Lịch sử những đường phố Sài Gòn xưa: Con đường Duy Tân – Cây dài bóng mát

Đường Duy Tân không phải là một con đường lớn ở Sài Gòn, nhưng nó vẫn được nhiều người nhắc tới vì là một trong những con đường trung tâm thành đô, đi ngang qua Hồ Con Rùa, có những hàng cây nằm kề nhau rũ táng cây dài che bóng mát. Đường Duy Tân kề bên các trường đại học danh tiếng là trường Kiến Trúc, đại học Luật khoa và Viện Đại Học Sài Gòn, là con đường hẹn hò của nhiều thế hệ sinh viên, học sinh Sài Gòn trước 1975. Đặc biệt hơn, chỉ cần qua một câu hát của nhạc sĩ Phạm Duy: “Con đường Duy Tân cây dài bóng mát…” thì con đường Duy Tân (đường Phạm Ngọc Thạch ngày nay) đã vĩnh viễn hiện diện trong tâm thức người Sài Gòn xưa.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Hầu như người Sài Gòn nào cũng đã từng nhiều lần được đi dưới cây dài bóng mát của đường Duy Tân nhiều lần, nhưng không phải ai tường tận về lịch sử con đường này. Vào thời kỳ người Pháp bắt đầu quy hoạch đường sá cho Sài Gòn thì đường Duy Tân là một phần của con đường Catinat nổi tiếng kéo dài từ bờ sông Bến Nghé (sông Sài Gòn) đến tận đường Võ Thị Sáu ngày nay. Khởi thủy, ngay từ khi Pháp chiếm được Gia Định thì con đường này được đánh số 16 từ năm 1863, sau đó mới đặt tên là Catinat.

Một thời gian sau, đường Catinat được chia làm 3 đoạn với 3 tên đường khác nhau như sau:

1. Đoạn từ Nhà Thờ kéo dài đến bờ sông Sài Gòn (tức Bến Bạch Đằng sau này) vẫn mang tên Catinat, sau 1955 đổi tên thành Tự Do, và sau 1975 đổi thành đường Đồng Khởi.

2. Đoạn từ đường Mayer (nay là đường Võ Thị Sáu) đến vị trí Hồ Con Rùa ngày nay mang tên là đường Garcerie.

3. Đoạn từ Hồ Con Rùa ngày nay đến Nhà Thờ (đại lộ Norodom) mang tên là đường Blanc Subé.

Năm 1952, chính quyền Quốc Gia Việt Nam của quốc trưởng Bảo Đại đổi tên đường Garcerie thành đường Duy Tân.

Sau năm 1955, đường Blanc Subé sáp nhập vào đường Duy Tân (tức là đoạn từ Nhà Thờ cho đến Hiền Vương – nay là Võ Thị Sáu) để mang tên là đường Duy Tân cho đến năm 1985. Từ ngày 4/4/1985, đường Duy Tân đổi tên thành Phạm Ngọc Thạch cho đến ngày nay.

Con đường Blanc Subé nhìn từ bên trên Nhà Thờ Đức Bà. Bên kia tháp nước là đường Garcerie. Từ năm 1955, đường Blanc Subé và Garcerie nhập lại thành “con đường Duy Tân”
Ở đầu đường Duy Tân là nhà thờ Đức Bà, bên tay trái hình này là tòa nhà nổi tiếng ở góc đường Duy Tân – Thống Nhứt (nay là Phạm Ngọc Thạch – Lê Duẩn)
Đó chính là tòa nhà Saigon Xe Hơi Công Ty, nơi sản xuất dòng xe hơi nổi tiếng La Dalat
Bên hông tòa nhà ghi chữ RMK BRJ, là tên của liên hợp xây dựng của Mỹ bao gồm 4 công ty nằm trong số các công ty lớn nhất của Mỹ, do Hải quân Hoa Kỳ thành lập và đặt trụ sở tại tòa nhà này.
RMK BRJ đã phụ trách rất nhiều công trình quân sự cũng như dân dự tại miền Nam trước 1975 mà ai sống vào thời đó đều biết đến. Đã có một thời người Sài Gòn đổ xô đi nộp đơn xin làm cho hãng RMK-BRJ vì được trả lương rất hậu hĩnh. Những công trình tiêu biểu nhất của RMK BRJ là Xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa, Tân Càng, cầu Tân Cảng, đại sứ quán Hoa Kỳ, hàng loạt kho cảng, bệnh viện quân đội, trạm radar, căn cứ không quân…
Hình ảnh bên hông của tòa nhà Sài Gòn Xe Hơi Công Ty, mặt tiền phía bên đường Duy Tân. Thập niên 1990, tòa nhà này bị đập bỏ để xây dựng Diamond Plaza
Đầu đường Duy Tân, bên trái tòa nhà Saigon Xe Hơi Công Ty
Bìa trái là cổng của tổng hội sinh viên Sài Gòn ở số 4 Duy Tân- Nay là Nhà Văn Hóa Thanh Niên. Tòa nhà màu trắng ở bên phải ngày nay vẫn còn, là trụ ở của Thành Đoàn
Con đường Duy Tân với những hàng cây rất cao, dài bóng mát đã đi vào bài hát
Một hình ảnh khác chụp đầu đường Duy Tân từ cuối thập niên 1950
Bên tay trái là đèn giao thông của ngã ba Duy Tân – Nguyễn Văn Chiêm. Bên tay phải là đèn ở ngã ba Duy Tân – Alexandre de Rhodes
Phía bên kia đường là ngã 3 Duy Tân – Nguyễn Văn Chiêm. Cô gái đang đứng trước tòa nhà hiện nay là trụ sở Thành Đoàn
Một góc ảnh khác tương tự với ảnh bên trên
Từ Hồ Con Rùa (Duy Tân) nhìn qua Nhà Thờ 

