Ký ức về tuổi thơ nơi đồng ruộng trong ca khúc “Em Bé Quê” của nhạc sĩ Phạm Duy: “Ai bảo chăn trâu là khổ…”

Trong lĩnh vực tân nhạc Việt Nam suốt hơn 80 năm qua, có lẽ là không có bất kỳ một nhạc sĩ nào có thể sánh bằng nhạc sĩ Phạm Duy về số lượng ca khúc được yêu thích và sự đa dạng thể loại, chủ để trong sáng tác. Trong tất cả các địa hạt liên quan đến âm nhạc, nhạc sĩ Phạm Duy luôn hiện diện, từ nhạc tiền chiến, dân ca, tình ca, du ca, nhạc phim, nhạc trẻ… đến các chủ đề mà ông đặt tên là bình ca, tâm ca, hương ca, tâm phẫn ca, đạo ca, thiền ca, rong ca, nữ ca, và có cả “bé ca”, những ca khúc dành cho thiếu nhi: Em Bé Quê, Ông Trăng Xuống Chơi, Thằng Bờm Có Cái Quạt Mo, Một Đàn Chim Nhỏ, Đưa Bé Đến Trường,... Trong số này, ca khúc Em Bé Quê là một ca khúc đặc biệt, ra đời trong hoàn cảnh đất nước vừa gẫy gánh chia đôi, đan xen trong những lời ca hồn nhiên, vui tươi, trẻ thơ là những tâm tư nghĩ suy cho quê hương đất nước.

Ca khúc này cũng nằm trong loạt 3 ca khúc mang tình tự dân tộc mà nhạc sĩ Phạm Duy gọi là nhạc Hương Quê, là biểu tượng cho quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc, đó là Em Bé Quê, Vợ Chồng Quê, Bà Mẹ Quê, được Tinh Hoa Xuất Bản ấn hành năm 1954.


Click để nghe Ban Thăng Long hát Em Bé Quê – Vợ Chồng Quê – Bà Mẹ Quê khoảng cuối thập niên 1950

Trong chùm 3 ca khúc này, nếu như Bà Mẹ Quê tượng trưng cho sự hy sinh, lòng kiên nhẫn, là biểu tượng của quá khứ, còn Vợ Chồng Quê tượng trưng cho tình yêu, sức sống, niềm hạnh phúc ngập tràn trong cuộc đời bình dị, là biểu tượng của hiện tại… thì Em Bé Quê là mầm non của đất nước, biểu tượng của tương lai:

Ai bảo chăn trâu là khổ
Chăn trâu sướng lắm chứ
Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau
Và miệng hát nghêu ngao

Các em bé thành thị và cả ở nhiều miền quê ngày nay hầu như không thể hình dung được công việc chăn trâu là như thế nào. Nhưng vào thời xưa, công việc chăn trâu là công việc thường nhật, quen thuộc của các em bé quê. Hình ảnh cậu bé ở trần ngồi vắt vẻo trên lưng trâu thổi sáo trong bức tranh Đông Hồ nổi tiếng đã đi vào tiềm thức của người Việt như một dấu ấn văn hoá đậm sâu, thể hiện tinh thần vui tươi, lạc quan của người Việt. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng không ngoại lệ, ông đưa tinh thần, tư tưởng đó vào trong âm nhạc của mình một cách tự nhiên và dí dỏm.

Mở đầu bài hát là tinh thần lạc quan, yêu đời vốn có của con người Việt Nam, thể hiện ngay cả với một em bé chăn trâu ở đồng quê. Các em bé không thấy chăn trâu cực nhọc mà xem như một thú vui tao nhã: “ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau và miệng hát nghêu ngao”. Vui với đàn trâu nhưng kẻ mục đồng cũng không quên nhiệm vụ học tập chăm chỉ của mình:

Vui thú không quên học đâu
Nằm đồi non gió mát
Cất tiếng theo tiếng lúa đang reo
Em đánh vần thật mau

Chiều nghe tiếng diều
Trên bờ đê vắng xa
Đường về xóm nhà
Chữ i, chữ tờ

Lùa trâu nhốt chuồng
Gánh nước nữa là xong
Khoai lùi bếp trấu
Ngon hơn là vàng

Nửa đầu ca khúc tái hiện một ngày bình thường của những em bé quê, sáng đi học, chiều đi chăn trâu, sẩm tối thì lùa trâu về chuồng, rồi phụ giúp cha mẹ gánh nước. Sau một ngày vất vả mệt nhọc, bụng đói nên chỉ cần củ khoai lùi bếp trấu nóng hổi, thơm lừng, là đã “ngon hơn là vàng”. 

Em mới lên năm, lên mười
Nhưng em không yếu đuối
Thầy mẹ yêu cũng vì trẻ thơ
Làm việc rất say sưa

Em biết yêu thương đời trai
Đời hùng anh chiến sĩ
Ước mong sao em lớn lên mau
Vươn sức mạnh cần lao

Những cô bé cậu bé mới lên 5, lên 10 tưởng như vẫn còn hồn nhiên, vô tư lự nhưng đã thấp thoáng những suy tư sâu sắc. Dù vất vả lao động, nhưng em không hề than van yếu đuối ngược lại còn yêu thương và cảm thông với nỗi vất vả của cha mẹ. Em biết trân trọng và ghi ơn những người chiến sĩ hùng anh đã hy sinh đời trai cho quê hương đất nước, đồng thời nuôi trong mình khát vọng mau chóng lớn khôn để “vươn sức mạnh cần lao”, để làm được nhiều điều cho quê hương xứ sở.

Kìa trăng sáng ngời
Đêm rằm Trung, Trung Thu
Đời vui trống giòn
Tiếng ca lẫy lừng

Từ ngõ ngách làng
Đèn đuốc rước triền miên
Bao người đóng góp
Vui chung một miền

Trâu hỡi trâu ơi đi cầy
Trâu ơi đi cấy nhé
Đồng ruộng kia, với đồi cỏ kia
Là của những dân quê

Em bé dân quê Việt Nam
Là mầm non tươi thắm
Sức mai sau xây đắp quê hương
Cho nước giàu mạnh hơn

Vàng lên cánh đồng
Khi trời vươn ánh dương
Trẻ thơ lớn dậy
Giữ quê, giữ vườn

Đời vui thái bình
Cây lúa sớm trổ bông
Cỏ ngàn thơm phức
Trâu ăn đầy đồng…


Click để nghe Quang Bình – Trang Thanh Hát hát Em Bé Quê

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version