều và đón tiếp khách trong chính trường.
Nhiều công trình công ích được xây dựng ở Đà Lạt thời kỳ này, một trong những thứ được ưu tiên nhất là dịch vụ y tế, một bệnh viện hiện đại được xây dựng từ năm 1928-1932. Sau nhiều năm xây dựng, tàu hỏa răng cưa cuối cùng cũng tới được ga Đà Lạt vào cuối năm 1932. Năm 1937, chuyến xe lửa Sài Gòn đi Đà Lạt chạy mỗi ngày. Chợ cây Đà Lạt được xây năm 1929, bị cháy năm 1937 và được xây lại kiên cố năm 1939 (khu Hòa Bình ngày nay).
Dù được quy hoạch với nhiều tham vọng khác nhau, nhưng trước hết Đà Lạt vẫn là một thành phố nghỉ mát, thành phố của các dinh thự nghỉ dưỡng. Cùng với người Âu, tầng lớp tư sản giàu có người Việt đã bắt đầu tới Đà Lạt sinh sống. Những điều kiện thuận lợi về địa hình đã biến Đà Lạt thành một trung tâm thể thao quan trọng của xứ thuộc địa. Thành phố có sân quần vợt, những con đường bằng phẳng để đi xe đạp, những trang bị cho môn đua ngựa, câu lạc bộ di thuyền… Năm 1932, thành phố được cấp kinh phí để làm một sân golf 18 lỗ và sân đá banh. Tất cả điều đó góp phần làm cho trạm nghỉ mát trở thành “tiểu thiên đường” cho người Âu Châu khá giả.
Không quan xanh bao quanh Đà Lạt càng làm tăng thêm vẻ quyến rũ của Đà Lạt. Một trong những hướng phát triển của Đà Lạt là xây dựng một “thành phố cảnh quan” hòa nhập vào cao nguyên Langbian, tức là một “thành phố trong rừng”. Điều này đòi hỏi phải giải phóng mặt bằng hình rẽ quạt, như đề xuất của Pineau để bảo vệ tầm nhìn toàn cảnh của miền núi. Bên trong thành phố, các khu vườn được mở rộng và những không gian mở đầy xanh mát để tôn vinh di sản thiên nhiên, điều đó đã trở thành nguồn cảm hứng để đi vào trong nhiều tác phẩm thi ca. Đà Lạt thơ mộng đã đi vào trong thơ của Hàn Mặc Tử, Quách Tấn vào thời kỳ đó:
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu
Hàng thông lấp loáng đứng trong im
Cành lá im như đã lặng chìm
Cả trời say nhuộm một màu trăng
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng
Không một tiếng gì nghe động chạm
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng (Đà Lạt Trăng Mờ – Hàn Mặc Tử)
Bóng trăng lóng lánh mặt hồ im
Thời khắc theo nhau lải rải chìm
Đứng dựa non sao bờ suối ngọc
Hồn say dịu dịu mộng êm êm (Đà Lạt Đêm Sương – Quách Tấn)
Sang thập niên 1940, Đà Lạt bước sang thời kỳ có nhiều thay đổi, chính quyền bắt tay vào các dự án làm đẹp và mở rộng thành phố, là một phần của kế hoạch quy mô về chỉnh trang và quy hoạch đô thị trên toàn Đông Dương.
Tham vọng về một thành phố – thủ đô như đồ án của Hébrard từ 20 năm trước đó đã trở thành sự thật. Tháng 1 năm 1941, Đà Lạt trở thành thủ phủ của tỉnh Lâm Viên được tái lập (vốn đã bị bỏ năm 1920), thị trưởng của Đà Lạt đồng thời cũng là tỉnh trưởng tỉnh Lâm Viên. Thực tế, Đà Lạt cũng có khả năng tiến lên thành thủ đô của Đông Dương. Kiến trúc sư Hébrard Mondet được giao nghiên cứu lại đồ án quy hoạch của Ernest Hébrard để làm cho nó trở nên khả thi. Thành phố được mở rộng theo trục từ Bắc tới Nam, các khu chức năng được tập trung lại, nhiều khu dân cư và khu công cộng mới được bố trí xung quanh hồ.
Đồ án Lagisquet và kế hoạch mở rộng vùng đô thị
Năm 1943, kiến trúc sư Lagisquet trình bày một đồ án quy hoạch mở rộng vùng đô thị, đề xuất cải thiện, phát triển và làm đẹp thành phố để xây dựng một “thành phố vườn” trong tương lai. Lúc đó Đà Lạt được mệnh danh là nước Pháp vùng nhiệt đới, vì thế nó cần phải được giữ gìn những lợi thế về thẩm mỹ và cảnh quan. Song dự án cũng đối mặt với những thách thức về dân số với lượng người nhập cư ngày càng đông. Bên cạnh những cơ sở hạ tầng hành chính được xây mới, nhiều khu dân cư được ra đời, tiêu biểu là khu cư xá – nhà vườn nghỉ dưỡng mang tên ông toàn quyền Đông Dương là Decoux ra đời, là biểu tượng của vùng ngoại ô Đà Lạt.
