“Lá Diêu Bông” – Một mối tình đơn phương lãng mạn 90 năm trước

Thi ca và âm nhạc có mối giao cảm, giao hòa về ngôn ngữ và âm điệu. Trong thơ có nhạc; và ca khúc đôi khi trở thành bài thơ tuyệt vời. Âm nhạc có tính cách phổ thông, đại chúng, gần gũi với con người trong sinh hoạt cuộc sống… nhiều ca khúc đã làm sống lại, quen thuộc tên tuổi tác giả của bài thơ được phổ nhạc… Cung bậc của Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến… chuyên chở dòng thơ của Cung Trầm Tưởng, Quang Dũng, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Tất Nhiên, Du Tử Lê… trở thành thân quen.

Bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan sáng tác sau gần mười năm thương nhớ người vợ đầu đời vĩnh viễn ra đi bởi dòng nước cuốn trôi. Nhạc sĩ Phạm Duy & Dzũng Chinh đã làm sống lại tên tuổi nhà thơ có số phận lênh đênh này. Cho đến tuổi gần đất xa trời, trải qua vài thập niên xa vắng, nhà thơ đã bật khóc khi nghe lại ca khúc được phổ nhạc như khi “biết tin em gái mất”. Dòng nhạc đã khơi dậy trong hồn nhà thơ niềm rung cảm dạt dào, vô biên. Hình ảnh “người em gái” lúc làm học trò mới 8 tuổi đã in dấu ấn tình cảm trong trái tim nhà giáo Hữu Loan, tuổi đời tròn 24. Khác với Hữu Loan, Hoàng Cầm mới 8 tuổi đã mang tâm hồn lãng mạn, con tim ngất ngây rung động; cậu học trò gieo mối tình si với người con gái tuổi trăng tròn. Mối tình đó được trang trải cho đời qua hình ảnh “Lá Diêu Bông”.

Thi sĩ Hoàng Cầm, tên thật: Bùi Tằng Việt. Sinh năm 1921, làng Phúc Tằng, Việt Yên, Bắc Ninh – quê hương nổi tiếng của Quan Họ Kinh Bắc. Yêu thơ văn từ thuở học trò; lớn lên, Hoàng Cầm không thích nghề giáo nên dấn thân vào con đường kịch nghệ & thi ca.

Vào thập niên 1940, Hoàng Cầm nổi danh với tác phẩm kịch nghệ như Lên Đường, Kiều Loan, Viễn Khách, Hận Nam Quan… Năm 1945, kịch thơ Kiều Loan ra đời, diễn viên Tuyết Khanh đóng vai Kiều Loan. Và mối tình thơ mộng của Hoàng Cầm – Tuyết Khanh đã cho ra tác phẩm bằng xương bằng thịt: Kiều Loan.

Năm 1954, Tuyết Khanh & Kiều Loan di cư vào Nam, năm 1982, hai mẹ con định cư tại Hoa Kỳ.

Người bạn đời thứ hai của Hoàng Cầm là Lê Hoàng Yến được nối kết sau vài năm xa cách Tuyết Khanh. Sau khi thọ án Nhân Văn Giai Phẩm, Hoàng Cầm về chung sống cùng người phối ngẫu, mở quán nước ở 43 Lý Quốc Sư, Hà Nội, sống độ nhật qua ngày.

Đó là hai người tình, bạn đời chính thức của Hoàng Cầm.

Năm 1989, tập kịch Men Đá Vàng được xuất bản ở Sài Gòn, sau gần nửa thế kỷ im bóng.

Về thi ca, Hoàng Cầm sáng tác được 2 tập: Bên Kia Sông Đuống & Về Kinh Bắc. Cho đến năm 75 tuổi, chọn lọc trong khoảng 300 bài thơ liên quan đến hình ảnh 13 người đẹp đi vào trái tim với “Thơ Hoàng Cầm – 99 Tình Khúc”. Theo nhà thơ: “Tôi biết ơn tất cả những người con gái đã đi qua đời tôi, đã gieo gió bão trên cánh đồng thi ca của riêng tôi”.

Trước kia Hoàng Cầm gắn liền với hình ảnh Kiều Loan. Ngày nay, bài thơ Lá Diêu Bông, rất ngắn nhưng đã làm sống lại tên tuổi Hoàng Cầm, ngay cả hải ngoại.

Có bài thơ đã vượt không gian và trường tồn với thời gian vào quảng đại quần chúng; chẳng hạn, Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu.

