Những người yêu cổ nhạc (và cả tân nhạc Việt Nam) trước 1975, không ai là không biết tới hãng dĩa Việt Nam của bà Sáu Liên bên đường Võ Di Nguy (nay là đường Hồ Tùng Mậu) bên Chợ Cũ. Đây là nơi đã từng ký hợp đồng với các giọng hát Chế Linh, Thanh Tuyền, Hoàng Oanh, Hương Lan, Giang Tử… các nhạc sĩ Phạm Duy, Anh Việt Thu, Bảo Thu, Trường Sa… Nhưng thành công lớn nhất của hãng dĩa Việt Nam là lăng xê lớp nghệ sĩ cải lương thuộc thế hệ vàng như: Tấn Tài, Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Vương, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Phượng Liên, Thanh Kim Huệ, Thanh Tuấn, Chí Tâm,… đưa họ lên đỉnh cao của đài danh vọng. Cùng với hãng Asia (Việt Thanh, Sóng Nhạc), hãng dĩa Việt Nam là hãng thu thanh cổ nhạc lớn nhất Việt Nam. Trong bài viết trước nhacxua.vn đã nói về lịch sử hãng dĩa Asia của ông Ngô Văn Mạnh, trong bài này xin nói về hãng Dĩa Việt Nam, còn được gọi là công ty Dĩa Hát Việt Nam.
Công ty này đã thừa hưởng sản nghiệp từ tiền thân là hãng dĩa Lê Văn Tài. Chủ nhân Lê Văn Tài sinh năm 1895 tại hạt tham biện Sa Đéc, có thân phụ là nghệ nhân Lê Văn Thanh từng đoạt giải thưởng chế tác kim hoàn ở thành phố Sài Gòn, Đông Dương thuộc Pháp. Gia đình ông sở hữu tiệm tạp hóa kiêm kinh doanh đồ trang sức mang tên Vĩnh Thới Sang, tọa lạc tại số 82 đường Adran (năm 1920 đường này đổi thành Georges Guynemer, năm 1955 đổi thành Võ Di Nguy, năm 1985 đổi tên thành Hồ Tùng Mậu).
Cha của ông Lê Văn Tài tên là Lê Văn Thanh, chủ tiệm Vĩnh Thới Sang, là người tạo lập ra sản nghiệp, vốn giỏi nghề kim hoàn. Ông Tài sinh năm 1895, tới khoảng năm 30 tuổi đã nhận thừa kế lại cửa tiệm của cha, nhưng chuyển hướng sang kinh doanh các loại máy hát, chứ không còn là tiệm tạp hóa chuyên về kim hoàn nữa. Sau đây là bản tin rao vặt mà ông Tài đăng trên Công Luận báo năm 1926:
Sau một dịp cùng vợ về xứ Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho xem hát cải lương, ông Tài đã say mê và quyết tâm chuyển sang kinh doanh máy hát và máy thu thanh, những vật phẩm vốn chỉ dành cho tầng lớp trung lưu trở lên. Dưới đây là hình ảnh ông tài đăng tin rao vặt trên báo chí năm 1927:
Đồng lòng với chồng, bà Ngô Thị Mão, người có nhan sắc và giỏi ngoại giao, chuyên lo giao dịch làm ăn phụ giúp chồng. Sau khi bà Mão qua đời vào năm 1944, ông Tài vì thương nhớ người vợ cùng sở thích nghe cải lương, đờn ca tài tử đã hạ quyết tâm chuyển từ nghề kinh doanh máy hát sang ngành sản xuất dĩa hát.
Năm 1947, hãng dĩa Lê Văn Tài khai trương tại chính mặt bằng của tiệm Vĩnh Thới Sang, số 82 đường Guynemer (Adran cũ).
Ông bà Lê Văn Tài có sáu người con. Trong đó, người con đầu Lê Văn Năng làm xuất nhập cảng và cũng có tiếng trong giới doanh thương Sài Gòn thập niên 1940, nắm giữ 18 môn bài xuất nhập cảng. Người con thứ năm, Lê Thành Kiệt sinh năm 1930 và Lê Ngọc Liên, người thừa kế hãng dĩa Lê Văn Tài, sáng lập ra Hãng Dĩa Việt Nam vào thời vàng son thập niên 1960.