Ở những thập niên trước, Đà Lạt từng là “thủ đô mùa hè” (nơi các quan chức lên lưu trú và làm việc trong mùa hè), thì dưới thời Toàn quyền Decoux, nó trở thành thủ đô cố định. Khi Hội nghị Đà Lạt được tổ chức năm 1946 (là một hội nghị dự bị, gặp gỡ giữa 2 phái đoàn Việt và Pháp chuẩn bị cho Hội nghị Fontainebleau chính thức vào tháng 7), Đà Lạt đã trở thành một thủ đô Liên bang Đông Dương phi chính thức.
Tháng 12 năm 1947, một ủy ban quy hoạch mới phụ trách kế hoạch đô thị hóa Đà Lạt được thành lập để tái thích nghi các biện pháp đã thực hiện trước đó dưới thời Decoux. Do ít dự án mới được xây dựng, cảnh quan và những vị trí có tầm nhìn toàn cảnh được bảo tồn. Việc này đảm bảo được đúng với triết lý quy hoạch của Pineau trước đó, rằng vùng “bất kiến tạo” vốn là vẻ đẹp độc nhất của Đà Lạt.
Ý nghĩa của “vùng bất kiến tạo” ở Đà Lạt là tạo ra một nơi khoảng trống cảnh quan, để người dân và du khách có thể phóng được tầm mắt từ trung tâm Đà Lạt nhìn về phía núi Lang Bian, làm hậu cảnh cho một khoảng không gian phóng khoáng của Hồ Lớn (Hồ Xuân Hương) và những ngọn đồi nhấp nhô.
Thời kỳ này được xem là thời vàng son của kiến trúc và cảnh quan của Đà Lạt. Năm 1942, Đà Lạt có 730 biệt thự, và cũng có từng ấy khu vườn rộng rãi. Các công trình công cộng thường mang phong cách hiện đại, những tòa nhà được xây mới trong thời gian này thường là khu chức năng, nhiều trường tiểu học và phổ thông công lập, trường cho người Thượng, trường Hành chính Quốc gia. Di sản kiến trúc này đã trở thành biểu tượng tổng thể của thành phố, thể hiện sự phát triển nhất định về thẩm mỹ của cảnh quan Đà Lạt.
Năm 1949, sau khi trở về Việt Nam, quốc trưởng Bảo Đại đóng đô và làm việc ở Đà Lạt đã làm cho xứ này trở nên quan trọng. Cho tới đầu năm 1955, quốc trưởng đã lấy Đà Lạt làm thủ đô không chính thức để lãnh đạo Quốc Gia Việt Nam và “Hoàng triều cương thổ”.
Tháng 11 năm 1950, Trần Đình Quế đã trở thành thị trường người Việt đầu tiên của Đà Lạt. Ngay sau đó tỉnh Lâm Đồng được thành lập, diện tích thị xã Đà Lạt được tăng lên, nơi này được xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng quân sự mới: Trường thiếu sinh quân, Võ bị liên quân, cùng các cơ quan hành chính liên tỉnh và quốc gia. Những năm 1950 đánh dấu sự chuyển đổi Đà Lạt từ thành phố thuộc địa trở thành thị xã, tỉnh lỵ của một tỉnh thuộc Quốc Gia Việt Nam, sau đó là VNCH. Năm 1951, Đà Lạt là tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng, tới năm 1958 là tỉnh Tuyên Đức.
Trong những năm 1960, thành phố thuộc địa và mang phong cách Pháp đã chuyển đổi dưới tác động của việc quốc hữu các dịch vụ công, Việt Nam hóa những khu vực sinh sống và những khu khác trong thành phố. Việc quy hoạch và phát triển Đà Lạt trong thời gian này đương nhiên bị ảnh hưởng nặng nề với chiến tranh lan rộng. Bản đồ án Lagisquet năm 1943 được sử dụng lại dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm, nghĩa là chú trọng phát triển cảnh quan.
Thời gian này, Đà Lạt thu hút lượng di cư lớn, chủ yếu là từ phía Bắc sau hiệp định Geneve, trong đó một phần không nhỏ là đồng bào Công giáo. Đầu năm 1960, Đà Lạt có gần 60.000 dân. Hoạt động nông nghiệp được tăng cường và được cơ giới hóa ở vùng ngoại vi bằng việc chuyên môn hóa trồng rau và làm vườn. Trung tâm thành phố trở nên đông dân và dày đặc các biệt thự. Một khu chợ mới được khánh thành năm 1960.
Thời gian sau đó, Đà Lạt trở thành một trung tâm đa dạng chức năng giáo dục và khoa học, với trung tâm nghiên cứu hạt nhân, viện Pasteur, viện Địa lý và rất nhiều trường học. Bên cạnh đó, từ hàng trăm năm qua, du lịch vẫn là khuynh hướng chính của Đà Lạt.
Đông Kha