Ngày xưa, thi hào Lý Bạch xem bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu cùng thời Thịnh Đường ở Trung Hoa, ngưỡng mộ phóng bút: “Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc?. Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu!”. Hoàng Hạc Lâu làm sống mãi tên tuổi Thôi Hiệu trải qua nghìn năm sau. Hoàng Hạc Lâu được rất nhiều thi sĩ Việt Nam dịch, cảm tác từ thời tiền chiến cho đến nay, trong tâm trạng con người lưu vong khắp bốn phương trời.

Lá Diêu Bông là “lá tưởng tượng” để bày tỏ ẩn tình bi thương, chất ngất. Ẩn tình đó được phổ biến qua tiếng hát với cung đàn.

Làng Đình Bảng, Bắc Ninh tuy là miền quê nhưng cũng là “nơi đàn bà con gái đa tình, sóng sánh mắt lá răm” trông mòn con mắt. Trong bài Lá Diêu Bông, mở đầu, Hoàng Cầm đã viết “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng” để phác họa hình ảnh địa phương với bóng dáng trang phục diễm kiều của người gái quê. Năm Hoàng Cầm lên 8 tuổi, từ tỉnh lỵ trọ học, trở về thăm nhà, gặp người con gái 16 tuổi – tên Vinh – yêu kiều trong chiếc váy bước vào hàng xén của thân mẫu Hoàng Cầm, cậu bé 8 tuổi quá lãng mạn đã bị “tiếng sét ái tình” ngay tức khắc.

Tiếng sét ấy đã đi sâu vào trái tim, gần 70 năm sau, Hoàng Cầm tâm sự: “Trước mắt tôi, chị hiện ra sáng rực rỡ như một thiên thần. Ngay lập tức, hồn tôi bị chị chiếm đoạt đến đau điếng. Kể từ giây phút định mệnh ấy, tôi mê man chị chẳng còn biết trời đất, ất giáp, quên hết học hành, sách vở, suốt ngày chỉ ngong ngóng sang bên kia đường số I, xê xế nhà tôi khoảng 20 mét, nơi thiên thần của tôi ngồi bán quán nghèo, phố nhỏ đìu hiu, tỉnh nhỏ… Tôi phải lòng chị, cứ thế giăng mắc tơ tình quanh chị suốt 4 năm trời, đến năm tôi 12 tuổi thì chị đi lấy chồng”.

Người con gái đó biết được mối tình si của cậu bé học trò. Thế nhưng “Chị vẫn dứt áo ra đi. Đi lấy chồng. Tôi mất tăm chị, đầu non cuối bể tôi đi tìm, không thấy. Biền biệt tăm cá bóng chim…”. Theo Hoàng Cầm, Lá Diêu Bông “là chiếc lá huyền thoại, chiếc lá ngây thơ về một tình yêu đầy mộng mị thời thơ ấu”. Chiếc lá ấy mang theo hình ảnh có thật với Hoàng Cầm: “Tôi còn nhớ mồn một buổi chiều mùa đông… Chị đi về phía cánh đồng chiều còn trơ cuốn rạ. Những dãy núi xanh xanh mờ xa in hình như dao khắc trên nền trời cuối hoàng hôn. Bí mật, tôi lặng lẽ lần theo chị. Tôi thấy chị thẩn thờ tìm đồng chiều. Cuống rạ. Rồi chị lẩm bẩm một mình, dầu chị biết chắc tôi lẵng nhẵng sau lưng: Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông, từ nay ta gọi là chồng…”.

Mang hình ảnh đó những 25 năm sau, bài thơ Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm mới ra đời.

“Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều,
Cuống rạ.

Chị bảo:

Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng.

Hai ngày em đi tìm thấy lá
Chi chau mày:
Đâu phải Lá Diêu Bông.

Mùa Đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu,
Trông nắng vãn bên sông.

Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ cắm trôn kim.

Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt chị không nhìn.

Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể.
Gió quê vi vút gọi.

Diêu Bông hời… ới Diêu Bông!”.

Bài thơ gọi chị và em vì vậy nhiều người cứ nhầm tưởng hình ảnh hai chị em gái; thật ra, giữa tác giả với “người tình” nơi cố quận. Lá Diêu Bông ra đời từ năm 1959, bí ẩn đó kéo dài gần 4 thập niên, tác giả mới tâm sự nỗi niềm.

Nhạc sĩ cảm tác, rung động với hồn thơ để sáng tác. Và “thiên tình sử” Lá Diêu Bông được nhạc sĩ Phạm Duy viết thành ca khúc Lá Diêu Bông ở hải ngoại vào giữa thập niên 1980 trong tuyển tập “Thấm Thoát Mười Năm”, xuất bản năm 1985. Phạm Duy dùng nguyên văn bài thơ để viết nhạc, chỉ bỏ vài câu đầu từ “Váy…” đến “Chị bảo:”. “Đứa nào tìm được lá diêu bông… Diêu bông hời, hời hỡi diêu bông” và thêm hai câu cuối vào bài hát: “Em đi trăm núi nghìn sông! Nào tìm thấy lá diêu bông bao giờ…”. Nhạc phẩm Lá Diêu Bông nầy mang âm hưởng, sắc thái mới lạ, khó hát nên ít được phổ biến.