Những người con của ông Lê Văn Tài đã tự tay làm mọi công đoạn từ ghi âm, đóng gói đến dán nhãn. Con trưởng Lê Văn Năng là doanh gia có tiếng thời đó, nắm giữ nhiều môn bài xuất nhập cảng, phụ trách đưa máy móc từ nước ngoài về, được ông Tài cử sang Pháp học ngành ghi âm, sản xuất dĩa hát. Khi về nước ông dạy lại kỹ thuật thu âm cho người em là Lê Thành Lực, và ông Lực phụ trách toàn bộ khâu này kể cả những việc vặt như tạo tiếng động phụ họa. Người con thứ năm là Lê Thành Kiệt dù còn rất trẻ nhưng giỏi giao tế nên được giao làm việc với thầy tuồng, nghệ sĩ thu âm, ban nhạc và các đại lý phát hành. Những người con gái làm việc ghi chép sổ sách.
Nhỏ hơn ông Lê Thành Kiệt 2 tuổi là bà Lê Ngọc Liên, sinh năm 1932, là con thứ sáu nên người ta còn gọi bà là Sáu Liên. Lúc còn phụ giúp cho cha và anh, Ngọc Liên đang học ở trường Tôn Thọ Tường, nay là Ernst Thälmann. Đến năm 1950, ông Lê Thành Kiệt mất sớm khi chỉ mới 20 tuổi vì căn bệnh tim. Đó là số phận khiến Ngọc Liên quyết chí thay anh thân thiết nối nghiệp nhà.
Từ lúc khởi nghiệp, hãng dĩa đã thu rất nhiều giọng ca vàng thời ấy như Tám Thưa, Minh Chí, Năm Phỉ, Phùng Há… Soạn giả Viễn Châu gắn bó với hãng dĩa từ thuở ban đầu. Lúc đầu, ông là thầy đờn, chơi nhạc tài tử cùng ông Lê Văn Tài. Khi hãng dĩa được lập ra, ông Tài chính là người đề nghị Viễn Châu viết kịch bản tuồng. Ông Viễn Châu nghe theo, về viết vở tuồng đầu tay có tên Con Chim Họa Mi mang ra cho ông Tài xem. Tuổng được dựng và từ đó, Viễn Châu trở thành thầy tuồng, trở thành soạn giả nổi tiếng nhất làng cải lương Sài Gòn. Ông Lê Văn Tài cũng gắn bó thân thiết với quái kiệt Trần Văn Trạch và rất được ông Trạch nể nang.
Thời đó cổ nhạc vẫn chiếm lĩnh thị trường dĩa hát, dù tân nhạc được giới trí thức Tây học đón nhận nồng nhiệt nhưng không thể sánh với sự áp đảo của giới mê cổ nhạc. Ban đầu Hãng Dĩa Việt Nam chỉ thu thanh tuồng cải lương, nhưng sau đó cũng bắt đầu làm dĩa tân nhạc, và tạo ra được một bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển của tân nhạc ở Sài Gòn và toàn miền Nam.
Bước ngoặt đó xảy ra năm 1951, chính nhờ khoản tiền tác quyền hậu hĩnh từ hãng Lê Văn Tài trả cho nhạc sĩ Phạm Duy lúc đó còn ở Hà Nội, đã góp phần thôi thúc ông đưa đại gia đình di cư vào miền Nam với niềm tin sẽ sống được bằng nghề âm nhạc. Sự xuất hiện của Phạm Duy ở Sài Gòn, cùng với gia đình, họ hàng hai bên, là những người mang lại một làn gió mới cho tân nhạc ở Sài Gòn, góp phần không nhỏ làm cho nó sôi động hơn sau đó.
Nhạc sĩ Phạm Duy kể lại trong hồi ký:
“… khi tôi tới gặp chủ nhân một hãng sản xuất đĩa hát Việt Nam là Lê Văn Tài thì tôi được lĩnh trước một số tiền tác quyền khá lớn. Tân Nhạc ở Saigon lúc này đã có đất sống. Trước kia, các hãng sản xuất đĩa hát chỉ thu thanh cổ nhạc, nay đã khởi sự thu thanh tân nhạc”. Từ đó, Phạm Duy yên tâm vì: “Tôi thấy rằng nếu vào Nam sinh sống, tôi còn có thể tổ chức cho gia đình đi hát ở mọi nơi, nếu chúng tôi thành lập được một ban hợp ca và phối hợp với một ban kịch nhỏ. Chúng tôi sẽ có thể sống bằng nghề âm nhạc, một nghề rất độc lập…” và rồi ông trở ra Hà Nội, dùng số tiền lãnh trước của hãng Lê Văn Tài để mua vé máy bay cho tất cả mọi người đi vào miền Nam.
