Đại lộ Thống Nhứt, từng mang tên là đại lộ Norodom, nay là đường Lê Duẩn, dài chỉ khoảng 2 km, nối Thảo Cầm Viên tới Dinh Độc Lập (trước năm 1955 mang tên là Dinh Norodom), là con đường quan trọng bậc nhất của Sài Gòn, trước 1975 là con đường đi thẳng tới phủ tổng thống.
Dù có chiều dài khiêm tốn nhưng đại lộ Thống Nhứt tập trung nhiều trụ sở quan trọng của chính quyền Miền Nam trước 1975. Ngoài Dinh Độc Lập thì xung quanh còn có các cơ quan Bộ Ngoại Giao, Bộ Tư Pháp, Bộ Nội Vụ, dinh Thủ Tướng, trụ sở đại sứ quán Anh, Mỹ, Đức, Pháp…, có Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn và rạp Norodom.
Trước năm 1868, khi Dinh Norodom (còn gọi là Dinh thống đốc Nam Kỳ) chưa được xây dựng, thì vị trí tương ứng với đại lộ Norodom/Thống Nhứt (đường Lê Duẩn hiện nay) vẫn chỉ là con đường rất nhỏ nối từ đường Catinat đến đường Rue de Bangkok (tức là từ đường Đồng Khởi đến đường Mạc Đỉnh Chi của hiện nay).
Năm 1868, khi người Pháp bắt đầu xây dựng dinh thống đốc Nam Kỳ thì họ cũng bắt đầu mở một con đường thật lớn phía trước, nối từ Dinh thống đốc tới vị trí Nhà Thờ Đức Bà hiện nay (khi đó thì Nhà Thờ vẫn chưa được xây dựng). Sau khi hoàn thành, Dinh thống đốc được đặt tên là Norodom, và đại lộ mới xây dựng đó cũng được đặt tên theo, đó là đại lộ Norodom.
Đến năm 1877, trước khi Nhà Thờ được xây dựng không lâu thì đại lộ Norodom đã được mở rộng thêm, nối với con đường nhỏ đã có trước đó để trở thành đại lộ kéo dài từ Dinh Norodom cho tới đường Rue de Bangkok (nay là đường Mạc Đỉnh Chi, là đường bao quanh thành Gia Định cũ).
Đến cuối thế kỷ 19, khi bờ thành và hào thành cũ đã hoàn toàn bị san bằng thì đại lộ Norodom lại được nối dài thêm một đoạn nữa, đi ngang qua cổng thành Ông Dèm (tức thành Cộng Hòa sau này) để đâm thẳng tới Vườn Bách Thảo (Thảo Cầm Viên), đụng đường Rousseau (nay là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm).
Đại lộ Norodom/Thống Nhứt từng là con đường có chiều rộng lớn nhất của Sài Gòn, được thiết được thiết kế rộng rãi dành cho các buổi diễn binh trong các dịp lễ, kể cả thời Pháp thuộc, thời VNCH hoặc cả sau năm 1975.
Có một điều quan trọng mà đã có rất nhiều thắc mắc, đó là vì sao con đường lớn và quan trọng như vậy của Sài Gòn mà người Pháp lại dùng tên Norodom của quốc vương Cao Miên, cũng như vì sao lại đặt tên dinh thống đốc Nam Kỳ tên là Dinh Norodom?
Để trả lời câu hỏi này, lùi về thời điểm Pháp bắt đầu quy hoạch và xây dựng Sài Gòn. Khi dinh thống đốc Nam Kỳ được khởi công xây dựng vào năm 1868, thì cũng cùng thời điểm đó Cao Miên trở thành thuộc địa của Pháp sau khi vua Norodom ký hiệp ước chấp nhận sự bảo hộ của Pháp trên vương quốc này. Để thể hiện sự ủng hộ dành cho nhà vua Cao Miên, người Pháp lấy tên vua là Norodom để đặt cho dinh thự khởi công ở Sài Gòn. Ngay sau đó, khi con đường trước dinh được mở rộng thì cũng được mang tên là Norodom.
Không những lấy tên ông vua Cao Miên làm tên đường cho Sài Gòn, người Pháp cũng đặt tên cho một con đường giáp thành Gia Định cũ cái tên là Rue de Phnompenh (Nam Vang – thủ đô nước Cao Miên). Ban đầu con đường này được đánh số là số 6, sau đó đổi tên thành Rue de Phnompenh, rồi mang tên Rue Lafont. Từ năm 1955 đến nay con đường mang tên là Chu Mạnh Trinh, là con đường nhỏ chạy bên cạnh bệnh viện Đồn Đất (nay là bệnh viện Nhi Đồng 2).