Lá Diêu Bông (Phạm Duy) – Ý Lan

Đầu thập niên 1990, ở trong nước, Trần Tiến phổ biến bài nầy mang âm điệu dân ca, bình dân, được nhiều ca sĩ trình bày; vì vậy, đã có nhiều sự nhầm lẫn về tác giả bài thơ khi nghe bài hát Sao Em Nỡ Vội Lấy Chồng. Trần Tiến đã làm ngộ nhận nhân vật, nhưng làm nổi tiếng tên tuổi Lá Diêu Bông:

“Lời ru buồn nghe mênh mông, mênh mông, sau lũy tre làng kiến lòng tôi xôn xao.
Ngày lấy chồng em đi qua con đê, con đê mòn lối cỏ về, có chú bướm vàng bay theo em.
Bướm vàng đã đậu cây mù u rồi, lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn.

Ru em, thời thiếu nữ xa xôi; còn đâu bao đêm trăng thanh, tát gàu sòng vui bên anh.
Ru em, thời con gái kiêu sa, em đố ai tìm dược lá diêu bông, em xin lấy làm chồng.

Ru em, thời thiếu nữ xa xôi, mình tôi lang thang muôn nơi, đi tìm lá cho em tôi.
Ru em, thời con gái hay quên, thương em tôi tìm được lá diêu bông, sao em nỡ vội lấy chồng…
Diêu bông hỡi diêu bông, sao em nỡ vội lấy chồng”.


Sao Em Nỡ Vội Lấy Chồng (Trần Tiến) – Mạnh Đình Như Quỳnh

Hình ảnh Lá Diêu Bông với tơ lòng nhà thơ đắm say trong trường tình. Với hình ảnh người bạn đời Tuyết Khanh, Hoàng Yến; với cả mười người tình đi qua đời, qua trái tim; hình ảnh người con gái quê Đình Bảng vẫn là “đẹp nhất trần gian” ghê thật!.

Hoàng Cầm, nghệ sĩ sống thật với cõi lòng. Qua bao nhiêu đau thương, biến động dồn dập trong cuộc sống, Hoàng Cầm vẫn mang nặng tâm hồn nghệ sĩ, chấp nhận tất cả mọi hệ lụy để sống còn và sáng tác. Trôi nỗi giữa cuộc sống phong ba, bão táp, nhà thơ Sông Đuống có lẽ bị hai cú “shock” mạnh nhất là ngày chị Vinh đi lấy chồng lúc ông 12 tuổi và ngày Bùi Thị Hoàng Yến – đứa con thân yêu nhất – vĩnh viễn ra đi khi 63 tuổi đã làm Hoàng Cầm “hoàn toàn sụp đổ, hàng tháng sau vẫn chỉ là cái xác vật vờ, lờ lững mà thôi”!.

Đọc Lá Diêu Bông, nghe Lá Diêu Bông… một mối tình đơn phương đầy lãng mạn, một huyền thoại về hình ảnh chiếc lá biểu tượng cho tình yêu chất ngất, rướm máu… Chỉ có Hoàng Cầm đam mê, nóng bỏng, lãng mạn của kiếp đời nghệ sĩ.

Nếu so sánh Hán Quang Võ đa tình, đa cảm… mẫn mê với thở Lệ Quyên “thơm như hoa lan”, giữa Ôn Như Hầu (tác giả Cung Oán Ngâm Khúc…) và Dục Đức (Tự Đức) (tác giả Ngự Chế Việt Sử tổng vịnh tập, Luận ngữ Diễn Ca…) cách nhau một thế kỷ còn mập mờ tranh nhau hình ảnh Thị Bằng – “Đập cổ kính ra tìm bóng cũ. Xếp tàn y lại để dành hơi” – thì Lá Diêu Bông có lẽ tha thiết, nặng tình, bi thương hơn bội phần. Nếu so sánh với tuổi yêu đương, có lẽ Hoàng Cầm đứng đầu danh sách nghệ sĩ.

Với “thiên tình sử” Lá Diêu Bông, với Hoàng Cầm, người nghệ sĩ từng bị chôn vùi tâm hồn lãng mạn… nhưng vẫn giữ được trái tim rực lửa như thuở học trò với người gái quê Kinh Bắc.

Nguồn: Vương Trùng Dương

Exit mobile version