Tác giả Phạm Công Luận nhận định Hãng dĩa Lê Văn Tài đã là cú hích quan trọng khiến nhạc sĩ này mạnh dạn vào sống trong Nam, tham gia đời sống văn nghệ và giữ vai trò lớn trong sáng tác ca khúc trên quê hương mới. Xem lại cuốn sổ ghi chép công việc của hãng dĩa Lê Văn Tài giai đoạn này, thấy có rất nhiều ghi chú liên quan đến Ban hợp ca Thăng Long và các nhạc sĩ Phạm Duy, Phạm Đình Chương, các ca sĩ Thái Thanh, Thái Hằng, Khánh Ngọc với các ca khúc Quê nghèo (Thái Thanh hát), Viễn du (Phạm Duy và ban Thăng Long), Tình ca (Phạm Duy và Thái Thanh ca)… Các ca khúc của nhạc sĩ khác cũng được thu âm như Hội nghị Diên Hồng, Quân lên đường (Lưu Hữu Phước), Tiếng hát sông Lô (Văn Cao), An Phú Đông (Lê Bình)…
Năm 1961, bà Lê Ngọc Liên kết hôn với ông Nguyễn Văn Phương là giáo viên tiếng Anh.
Năm 1964, ông Lê Văn Tài qua đời. Năm 1965, Sáu Liên cùng người em gái là Lê Ngọc Diệp xuất bản dĩa tân nhạc dưới nhan đề Việt Nam nhạc tuyển.
Năm 1968, bà Liên lập công ty Dĩa Hát Việt Nam, đặt trụ sở tại số 101 Võ Di Nguy, quận Nhứt, đô thành Sài Gòn, kế bên trụ sở cũ hãng Lê Văn Tài. Biểu trưng công ty là dòng chữ “Dĩa Hát Việt Nam” quây tròn trong hình đĩa nhạc, còn biểu trưng khi in trên bìa sản phẩm thường chữ từ “Việt Nam” được chen là hình bản đồ phần đất liền Việt Nam, tương quan hình thức với hãng Lê Văn Tài.
Cũng tại số nhà này bà lập thêm nhà in cỡ nhỏ tên là Offset Vietnam để in offset bìa băng đĩa và các tập cổ nhạc khổ nhỏ, giá rẻ, dù ít trang nhưng bán rất chạy do đúng thị hiếu của giới bình dân, làm lan rộng phong trào nghe, hát cổ nhạc.
Chị Loan, con bà Sáu Liên kể: “Chỉ cần in những cuốn ca cổ nhỏ xíu thôi, má tôi nuôi được cả nhà vì bán rất đắt hàng!”.
Cơ ngơi ở số 82 Võ Di Nguy (đường Guynemer cũ, trụ sở của hãng dĩa Lê Văn Tài trước đó) do một vài anh chị em ruột khác dùng kinh doanh dĩa hát các loại, có bán cả băng nhạc Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh.
Dĩa Hát Việt Nam đã có một kì công rất lớn khi đã lăng xê lớp nghệ sĩ thuộc thế hệ vàng như: Tấn Tài, Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Vương, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Phượng Liên, Thanh Kim Huệ, Thanh Tuấn, Chí Tâm,… Họ đều nối bước về làm giọng ca độc quyền cho hãng, với giá trị hợp đồng vài lượng vàng, chưa tính tiền thu từng bài và số tiền còn liên tục tăng, được hãng lăng xê thành công lên đài danh vọng. Thể loại tân cổ giao duyên hết sức ăn khách, được tái bản rất nhiều lần. Nhờ đầu óc tổ chức tốt, thêm chủ trương đặt hàng soạn giả viết bài kiểu “đo ni đóng giày” căn theo giọng từng nghệ sĩ mà Dĩa Hát Việt Nam có phần lấn lướt nhiều hãng dĩa khác như hãng dĩa Asia, hãng Continental, hãng Việt Hải, hãng Hồng Hoa,… Việc ghi âm, mời nghệ sĩ đều do bà Liên đảm trách, còn việc giao tế, lăng xê trên phương tiện truyền thông là nhờ ông Phương chồng bà. Bà Liên có năng khiếu thẩm âm rất tốt, nếu ca chinh dây hoặc lỗi nhịp thì bà đã phát hiện trước cả nhạc sĩ.
