La Dalat – Nhãn hiệu xe hơi đầu tiên “Made in Vietnam”

Hiện nay, Việt Nam đang ở thời kỳ bắt đầu tự sản xuất xe hơi mang thương hiệu Việt, từ vài năm qua đã có những chiếc xe hiệu Vinfast lăn bánh trên đường phố. Tuy nhiên đây không phải là thương hiệu xe hơi đầu tiên của Việt Nam, trước đó đã có Vinaxuki, và nửa thế kỷ trước ở Sài Gòn đã có xe mang thương hiệu là La Dalat có 40% kết cấu do người Việt chế tạo (thời điểm năm 1975). Đó là một con số rất đáng kể, vì cho đến tận ngày nay, mục tiêu của ngành ô tô Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025 là đạt tỷ lệ nội địa hóa 40 – 45%, còn trước đó chủ yếu là chỉ lắp ráp từ linh kiện, phụ tùng nhập khẩu.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click
Công ty Xe Hơi Sài Gòn ở góc đại lộ Thống Nhứt – Duy Tân (nay là Lê Duẩn – Phạm Ngọc Thạch)

La Dalat là xe hơi đầu tiên được sản xuất ở Nam Việt Nam do hãng Citroën của Pháp sản xuất thông qua công ty con là Công ty xe hơi Sài Gòn, có trụ sở tại tòa nhà ở vị trí ngày nay là Diamond Plaza. Loại xe này được chế tạo năm 1969 và tung ra thị trường vào năm 1970, dành riêng cho người Việt, được mô tả là ít tốn xăng, dễ sửa chữa và thay thế phụ tùng so với các dòng xe ngoại đương thời.

Nhìn lại các hình ảnh đường phố Sài Gòn những năm 1970-1975, dễ dàng nhìn thấy xuất hiện rất nhiều bóng dáng chiếc xe mạnh mẽ, với màu xanh nhạt đặc trưng của La Dalat. Xe tiện dụng, giá rất rẻ (so với xe nhập) và mang thương hiệu Việt, phù hợp với công chức trung lưu thời đó.

La Dalat màu xanh đặc trưng trên đường phố Sài Gòn xưa

Hãng Citroën của Pháp đã có mặt ở Sài Gòn từ thập niên 1930, với các dòng xe phục vụ cho quan chức người Pháp cùng tầng lớp thượng lưu người Việt. Mãi cho đến giữa thập niên 1960, Citroën quyết định đầu tư chế tạo một loại xe hơi bình dân ở ngay tại Việt Nam để đánh vào phân khúc khách hàng trung lưu. Những gia đình thuộc tầng lớp này chủ yếu đi xe máy, và Citroën mong muốn cho ra đời một chiếc xe hữu dụng nhưng giá thành rẻ, hợp túi tiền của họ.

Từ nhu cầu đó, chiếc La Dalat (dựa theo tên thành phố Đà Lạt) được thực hiện dựa theo mẫu mã của chiếc Méhari và Baby Brousse từng rất thành công ở các thuộc địa cũ của Pháp. La Dalat được thiết kế với 4 kiểu dáng khác nhau gồm những bộ phận quan trọng được nhập từ Pháp như động cơ, hệ thống tay lái, bộ nhún, bộ thắng…

Ngoài ra, tất cả các chi tiết, bộ phận còn lại gồm đèn, kèn báo hiệu, ghế nệm, dàn đồng đóng bằng tôn, mui xe bằng lá thép uốn hoặc vải… được sản xuất ngay tại Công ty Xe hơi Saigon. Vào cuối thập niên 60, đây là dấu ấn quan trọng, đặt nền móng cho ngành sản xuất ôtô của Việt Nam.