Việc lấy tên của một đô thị lớn của nước khác đặt cho Sài Gòn còn có nhiều trường hợp khác nữa, như là đường Mạc Đỉnh Chi ban đầu được người Pháp đánh số 8, sau đó mang tên là Rue de Bangkok, rồi đổi tên thành Rue de Massiges, trước khi mang tên Mạc Đỉnh Chi từ năm 1955 đến nay. Trường hợp khác là đường Hàn Thuyên ở trước dinh Norodom cũng từng mang tên là Rue de Hongkong, sau đó lần lượt đổi thành Rue de l’Amiral-Page, Rue Cardi, trước khi mang tên Hàn Thuyên từ 1955 đến nay. Hoặc là đường dọc kênh Bến Nghé là Bến Chương Dương – Bến Hàm Tử từng được mang tên quai de Belgique (Bến Bỉ Quốc).
Không chỉ lấy tên địa danh nước ngoài, mà ngay cả địa danh ở Việt Nam cũng được lấy đặt tên đường cho Sài Gòn, như là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, ban đầu được đánh số 2, sau đó mang tên là Rue de Tay-Ninh (Tây Ninh), sau đó mới mang tên Rue Rousseau, rồi đến năm 1955 mang tên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đường Thi Sách từng mang tên là Rue de Thu-dau-mot (Thủ Dầu Một), đường Đông Du từng mang tên Rue de Thu-duc (Thủ Đức), đường Nguyễn Trung Trực từng mang tên Cap Saint Jacques (tức là Ô Cấp – Vũng Tàu). Tương tự là Bến Trần Văn Kiểu ở Chợ Lớn cũng từng mang tên là quai de My-tho (Mỹ Tho).
Sau năm 1955, khi thủ tướng Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống, ông đã ra lệnh thay thế toàn bộ tên đường của người Pháp (chỉ giữ lại số ít đường mang tên của những người Pháp có công đối với dân sinh), từ đó đại lộ Norodom được đổi tên thành Thống Nhứt. Cái tên này tồn tại cho đến năm 1975 thì được đổi tên thành đường 30/4, đến năm 1986 thì mang tên Lê Duẩn.
Về cái tên đại lộ Thống Nhứt hay là Thống Nhất mới đúng?
Thực ra thì ai cũng hiểu rằng 2 tên gọi này giống nhau. Do ảnh hưởng của hàng triệu người Bắc di cư, nên từ trước năm 1975 thì 2 chữ Nhất và Nhứt vẫn được sử dụng cùng lúc, song tên đường thì vẫn ghi chính thức là Thống Nhứt, như trong hình dưới đây thể hiện:
Sau đây mời các bạn xem lại hình ảnh xưa của những góc đường và những tòa nhà trên đại lộ Norodom/Thống Nhứt ngày xưa.
Khởi đầu đại lộ Norodom/Thống Nhứt chính là Dinh Norodom, tức là Dinh Độc Lập:
Dinh được hoàn thành vào năm 1871, tồn tại gần 100 năm trước khi bị phá hủy để xây dựng dinh mới theo thiết kế của KTS Ngô Viết Thụ.
Trước mặt Dinh Độc Lập là ngã 3 Thống Nhứt – Công Lý (nay là đường NKKN)
–
Đằng trước Dinh Độc Lập, ở hai bên đại lộ Thống Nhứt là mảng cây xanh của công viên Thống Nhứt, mảng xanh này là một vùng rộng từ Dinh cho tới tận Nhà Thờ:
–
Ngay chính giữa mảng xanh này là ngã 4 Thống Nhứt – Pasteur. Một số hình ảnh ở góc ngã tư này:
–
–
–
–
–
–
–
–
–
–
–
–
–
Từ ngã tư Thống Nhứt – Duy Tân đi tới một chút nữa là bùng binh sau lưng nhà thờ Đức Bà, phía bên kia là đường Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch). Ngay gần bùng binh có tượng của Petrus Trương Vĩnh Ký.
–
–
–
–
–
–
–
–
Bên kia bùng binh là trụ sở của hãng Sài Gòn Xe Hơi Công Ty, nơi sản xuất thương hiệu xe La Dalat:
Tòa nhà này nằm ngay góc đường Thống Nhứt – Duy Tân (nay là Lê Duẩn – Phạm Ngọc Thạch). Ngày nay tòa nhà này không còn, nhường chỗ cho Diamond Plaza.