Từ đầu đường Duy Tân đến Hồ Con Rùa sẽ đi qua các đường Alexandre de Rhodes, Nguyễn Văn Chiêm, sau đó là đến ngã 4 Duy Tân và Hồng Thập Tự (nay là Phạm Ngọc Thạch – Nguyễn Thị Minh Khai). Sau đây là một số hình ở góc đường này:

Cảnh sát công lộ đang làn nhiệm vụ ở ngã 4
Xe dừng ngay ngã 4
Ở ngay góc ngã 4 này có một căn villa nổi tiếng vẫn còn lại cho đến ngày nay
Trước 1975, đây là tư gia của ông bà Ưng Thi (chủ rạp Rex). Có một thời gian ông bà Trần Văn Chương (song thân của bà Nhu) ở đây. Sau năm 1975, có một thời gian nơi này là trụ sở Tổng lãnh sự quán Trung Quốc. Sau khi lãnh sự quán chuyển qua đường Hai Bà Trưng như hiện nay, tòa nhà này được cho thuê để mở nhà hàng Con Gà Trống. Tuy nhiên vào năm 2020, nhà hàng Con Gà Trống cũng đóng cửa vì ảnh hướng của đại dịch
Ngã tư Duy Tân – Hồng Thập Tự ở ngay phía trước. Căn villa nằm bên phải hình. Hiện nay căn villa này được cho thuê làm văn phòng công ty, mặt tiền tầng trệt là một cửa hàng tiện lợi
Đường Duy Tân, đoạn từ Hồ Con Rùa đến Hồng Thập Tự. Khu nhà này hiện nay vẫn còn, mặt tiền cho thuê các nhà hàng và quán cafe sát nhau
Từ Hồ Con Rùa – Công Trường Quốc Tế nhìn về phía Nhà Thờ
Từ Hồ Con Rùa nhìn về phía Nhà Thờ

Địa điểm nổi tiếng nhất trên đường Duy Tân chính là Hồ Con Rùa, là giao điểm của 3 con đường Duy Tân – Trần Cao Vân – Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần). Chính giữa ngã 4 là một hồ nước, có đặt tượng rùa bằng đồng (nay đã không còn). Về tổng thể, đây là một khối kiến trúc hình thành một vòng xoay xung quanh, có một cái tháp cao nhất ở giữa nhìn như một bông hoa xoè ra.

Tuy nhiên trước khi Hồ Con Rùa được xây dựng thì vị trí này được gọi là Công Trường Chiến Sĩ, với tượng đài do người Pháp xây.

Đường Duy Tân nhìn về phía Công trường Chiến Sĩ đầu thập niên 1960. Lúc này chưa có Hồ Con Rùa
Đường Blanc Subé (sau 1955 là đường Duy Tân) vào năm 1928
Từ năm 1972, nơi này mang tên Công trường Quốc Tế, và tên này vẫn được sử dụng chính thức cho đến ngày nay
Mặc dù vậy, bởi vì hình tượng con rùa đã ăn sâu vào trong trí nhớ người Sài Gòn, nên ít người gọi địa điểm này bằng tên gọi chính thức, và vẫn gọi là Hồ Con Rùa suốt hơn 50 năm qua, cho dù con rùa này chỉ tồn tại được 10 năm thì bị phá bỏ
Hồ Con Rùa thường là nơi tụ tập của giới trẻ hoặc là nơi hẹn hò của tình nhân
Tòa nhà Clinique Duy Tân được KTS Tô Công Văn thiết kế, nằm ở gần góc Duy Tân – Phan Thanh Giản (nay là Phạm Ngọc Thạch – Điện Biên Phủ). Ngày nay tòa nhà này vẫn còn, là văn phòng của Bộ Y Tế ở số 51 Phạm Ngọc Thạch.

Từ đoạn này cho đến hết đường Duy Tân, cắt với đường Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu) còn một đoạn nữa, nhưng rất tiếc là không có hình cũ nào còn lưu lại. Xin kết thúc bài viết về con đường Duy Tân này bằng hình ảnh ngã 3 Hiền Vương – Duy Tân:

Đường Hiền Vương, cây xăng bên phải nằm ở ngã 3 Hiền Vương – Duy Tân. Ngày nay cây xăng này vẫn còn, thuộc về nhãn hiệu MIPEC

nhacxua.vn biên soạn

Exit mobile version