Quảng cáo bán xe La Datlat tại Sài Gòn năm 1973

Xe La Dalat muốn chiếm lĩnh phân khúc khách hàng trung lưu của Việt Nam nên có những đặc tính như ít tốn nhiên liệu, dễ sửa chữa, dễ thay thế phụ tùng. Đặc biệt, các bộ phận như cánh cửa, kiếng xe… đều có thể “tự chế” từ những xưởng cơ khí thủ công rẻ tiền. Lúc đó phương châm của hãng xe là “Facile À Fabriquer, Facile À Financer” (Dễ sản xuất, Dễ trả tiền). Do chế tạo thủ công nên hình dáng xe không được bắt mắt như các dòng xe nhập, nhưng đó không phải là vấn đề quan trọng đối với những người vốn chỉ cần một chiếc xe hơi để che mưa che nắng.

Xe La Dalat không chỉ có một loại duy nhất, mà có nhiều loại và nhiều hình dáng, trong đó loại rẻ nhất là có mui bằng bạt, không có cửa kính ở 2 bên xe, nhìn hơi giống xe jeep, nhưng khung xe có độ an toàn thấp. Loại xe này giá vừa tầm hơn so với loại có cửa kính và mui như thông thường, giá lúc mới ra khoảng 360 ngàn, sau đó tăng lên khoảng 500-600 ngàn.

Loại xe La Dalat không kính và mui bạt, có thể tháo ra thành mui trần.
Logo của La Dalat
Trụ sở của Saigon Xe Hơi Công Ty, nơi sản xuất xe La Dalat. Vị trí này ngày nay là Diamond Plaza

Về các thông số kỹ thuật của xe La DaLat, có động cơ 4 thì, 602 phân khối, 31 mã lực, 2 xi-lanh đối ở 2 đầu nằm dẹp. Xe có hộp 4 số tay, truyền động trục bánh trước. Trọng lượng xe đầu tiên là khoảng từ 480 đến 590 kg (tùy theo kiểu dáng), kiểu xe thùng nặng 770 kg.

Xe La DaLat đuợc đăng trên báo xe hơi thế giới của Pháp AutoJournal xuất bản năm 1971

Dù La Dalat là sở hữu của hãng Citroën bên Pháp, nhưng vì dòng xe này được lắp ráp tại nhà máy Sài Gòn Xe Hơi Công Ty ở Sài Gòn, có tỉ lệ nội địa hóa khá cao (khoảng 40%), nên nhiều người Việt Nam vẫn coi La Dalat là xe hơi “made in Vietnam”, là niềm tự hào của Việt Nam nửa thế kỷ trước.

Bên trong một chiếc La Dalat với các chi tiết khá thô sơ.

Khi mới ra, xe La Dalat thu hút được sự chú ý lớn và bán khá chạy, tuy nhiên càng sau này càng “hụt hơi” và bị tồn kho nhiều. Thực tế thì doanh số trung bình mỗi năm bán được là 1000 chiếc xe cũng là rất nhỏ so với xe ngoại nhập. (Thông tin thống kê được là La Dalat bán được 5000 xe kể từ 1970 đến 1975). Có lẽ là bởi vì khi mới sản xuất, xe này tập trung vào phân khúc giá rẻ, tuy nhiên càng về sau chi phí tăng lên đáng kể, giá bằng 1 nửa so với xe mới ngoại nhập, mà thời đó người ta chuộng xe cũ của Mỹ, Nhật, Âu hơn, giá mềm hơn.

Mặc dù không được thành công như mong đợi, nhưng dù sao đi nữa thì La Dalat cũng đã đi vào lịch sử ngành xe hơi Việt Nam như là thương hiệu xe “made in Vietnam” đầu tiên.

Triển lãm xe năm 1973

Sau năm 1975, những mẫu xe La Dalat vẫn còn lưu hành trên toàn nước Việt và trở thành cả một gia tài với ai được sở hữu. Sau đây là một bức hình khoảng năm 1976, ghi băng rôn: “Niềm vui cả nước, sum họp Bắc Nam, xe Dalat ta làm nối liền Nam Bắc”.

nhacxua.vn biên soạn

Exit mobile version