–
–
–
–
–
–
–
Đối diện bên kia đường của trụ sở Bộ Tư Pháp (thời Pháp là CLB Sĩ Quan) là Viện bảo tàng đầu tiên của Sài Gòn. Bên dưới là hình ảnh viện bảo tàng này vào cuối thế kỷ 19:
Nhìn hướng ngược lại với hình trên, viện bảo tàng ở bên trái hình. Góc bên phải là đường Catinat đi ra Sông Sài Gòn:
Bên cạnh viện bảo tàng này, vào năm 1955 mọc lên một tòa nhà quen thuộc với người Sài Gòn xưa, đó là cty xăng dầu Standard Vacuum Oil Company, sau này là trụ sở của công ty xăng dầu ESSO.
–
Hình bên dưới là tòa nhà này khi được ESSO sở hữu. Nhãn hiệu ESSO cùng với SHELL chiếm đa số thị phần xăng dầu của miền Nam trước 1975:
Trụ sở ESSO nằm ngay góc ngã tư Hai Bà Trưng – Thống Nhứt. Trong hình bên trên, chiếc xích lô máy đang lưu thông trên đường Hai Bà Trưng hướng về phía Tân Định.
Vào năm 2011, tòa nhà này cùng với viện bảo tàng nhắc đến bên trên cùng bị đập bỏ cùng lúc, dự định sẽ xây khách sạn 5 sao, thường được báo chí gọi là “Khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn” thuộc CTCP Đầu tư Lavenue, nằm kế bên cạnh Diamond Plaza. Tuy nhiên khu đất này vẫn để trống suốt 10 năm qua và vào diện bị thu hồi vì được chuyển đổi trái pháp luật.
–
Đi thêm một đoạn, gần tới ngã 4 Thống Nhứt – Mạc Đỉnh Chi sẽ là tòa nhà đại sứ quán Hoa Kỳ ở số 4 đại lộ Thống Nhất:
–
Trước đó, đại sứ quán Mỹ ở tòa nhà góc đường Hàm Nghi, Hồ Tùng Mậu. Đến năm 1965, công trình tòa đại sứ quán Mỹ mới được xây dựng và khánh thành 2 năm sau đó với chi phí 2,6 triệu USD, là một trong những tòa Đại sứ quán lớn nhất, được bảo vệ cẩn mật nhất thế giới thời điểm đó.
–
Tòa nhà là một khối vuông vức có 6 tầng được bao bọc bởi 7.800 viên đá Taredo, có 140 phòng với 200 nhân viên phục vụ và 60 lính gác thường trực. Tuy nhiên tòa nhà này chỉ hoạt động được trong 8 năm cho đến tháng 4 năm 1975.
Sau đó thời điểm đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã sử dụng tòa nhà này làm cơ sở cho tới thập niên 1980. Năm 1995, Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ, toàn bộ khu vực này được trao trả lại cho phía Mỹ. Sau đó chính phủ Mỹ quyết định đập bỏ tòa nhà này để xây tòa lãnh sự quán mới như hiện nay, với quy mô nhỏ hơn.
–
–
–
–
–
–
Vừa qua ngã tư này, nhìn về phía đối diện của đại sứ quán Mỹ sẽ là tòa nhà đại sứ quán Anh:
–
–
–
Đối diện đại sứ quán Anh là nhà thờ Tin Lành (Anglican Episcopal Church in Saigon):
Còn ngay bên cạnh tòa sứ quán Anh là một tòa nhà nổi tiếng như trong hình bên dưới:
Đó là rạp Norodom ở số 23 đại lộ Thống Nhứt, có thể nói rằng hầu như tất cả các ca sĩ hoạt động nghệ thuật vào thập niên 1950 ở Sài Gòn đều đã từng đứng trên sân khấu rạp Norodom.
Rạp Norodom gắn liền với 2 sự kiện lớn nhất của tân nhạc ở Sài Gòn từ thuở ban sơ, đó là nơi tổ chức cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đài Pháp Á, là nơi khởi đầu sự nghiệp của nhiều tên tuổi huyền thoại như Khánh Ly, Mai Hương, Bạch Yến…
Sau năm 1975, hý viện Thống Nhứt được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, đến năm 1978 trở thành trụ sở của công ty Xổ số kiến thiết. Đến năm 2015, công ty xổ số dời về đường Trần Nhân Tông, “mảnh đất vàng” của rạp Thống Nhứt xưa trên đường Lê Duẩn được bán đấu giá. Hiện nay khu đất này là trụ sở của Techcombank.