Thời đó, Nghệ sĩ Tấn Tài được mệnh danh là “Hoàng đế dĩa nhựa”, còn Phượng Liên và Mỹ Châu được đánh giá là “2 bà hoàng băng đĩa” bởi họ đều là giọng ca độc quyền được bà Liên hết mình lăng xê và có số lượng thu âm với mức cát xê cao nhất thời đó.
Đầu thập niên 1970, trong bối cảnh công nghệ ghi âm băng nhựa tràn vào Việt Nam, cả tân cổ giao duyên và tân nhạc đều được hãng dĩa Việt Nam thu âm bằng băng magnetophone (băng cối – băng ma nhê). Ngoài ra, hãng chủ trì thu âm và phát hành một số băng nhạc theo chủ đề cũng như nhiều băng nhạc thương hiệu riêng của ca sĩ Chế Linh, Thanh Tuyền,… Ví dụ về băng chủ đề của hãng có Việt Nam 1 – Miên Đức Thắng và tiếng hát Việt Nam, Việt Nam 2 – Thương quá Việt Nam, Việt Nam 3 – Rạng đông trên quê hương Việt Nam, còn băng thương hiệu ca sĩ có băng Chế Linh và tình bơ vơ, Tiếng hát Thanh Tuyền 2,…
Có thể nói, trong thời vàng son của dĩa hát (dĩa nhựa vinyl), Hãng dĩa Việt Nam đã hợp tác với hầu như tất cả những nghệ sĩ nổi tiếng nhất của cả tân nhạc lẫn cổ nhạc, góp phần lớn thúc đẩy sự phát triển nghệ thuật ở miền Nam.
Sau năm 1975, hãng Dĩa Hát Việt Nam ngừng hoạt động. Trong cuộc cải tạo công thương nghiệp năm 1978, các sản phẩm gốc được vứt giấu ở gầm giường nhà người quen xóm lao động trong thời gian nhà đương cục thực hiện tiêu hủy văn hóa phẩm, còn công ty bị quốc hữu hóa vào hợp tác xã. Cơ sở quốc doanh này làm ăn thua lỗ, máy móc hư hỏng. Bà Liên chỉ có thể cố gắng hợp tác với một đài truyền hình địa phương ở vùng Tây Nam Bộ để phát một số bài ca tân cổ hoặc tuồng cải lương được cho phép lưu hành.
Năm 1991, bà Liên quay lại sản xuất băng đĩa dưới giấy phép của Xí nghiệp Băng nhạc Đồng Tháp, làm lại các tuồng cũ từng một thời vang danh như Lan và Điệp, Người tình trên chiến trận, Đêm lạnh chùa hoang, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Tâm sự loài chim biển, Máu nhuộm sân chùa, Đường gươm Nguyên Bá,… và lăng xê thêm những giọng ca mới như Châu Thanh, Phượng Hằng, Cẩm Tiên, Linh Huệ, Vũ Linh, Tài Linh,…
Dĩa Hát Việt Nam và bà Liên đã gìn giữ hàng nghìn bản thu âm ca cổ có giá trị. Các tác phẩm ghi lại tài năng của nhạc công và soạn giả được trân trọng, từ đó các thanh âm của những danh cầm như Văn Vĩ, Năm Cơ, Chín Trích, Hai Thơm, Sáu Tửng, Tư Huyện, Văn Giỏi,… các vở tuồng cải lương của Mộc Linh, Yên Lang, Nguyên Thảo, Loan Thảo, Yên Ba,… được bảo tồn. Bà cũng bỏ tiền chuyển các sản phẩm analog sang CD kỹ thuật số, nhưng hoạt động kinh doanh gần như đã đóng băng. Khi bà Liên đã già yếu, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dĩa Hát Việt Nam ngày nay thuộc quyền quản lý của người con gái.
nhacxua.vn biên soạn