Trong hình bên dưới, chùng ta có thể thấy không ảnh của một đoạn đại lộ Thống Nhứt năm 1968. Cạnh trái hình chính là rạp Norodom, bên cạnh đó là tòa đại sứ quán Anh. Đối diện sứ quán Anh là Nhà thờ Tin Lành.
Ngay bên cạnh rạp Norodom là trường Văn Hóa Quân Đội, là nơi những chiếc xe jeep đang đậu ở trong hình bên dưới. Ngày nay vị trí này là Khách sạn Sofitel Plaza và trung tâm lưu trữ quốc gia 2.
Một số hình ảnh của tòa nhà SHELL ở góc đường Thống Nhứt – Cường Để (nay là Lê Duẩn – Tôn Đức Thắng):
–
–
Cũng ngay ngã tư Thống Nhứt – Cường Để, ở bên kia đường, đối diện với SHELL là 2 dãy nhà đến nay vẫn còn sau hơn 100 năm. Sau đây là những thông tin và hình ảnh về địa điểm đặc biệt này.
Đây là một vị trí đặc biệt, chính là cổng thành Gia Định (thành Quy) của triều Nguyễn. Sau khi Pháp chiếm được Gia Định thì thành Quy chỉ còn là phế tích (kể từ sau loạn Lê Văn Khôi), nhưng vẫn còn hào sâu ở xung quanh thành. Người Pháp đã xây dựng 1 thành mới có quy mô bằng 1/2 thành Quy trước đó, nằm trong phạm vi thành cũ, dân Sài Gòn gọi đây là thành Ông-Dèm, đọc trại từ chữ Pháp onzième (nghĩa là thứ 11). Sở dĩ như vậy là do thành này là nơi đồn trú của Trung đoàn bộ binh thuộc địa thứ 11 của Pháp.
Thành Ông Dèm gồm 3 dãy nhà, ngoài 2 dãy nhà bên ngoài (như trong hình) thì có thêm 1 dãy ở bên trong khi đi vào cổng.
Sau năm 1955, tổng thống Ngô Đình Diệm đặt tên cho thành này là Thành Cộng Hòa, trở thành nơi đồn trú của Tiểu đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống. Tiểu đoàn nhanh chóng được nâng lên thành Liên đoàn rồi Lữ đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống. Thành Cộng Hòa được bao quanh bởi 4 con đường Hồng Thập Tự (nay là NTMK), Thống Nhứt (nay là Lê Duẩn), Mạc Đỉnh Chi và Nguyễn Bỉnh Khiêm.
–
Sau năm 1963, Thành Cộng Hòa bị phế bỏ, khu này được giao cho Bộ Quốc Gia Giáo Dục cải tạo thành một khu đại học, gồm có các trường Văn Khoa, Dược Khoa và Canh Nông.
Một thay đổi lớn khác của khu thành này, đó là dãy nhà thứ 3 của thành Cộng Hòa (nằm phía bên trong) được cắt ra làm đôi, 1 bên trở thành trường đại học Canh Nông, một bên là đại học Văn Khoa và 1 phần của đài truyền hình sau này. Vào lúc này thì đường Cường Để mới thông qua đường Đinh Tiên Hoàng (trước đó bị thành Cộng Hòa chặn ở giữa).
–
Từ Ngã tư Thống Nhứt – Cường Để (Thành Cộng Hòa) đi tới một đoạn nữa sẽ gặp Dinh Thủ Tướng, trước 1955 là Cư xá Norodom:
–
Từ chỗ này đi tới cuối đại lộ Thống Nhứt sẽ gặp ngã 3 Thống Nhứt – Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Ngay đầu ngã 3 Thống Nhứt – Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể nhìn thấy Viện Bảo Tàng ở bên trong Thảo Cầm Viên. Đây cũng là nơi kết thúc đại lộ Thống Nhứt. Thảo Cầm Viên Sài Gòn, thường hay được gọi là Sở Thú, là công viên Bách Thảo – Vườn Thú nổi tiếng của Sài Gòn, được bắt đầu xây dựng năm 1865, là vườn thú lâu đời, có tuổi thọ đứng hàng thứ 8 trên thế giới.
Bài: Đông Kha
Hình ảnh: manhhai flickr
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn